Người ở lại Hoàng Hoa Cương lịch sử
Ngàn thông reo ru giấc ngủ anh hùng
Tiếng bom rền rung động khắp non sông
Đời anh ngắn nhưng tên dài vô tận
Người ở lại mang theo niềm thống hận
Nắm xương tàn trắng lạnh đất Long Châu
Mộng Cần Vương theo tóc bạc trên đầu
Hờn vong quốc ghi sâu vào lịch sử
Người ở lại với núi rừng Tân Sở
Một thanh gươm chống đỡ mạch sơn hà
Không làm tròn nguyện ước với vua, cha
Thà tự sát cho tròn câu hiếu đạo
Người ở lại bên cổng thành Hà Nội
Thành mất rồi ta sống với ai đây
Thăng Long ơi, xin ở lại nơi nầy
Sinh vi tướng tử vi thần cho vẹn
Người ở lại với sông Hương núi Ngự
Mộng chưa thành chí cả mỏi mòn trôi
Bao nhiêu năm lưu lạc bốn phương trời
Hoen máu lệ những tờ thư yêu nước
Người ở lại rừng Thái Nguyên xuôi ngược
Hai chân què nên chẳng thể nào theo:
Anh Trịnh ơi tôi giữ trọn lời thề
Hồn sông núi trở về cùng đất Việt
Người ở lại với tinh thần bất diệt
Ngẩng cao đầu chịu chém ở ngang lưng
Trời Nha Trang chim chóc cũng đau buồn
Trời đất Quảng một màu tang mới nhuộm
Người ở lại với những lời tâm nguyện:
“Mộ của ta là tổ quốc Việt Nam
Anh em ta là bao triệu đồng bào
Dù phải chết, chẳng thể nào bỏ được”
Người ở lại bên bến đò Cần Giuộc
Mắt đâu cần để thấy được niềm tin
Chúng bay dù bẻ gãy được bút nghiên
Không bóp được trái tim nầy yêu nước
Người ở lại trải lòng trong di chúc
Dặn các con đừng mãi quốc cầu vinh
Ta chết đi cho vẹn chữ trung trinh
Khi sáu tỉnh đã rơi vào tay giặc
Dù cay đắng nhưng vô cùng diễm tuyệt
Tổ tiên ơi con nhớ mãi ơn người.
TRẦN TRUNG ĐẠO
(Bài thơ viết ở Mỹ từ lâu để khuyến khích các em đọc sử Việt trong các chương trình học tiếng Việt, dựa vào sử nhưng không theo thời gian tính. Các vị anh hùng dân tộc Việt Nam theo thứ tự mỗi đoạn bốn câu trong bài thơ: Phạm Hồng Thái, Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Ðàm (Tôn Thất Đạm), Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến, Trần Quý Cáp, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Thanh Giản).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.