1. Chiến tranh Nga-Nhật
Ngày 2 Tháng Giêng 1905; cả thế giới kinh ngạc khi nghe tin hải quân Nga ở Viễn Đông đầu hàng quân Nhật, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905), được coi là cuộc chiến tranh lớn đầu tiên của thế kỷ 20.
Đến thời điểm này, Nga mất toàn bộ lực lượng hải quân của mình ở Viễn Đông bằng sự kiện cuối cùng là chiến hạm Sevastopol bị quân Nhật dùng trọng pháo 208 mm trên đồi cao bắn chìm.
Để cứu vãn tình hình, triều đình Nga hoàng vội vàng điều hạm đội Baltic lúc đó vẫn còn ở Bắc Phi, bơi qua mũi Hảo Vọng về Viễn Đông để tiếp tục cuộc chiến. Trên đường đi, hạm đội này còn bắn nhầm một tàu cá của Anh quốc và phải bồi thường 66 ngàn bảng Anh. Chưa hết, sau đó cũng trong điều kiện sương mù, hai tàu Nga bắn nhầm vào nhau vì tưởng là tàu Nhật làm chết mấy thủy thủ.
Không thể không nhắc trận bao vây cả Lữ Thuận trước đó, mà sau một thời gian vây hãm đến 5 tháng trời, 95.000 quân Nhật đã vây chặt 30.000 quân Nga và cuối cùng họ đã chiếm được thành phố cảng này. Đòn kết liễu cho quân đội và hải quân Nga hoàng là trận Hải chiến Đối Mã, khi hải quân Nhật Bản chỉ với 4 thiết giáp hạm nhưng đầy đủ các khu trục hạm, đánh tan hạm đội Baltic của Nga nay đã đổi tên thành Hạm đội Thái Bình Dương đệ nhị. Toàn bộ 8 thiết giáp hạm của hạm đội Nga bị đánh chìm cùng gần như tất cả những tàu còn lại của hạm đội (38 chiếc).
Nước Nga choáng váng, lại đúng thời điểm bên trong nước Nga diễn ra một cuộc cách mạng (Cách mạng 1905) nên Nga hoàng phải xin ký hòa ước với nước Nhật Bản, công nhận quyền lực tối cao của nước Nhật Bản ở vùng Viễn Đông. Theo hòa ước này Nga cũng mất rất nhiều đất vào tay Đế quốc Nhật Bản: đảo Sakhalin và cả quần đảo Kuril mà sau này đến 1945 họ mới đòi lại được.
Người ta bình luận rằng, nếu không có cuộc Cách mạng 1905 thì Nga hoàng chưa chịu thua, sẽ cố gắng dồn tiền của nhân lực vật lực vào đánh tiếp. Tuy nhiên lúc đó quân đội Nga đã bộc lộ những yếu kém, và quân đội – hải quân Nhật Bản thì đã bắt đầu bứt phá bỏ xa dần nước Nga vốn cho đến trước cuộc chiến tranh này, khinh thường nước Nhật là một nước nhược tiểu châu Á.
Lần đầu tiên một nước “được coi là châu Âu” bị một nước châu Á đánh bại trong một cuộc chiến tranh lớn – toàn thế giới hồi đó bị sốc. Người ta đã nhận ra nước Nga hóa ra không hẳn mạnh như nó thể hiện qua tầm vóc vĩ đại của mình về diện tích.
Cuộc chiến tranh này cũng cho thấy yêu cầu huy động sức mạnh quốc gia cho một cuộc chiến tranh là kinh khủng. Để chuẩn bị cho nó, nước Nhật Bản đã phải nỗ lực đến kiệt quệ trong 10 năm trước chiến tranh (tăng thuế, phát hành trái phiếu chiến tranh) và kèm theo đó là đi vay những khoản chiến phí khổng lồ từ Mỹ và Anh.
Để đối ứng, nước Nga ngoài những vũ khí đã chuẩn bị được từ trước, hoàn toàn không huy động được lực lượng một cách thích đáng trong những thời điểm thích hợp. Vì thế, vũ khí hiện đại của Nga (chủ yếu là súng liên thanh) dù gây ra cho quân Nhật vốn sử dụng chiến thuật biển người với những khối bộ binh lớn, đã không đủ để đem lại chiến thắng. Ngược lại về hải quân, người Nhật đã cho thấy khả năng sử dụng các chiến thuật hợp lý và bắt đầu vượt trội trong kỹ thuật đóng tàu.
Tuy vậy, cả hai bên đều phải trả những giá rất đắt về nhân mạng: Nga mất khoảng 200.000 thương vong, còn Nhật Bản thì chết khoảng 100.000 người và 170.000 bị thương.
Điều đáng nói nhất là ở thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh này, sức mạnh quốc gia của nước Nga Sa hoàng mạnh gấp 10 lần Nhật Bản. Đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc một quốc gia nhỏ và yếu hơn cả về tiềm lực tổng hợp quốc gia lẫn quân sự, nhưng có thể thắng được một quốc gia lớn và mạnh hơn nhiều lần nếu như biết huy động sức mạnh quốc gia vào đúng thời điểm, dồn được toàn bộ sức mạnh đó lên những đòn đánh quyết định và cuối cùng là lợi dụng được yếu tố thiên thời của cuộc Cách mạng trong nội bộ đối thủ.
2. Nước Nhật Bản bước vào đệ nhị thế chiến
Cho đến thời điểm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô vẫn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài trong đóng tàu, ví dụ phụ thuộc vào động cơ thủy thường mua của Anh Mỹ và cả Đức. Nhật Bản đến trước chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm chủ được công nghệ.
Ngay cả trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, chiếc Mitsubishi Zero vừa làm nhiệm vụ tiêm kích, vừa làm nhiệm vụ cường kích đã rất tốt từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, và nó tồn tại cho đến hết chiến tranh. Chỉ khi Mỹ cho ra được chiếc P-51 thì Zero mới bị qua mặt. Khi Zero đã chiến đấu ổn định thì Liên Xô còn đang loay hoay với chiếc I-16 “Chaika” của Polikarpov. Zero có radio từ trước Pearl Harbor, còn Liên Xô nếu không có radio Mỹ lend – lease sau này thì phi công còn câm điếc body language dài dài.
Nước Nhật bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai có những điểm rất đặc biệt. Chính trường đất nước nổi lên những chính khách có quan điểm hiếu chiến, cho rằng cần nối tiếp những thắng lợi của mình trước đó một phần tư thế kỷ. Quan điểm đó dần dần lưu truyền trong xã hội, mà con người Nhật Bản cảm thấy mình bị bao phủ bởi sự bất lực ảm đạm, một nỗi buồn nhược tiểu.
Tuy vậy, vẫn có những người tỉnh táo, mà một trong những người đó là nhà quân sự lỗi lạc Nhật Bản, đô đốc Yamamoto Isoroku (4/4/1884 – 18/4/1943). Trước khi nước Nhật tham gia “Hiệp ước ba bên” ký kết với Đức và Ý để hình thành phe Trục, ông đã nói:
“Năng lực đóng tàu chiến của Hoa Kỳ gấp Nhật Bản 4,5 lần; chế tạo máy bay gấp sáu lần, còn sản xuất ô tô là 100 lần. Sản xuất dầu lửa, 700 lần. Chỉ trong nửa ngày, nước Mỹ sản xuất ra sản phẩm quốc nội của Nhật trong một năm. Về sức mạnh quốc gia, Mỹ mạnh hơn Nhật 10 lần. Nhưng giờ đây, các cuộc chiến tranh đã là chiến tranh tổng lực. Nó sẽ không kết thúc chừng nào một bên chưa bị đốt cháy thành tro bụi.
Vì thế, chúng ta có thể gây chiến với người Mỹ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa đánh thức gã khổng lồ đang ngủ. Để tiến hành chiến tranh với người Mỹ, phải đóng một số tàu chiến và tàu sân bay gấp đôi; và số máy bay hải quân cho số tàu sân bay đó phải đủ con số 1.000. Nhưng nếu tuyên chiến với Mỹ, thì ngay lập tức nước Nhật Bản bị cắt với nguồn cung quặng sắt để luyện thép và sau đó là nguồn cung dầu mỏ.
Vì thế, cuộc chiến với nước Mỹ chỉ nên là một trận thắng duy nhất (đem lại chiến thắng huy hoàng) và sau đó là yêu cầu nước Mỹ bước vào hòa đàm. Sau đó nước Nhật Bản mới được rảnh tay để tiến hành kế hoạch “Đại Đông Á” của mình.”
Lúc đó, để tấn công Trân Châu Cảng và sau đó là hải chiến Midway, Hải quân Nhật Bản chỉ sử dụng 6 tàu sân bay với 350 máy bay. Khi chiến dịch “Tora Tora Tora” thành công, cả nước Nhật reo hò nhất là giới chủ chiến, nhưng riêng Yamamoto thì hiểu đó là điểm đầu tiên của con đường nước Nhật Bản đi đến thất bại hoàn toàn. Có 6 thiết giáp hạm, 6 tuần dương hạm hạng nhẹ, 6 khu trục hạm, 2 tàu chở dầu, bị thương 2 thiết giáp hạm và 1 tuần dương hạm hạng nặng của Mỹ bị đốt cháy hoặc đánh chìm tại cảng, 300 máy bay bị đốt cháy và hơn 2.000 quân nhân thiệt mạng.
Nhật Bản không đánh chìm hoặc đốt cháy được của Mỹ bất cứ một tàu sân bay nào. Đó chính là tiền đề dẫn đến bước ngoặt của cuộc chiến, trận hải chiến Midway chỉ sau đó ít lâu. Kết quả của trận hải chiến này, Nhật Bản mất đến 4 tàu sân bay, trong khi Mỹ chỉ mất một tàu Yorktown nhưng không phải ngay trong trận đánh, mà nó bị trúng ngư lôi trong lúc được cứu hộ sau đó ít lâu.
Người ta đánh giá, kế hoạch Midway của Yamamoto rất hay, nhưng rất lạc quan và sau đó gặp xui xẻo liên tiếp, còn Hoa Kỳ thì dù thua kém nhiều lần nhưng lại rất may mắn. Với hải quân Nhật Bản trong The Battle of Midway, đúng là “đen thôi chứ đỏ thì quên đê.” Thực chất trong đó có một nguyên nhân là sai lầm nghiêm trọng của đô đốc Chuichi Nagumo trong việc ra lệnh đổi vũ khí tấn công trên các máy bay, nó chiếm quá nhiều thời gian nên khi tàu sân bay bị máy bay Mỹ tấn công, các máy bay tiêm kích Nhật chưa được chuẩn bị xong về vũ khí để nghênh chiến.
Điều đáng kể là sau trận đánh, báo chí Nhật Bản ca ngợi chiến thắng bằng những lời lẽ hoa mỹ và tô vẽ sặc sỡ với những kết quả như “đánh chìm 4 tàu sân bay của Mỹ…”. Những người Nhật Bản tỉnh táo lúc đó chẳng có nhiều để tự đặt câu hỏi là trong hải quân Nhật Bản luôn có những nhiếp ảnh viên đi theo cùng mà không có lấy một tấm ảnh nào của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đang cháy và chìm cả.
Trong khi đó, đô đốc hậu quân hải quân Nhật Bản Tamon Yamaguchi đã tuẫn tiết theo con tàu sân bay Hiryu mình chỉ huy.
Từ đó trở đi, lục quân Nhật Bản còn rất mạnh nhưng hải quân thì bắt đầu đi xuống cùng với đà đi xuống của toàn bộ tiềm lực quốc gia. Nguồn cung nhiên liệu là dầu mỏ từ đảo Borneo chiếm được, liên tục bị gián đoạn do các tàu chở dầu của Nhật bị Mỹ đánh chìm liên tục.
Từ giữa năm 1943, sau khi đô đốc Yamamoto bị ám sát chết bằng một cuộc tấn công bằng máy bay tiêm kích vào máy bay vận tải chở ông đi công tác, đánh dấu chấm hết cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
3. Bình loạn
Cuộc Chiến tranh Nga-Nhật là lần đầu tiên giang hồ gặp tứ chiếng, đầu gấu gặp côn đồ còn máu hơn. Nó cho thấy vũ khí hiện đại có thể đem lại thiệt hại nặng cho đối phương nhưng nếu không làm thay đổi tận gốc rễ cách tác chiến về chất thì cũng không đem lại thắng lợi.
Cách đánh của chiến thuật biển người kiểu Nhật Bản đã thắng lợi, từ thắng từng trận đến cả cuộc chiến, nhưng cũng trong cuộc chiến tranh này người ta nhận ra sự ra đời của những yếu tố mới.
• Thứ nhất là khả năng sử dụng pháo binh bắn chính xác, từ khi ra đời của pháo khương tuyến, sẽ làm thay đổi tận gốc cách tác chiến.
• Thứ hai, để đối phó với các vũ khí bộ binh kể cả vũ khí mới là súng liên thanh, ra đời chiến thuật hầm hào, phát triển đỉnh cao của nó là Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
• Thứ ba, về hải quân các loại động cơ mới tân kỳ trên những con tàu gọn gàng hơn, đem lại sức cơ động dù các thiết giáp hạm khổng lồ vẫn chiếm ưu thế trong đội hình hạm đội.
Khi xem xét giai đoạn Nước Nhật Bản bước vào đệ nhị thế chiến chúng ta thấy rất nhiều điểm tương đồng với hôm nay. Một đất nước có tư tưởng người dân sa vào cảm giác tự ti và bất lực, nhưng vẫn có sự tự tôn của giống người thượng đẳng nào đó với tư tưởng Thần đạo… Khéo léo kích thích tư tưởng đó, giới hiếu chiến trong chính trường Nhật Bản đã thúc đẩy đất nước đi đến chủ nghĩa quân phiệt.
Ngày nay, người Nga cũng cùng chung tư tưởng người Nhật thời đó, nhưng thua xa người Nhật ở tinh thần sẵn sàng hy sinh. Hôm nào đó tui đã dẫn kết quả khảo sát tư tưởng ủng hộ của người Nga với cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine hiện nay, đủ thấy khả năng sẵn sàng hy sinh của cá nhân người Nga cho cuộc chiến đáng ngại đến cỡ nào.
Ngay cả trước chiến tranh, nước Nga chắc chắn cũng có những cái đầu tỉnh táo mà nhận ra rằng, gây chiến tranh ở Ukraine sẽ đánh thức một người khổng lồ đang ngủ. Người khổng lồ đó theo nghĩa rộng, là nền dân chủ, là tư tưởng dân chủ. Theo nghĩa hẹp, là những người Mỹ, Anh và rất nhiều người Châu Âu. Còn theo nghĩa ví von với quốc gia, đó là nước Mỹ.
Một đất nước to lớn như nước Mỹ, để nó từ trạng thái hòa bình sang trạng thái ủng hộ một quốc gia chiến đấu chống chủ nghĩa hiếu chiến và bành trướng, cũng phải có thời gian. Nhưng một khi cỗ máy đã chạy, thì không có gì dừng nó lại được. Họ sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi Putox phải thừa nhận thất bại.
Về tinh thần binh sĩ, hoàn toàn có thể so sánh hai cuộc chiến tranh Nga – Nhật với chiến tranh Nga – Ukraine, khi mà cách đây hơn một thế kỷ người ta ghi nhận liên tiếp những vụ tự đầu hàng, tự rút lui và cố thủ không dám đánh nhau của lính Nga trước lính Nhật. Bây giờ cũng thế. Trong “Phase 1” của cuộc chiến, người Ukraine khéo léo và quả cảm đã đánh cho 200.000 quân của Putox với cả nghìn xe tăng tháo chạy, chắc chắn không dám quay lại với thủ đô Kyiv nữa.
Sang “Phase 2” The Battle of Donbas dù chưa dùng các vũ khí được viện trợ do chưa đủ và huấn luyện cũng còn dang dở, vẫn dựa trên các vũ khí cũ thời Xô-viết mà quân Ukraine đã cầm cự đến hơn 70 ngày (19/04 đến 02/07) và kết quả, quân đội thứ hai thế giới của Putox chỉ chiếm được một phần nhỏ diện tích đất trong khi kế hoạch của lão ta yêu cầu là chiếm toàn bộ 2 tỉnh Donbas. Xét về giữ đất, quân Ukraine không thắng nhưng cũng không thua, xét về chiếm đất quân Nga không thua và cũng không thắng. Nhưng xét về tiêu hao nhân lực và đặc biệt là vật lực, Nga thua to.
Nếu tính thang 10 điểm, xét về tiềm lực quân sự quốc gia, Ukraine đi lên từ số 0 khi hết “phase 1” nhưng do được “những người khổng lồ” hỗ trợ, đang đi dần lên điểm 2, 3 thậm chí có thể đạt được 5 điểm; trong khi Nga đi theo chiều ngược lại, phóng nước đại từ 10 điểm xuống dưới trung bình và tương lai cứ thế này thì có thể xuống tận Zero.
Vì thế mà chúng ta cũng thấy nhiều điểm tương đồng giữa Nga bây giờ và Nhật của năm 1943, sáng tác ra những thắng lợi và sau đó là giai đoạn xuống dốc không phanh.
Đô đốc Yamamoto viết ở đâu đó mà tui đọc được: bắt đầu một cuộc chiến thì dễ, nhưng dừng lại được thì rất khó. Vì thế, khi hình dung ra đối thủ là người khổng lồ - nước Mỹ ở đây không chỉ khổng lồ về tầm cỡ mà còn khổng lồ về chất lượng nền quân sự, thì cần thắng một trận giòn giã thôi như Hải chiến Đối Mã. Tiếc là trận Trân Châu Cảng họ không làm được như thế, và đến Midway thì lại quá lạc quan và tự tin khi xây dựng kế hoạch.
Câu chuyện nghe quen không chịu được. Bước vào cuộc chiến với Ukraine, Putox không hình dung được người Ukraine bây giờ còn hơn người Nhật của năm 1904 về tinh thần, không hình dung ra được sẽ đánh thức người khổng lồ cũng hơn mình ở rất nhiều phương diện, cả quy mô lẫn chất lượng nền quân sự, và cả sự vượt trội quá nhiều về công nghệ.
Riêng đánh nhau trong cuộc chiến tổng lực, chỉ nhiều vũ khí và nhiều tiền không thôi, chưa đủ. Vũ khí phải đi kèm với công nghệ và tiền phải có chỗ để tiêu hữu ích.
Định hôm nay không viết, nhưng có mấy lý do, chủ yếu là tin 2.000 quân Nga đói khát hết đạn bị vây ở gần Kherson hôm qua. Tui còn nhớ hồi đầu chiến tranh, Tham mưu trưởng Phan Quang có phản ứng với ý kiến của một tay dư luận viên nào đó: “Đem 200.000 quân tấn công một đất nước 40 triệu dân mà đòi vây người ta? Có mà đến lúc nào đó người ta vây lại mới phải chứ!”
Điều đó hôm nay đã thành sự thật.
Trong một diễn biến khác, Israel “chia lửa” bằng cách không kích nhà máy sản xuất UAV của Iran gần… Damascus, thủ đô Syria. Hay chưa!
PHÚC LAI 23.07.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.