mardi 19 juillet 2022

Lưu Trọng Văn - Bí thư Nên phỏng vấn người đề xuất đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa


Sáng 16-7, ông Nguyễn Văn Nên mà Dân Sài Gòn thân mật gọi là Bí thư Nên đến chúc thọ tuổi 102 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Điều thú vị là Bí thư Nên đến với Dân chỉ để nghe. Muốn nghe thì phải hỏi.

Gã chú ý mấy câu hỏi sau đây.

Bí thư Nên: Với một người làm nghiên cứu về lịch sử thì tuổi trẻ của bác thế nào?

Cụ Tư: Khi tôi đang cày ruộng thì thấy bạn bè chung làng đi học về, mình đứng dưới ruộng thấy rất tủi thân, nên đã về nhà kêu bán hết của hồi môn cưới vợ để góp tiền cho tôi đi học. Khi học ở Vinh (Nghệ An), vừa thi xong kỳ Đệ nhất thì gia đình làm ăn mất mùa không thể tiếp tục học. May sao hiệu trưởng thấy tôi học tốt nên đã vận động thầy cô đóng góp để tôi không bỏ ngang.

Sau thời gian giải phóng thì lúc đó gia đình tôi cực lắm. Vì tuổi già không có lương hưu, tôi phải ra ngoài đường để sửa xe đạp. Vừa hành nghề vừa theo đuổi tiếp đam mê nghiên cứu, viết sách. Tôi lại viết được cuốn "Loạn 12 sứ quân".

Bí thư Nên: Từ khi nào bác có ý định viết quyển sách về tên đường của TP.HCM?

Cụ Tư: Tôi chỉ bắt đầu nghỉ nghề vá xe, dành thời gian nghiên cứu khi con tôi học xong đại học và đi làm. Lúc đó ở thành phố ta có việc đổi tên 100 con đường, nhưng lý lịch của các vị được đặt tên đường đó không được phổ biến, khiến người dân không thể nhớ nổi. Tôi mới nghĩ cần phải có quyển sách viết về các tên đường của TP.HCM, để phục vụ dân chúng.

Tôi đã dùng chiếc xe đạp mini mà tôi có đi khắp các nẻo đường của TP.HCM để nghiên cứu từng tên đường, xem nó từ đâu đến đâu, dài khoảng bao nhiêu, hai bên đường thì có những gì, cơ quan nào. Sau khi quyển sách của tôi được in ra thì cơ quan chức năng cho một trưởng phòng xuống trực tiếp nhà tôi, mời tôi vào trong Hội đồng đặt tên đường thành phố. Thời gian tôi ở trong hội đồng đó cũng đặt được gần 1.000 tên đường.

Bí thư Nên: Có những con người thật đặc biệt, hành nghề vá xe đạp bên đường nhưng cũng làm nên những điều kỳ tích của lịch sử. Sau cuốn sách về tên đường thì bác bắt đầu nghiên cứu những gì?

Cụ Tư: Sau này tôi có viết cuốn từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ. Sau đó tôi mới viết tiếp cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ. Hiện giờ tôi đang viết Từ điển địa danh hành chính Trung Bộ, Bắc Bộ và Tây Nguyên.

Còn một quyển cuối cùng nữa là hồi ký nhưng tôi thì chẳng có công trạng gì, chỉ là tự truyện "Kiếp người" ba chìm bảy nổi của tôi. Tôi viết để người dân về sau thấy có người cùng cảnh ngộ mà thấy được sự sẻ chia. Dự định hoàn thành cuốn này nữa thì mới đi theo ông bà.


CÂU HỎI Ý NGHĨA NHẤT

Bí thư Nên: Khi nghiên cứu về sử, đến hiện nay thì bác có tranh luận gì về sử học hay không?

CÂU TRẢ LỜI Ý NGHĨA NHẤT

Cụ Tư: Ngày xưa có những vị sử quan vua bắt phải viết thế này thế nọ, nhưng họ từ chối và bảo lịch sử là phải viết sự thật. Tôi bây giờ cũng quan niệm như vậy, mình đừng nói theo ý chủ quan của mình, sau này hậu thế hiểu sai mất quá khứ.

Gã quý mến cụ Tư ở sự thật này, khi là thường trực Ban Đặt tên đường cụ đề xuất chọn hai con đường dọc kinh Nhiêu Lộc lấy tên hai quần đảo của Việt Nam bị Trung cộng xâm chiếm: Hoàng Sa, Trường Sa.

Nói thế nào nhỉ? Vâng, cám ơn cụ Tư.

LƯU TRỌNG VĂN 18.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.