vendredi 22 juillet 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 147 và 148 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (21/07/2022)

 

Chào các bác.

Thật ra trong những ngày qua, tin chiến sự không có gì đáng chú ý vì quân Nga gần như là dừng lại, chỉ có những hoạt động chiến đấu mang tính trinh sát ở một số hướng. Vì vậy nếu cứ cố mà bình luận thì sẽ đi vào cái sự cùn về lý lẽ, các bác cũng sẽ thấy nhàm chán.

Vậy hôm nay các bác cho phép, chúng ta chuyển sang một số chuyện khác cũng liên quan đến cuộc chiến này.

1. Có bác bảo là tui đưa ra các dự báo ngắn hạn – có đúng vậy không?

Thực tế, gọi là “dự báo” nó sang quá. Tui không dự báo được cái gì cả vì thực tế cũng chẳng biết gì về cái thứ gọi là “quân sự.” Điều tui biết hơi rõ một chút là về:

Xe tải Nga. Vì có mấy năm làm cái việc nhập khẩu xe của họ về cho ta, mà tui biết chất lượng của nó đến đâu. Tình cờ hôm qua được xem cái Gazelle rất mới do một công ty tư nhân ở Hà Nội mới mua, và dạo này cũng thấy nhiều xe loại này do công ty xe Bus Hà Nội đầu tư cho một số tuyến ngắn mà tui được xem kỹ.

Nhìn chung là: không có cái gì là của Nga cả, kể cả cái bóng đèn Hallogen cũng là “Made in Germany.” Cái quạt két nước là của Trung Quốc loại tốt, động cơ Cummins của Mỹ và phanh là của Đức. Hồi ở bển tui thấy cái Gazelle này mà lắp động cơ Nga thì chóng tã lắm, đúng là thổ tả.

Lính Nga bây giờ có vẻ ăn mặc tử tế hơn, chứ mười mấy năm trước còn mặc quần thủng đít. Nhưng có một điều chắc chắn đúng, là học thức của họ khá thấp, hầu hết thanh niên nông thôn con nhà nghèo. Do nhận thức hạn chế nên việc cướp bóc của nả mang về là khó tránh.

Lâu nay Nga chỉ vận hành nền sản xuất công nghiệp quốc phòng ở mức độ hết sức vừa phải vì trong thời bình – điều này cũng đúng luôn cả với các nước phương Tây đang chi viện cho Ukraine hiện nay. Nhưng với hai bên thì một bên hoàn toàn phụ thuộc công nghệ cao của nước ngoài mà ngay cả vấn đề sản xuất máy cái cũng không làm được; thì việc phục hồi sản xuất và đưa nó vào vận hành với mức độ cao, là điều gần như không thể, hoặc chí ít là không thể trong vong một năm tới.

Tui có trong tay một số con số chính xác về số lượng xe tải, một số khí tài của Nga tính đến… năm nào đó, và cho những năm tiếp theo đến sát ngày 24/02 năm nay thì không quá khó để tính toán được ra khả năng của họ có thể chuẩn bị được đến đâu.

Như thế, đầu tiên các “dự đoán” chỉ được gọi là đoán mò thôi, và nó không xảy ra ngay lập tức. Ví dụ khi họ cho những đoàn xe tăng lao ầm ầm theo mấy hướng, thậm chí có hướng còn áp sát thủ đô Kyiv (Brovary là một ví dụ rõ nhất) mà tui vẫn lải nhải: bây giờ sẽ bị chặn đánh, và rồi sẽ bỏ xe mà chạy.

Trong lúc xe tăng nó bắn ầm ầm ở ngoại ô Kyiv, tui vẫn ngồi bàn những chuyện rất nhảm nhí với tham mưu trưởng Phan Quang: tui nói cho ông nghe, chỉ vài hôm nữa sẽ phải chôn xe tăng xuống để đánh nhau, rồi là bỏ lại cả cái, nguyên chiếc để đi bộ về.

Hắn thắc mắc tại sao lại thế, tui bảo: đoán mò nhé: xe tăng lao nhanh như thế, mà xe Nga thì 1 km nó đòi từng này lít dầu, với T-80 động cơ turbin nó ăn còn dã man hơn. Ở bắc Ukraine toàn độc đạo, bây giờ đoàn xe dầu và đạn lò mò đi họ diệt cho mới chết. Xe tăng không có dầu để chạy không phải chôn xuống mà đánh nhau thì gì. Vài hôm sau thì có mà đầy ảnh xe tăng Nga nấp dưới hố, chỉ còn đủ dầu để nạp ắc-quy quay tháp pháo.

Khi máy bay Nga vẫn bay ầm ào trên trời bắn phá khắp nơi, thì tui ngồi tính… độ bền động cơ; và ra con số ước đoán rằng với tần suất xuất kích như thế, đến máy bay dùng động cơ của Tây còn hỏng, nói gì động cơ Nga. Tui đoán cỡ khoảng 3 đến 4 tháng thì què cụt hết, và bây giờ thì máy bay Nga nghỉ chơi xơi nước đến hơn tháng nay rồi còn gì.

Lúc tui nói những chuyện giời ơi đất hỡi như vậy, có mấy bác mách: này, bọn dư luận viên với cuồng Putox chúng nó cười giễu ở chỗ này chỗ kia đó. Tui nói: kệ chúng nó, rồi mấy hôm nữa thấy đúng thì trắng mắt ra với nhau.

Vì thế phải nói những đoán mò của tui nó phải mang tính dài hạn, tức là một, hai đến ba tháng sau mới đúng. Chẳng tài cán gì đâu, logic nó đơn giản lắm: ông mạnh đến đâu thì khó đoán đến đấy, nhưng đã yếu kém thì chắc chắn là sẽ đến ngày bộc lộ. Những yếu kém này tui chứng kiến cũng nhiều, nghe kể cũng nhiều mà đọc tài liệu cũng nhiều… đem nói chuyện với cuồng với dư luận viên cũng nhiều, hầu hết không chịu tin đâu. Nhưng đều là sự thật cả.

2. Nga có yếu kém thật không?

Không hề, họ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “quân đội thứ hai thế giới” ít nhất là về quy mô, đặc biệt từ góc độ vũ khí hạt nhân. Vì thế Ukraine đang phải đánh nhau với một quân đội khổng lồ, với lượng vũ khí kể cả là quy ước thôi, cũng có vẻ như là không hạn chế, kho đạn thì cũng là to khủng luôn.

Nhưng yếu kém cũng là có thật – người ta bảo tham nhũng là một yếu tố mạnh nhất để làm suy yếu sức mạnh quốc gia, chuẩn luôn và quân đội Nga cũng là nạn nhân của nó. Vụ trung đoàn trưởng 1 trung đoàn xe tăng khi nhận lệnh ra chiến đấu nhưng 9/10 số xe tăng không nổ máy được, 6/10 không có động cơ (bán mất rồi) và phải tự sát, là một minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Vào thời điểm đầu chiến tranh nếu nói là “rồi Nga còn thiếu cả xe tăng” chẳng ai tin, cũng như những câu chuyện họ phải sử dụng chi tiết phụ tùng của xe này lắp sang xe khác… nghe như cổ tích hoang đường từ Chiến tranh Vệ quốc. Ấy thế mà đến ngày T-62 ra chiến trường đánh nhau thì các bác quên béng lão xe ôm này, he he.

Vậy đó, quân đội hùng mạnh không chỉ ở quy mô, mà còn là ở chất lượng của đội ngũ nhân lực và khí tài. Sức chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu thể hiện ở tri thức, sự sung mãn của từng người lính và chất lượng vũ khí khí tài. Quân đội Nga chỉ đẹp những đồ sơn phết chạy trên Quảng trường Đỏ ngày 09/05 thôi, còn sau hậu trường thì đồ rởm nhiều lắm. Đừng bao giờ nên tin vào những bốc thơm của Soha với Tây Phi tàu nhanh các bác nhé. Quân lính của một quân đội chỉ máu đi bê bồn cầu với tủ lạnh về, tức là đạo tặc mà như thế thì ở thời của thế kỷ 21, không chiến thắng được đâu.

Tui nhớ khi chiến tranh bắt đầu được khoảng 1 tuần, tui có nói với bác Anh Quan là mấy hôm rồi, đánh nhau trong trời tuyết bọn lính Nga không được ăn nóng và sưởi, làm gì còn sức mà chiến đấu. Vài hôm sau đã có thông tin bỏ ngũ và trốn hàng loạt. Chiến tranh không phải là một trò chơi bóp cò súng để bọn dư luận viên cuồng sát hô “Đánh đê, đánh đê!” Các cháu đang hô hoán trên chính xương máu vô nghĩa của lính Nga yêu quý của các cháu đấy.

Vì thế, Ukraine đang phải đánh với một gã khổng lồ tuy không có võ, nhưng khỏe kinh khủng mà trong làng võ có câu “nhất lực nhì thế.” Ukraine như cụ Diệp Vấn còi bé tí, có mấy sức đâu, nhảy choi choi thoi được nó vài quả, nó chỉ gầm lên những tiếng man rợ và đần độn, rồi quại cho Diệp Vấn một quả là cũng đủ liêng biêng. Để đánh được tên khổng lồ man rợ, phải biết điểm huyệt. Và bây giờ thì HIMARS cùng 777 sẽ làm được điều đó.


3. Khả năng phục hồi của Nga đến đâu?

Bước vào “phase 2” các bác đã thấy bao nhiêu là video trên mạng chia sẻ họ kéo hàng đoàn dài xe lửa đủ các thứ pháo phách, từ tận Viễn Đông lên; trong số đó có bao nhiêu là Grad-1 cũ mèm… Để cho lũ quỷ đói đó ăn, tui không nhớ một hôm nào đó tui đã đoán: họ không sản xuất được bao lăm đâu, chủ yếu là lấy đồ tồn kho.

Như vậy để phục vụ cho “phase 2” The Battle of Donbas, họ chẳng sản xuất cái gì, lôi rỗng các cánh về đánh nhau. Họ vẫn tin vào một chiến thắng ngắn hạn có thể đạt được. Chỉ đến khi hết giai đoạn này, nhận ra là đã sa vào một cuộc chiến tiêu hao dài hơi, thì họ mới nghĩ đến… sản xuất.

Chúng ta cần nhìn lại: cuộc chiến tranh Vệ quốc ngày xưa, nhà máy sản xuất xe tăng T-34 có nòng cốt là nhà máy máy kéo Kharkiv chuyển về Ural, và nhà máy đó trước đấy mấy năm được Mỹ giúp xây dựng và trang bị máy móc. Bây giờ nhà máy Uralvagonzavod vẫn là nhà máy tuy có hơi lộ cộ nhưng vẫn là nhà máy hiện đại nhất của Nga về công nghiệp quốc phòng.

Tui vẫn tin là người Nga khi bí có thể làm được nhiều điều kỳ vĩ, nhưng nó không phải là để phục vụ cho một trận đánh to nữa xảy ra chỉ vào tháng sau và chắc chắn phải kết thúc trước cuối năm nay.

Về lâu dài, với những thiệt hại trên chiến trường Ukraine 5 tháng qua, Nga sẽ mất khoảng ít nhất 5 năm để phục hồi lực lượng tăng thiết giáp. Để có được một kho đạn dồi dào như trước chiến tranh, khoảng 2 năm. Mà đó phải là được bỏ cấm vận và trừng phạt, nếu không thì còn lâu nữa.

Dựa trên các dữ liệu tui đã đoán mò là Nga cạn kiệt cả về dự trữ lẫn nhân lực. Về nhân lực, không phải cứ có 144 triệu dân là cứ lôi xềnh xệch 5 triệu chú thanh niên vào quân ngũ được đâu. Làm như thế, đất nước phải ở trong tình trạng chiến tranh đe dọa trực tiếp đến an nguy của đất nước, nếu không, cứ cố làm thì chỉ có loạn. Như hiện nay thay vì diệt trừ một mối nguy chiến tranh, Putox đã lôi đất nước vào một cuộc chiến tranh lớn hơn. Putox có thể không ngu, nhưng những ông ngáo thần tượng lão ta thì cần xem lại đầu óc xem có bị cắm nhầm điện không.

Hôm qua thì tình báo Anh khẳng định: Nga đã cạn kiệt cả về nguồn nhân lực và dự trữ quốc phòng. Bây giờ còn cái gì quẳng nốt vào, đã là những đồng cuối cùng vét túi.

4. Tương lai sẽ như thế nào?

Hiện nay với quân đội của Putox, gần như chắc chắn là sẽ không dừng lại được ở đây vì chẳng tha lôi được cái gì về cả, chỉ cần giữ nguyên hiện trạng như lúc này thì cũng chỉ tầm 1 tháng nữa, có mà tan rã hết. Ở Donbas kho tàng bị bắn sạch rồi, tiến không được lùi không xong, nằm một chỗ cũng chết. Ở Kherson cũng không khá hơn, đến cái cầu cũng như tổ đỉa rồi, sắp tới chạy còn có khi không có đường.

Hôm nay tui đọc ý kiến của một bác nào đó cho rằng Ukraine cần phải khẩn trương đánh cho Nga một trận khi mà họ đang tìm cách phục hồi, cơ mà vũ khí của ai đó đưa sang chậm quá. Tui nghĩ bụng: nếu Nga đang phục hồi và hình thành những lực lượng dự trữ chiến lược lớn, Ukraine bây giờ mà vội đánh bộc lộ lực lượng, cái bọn dự trữ của Nga nó quật lại thì vỡ mặt.

Bây giờ là lúc nó phục hồi, thì cứ cho nó phục hồi, càng cố thì nguồn lực trong nước càng cạn dần chứ hay ho gì. Cùng lắm là sắp tới lôi T-55 ra oánh nhau là hết. Trong thời gian đó ta tranh thủ nhận thêm nhiều nhiều pháo phách, rồi nó đánh ta lại đỡ. Lần trước đánh điên như thế cũng chỉ chiếm được tí đất mà những 70 ngày. Lần này thì sức mấy.

Vấn đề nghiêm trọng nhất của Nga là không quân quá yếu – do vậy không làm chủ được bầu trời; nhưng không vì thế mà họ không còn tí nào. Vì vẫn có không quân, nên nếu Ukraine kiếm được ít cường kích tấn công mặt đất A10 mà không có máy bay phòng thủ (tiêm kích) thì có mà bị họ hạ rụng như sung thôi. Nguy hiểm quá.

Nếu có cái “Phase 3” tiếp theo, thì phải để họ bộc lộ nốt lực lượng máy bay mà vác NASAM ra mà bắn nốt, tích cực triệt phá tiếp tục hậu cần của họ đang tích tụ, họ đánh đâu thì tích cực tổ chức chống tăng tốt ở đấy… đến nửa sau của “phase 3” đến khi diệt được hòm hòm máy bay, thì A10 ra mới ăn thua.

Cả Nga và Ukraine đều muốn hòa đàm mà dừng, nhưng ai cũng muốn có điều kiện thuận lợi để ngồi vào bàn chứ lúc này cái gì cũng mông lung. Nga sau “Phase 2” chiếm được thêm tí đất, trong đánh cờ gọi là hơn quân mà thua về thế, hoàn toàn không có phương án tác chiến thay đổi về chất, nôm na là bế tắc. Ukraine bị mất mấy thị trấn, coi như mất quân nhưng càng ngày càng được cải thiện về thế: có vũ khí vượt trội về độ hiện đại, hơn hẳn về cách đánh. 

Nếu yêu cầu tui hình dung cái gì – thì Nga Putox cùng lắm sắp tới kiếm được ít UAV của Iran là hết, dưới mặt đất vẫn tiền pháo, hậu xe tăng và lại bộ binh… Pháo thì chắc chắn không thể bằng “phase 2” được, còn UAV nếu ông cố mà xin được, thì người ta chắc cũng đang phải tính phương án đối phó rồi. Trong khi đó những điểm yếu của ông về tổ chức hậu cần, càng ngày càng bị khoét sâu và chưa có phương án nào khắc phục. Chia nhỏ ra cho xe đạp thồ kiểu Tây Phi, thì bao giờ mới xong?

Vậy, có thể cũng sẽ cố mà đánh đấy, nhưng đến cỡ như thế nào thì còn phải chờ xem đã.

PHÚC LAI 22.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.