samedi 23 juillet 2022

Trần Trung Dân - Báo chí đưa như vậy, biết tin ai?

 

Những năm gần đây, internet bùng nổ với tốc độ chóng mặt và lượng thông tin khủng khiếp, làm đảo lộn trật tự truyền thông thế giới. Bất cứ việc gì xảy ra, chưa đầy 60 giây, cả thế giới đều biết. Lượng thông tin khổng lồ, nhiều khi thiếu kiểm chứng nên độ tin cậy chưa cao, nhất là các trang mạng cá nhân vì không có người biên tập lại.

Báo chí chính thống thì khác, có biên tập viên, trưởng phòng, phó tổng biên tập phụ trách nội dung, tổng biên tập rồ Sở Truyền thông và Bộ chủ quản. Hệ thống chặt như vậy nhưng có những thông tin, đọc xong là choáng hoặc lùng bùng lỗ tai.

NHỮNG THÔNG TIN RẤT KHÓ HIỂU

Ngày 17/02, báo chi Việt Nam đồng loạt đưa tin tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 17/02.

Tại tọa đàm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết “Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP.HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal Studio vào Hà Nội cũng sẽ có thể có thêm 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) cũng có được 20 triệu khách” (TTO ngày 17/02). 

Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động, Việt Nam sẽ có thêm 70 triệu khách du lịch quốc tế. Đọc xong cứ tưởng, sắp lên thiên đàng. Nếu cộng thêm 18 triệu khách quốc tế từ 2019, Việt Nam có gần 90 triệu du khách, du lịch Việt Nam sẽ ngạo nghễ vươn lên như Phù Đổng, xếp thứ 2 thế giới, bám sát Pháp; vượt mặt Tây Ban Nha, Mỹ…

Làm du lịch dễ như chơi, sao lâu nay không ai biết nhỉ?

Ngày 04/10/2021 Vietnambiz đưa tin “Tổng giám đốc Vietravel cho biết - vì đại dịch, mỗi ngày, Vietravl mất 1 chiếc camry”. Hình như chưa đủ ép phê, ngày 09/12/2021, nhiều báo lại giật tít “Tổng giám đốc Vietravel cho biết – Mỗi sáng thức dây, Vietravel mất 1 triệu khách và 1.500.000 usd”. Như vậy mỗi chiếc xe camry giá gần 32 tỉ đồng?

Nghe là choáng.

Gần đây, lại có nhiều thông tin nhiễu việc mở cửa du lịch. Ngày 15/02, TTO đưa tin “Việt Nam đơn phương mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/002”. Một chủ trương quan trọng sao lại đưa tin đột ngột như vây? Một ngày sau, 16/2, cũng TTO “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý đề xuất của Bộ VHTTDL, mở cửa du lịch từ 150/3/2022”.

Mới chỉ đồng ý chủ trương, phải trình Thủ tướng quyết định bằng văn bản chính thức mới có giá trị. Chưa kể sau đó phải có hướng dẫn thực hiện cụ thể đến các ngành, các địa phương. Vậy tin 15/02 đơn phương mở lại các đường bay quốc tế là thật hay giả?

Chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế, ngày 16/02 TNO đưa tin “Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và song phương cho 88 quốc gia” mà không nói rõ miễn cho loại hộ chiếu nào.

Cổng Thông tin Điện tử về công tác Lãnh sự của Bộ Ngoại giao (lanhsuvietnam.gov.vn) cập nhật mới nhất trên trang chủ ngày 10/04/2020 cho biết Việt Nam miễn thị thực hộ chiếu ngoại giao 88 quốc gia, hộ chiếu phổ thông đơn phương 13 quốc gia. Không thấy miễn thị thực hộ chiếu phổ thông song phương.

Trong danh mục các quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam miễn thị thực song phương, cách viết tên rất tùy tiện. Có tên tiếng Việt như Pháp (France), Ấn Độ (India), Nhật Bản (Japan) …Có tên phiên âm kiểu ngắt từng từ như Pa – ra – guay (Paraguay), Pa – na – ma (Panama), Lit – va (Litva)... Phổ biến nhất là kiểu không theo quy luật nào như Kư – rư – gis - xtan (không biết là nước nào), Mô – dăm – bích (Mozambique), I - xra – en (Israel), Bờ Biển Ngà (Côte d’ lvoire)…

Trang chủ của Cục Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) không thấy thông tin các nước được Việt Nam miễn thị thực. Trang xuatnhapcanh.com.vn, cập nhật ngày 26/07/2021 ghi “Chính phủ Việt Nam miễn thị thực visa cho công dân của các nước: Cộng hòa Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippin, Brunei và các nước Asian khác”. Từ Asian nghĩa là “người châu Á” được dùng rất khó hiểu. Trang không ghi số lương quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực.

THỬ TÌM CÂU TRẢ LỜI

Ngày 17/02/2022 (ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979), báo chí Viêt Nam đưa tin “Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tuyên bố nêu có Disneyland sẽ có thêm 25 triệu khách mỗi năm” (plo.vn), nghĩa là mỗi ngày phải có 68.500 khách.. Nếu tính theo giá vé cửa Disneyland Hồng Kong là 639 HKD (# 1.900.000 VNĐ = 83 usd) thì doanh thu vé cửa sẽ là 2,075 tỉ usd. Chưa kể tiền khách mua thức ăn, nước uống, quà lưu niệm…

Năm 2019, cả TPHCM chỉ đón được 8,619 triệu khách quốc tế. Chỉ cần Disneyland là Sài Gòn có gần gấp 3 lượng khách quốc tế năm 2019; gấp 1,5 lần tổng lương khách quốc tế vào Việt Nam. Tương tự, nếu có Univesal Studio ở Hà Nội thì thủ đô cũng có thêm 25 triệu khách quốc tế. Mở Sea World ở Khánh Hòa thì có thêm 20 triệu khách quốc tế. Tổng công 3 điểm này là 70 triệu khách. Quá hớp!

Úm là là. Phán còn hơn phép lạ. Singapore mở Univesal Studio từ 2010. Năm 2018 đón 18,5 triệu khách quốc tế. Năm 2019, cả ngành du lịch đảo quốc Sư tử nỗ lực, chứ không riêng gì mỗi Universal; Singapor chỉ tăng 1,9o/o khách quốc tế (351.500 người).

Theo tìm hiểu của tôi, sau khi phân tích, cân nhắc; Disneyland gạt bỏ lần lượt Singapore, Kualar Lumpur (Malaysia) và Thượng Hải (Trung Quốc) để chọn Hồng Kong, mở cửa từ 2005.  Thế giới hiện có 6 Disneyland ở California, Florida (Mỹ), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kong, Thượng Hải (Trung Quốc).

Ngày 09/12/2021, báo chí đưa tin phát biểu của Chủ tich công ty du lịch V. “Mỗi sáng thức dây, mất 1.000.000 khách và 1.500.000 usd” (cafebiz.vn). Như vậy năm 2019, công ty này đón 365 triệu khách và doanh thu 547,5 triệu usd (1ussd = 23.000 VND #12.592 tỉ đồng)? Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2019, cả thế giới ước đạt 1,5 tỉ người đi du lịch. Riêng công ty V. đón khoảng 25o/o toàn thế giới; gấp 3,6 lần tổng gộp khách nội địa (85 triệu) và khách quốc tế (18 triệu) của cả Việt Nam.

“Mỗi ngày mất 1 triệu khách và 1,5 triệu usd”. Chẳng lẽ mỗi khách đi du lịch chỉ chi 1,5 usd (35.000 đồng) mỗi ngày? Năm 2019, doanh thu công ty V. đạt 6.755 tỉ đồng (Báo cáo tài chính ngày 31/12/2019, lấy số tròn), chứ không phải 12.592 tỉ như phát biểu của Chairman (mỗi ngày mất 1,5 triệu usd). Kiểm tra thông tin, mới hay, cả năm 2019, công ty V. đón gần 1 triệu khách, hiếm công ty nào làm được. Còn đón mỗi ngày 1 triệu khách thì chỉ có tưởng tượng.

Thông tin báo chí của lãnh đạo do bộ phận thư ký và trợ lý chuẩn bị. Họ có thể sai, nhầm. Lãnh đạo, vì quá bận rộn, không đọc kỹ hoặc “nổ”. Chẳng lẽ tất cả phóng viên và hệ thống biên tập, trình duyệt đều không phát hiện ra. Theo phương ngữ Nam bộ, “nổ” là nói thêm, có ít xít ra nhiều. Có người bảo ở Việt Nam, cứ tha hồ “nổ”, vì người đọc chỉ lướt qua, không để ý và tin sái cổ.

Những thông tin kỳ cục này vẫn ngang nhiên tồn tại, không hề được đính chính hoặc gỡ bỏ. Có người bảo “Nhà báo, họ biết nhưng cứ đăng nguyên văn để phơi bày lỗi lãnh đạo, cho thiên hạ biết chơi”. Chẳng rõ thực hư thế nào.

VÀI KIẾN GIẢI

Dân Bắc Trung bộ có câu “Lời nói, đọi máu”. Đọi, còn gọi là chén (Nam bộ), bát (Bắc bộ). Lời nói gió bay còn vậy, nữa là chữ viết rành rành. Rất cần có những biện pháp chế tài, để bệnh “nổ” không thể sinh sôi, lòe và lừa bạn đọc. Người cố tình “nổ” phải được xử lý, vô ý “nổ” phải xin lỗi. Bản chất báo chí là trung thực. Thừa nhận “nổ” là phủ nhận đạo đức báo chí.

Nhà báo và cả hệ thống biên tập cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu tiếp tay cho những người thích “nổ”. Vô tình do trình độ kém thì chuyển công tác. Cố ý trục lợi thì xử lý kỷ luật. Rất cần thống nhất cách viết tên người, địa danh nước ngoài. Phải viết nguyên văn bằng tiếng Anh như các nước khác đang làm.

Các cổng thông tin điện tử nhà nước, cần cập nhật chính xác, đầy đủ để bạn đọc truy cập dễ dàng. Không đánh đố như hiện nay. Cứ ra rả hết 4.0 rồi 5.0, làm ra vẻ sành công nghệ, nhưng thông tin rối mù. Bạn đọc chỉ cần “4.Có” nghĩa là có thông tin minh bạch, có số liệu chj thể, có cách làm hiệu quả, có người chịu trách nhiệm..

TRẦN TRUNG DÂN (Tác giả gởi cho trang Thụy My)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.