Đăng ngày:
Đã vào mùa hè, bài vở trên các tuần báo Pháp chủ yếu mang tính nhẹ nhàng, tươi mát. Hồ sơ của Le Point tập trung hướng dẫn cách ăn uổng có lợi cho sức khỏe. Courrier International gộp ba kỳ làm một, số báo cuối trước khi nghỉ hè đưa người đọc đi thăm những khu vườn trên thế giới. Trước nạn hạn hán tại Pháp, L’Obs cho rằng « Cuộc chiến tranh về nguồn nước đã được tuyên bố ». Trên lãnh vực văn hóa, L’Express mổ xẻ những vấn đề của Viện Hàn lâm Pháp với tựa lớn « Bão tố dưới mái vòm ». Tuy chú trọng đến giải trí, nhưng tình hình Ukraina vẫn là chủ đề không thể bỏ qua.
Trong bài điều tra « Ukraina, cuộc chiến trên đường ray », đặc phái viên Le Point ghi nhận đội quân ngành hỏa xa đã giúp cho nhiều người Ukraina được an toàn, và đóng vai trò chủ chốt về logistic chống lại Nga. Tự hào về những người lính quả cảm, Ukraina còn có thể trông cậy vào đạo binh thứ hai, đó là những người đang vận hành hệ thống đường sắt.
Những chuyến tàu rong ruổi qua muôn nẻo đường chiến tranh
Ukrzaliznytsia, công ty đường sắt quốc gia, được coi như lực lượng phòng vệ thứ nhì của đất nước. Ngay từ ngày đầu tiên bị xâm lăng 24/02, những gia đình hoảng sợ đã chen chúc xếp hàng trong im lặng ở nhà ga Mariupol với những túi quần áo vơ vội, bên cạnh các sinh viên ngoại quốc. Những chuyến tàu đầy nghẹt người liên tục ra đi. Các nhà ga vừa là nơi trú ẩn, vừa là lối thoát hầu như duy nhất đối với đa số. Trong ba tuần lễ đầu tiên, ngành hỏa xa đã giúp 2,5 triệu người đi đến miền tây Ukraina an toàn và đến cuối tháng Sáu là 4 triệu. Khoảng 600.000 người được đưa đến các quốc gia lân cận : Ba Lan, Rumani, Moldova, Slovakia. Một « cầu tiếp vận » đại quy mô.
Với 230.000 nhân viên, Ukrzaliznytsia là nhà tuyển dụng lớn nhất, quản lý 23.000 kilomet đường sắt và vài chục nhà ga thường là rất lớn, nằm ngay trung tâm thành phố. Chủ tịch Oleksandr Kamyshin, 38 tuổi, trở thành nhân vật nổi tiếng nhất và cũng bị đe dọa nhiều nhất. Nhà tài chánh này lên làm người lãnh đạo công ty chỉ vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra.
Về hướng đông, mạng lưới đường sắt giúp cung cấp thực phẩm, vũ khí cho tiền tuyến, đưa các tình nguyện quân từ khắp châu Âu đến. Không phận đã bị đóng cửa, chính là nhờ đường xe lửa mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đến được Kiev gặp gỡ ông Volodymyr Zelensky : tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Olaf Scholz...Còn về hướng tây, hỏa xa là con đường di tản cho người chạy loạn, gia đình quân nhân, những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến : bệnh nhân, trẻ mồ côi, thương binh...
Không còn đường biển lẫn đường không, xe lửa trở thành phương tiện sống còn để chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu cần thiết. Những chuyến tàu dài nhiều cây số với những toa đầy lúa mì, than đá, xăng dầu đi xuyên qua Ukraina. Hai đoàn tàu dành để chở thương binh được trang bị máy phát điện, với 8 toa có thiết bị hồi sức, có bác sĩ, y tá theo dõi. Con tàu y tế đi khắp những nơi có chiến trận, từ Kiev, Dnipro đến Zaporijia, thậm chí tận Kharkov khi đô thị này đang dưới mưa bom, dừng lại ở nhà ga những thành phố bị quân Nga oanh kích, mở đường thoát cho những thường dân đang bị kẹt lại.
Ngày 08/07, hai quả đạn pháo Nga rơi xuống nhà ga Kramatorsk, nơi hàng ngàn người đang chờ di tản, làm 57 người chết và hàng trăm người bị thương - một trong những tội ác chiến tranh ghê tởm nhất của quân Nga. Ban đầu đường xe lửa không bị quân đội Nga oanh tạc, với ý định sử dụng sau này, nhưng nay trở thành mục tiêu chiến lược. Các trạm điện của ngành hỏa xa thường xuyên bị đánh bom, những toán sửa chữa khẩn cấp luôn được huy động. Đến đầu tháng Bảy; có 177 nhân viên đường sắt bị thiệt mạng và 150 người bị thương. Họ vẫn làm việc 24/24 không quản hiểm nguy để duy trì mạng lưới giao thông sống còn của đất nước.
Ukraina muôn người như một trong cuộc chiến vệ quốc
Cũng về Ukraina, tờ UnHerd được Courrier International dịch lại đã nhận xét, phong trào toàn dân kháng chiến chống xâm lăng đã biến đổi hẳn xã hội Ukraina đang chia rẽ, mà tờ báo Anh cho rằng đây là cả một cuộc cách mạng. Chiến tranh luôn là động cơ sáng tạo vì người ta phải tìm cách sống sót. Làn sóng tình nguyện ở Ukraina là ví dụ đầy ấn tượng : xuất hiện những nhóm tương trợ, các tổ chức tình nguyện, dân quân địa phương, thực hiện những gì mà một Nhà nước đang quá tải không thể làm được.
Các quán bar, nhà hàng tặng thức ăn cho người tị nạn và quyên góp tiền cho quân đội. Những người mê chơi tiền ảo đóng góp mua drone và những chiếc kính hồng ngoại mà những người lính ngoài mặt trận đang tuyệt vọng mong chờ. Trên đường phố là những áp-phích với ảnh các chiến binh cảm ơn về những trang bị mới được tặng, trên Telegram dân quân quyên tiền mua xe cộ. Một cựu chiến binh mà phóng viên từng gặp trước đó vài năm, đã bán đi quán cà phê đang ăn nên làm ra của mình ở Kiev để mua máy bay không người lái cho đơn vị cũ.
Andriy Lioubka, nhà văn trẻ đang lên quê ở Oujhorod thuộc miền tây, nay có mặt ở Sloviansk cách đó 1.200 km trên mặt trận Donbass. Anh chuyển giao những chiếc xe jeep, thực phẩm, máy phát điện cho dân quân Oujhorod. Bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo, Andriy giải thích trong hoàn cảnh này anh không thể ngồi viết hay dịch mà muốn đóng góp cụ thể. Lời kêu gọi đầu tiên trên Facebook của Andriy đã thu về số tiền gấp đôi mong muốn, và anh gởi được 11 chiếc jeep trong vòng ba tuần lễ. Fédir Sandor là giáo sư đại học đã rời bục giảng để ra chiến trường, một tấm ảnh ông đang chuẩn bị bài thi cho sinh viên từ một chiến hào ở Donbass đã được lan truyền trên mạng xã hội Ukraina. Giờ đây trong chiếc áo giáp, vị giáo sư cho biết Nga thường sử dụng bom bi, đôi khi cả vũ khí hóa học, và vũ khí chính của người lính vẫn là chiếc xẻng.
Trước chiến tranh, nhiều người dân Ukraina bất bình về việc quản trị đất nước. Cuộc cách mạng Maidan (tháng 2/2014) giúp Ukraina đứng ngoài quỹ đạo Nga – với cái giá rất lớn – nhưng còn lại không thay đổi mấy. Nay thì cuộc xâm lăng của Putin đã giúp người dân đoàn kết lại, sẵn sàng xây dựng một Ukraina mới, và những gì họ đang cần là một chiến thắng và nền hòa bình.
Châu Âu chuẩn bị việc định mức tiêu thụ năng lượng
Về phía châu Âu, Le Point nhận định cuộc chiến tranh ở Ukraina khiến mùa đông sắp tới châu lục sẽ gặp khó khăn, do Vladimir Putin dùng khí đốt làm vũ khí. Tuy xung đột quân sự diễn ra ở Ukraina, nhưng lối thoát tùy thuộc khả năng chịu đựng của mỗi bên - đối với Nga là cấm vận, còn với các nước dân chủ là khủng hoảng năng lượng.
Châu Âu vốn lệ thuộc trên 40 % vào khí đốt Nga, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Putin có lẽ sẽ ngưng cung cấp khí đốt vào mùa đông 2022-2023 như ông ta đã bắt đầu làm với 12/27 nước Liên hiệp Châu Âu (EU). Trước vô số tội ác chiến tranh của quân Nga, ông chủ điện Kremlin khó thể hy vọng được giảm nhẹ trừng phạt. Tuy không thể gây thiệt hại cho Hoa Kỳ vốn độc lập về năng lượng, Putin có thể tạo cú sốc lớn cho châu Âu. Đức lệ thuộc nhiều nhất, sẽ phải giảm tiêu thụ ít nhất 20 %, nhưng tất cả các nước đều bị ảnh hưởng.
Tác động không chỉ trong lãnh vực năng lượng. Sản xuất và tiêu thụ giảm, châu Âu sẽ rơi vào suy thoái năm 2023, lạm phát lại xuất hiện, than đá làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thế nên cần phải đưa ra một kế hoạch khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng, đưa ra định mức không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả các hộ gia đình. Về cung, nên tháo gỡ tất cả rào cản hành chánh, thuế khóa nhằm tối ưu hóa sản xuất đặc biệt là điện nguyên tử. Về cầu, một chiến dịch thông tin là cần thiết ngay từ mùa hè này.
Đức tỉnh giấc mơ hoa, Putin nhân từ hóa ra là sói
Cũng về « vũ khí năng lượng » của Nga, The Economist cho rằng « Người Đức đang sống trong mơ ». Truyện cổ tích Grimm cách đây hai thế kỷ kể rằng một anh chăn dê tên Karl Katz sống ở dãy núi Harz ở miền trung nước Đức. Một đêm, một con dê khiến Katz lạc vào một hang động, uống một chất lỏng được những người không quen đưa cho và thiếp ngủ. Khi thức dậy, nhiều năm trời đã trôi qua, thế giới xung quanh đã thay đổi.
Sự hoang mang của Katz cũng là của nhiều người Đức hiện nay. Cách đây vài năm, quốc gia giàu nhất châu Âu đã ngủ quên. Nước Đức thống nhất, trước thành công về kinh tế và ngoại giao, ngỡ rằng sự thịnh vượng là vĩnh viễn. Tỉnh thức đột ngột trước tiếng gầm thô bạo của xe tăng Nga nghiến lên Ukraina láng giềng, người Đức không rơi vào nhiều năm sau trong tương lai như anh chàng Katz, mà lùi lại nhiều thập niên trong quá khứ. Sự phát đạt của Đức thật ra không chỉ nhờ tính cần cù của người dân, mà còn nhờ năng lượng giá rẻ cùng với lao động nhập khẩu. Và một Vladimir Putin tốt bụng đã bơm đầy khí đốt vào ống dẫn, hóa ra là một con chó sói.
Trong vòng 20 năm, tỉ lệ khí đốt Nga tiêu thụ tại Đức từ 30 % đã tăng lên 55 %. Sau tai nạn nhà máy điện nguyên tử Fukushima năm 2011, ngay hôm sau bà Angela Merkel vội vã cắt mất phân nửa năng lực sản xuất điện hạt nhân. Và dù các nhà địa chất ước tính Đức có trữ lượng 800 tỉ mét khối khí thiên nhiên, sản lượng đã lao dốc từ 20 tỉ mét khối/năm xuống có 5 tỉ. Đó là do lo sợ khai thác bằng phương pháp thủy lực cắt phá có hại cho môi trường, tuy xưa nay không hề xảy ra một sự cố nào.
Tờ báo tiết lộ năm 2008 khi tập đoàn Exxon của Mỹ định khai thác ở miền bắc Đức, các nhà sinh thái lớn tiếng chống đối. Đặc biệt kênh Russia Today của Nga cảnh báo về phóng xạ, dị tật bẩm sinh, mất cân bằng nội tiết tố, tạo khí mê-tan và rác thải độc hại, đầu độc đàn cá… Người Đức dường như thích nghe chuyện cổ tích. Ông Hans-Joachim Kümpel, nguyên lãnh đạo một cơ quan tư vấn chính phủ về khoa địa lý thở dài cho biết, rốt cuộc các nhà khoa học đã phải từ bỏ việc giải thích phương pháp thủy lực cắt phá là an toàn. Những người không hiểu gì về địa chất học chỉ được kể cho nghe toàn những câu chuyện kinh dị.
Nhật Bản « Giã từ thép súng »
Về châu Á, L’Express trong bài « Nhật Bản, giã từ vũ khí » cho rằng sự kiện cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát bất ngờ khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng, vì việc mua được một khẩu súng hầu như là bất khả tại quốc gia này. Vũ khí mà tên sát nhân Tetsuya Yamagami dùng để sát hại chính khách được nhiều người mến mộ của Nhật Bản chỉ là hai ống kim loại dán lại bằng băng dính, có thêm kim hỏa. Kẻ thủ ác đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu trên internet, và khi cảnh sát khám nhà, mùi thuốc súng nồng nặc bốc lên trong căn phòng của hắn.
Một đạo luật từ năm 1958 quy định rất khắt khe việc mua súng săn hay súng hơi, còn súng lục thì hoàn toàn bị cấm. Người mua súng phải trải qua 13 giai đoạn, trước hết là đăng ký vào một câu lạc bộ, rồi theo một khóa học và trải qua cuộc thi viết rất khó. Tiếp đến là trắc nghiệm thần kinh, xét nghiệm ma túy. Tư pháp lý lịch được soi rất kỹ, và cảnh sát điều tra về quá trình làm việc, thân nhân, đồng nghiệp, quan hệ với những phần tử cực đoan, băng đảng…Có rất ít tiệm bán vũ khí, và muốn mua đạn phải trình ra những đầu đạn cũ.
Trong suốt năm ngoái, cả nước Nhật chỉ có 10 vụ liên quan đến súng đạn, trong đó hết 8 vụ dính đến mafia, và chỉ duy nhất 1 người bị bắn chết. Tại thủ đô Tokyo thậm chí cả năm không có ai bị thương vì súng. Tỉ lệ người thiệt mạng do súng đạn ở Nhật năm 2019 chỉ là 0,06/100.000 dân, so với Pháp là 2,83. Còn ở Hoa Kỳ trong năm 2020 có đến 45.222 nạn nhân, trung bình 124 người bị bắn chết mỗi ngày, 329 triệu người Mỹ sở hữu đến 393 triệu khẩu súng. Điều nghịch lý : Hoa Kỳ là nguồn gốc của đạo luật kiểm soát vũ khí Nhật Bản - thuộc loại gắt gao nhất thế giới.
Trung Quốc có dám chận phi cơ bà Pelosi đáp xuống Đài Loan ?
Cũng tại châu Á, The Economist chú ý đến « Tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi làm Trung Quốc giận dữ ». Hồi năm 1997 khi chủ tịch Hạ viện Mỹ thời đó là Newt Gingrich sang gặp tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui), chính quyền Trung Quốc chỉ « phàn nàn » mà thôi. Vài ngày trước đó khi thăm Bắc Kinh, ông Gingrich đã cảnh cáo rằng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc xâm lăng Đài Loan, và được trả lời rằng Trung Quốc không hề có ý định này.
Nhưng ít có hy vọng một lời đáp nhẹ nhàng như thế sẽ được đưa ra nếu bà Nancy Pelosi giữ nguyên ý định đi thăm Đài Loan vào tháng Tám. Tuy chưa được xác nhận, nhưng một nguồn thạo tin cho biết có thể bà sẽ quá cảnh Đài Bắc trong chuyến công du châu Á, dự định vào tháng Tư nhưng dời lại vì bà bị nhiễm Covid. Trung Quốc chưa chi đã đe dọa sẽ có biện pháp « mạnh mẽ và kiên quyết ». Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo đề nghị áp đặt vùng cấm bay trên Đài Loan, hay ít nhất điều máy bay sang. Chiến đấu cơ Trung Quốc cần kèm sát phi cơ của bà Pelosi, và nếu nổ súng, thì sẽ tấn công các căn cứ và phi cơ quân sự Đài Loan.
Cho đến nay, những đe dọa như vậy chỉ được coi là dọa suông. Chuyến thăm của bà Pelosi không mang tính khiêu khích bằng chuyến đi của ông Gingrich, các phái đoàn Quốc hội Mỹ vẫn thường đến thăm đảo quốc, cũng như nghị sĩ các nước. Thời đó Trung Quốc còn yếu về quân sự : sau khi Bắc Kinh bắn hỏa tiễn sang vùng biển năm 1996, Mỹ lập tức điều hai hàng không mẫu hạm sang. Nhưng giờ đây Trung Quốc đã đủ lực để tấn công và hai năm vừa qua đã trắc nghiệm khả năng phòng vệ của Đài Loan bằng cách thường xuyên tập trận trên không xung quanh hòn đảo.
Chuyến đi của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm nhạy cảm cho Tập Cận Bình : khoảng ba tháng nữa là Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyên gia Bonnie Glaser nhận định, dường như Bắc Kinh cảm thấy cần chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không thể dần dà xóa bỏ chủ trương « chỉ có một nước Trung Hoa » mà không phải trả giá. Hồi tháng Tư, một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc đã gởi mail cho bà để bày tỏ « ý kiến cá nhân », là không quân Trung Quốc có thể chận không cho phi cơ chở bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan. Một động thái như vậy đến nay vẫn khó thể hình dung vì tạo nguy cơ leo thang. Nhưng có một điều chắc chắn là sóng gió đang ở phía trước.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.