jeudi 28 juillet 2022

Thiếu quân, vũ khí bị pháo Mỹ phá hủy, Nga rơi vào thế thủ ở Ukraina


Đăng ngày:

Lính Nga ngưng tấn công, lãnh đạo vẫn hô xung phong

Từ hơn hai tuần qua, quân Nga « tạm nghỉ xả hơi » một cách kỳ lạ, trái hẳn với những tuyên bố hung hăng của các nhà lãnh đạo ở Matxcơva. Ngày 16/07, bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu ra lệnh « gia tăng hoạt động trên tất cả các hướng ». Ngày 20/07, ngoại trưởng Serguei Lavrov cam đoan sẽ mở rộng xung đột « ra xa hơn vùng Donbass », còn tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng Bảy tuyên bố những gì ở Ukraina chỉ mới là khúc dạo đầu.

Tuy có hỏa lực áp đảo, nhưng mục tiêu tối thiểu là chiếm được Donbass còn lâu mới đạt nổi, nói chi đến việc lật đổ chính phủ Zelensky. Vậy mà hôm Chủ nhật 24/07 ông Lavrov vẫn hứa « Nga buộc lòng phải giúp Ukraina thoát khỏi chế độ phản động Kiev ». Ban đầu tưởng chỉ vài ngày, nhưng đã sang ngày thứ 151, Matxcơva chừng như trông cậy vào sự tiêu hao nhân lực, vật lực của Ukraina và tâm trạng mỏi mệt của các đồng minh phương Tây. Có thể lại là « maskirovka », trò tung hỏa mù của Nga. Nhưng thời buổi này làm sao qua mặt được tình báo Mỹ, và các sĩ quan Ukraina vốn cùng một « lò » Xô-viết ?

Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington đánh giá Nga « chưa thể gia tăng nhịp độ ». Nhóm chuyên gia Conflict Intelligence Team, được đào tạo ở Nga và hiện đang lưu vong, cho rằng quân Nga « vẫn đang trong thời gian tạm nghỉ », chỉ khi nào đội quân thứ ba gồm các tiểu đoàn quân tình nguyện được đưa ra mặt trận, thì giai đoạn này mới kết thúc. Theo tình báo quân đội Ukraina, đội quân này gồm 15.000 người tình nguyện, đã có 8/16 tiểu đoàn mới được huấn luyện xong.


Uy lực vũ khí phương Tây khiến từ nay Nga ở thế thủ

Chuyên gia quân sự Serhi Grabsky nhận xét cần chờ thêm hai tuần nữa, nếu Nga không tấn công trở lại, có nghĩa là họ không đủ nhân lực trong ít nhất từ 3 đến 5 tháng. « Nếu không chiếm nổi Siversk và Bakhmout là các thành phố khá yếu, thì không có cách nào giành được Sloviansk hay Kramatorsk, vốn được bảo vệ rất tốt. Đối với Nga, cuộc chinh phục Donbass dừng lại ở đây, và từ giờ trở đi sẽ phải ở thế thủ ».

Các nhà quan sát đều thấy quân Nga đã ngưng các cuộc tấn công trên bộ ở Donbass cũng như các mặt trận khác, chỉ còn những hoạt động trinh sát. Tiền tuyến kéo dài trên 1.000 kilomet vẫn ổn định, phân nửa vùng Donetsk do Ukraina kiểm soát. Những cuộc đấu pháo vẫn tiếp tục, nhưng nhịp độ sát thương giảm hẳn. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 23/07 cho biết từ 200 quân nhân Ukraina thiệt mạng/ngày nay chỉ còn 30 chiến sĩ hy sinh và 250 bị thương mỗi ngày. Ông coi đây là kết quả của việc phương Tây cung ứng vũ khí.

Những loại pháo mới như đại pháo Caesar của Pháp, Panzerhaubitze 2000 của Đức, và nhất là hệ thống phóng rốc-kết đa nòng Himars và M270 của Mỹ đã giúp Ukraina tấn công sâu về phía địch, làm rối loạn hệ thống hậu cần và chỉ huy của Nga, cho đến khi nào Nga tìm được cách thích ứng. Nhà phân tích Michel Goya của Pháp nhận định, Nga sẽ phải phân tán các kho đạn xa khỏi tiền tuyến, làm kéo dài thời gian tiếp vận. Trên bầu trời, từ một tháng qua chiến đấu cơ và hỏa tiễn Nga không diệt nổi phòng không của Ukraina, không cản được vũ khí phương Tây đến Ukraina. Ngược lại, Himars của Mỹ tham gia vào việc trừ khử hỏa tiễn phòng không Nga, và trong tương lai, Ukraina có thể phản công với sự yểm trợ của không quân.


Ukraina oanh tạc ba cây cầu, quân Nga ở Kherson bị bao vây

Lần đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc xâm lăng, Ukraina chủ động bắn nhiều đợt pháo vào ba chiếc cầu quan trọng cho việc tiếp tế của Nga. Trong ba đêm liên tiếp từ 19 đến 21/07, pháo binh Ukraina làm hư hại cầu Antonovka dài 1,3 km bắc qua sông Dniepr ; có đến 11 lỗ thủng khiến xe vận tải nặng và xe bọc thép không thể qua cầu được. Trên chiếc cầu này, trong ngày đầu xâm lược một đoàn xe bọc thép Nga đã bất ngờ vượt qua, tiến chiếm thành phố Kherson.

Cầu Nova Kakhovka, cách 100 km về phía đông cũng bị hư. Hai chiếc cầu này là đường tiếp vận cho quân Nga chiếm đóng, và chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Ingoulets gần thành phố Darivka cũng bị pháo Ukraina bắn vào hôm 23/07 ở khoảng cách 40 km, với độ chính xác khủng khiếp : tám lỗ đạn pháo nằm cách nhau đều đặn !

Nhà phân tích Mikhail Samous ghi nhận đó là một cách để gây áp lực tâm lý lên quân địch và chuẩn bị chiến trường. Ukraina bắn vào cầu Antonovka để cắt đứt con đường huyết mạch nối Crimée với hữu ngạn sông Dniepr, nơi có 30.000 lính Nga chia làm hai nhóm đóng ở Kherson và Kryvy Rih. Nhóm lính Nga ở Kherson giờ đây trong tình trạng bị bao vây chiến thuật. Tất nhiên cơ quan tuyên truyền Nga không nhắc đến sự kiện này, vì như vậy chẳng khác nào vĩnh biệt giấc mộng chiếm Odessa.


Mồi nhử để thanh niên nhà nghèo đăng lính : Lương, thưởng cao ngất

Trong bối cảnh thương vong ở Ukraina quá nhiều, Matxcơva đang ra sức chiêu mộ « quân tình nguyện », hứa hẹn tiền lương và tiền thưởng rất cao, nhờ đến cả các công ty lính đánh thuê như Wagner.  Nhà nghiên cứu Dimitri Minic của IFRI nhận thấy nếu hồi chiến tranh Tchetchenya, Nga phải cưỡng bức bắt lính, thì nay dùng đến hai đòn bẩy là hợp đồng với quân đội hay với tư nhân.

Với lính quân dịch, 85 đơn vị của Liên bang Nga mỗi nơi phải cung cấp một BTG gồm 400 quân, như vậy Matxcơva sẽ có thêm 35.000 tân binh. Hiện nay lính nghĩa vụ không thể bị điều ra mặt trận, trừ trường hợp ký hợp đồng phục vụ ít nhất ba tháng, nên Nga đang chuẩn bị sửa luật. Các tổ chức xã hội dân sự tố cáo việc gây áp lực đối với lính quân dịch để ký hợp đồng. Kremlin còn đặt một phần gánh nặng lên chính quyền địa phương, các thống đốc vùng do Putin bổ nhiệm biết rằng sự nghiệp của mình tùy thuộc vào việc tuyển quân.

Để dẫn dụ, Matxcơva đề nghị tiền lương cho lính hợp đồng cao gấp ba, bốn lần so với lúc khởi đầu cuộc xâm lăng : từ 3.500 đến 9.000 euro một tháng. Số tiền gây lóa mắt, cao hơn rất nhiều so với lương cán bộ quản lý ở Matxcơva, còn ở tỉnh thì lương trung bình chỉ từ 200 đến 400 đô la. Tiền thưởng được tính theo cấp bậc và vị trí, lính xung kích ở tiền phương có thể lãnh 12 euro/ngày. Bắn hạ một trực thăng, máy bay hay xe tăng, được thưởng 4.000 đến 5.000 euro, hạ một drone hay một khẩu pháo được 800 euro.

Trợ cấp cho thân nhân lính tử trận hay bị thương cũng rất cao, con cái sau này được ưu tiên vào đại học. Cộng dồn các loại tiền thưởng và trợ cấp cho gia đình có thể mua được một căn nhà ở tỉnh. Có thể thấy mục tiêu ưu tiên là các gia đình nghèo là, lính tình nguyện chủ yếu từ các vùng xa nghèo khổ.


Nga chiêu mộ lính đánh thuê và cả tù nhân

Từ giữa tháng Tư, các nhà tuyển dụng còn nhờ đến Wagner và các công ty tư nhân khác để huy động lính đánh thuê. Wagner từng đăng quảng cáo : « Bạn muốn được ghi tên vào lịch sử vinh quang của quân đội, nhưng không thích nạn bàn giấy và bị kiểm soát ? Hãy đến với chúng tôi để giải phóng toàn bộ Donbass ! ».

Cơ quan lao động của Nhà nước cũng không ngồi yên. Khoảng 22.000 chỗ làm, từ xạ thủ, pháo thủ cho đến tài xế xe tải đang cần người. Mục tiêu cuối cùng của Kremlin là...nhà tù. Tại Saint Petersbourg và nhiều thành phố khác như Tver, Riazan, Smolensk, Rostov…những tuần lễ gần đây một số tù nhân đã đăng lính để được giảm 2/3 thời gian thọ án. Họ ký hợp đồng từ 3 đến 6 tháng với lương từ 3.000 đến 4.000 euro/tháng.

Hạn định tuổi nhập ngũ tối đa 40 đã được kéo giãn thành 50. Một sĩ quan dự bị Ukraina tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của chiến lược này vì Nga không thiếu « bia thịt » mà cần quân nhân chuyên nghiệp, trong khi đào tạo một ê-kíp xe tăng mất ít nhất ba tháng. Không quân tất nhiên còn lâu hơn nữa.


Ngưng sản xuất hỏa tiễn Buk và tăng T-90 vì bị cấm vận

Về sức mạnh trên không, Le Monde cho biết nhà máy sản xuất hệ thống phòng không Buk đã ngưng hoạt động vì thiếu linh kiện do Đức sản xuất.

Sức chịu đựng của kỹ nghệ quốc phòng Nga hiện là một trong những ẩn số lớn trong cuộc chiến. Từ đầu cuộc xâm lăng, lý do chiến thuật và sức kháng cự của Kiev có thể là nguyên nhân khiến không quân Nga không khống chế được toàn bộ vùng trời Ukraina. Nhưng theo tạp chí chuyên ngành Vortex của Pháp, trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu có tác dụng lên ngành hàng không Nga, cả dân dụng lẫn quân sự.

Nhà máy sản xuất các loại hỏa tiễn Buk như SA-19 Grison (2K22 Toungouska), SA-17 Grizzly (Buk-M2) ở Ulyanovsk miền trung nước Nga đã ngưng hoạt động, công nhân thất nghiệp sau khi Đức không còn giao các bảng mạch điện tử. Nga cũng chậm trễ trong việc giao các phi cơ thám sát Beriev A-100, vì thiếu những linh kiện điện tử quan trọng. Sản xuất đạn và bom thông minh cũng bị ảnh hưởng, xe tăng T-90 và T-14 Armata, loại xe bọc thép mới nhất của quân đội Nga cũng cùng chung số phận.


Trung Quốc bán linh kiện hỏa tiễn cho Nga để đánh Ukraina ?

Trên Vortex, các tác giả Gwenvael Coulombel, trung úy Malcolm Pinel và đại tá Xavier Rival nghi ngờ Trung Quốc đã tiếp tay cho Nga tránh né cấm vận. Hoa Kỳ hôm 29/06 lần đầu tiên đã cho vào danh sách đen 6 công ty ở Hoa lục trong đó có các nhà phân phối linh kiện vi điện tử. Đại sứ quán Trung Quốc lập tức cải chính mọi hỗ trợ quân sự cho Nga. Nhưng tổ chức phi chính phủ Mỹ C4ADS chuyên phân tích những mối đe dọa về an ninh hôm 15/07 công bố báo cáo, tiết lộ nhiều hoạt động thương mại đáng ngờ từ Trung Quốc sang Nga. Tài liệu lấy từ hải quan Nga cho thấy có những linh kiện « chuyên dùng trong radar của hệ thống hỏa tiễn địa-không S-400 Nga », và từ đầu cuộc chiến việc xuất khẩu các bảng vi mạch đã tăng gấp đôi.

Tướng Mỹ Charles Brown, tư lệnh không quân hôm 20/07 tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado khẳng định Hoa Kỳ và đồng minh đang cân nhắc việc cung cấp phi cơ tiêm kích cho Ukraina – một giả thiết cho đến nay vẫn bị bác bỏ. Theo ông, các loại chiến đấu cơ Mỹ, Gripen của Thụy Điển, Eurofighter của châu Âu, Rafale của Pháp đều có thể được sử dụng. Tuyên bố trên đây được đưa ra vào lúc Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật tài trợ cho việc đào tạo phi công Ukraina trên đất Mỹ.


Miến Điện, cơn ác mộng triền miên

Những nỗi lo về việc tổ chức Thế vận hội Paris 2024, bệnh viện Pháp thiếu nhân lực và phương tiện, vấn đề tiết kiệm năng lượng là những chủ đề chiếm trang nhất các báo Pháp hôm nay.

Về châu Á, các báo đều chú ý đến sự kiện tập đoàn quân sự Miến Điện hành quyết bốn tử tù, trong đó có hai người là cựu dân biểu và nhà đấu tranh. Đây là lần đầu tiên kể từ 1988 án tử hình được thi hành, trong khi Miến Điện có 114 tử tù kể từ sau cuộc đảo chánh tháng 2/2021. Chế độ vào cuối tháng Ba từng hăm dọa « không thương lượng nữa, sẽ tiêu diệt đến cùng » phe đối lập, và nay bắt đầu thực hiện.

Trong một đất nước có hơn 100 sắc tộc khác nhau, liên tục có những dịp xảy ra xung đột. Thời kỳ được tương đối tự do khá ngắn ngủi (2015-2021) vẫn có những vụ bạo động, người Rohingya bị đàn áp đẫm máu và nay Hoa Kỳ chính thức gọi là diệt chủng. La Croix nhắc lại, bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình đã bị các tổ chức phi chính phủ tố cáo là đồng lõa với quân đội. Nay bà đang bị quân đội - từng được bà bênh vực - giam giữ ở một địa điểm bí mật. Điều này cho thấy sự phức tạp của cơn ác mộng khôn nguôi ở Miến Điện.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.