Ông Tô Văn Lai, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc và văn hóa ở hải ngoại, mới qua đời ở tuổi 85. Ông để lại cho đời một sân khấu mang tên 'Thúy Nga Paris by Night' như là một tài sản tinh thần của hàng trăm triệu khán giả trong và ngoài nước.
Kỷ niệm những ngày đầu xa quê
Dạo đó (đầu thập niên 1980), tôi mới định cư ở Úc và quần quật làm lại cuộc đời ở quê hương mới, nên ít khi nào chú ý đến nhu cầu văn nghệ. Bạn bè gặp nhau ngày cuối tuần thì chủ yếu là ăn uống và ca hát theo kiểu 'cây nhà lá vườn'. Người cầm đờn, kẻ nghêu ngao ca hát những ca khúc nổi tiếng thời trước 1975 hay những ca khúc thương nhớ về quê nhà mà chúng tôi nghe được từ bên trại tị nạn. Đời sống âm nhạc và văn hóa của người Việt xa xứ thời đó chỉ có vậy.
Nhưng năm 1983 thì xuất hiện cái video VHS ca nhạc có tựa đề là "Paris by Night" (chữ màu vàng), và không ngờ rằng đó là thởi điểm làm thay đổi sinh hoạt ca nhạc ở hải ngoại một cách vĩnh viễn.
Video ca nhạc Paris by Night lúc đó được quay ngoại cảnh và lồng ghép giọng hát của các ca sĩ mà dân miền Nam đều biết như Julie Quang (vợ cũ của Duy Quang), Hương Lan, Thanh Mai, Quốc Anh, v.v... Cuốn băng đó hình như chỉ có 10 bài thôi. Không có MC dẫn chương trình; tất cả chỉ là ngoại cảnh.
Trời ơi! Lần đầu sau bao nhiêu năm được nghe lại những ca khúc quen thuộc và nhìn hình những ca sĩ mình mến mộ tạo nên một cảm giác rất đặc biệt: vừa xúc động, vừa vui. Đó là cuốn băng ca nhạc đã đi vào lịch sử ca nhạc ở hải ngoại.
Sau này tìm hiểu tôi mới biết người chủ xướng chương trình Paris by Night là ông Tô Văn Lai. Cuộc đời và sự nghiệp của ông Tô Văn Lai rất ư là tiêu biểu của một người Việt tị nạn. Ông xuất thân là một thầy giáo dạy triết học ở trường Trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho. Năm 1972, ông cùng với phu nhân là bà Thúy, đã sáng lập ra trung tâm Thúy Nga ở Thương xá Tam Đa (Sài Gòn). Lúc đó Thúy Nga phát hành những tape nhạc do những ca sĩ lừng danh như Thanh Tuyền, Khánh Ly và Thái Thanh trình bày.
Biến cố ngày 30/4/1975 làm thay đổi tất cả. Năm 1976, ông và gia đình đi định cư ở Pháp với vốn tài sản chỉ $2.000 và tất cả những tài liệu về âm nhạc và văn hóa thời Việt Nam Cộng Hòa. Ở Pháp, ông làm nghề bán xăng gần Rouen (cách Paris 200 km), và sau 5 năm tích cóp tiền, ông lại mở trung tâm Thúy Nga ở Paris vào năm 1981. Và, chính ở đây, video thu hình ca nhạc đầu tiên của Thúy Nga đã được sản xuất và phát hành trong cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới.
Gìn giữ văn hóa
Câu chuyện đằng sau sự ra đời của video ca nhạc đầu tiên đó cũng rất thú vị. Ông bà Tô Văn Lai gõ cửa gặp giám đốc đài truyền hình Euromedia để nhờ giúp đỡ làm một show ca nhạc. Trong một chương trình ca nhạc kỷ niệm 35 năm ngày lập trung tâm Thúy Nga, chính vị giám đốc Euromedia kể lại rằng một hôm ông được tiếp xúc với hai ông bà Á Đông và họ đem theo một bọc tiền (tiền giấy có, tiền cắc có) và nói đại khái:
"Tôi muốn làm một cuốn băng video ca nhạc để gìn giữ văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, và tôi chỉ có bao nhiêu tiền đó thôi, ông có thể giúp tôi không?"
Không ngờ ông giám đốc động lòng và nói là sẽ giúp! Thế là cộng đồng người Việt ở hải ngoại lúc đó có được cuốn video ca nhạc đầu tiên.
Nhưng phải 3 năm sau trung tâm mới có đủ tiền và nguồn lực để sản xuất một video thứ hai. Và lúc đó, các ca nghệ sĩ miền Nam bắt đầu ra nước ngoài định cư, nên việc quy tụ họ không còn khó khăn như trước đây, nên trung tâm Thúy Nga bắt đầu sản xuất chương trình "Paris by Night" thường xuyên hơn. Cho đến nay (7/2022), Thúy Nga đã sản xuất được 132 chương trình ca nhạc Paris by Night!
Con số 132 đối với nhiều người chỉ là một con số, nhưng đằng sau đó là một sự thành công đáng kể của một trung tâm văn nghệ tư nhân. Mỗi chương trình ca nhạc như thế tốn cả triệu USD và đòi hỏi khả năng tổ chức cũng như kỹ thuật ở quy mô to lớn. Có một nghệ sĩ ở trong nước nhận xét rằng Việt Nam sẽ khó có khả năng thực hiện được một chương trình ca nhạc quy mô và chất lượng cao như Thúy Nga.
'Chúng ta đi mang theo quê hương'
Mỗi chương trình ca nhạc của Thúy Nga là một show diễn nghệ thuật, thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo liên tục của người đạo diễn chương trình (tức ông Tô Văn Lai và con ông sau này). Bà Tô Ngọc Thủy, đương kim giám đốc điều hành Thúy Nga, cho biết ông Tô Văn Lai như là một linh hồn đằng sau các chương trình Paris by Night. Ông dù là một thầy giáo dạy triết nhưng rất đam mê văn nghệ, rất trân quý văn hóa Việt Nam. Ông chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong show nhạc, và bắt buộc mọi người phải nghiêm chỉnh trong việc diễn xuất chứ không làm qua loa hay làm cho có được.
Đa số các chương trình ca nhạc Paris by Night đều có một chủ đề. Trong những năm đầu tị nạn, những chủ đề thường mang tính gợi nhớ quê nhà và mong một ngày về, nên mới có những tựa đề như:
Giã Biệt Sài Gòn (video số 10)
Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam (13)
Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (16)
Mùa Xuân Nào Ta Về (32)
Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương (49)
Cây Đa Bến Cũ (59)
Huế – Sài Gòn – Hà Nội (91).
Đó là những chương trình nhạc tôi rất tâm đắc. Tâm đắc không phải chỉ từ lời ca tiếng hát, mà bài thuyết minh của người MC. Trong chương trình "Mùa xuân nào ta về", người nữ MC đọc một đoản văn hết sức cảm động của Nhà văn Duyên Anh (Vũ Mộng Long). Một chương trình nhạc khác, "Cây Đa Bến Cũ", thì có giọng đọc và thuyết minh của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng rất có giá trị. Những tác phẩm như thế sẽ còn lại rất lâu trong cộng đồng người Việt xa xứ vì giàu giá trị văn hóa và nghệ thuật.
Ông Tô Văn Lai còn làm những chương trình ca nhạc để vinh danh những nhạc sĩ lừng danh thời trước 1975. Những người ông vinh danh bao gồm: Phạm Duy (2 chương trình), Lam Phương (3 chương trình), Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Đức Huy, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Khanh, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trần Trịnh, Nhật Ngân, Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh, Trường Sa, Huỳnh Anh, Nguyễn Hiền, Song Ngọc, Quốc Dũng, Châu Kỳ, Tùng Giang, Xuân Tiên, Thanh Sơn, Nguyễn Ánh 9, và Nguyễn Văn Đông. Theo tôi, đây là những chương trình có giá trị nhứt.
Những chương trình với chủ đề Tết, người Việt, và mẹ Việt Nam cũng là những chương trình đầy ắp giá trị văn hóa. Theo tiết lộ của Trung tâm Thúy Nga, những chương trình ca nhạc về Tết là bán chạy nhứt, và đã là một nguồn tài nguyên giáo dục văn hóa cho các thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại. Nhưng bên cạnh đó cũng có một vài chương trình (chẳng hạn như chương trình "Mẹ") đã gây ra vài tranh cãi như cơn bão trong tách trà.
MC 'huyền thoại'
Nói đến Trung tâm Thúy Nga mà không đề cập đến Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn thì quả là một thiếu sót. Trước đây, các chương trình nhạc của Thúy Nga hoặc là không có MC, hoặc là có MC nhưng thay đổi khá thường xuyên. Có những chương trình với sự tham gia của nhà báo trong vai trò MC nhưng hình không để lại những dấu ấn nào đáng kể. Mãi đến năm 1992 khi ông Tô Văn Lai "kéo" được Nguyễn Ngọc Ngạn về làm MC cho các chương trình Paris by Night thì mọi thứ đều thay đổi theo chiều hướng tốt hơn nữa.
Thoạt đầu, sự xuất hiện của một nhà văn trong vai trò MC một chương trình ca nhạc cũng làm cho nhiều người quan tâm đặt câu hỏi. Trước đây, khán giả rất khổ tâm với phong cách của những MC thích thuyết phục rằng họ 'hay chữ'. Đó là những MC rất thích dùng những câu sáo ngữ, những câu khoe kiến thức một cách hợm hĩnh, những vần thơ được trích dẫn một cách gượng ép, hay những kiểu nói đậm chất phường tuồng. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc Ngạn cùng 'người đồng hành' Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã đem lại một luồng gió mới cho vai trò MC và khán giả cảm thấy yêu quý hai người này ngay. Họ nói giọng Bắc, nhưng là loại giọng Bắc người miền Nam ưa thích.
Nguyễn Ngọc Ngạn và Kỳ Duyên không gượng gạo để có những câu chữ 'sang chảnh'; ngược lại họ nói chuyện một cách tự nhiên và ứng đáp một cách thông minh. Hai người MC này không nói đùa theo kiểu 'nói dai, nói dài, nói mãi'; ngược lại, họ biết dừng đúng lúc. Họ không nói đùa một cách tục tĩu, mà là những câu chuyện đầy ý nhị. Họ biết chọn câu chuyện để dẫn nhập cho một bài hát và câu chuyện mang tính văn hóa, nhưng họ không tỏ ra là người lên lớp (đại kỵ trong vai trò MC). Dĩ nhiên, không phải những gì họ làm là hoàn hảo, nhưng ít ra họ đã trở thành một 'huyền thoại' trong làng ca nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Và, không có ông Tô Văn Lai thì chắc gì chúng ta có hai người 'huyền thoại' này.
***
Có thể nói không ngoa rằng Trung tâm Thúy Nga và ông Tô Văn Lai đã song hành cùng người Việt ở hải ngoại cả nửa thế kỷ. Có người nói đùa (mà tôi nghĩ rất thật) là trong bất cứ gia đình người Việt ở nước ngoài nào cũng có gạo, nước mắm, và ... Thúy Nga.
Thật vậy, những sản phẩm của Thúy Nga là 'món ăn tinh thần' của người Việt ở hải ngoại. Nhà tôi có rất nhiều băng đĩa của Thúy Nga và có thể nói là sưu tầm thành một 'thư mục' văn nghệ. Không có Thúy Nga, tôi đâu biết được những hoàn cảnh sáng tác của những nhạc sĩ thời xưa ra sao (dù tôi sống vào thời đó). Những câu chuyện đó giúp cho tôi hiểu hơn về nền văn hóa và môi trường văn hóa mà mình đã lớn lên trong đó. Thành ra, cá nhân tôi biết ơn những sản phẩm của Thúy Nga lắm.
Người Việt tị nạn ra đi mang theo quê hương (đúng như tựa đề của một chương trình nhạc Paris by Night). Quê hương là những ký ức ngọt ngào, những ký ức kinh hoàng của chiến tranh, những chấn thương hậu chiến tranh, và nhứt là những ca khúc mình từng lớn lên theo cùng năm tháng. Trong nửa thế kỷ qua, Trung tâm Thúy Nga và ông Tô Văn Lai đã giúp mỗi gia đình người Việt ở hải ngoại đem theo quê hương.
Bây giờ thì ông Tô Văn Lai đã về thế giới bên kia. Nhưng những đóng góp của ông trong việc duy trì nền văn hóa - nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại sẽ còn mãi mãi. Rồi đây, sẽ còn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, học giả, nhà nghiên cứu văn hóa khai thác những chương trình Paris by Night để hiểu hơn về tâm tình của người Việt ở hải ngoại, và người ta sẽ ngạc nhiên về tầm ảnh hưởng của ông.
Ông Tô Văn Lai không phải là một nhà văn hóa, nhưng ông có công đem văn nghệ và các văn nghệ sĩ đến mỗi gia đình người Việt ở hải ngoại, và đó là một đóng góp quan trọng của ông cho nền văn hóa Việt Nam vậy.
NGUYỄN VĂN TUẤN 20.07.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.