dimanche 2 octobre 2022

Bông Lau - Ghế thoát hiểm máy bay F-16

 

Chúng ta đừng quên năm 2014, khi thiết giáp Nga húc sập cổng doanh trại quân sự của Ukraine ở bán đảo Crimea và tràn vào, thì hàng loạt binh sĩ Ukraine đầu hàng mà không bắn một phát súng nào.

Sau biến cố đó thì tình báo CIA và MI6 của Anh Quốc bắt đầu nhập cuộc, Biệt Kích Mỹ và SAS của Anh huấn luyện, cung cấp một số võ khí tối tân cho Ukraine để chống lại phiến quân ly khai ở miền đông do Liên Bang Nga giựt dây.

Dĩ nhiên sự thành công của quân đội Ukraine ngày hôm nay căn bản vẫn là lòng yêu nước, nhưng không thể thiếu yếu tố quan trọng là các thành phần lãnh đạo can trường ở thượng tầng.

Một yếu tố then chốt để Ukraine vẫn còn đứng vững cho tới ngày hôm nay là nhờ Hoa Kỳ và NATO tiếp tục yểm trợ. Một phần là do viện trợ kinh tế - nhân đạo của Mỹ để xã hội Ukraine không bị sụp đổ. Phần còn lại quyết định sự thành công trên chiến trường là nhờ võ khí tối tân.

Nếu Tổng Thống Joe Biden tích cực hơn trong vấn đề cung cấp võ khí tối tân trong thời gian Nga chuẩn bị xâm chiếm Ukraine vào tháng Hai vừa qua, thì sự thiệt hại của Ukraine ngày hôm nay không lớn lao như đã thấy. Nhưng số lượng khiêm tốn của hỏa tiễn phòng không Stinger và Javelin mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine thời gian ấy đã bẻ gãy mũi tiến công của các đạo quân Nga, và thủ đô Kiev không thất thủ.

Vào thời điểm tháng Hai, tháng Ba vừa qua cả thế giới bàng hoàng trầm trồ ngưỡng mộ hỏa tiễn Javelin của Hoa Kỳ, và danh từ “cua rang muối” hoan hỉ tràn ngập trong các cộng đồng người Việt yêu tự do.

Nhưng mọi người còn sẽ ngạc nhiên hơn là tất cả đồ chơi Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine đều là đồ cổ cả. Một số lớn đã đến tuổi phải phế thải như thiết vận xa M113, xe quân sự Humvee, xe mở đường rà mìn v.v...

Hỏa tiễn phòng không Stinger là phát minh của Hoa Kỳ cách đây nửa thế kỷ 1967, và đã gây tiếng vang nơi “mồ chôn máy bay Liên Xô ở A Phú Hãn” vào thập niên 80.

Hỏa tiễn “đột nóc” chống chiến xa Javelin là phát minh năm 1996 cách đây 26 năm. Javelin được sử dụng ở chiến trường Iraq nhưng không gây tiếng vang đáng kể, vì thời gian ấy thiết giáp và máy bay Mỹ chủ động bắn hạ các loại cơ giới của nhà độc tài Saddam Hussein.

Hỏa tiễn Javelin được bộ binh Hoa Kỳ sử dụng một cách phí phạm ở chiến trường A Phú Hãn. Binh sĩ Mỹ dùng Javelin để bắn sập các công sự phòng thủ của du kích Taliban vì lý do các súng đại bác không giựt và hỏa tiễn chống chiến xa như AT-4 bắn không tới và không chính xác bằng.

Các giàn phóng hỏa tiễn lưu động M270 MLRS và M142 HIMARS gây kinh hoàng cho quân xâm lược Nga cũng toàn là đồ cổ, mặc dù có được nâng cấp cải tiến nhiều lần.

M270 MLRS là phát minh cổ điển có từ năm 1983 cách đây 4 thập kỷ. M142 HIMARS trẻ hơn chào đời năm 2012. Cả hai loại giàn phóng này được pháo binh Hoa Kỳ dùng để pháo kích vào quân du kích ở Iraq và A Phú Hãn. Ở Syria, M142 HIMARS được dùng để yểm trợ du kích quân đồng minh của Hoa Kỳ giao tranh với khủng bố IS vào năm 2016. Đồ chơi tối tân mà để dùng chọi với quân du kích mang súng AK-47 nên thế giới đã chưa biết hết khả năng ghê gớm của nó.

Hỏa tiễn diệt radar AGM-88 HARM làm tê liệt phòng không Nga, gây xôn xao dư luận mấy tuần trước cũng là phát minh cổ lổ sĩ của Hoa Kỳ cách đây 37 năm (1985).

Nếu google tìm hiểu vị trí cường quốc về quân sự thì khoảng 8/10 phân tích nói Liên Bang Nga là cường quốc quân sự thứ hai sau Hoa Kỳ. China là thứ ba. Mọi người thừa biết kỹ thuật quân sự của Trung Cộng đa số là ăn cắp của Nga và Mỹ. Ít ra quân đội Nga còn có kinh nhiệm tác chiến 10 năm ở A Phú Hãn, ở Cộng Hòa Chechnya nhiều năm qua nhiều giai đoạn, ở Syria v.v... China chỉ có một ít kinh nghiệm chiến đấu với Việt Nam ở biên giới năm 1979, nhưng đó không phải là một chiến tranh có kỹ thuật điên tử tối tân. Lo sợ China khống chế thế giới về kinh tế thì đúng, nhưng về quân sự là hơi quá đáng.

Là người Việt dù là có quốc tịch Mỹ, Ukraine, hay Việt Nam. Chúng ta có quyền hãnh diện đôi chút vì các món đồ chơi cổ điển nhưng tối tân này có một phần chất xám dân tộc. Nó đang gây tan tác hốt hoảng cho quân xâm lược, và làm các chế độ độc tài nơm nớp lo sợ.

Hỏa tiễn Javelin của công ty Texas Instruments và Lockheed Martin, Stinger của General Dynamics, M270 MLRS và M142 HIMARS cũng của Lockheed Martin, AGM-88 HARM của Northrop Grumman và Texas Instruments v.v...Các đại công ty chế tạo đồ chơi cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, nơi có hàng chục ngàn kỹ sư và công nhân Việt Nam phục vụ. Họ là con em của các gia đình tị nạn đã bỏ nước ra đi từ năm 1975. Họ đã đến đất nước này bằng đôi tay trắng, và đã không ăn bám mà cống hiến tim óc cho một thế giới tự do.

Sinh viên gốc tị nạn rất giỏi. Đa số con nhà nghèo vì cha mẹ dù trước kia ở miền Nam có làm quan to, nhưng khi mất nước qua Mỹ tất cả đều phải lam lũ cực nhọc để nuôi con cái ăn học nên người. Cho nên sinh viên Việt Nam tương đối ít ăn chơi phung phí. Vì tiền đâu mà vung vít?

Một năm trước khi ra trường, các anh chị em sinh viên có điểm cao thì được các đại công ty rần rần tới phỏng vấn để hốt đi. Một số thích phiêu lưu đi vào quân ngũ. Nhưng cá tính đơn giản bình dị của đại đa số vẫn không thay đổi.

Cách đây một số năm khi đi chợ Việt Nam, bỗng một anh to cao tóc húi cua chận kẻ hèn này lại và la lớn tiếng Việt: “Á, anh... nhớ em hong?”. Đang phân vân bối rối vì hỏng biết hắn là ai dù thấy nụ cười quen quen, thì hắn huyên thuyên kể lể: “Em là H nè, con ông K. Ba em hay nhắc anh lắm...”. À thì ra là thằng... ngày nào. Mà ngày xưa sao thấy ốm tong mà? Giờ ăn zì mà đô con zậy?

“Em mới bên Iraq dìa”... Ủa, “ông” làm zì bên đó?”. Thì ra giờ hắn là Trung Tá chỉ huy một đơn vị Lục Quân Hoa Kỳ ở Trung Đông. Nó là sinh viên thuộc lớp đàn em. Ngày xưa họp mặt nó chỉ ngồi cười cười hiền lành nghe mấy thằng lớn đầu điên khùng hay xúi bậy.

Những người bạn xưa lớn nhỏ vẫn bình dị không kiêu căng, dù đã có chức phận địa vị. Đọc tin báo chí thấy có người là Trung Tá, Đại Tá, phi công tác chiến ở Trung Đông. Nghe mà mừng và cảm động cho những người bạn xưa đã mất liên lạc bao nhiêu năm.

Ngày mới ra trường có quen một người con gái Việt Nam học ở một đại học tư danh tiến. Đại học tư có tiếng tăm rất khó vào và chỉ dành cho con nhà giàu hay sinh viên xuất sắc được học bổng toàn phần, chớ sinh viên gốc tị nạn thì gia đình lấy tiền đâu ra mà trả.

Quen mấy năm mà chỉ gặp đi chơi với nhau có hai lần vì không ở gần nhau. Lần đầu rủ cô ấy đi ăn cơm có kéo thêm một anh bạn từng học cùng trường đi chung cho zui vì thấy anh bạn ở một mình cũng tội.

Ăn xong đưa cô ấy về lại nội trú của đại học. Cô ấy vừa chào từ giã quay vào tòa nhà cổ kính thì anh bạn Bắc kỳ khó chịu hay để ý chi tiết phê bình chấm điểm liền, ngay bên ngoài tòa nội trú chớ hỏng đợi tới một chỗ kín đáo hơn: “Ông kiếm đâu ra mà hay vậy. Coi được lắm đấy”. Nghe rất nhột cái lỗ nhĩ. Cứ như là sắp lấy nhau zậy hả tía non. Ráng mà lo lấy thân đi kìa, đừng xen vào chiện người khác nè.

Lần thứ hai, sau khi cô ấy đã ra trường, có mời cô ta đi ăn phở một mình ở một quán bình dân. Cô ấy nhỏ nhẹ và ít nói. Mẫu người nhỏ nhắn xinh xắn không trang điểm. Chỉ mặc cái quần jean và áo sơ mi đơn giản.

Ăn phở xong thì lái xe đưa cô bạn về chung cư của cổ. Theo phép lịch sự và luật an toàn thì phải đi tháp tùng với người phụ nữ cho tới cửa để phòng mấy thằng điên xông ra làm bậy. Tự nhiên cũng bước theo chưn cô ấy vào trong nhà luôn cho biết.

Trong nhà của một tòa chung cư khang trang nhưng đơn sơ hỏng có gì cả. Không có cả ghế xa lông để ngồi. Trong phòng khách chỉ có một bàn làm việc. Cô ấy ngồi trên ghế trước cái bàn, còn ông khách đứng xớ rớ chầu rìa bên cạnh.

Trên bàn thấy mấy chồng giấy có kẻ ca rô của kỹ sư (engineer graph paper) có viết những phương trình toán học chi chít. Hỏi cô ấy đang học tới nữa hả? Cô cho biết vừa học xong thêm cái thạc sĩ về kỹ sư điện.

Ban ngày đi làm, ban đêm học thêm lấy thạc sĩ một cách dễ dàng. 23 tuổi, kỹ sư của đại công ty General Dynamics, đảm trách cải tiến nâng cấp ghế thoát hiểm của máy bay chiến đấu F-16. Người con gái nhỏ nhắn đơn sơ nhưng có bộ óc tuyệt vời.

Chưa tới 11 giờ đêm mà thấy cô bạn méo miệng ngáp buồn ngủ. Cô ấy lịch sự hỏng muốn đuổi khách, và khách cũng hơi biết điều nên chào từ giã sau khi đứng khá mỏi chưn.

Đó là lần cuối gặp nhau vì mỗi người có một con đường để đi. Có những con đường gian nan bên kia chân trời.

Có một lần ở Washington DC, bỗng nghe thoang thoảng trong không trung có tiếng máy bay phản lực. Nheo mắt chăm chú tìm kiếm trong bầu trời xanh ngắt, thì thấy hai hình dáng nhỏ xíu màu xám của hai chiếc máy bay một lớn một nhỏ đang nối đuôi sát nhau ở cao độ 15 hay 20 ngàn bộ. Chăm chú nhìn kỹ thì đó là chiếc KC-135 đang tiếp tế nhiên liệu cho chiếc F-16. Có thể máy bay của Không Đoàn 113 Vệ Binh Quốc Gia đang hành quân tuần tra bầu trời thủ đô.

Bỗng xao xuyến nhớ đến những người bạn xưa. Máy bay chiến đấu F-16 của Không Quân Hoa Kỳ đang lỗi thời và sẽ được F-35 thay thế. Tin tức cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang nghiên cứu, và có thể viện trợ những chiếc máy bay huyền thoại lừng danh này cho Ukraine. Trong nó có mang chất xám của người bạn ngày nào.

BÔNG LAU 02.10.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.