vendredi 29 juillet 2022

Quang Vĩnh - Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật thay cho phán xét của tòa án ?

 
 

Trong hai ngày 26 và 27.07.2022 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ 13 Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Sáng 27/07, ngày khai mạc chính thức được mở đầu với vài  tiết mục văn nghệ, trong đó có bài hợp xướng “Sau lời tuyên thệ” của nhạc sĩ Lân Cường (phổ nhạc từ bài thơ “Lời tuyên thệ” của Lê Cảnh Nhạc).

Chiều 27/07/22, trả lời với báo giới, nhạc sĩ Lân Cường khẳng định bài hợp xướng như một lời cảnh tỉnh cho tất cả Đảng viên không trừ một ai.

Và ông giải thích kỹ hơn: “Âm nhạc ca ngợi cái đẹp của cuộc sống. Nhưng, âm nhạc cũng đồng thời phải có tiếng nói đấu tranh với những điều sai trái. Trong một đại hội của văn nghệ sĩ Thủ đô, tôi thấy bản hợp xướng này được trình bày không có gì sai trái khi Đảng ta đang đẩy mạnh tệ nạn tham nhũng”.

Lời thơ, giai điệu nhạc là điều có thể chấp nhận được, nhưng khi hợp xướng, đạo diễn cho chiếu minh họa hai hình rất lớn trên phông sân khấu - hình của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Và sau đó là hình rất nhiều quan chức đã bị Tòa xét xử và nhiều người đang thụ án.

Thưa nhạc sĩ và thưa Đại hội !

Với ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, cơ quan điều tra (CQĐT) thấy có dấu hiệu phạm tội, liên quan vụ kit Việt Á, nên CQĐT và Viện Kiểm sát (VKS) đã thực hiện giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên: Khởi tố và bắt tạm giam.

Đến thời điểm này, CQĐT vẫn đang điều tra, chưa có kết luận điều tra, chưa có cáo trạng truy tố của VKS và do đó chưa có phán xét cuối cùng của Tòa án.

Việc đưa hình hai ông lên sân khấu là việc làm không đúng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Quý vị có thể nói: Do tiền bạc, hư danh nên những người này đã quên đi “lời tuyên thệ” và lầm đường, lạc lối? Trong thiết chế này, ai mới có quyền kết luận họ?

Nếu quý vị còn nhớ “lời tuyên thệ” và chưa lầm đường, lạc lối thì phải tôn trọng và thực hiện đúng các quy định trong Hiến pháp và luật pháp về quyền con người.

“Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14 Hiến pháp).

“Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang ” (Điều 44 Bộ luật hình sự 2015).

Và phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;…(Điều 27, Luật thi hành án hình sự).

Khi chúng ta đứng trên luật pháp thì chẳng thể nhắc nhở, khuyến cáo ai được!

Mặt khác, trong danh sách trên, lẽ ra Hội nên khơi gợi "phần người" trong họ để họ và gia đình có thể vượt qua những gian đoạn đầy khó khăn này thay vì mang họ ra làm một cuộc triển lãm!

QUANG VĨNH 28.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.