vendredi 1 juillet 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 125 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (28/06/2022)

 

1. Điểm qua những thông tin về thái độ của người Nga đối với Putox và cuộc chiến tranh của lão ta ở Ukraine.

Cá nhân Putox và cách tiếp cận của lão ta trong điều hành nước Nga nhìn chung được người Nga ưa chuộng. Trải qua gần hai thập kỷ lãnh đạo với tư cách là tổng thống hoặc thủ tướng Nga, phần lớn, Putox đã nhận được sự ủng hộ của công chúng ở mức độ cao. Ngay cả vào thời điểm có điểm ủng hộ thấp nhất vào năm 2011 – 2013, xếp hạng của lão ta vẫn vượt quá 60 phần trăm.

Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014, xếp hạng ủng hộ của dân Nga với Putox đã tăng trở lại và ở mức trên 80%. Ý kiến của công chúng Nga dường như được ghi nhận: Putox bị đánh giá một cách không tương xứng với những thành tích tích cực của đất nước trong khi họ đổ lỗi cho các tổ chức và chính trị gia khác hoặc cho các cường quốc bên ngoài.

Người Nga dường như tán thành hiệu suất quản trị của Putox, vì họ coi lão ta là người chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế đồng thời cung cấp môi trường an ninh và ổn định xã hội. Đa số người Nga được hỏi cho rằng Putox chịu trách nhiệm phần lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế mà Nga đã trải qua trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình và nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ, Putox đã cải thiện sự ổn định xã hội và an ninh ở nước này.

Hầu hết người Nga cũng tin rằng đất nước đang đi đúng hướng. Chỉ 12% người Nga nghĩ rằng một tổng thống Nga tương lai nên theo đuổi các cách tiếp cận tự do hơn trong quản lý đất nước và hơn 70% là hài lòng với phong cách quản trị hiện tại thậm chí nghĩ rằng nó phải khắc nghiệt hơn.

Putox gặt hái được những lợi ích từ “huyền thoại” về sự thành công ban đầu của mình, vì nhiều người Nga hy vọng lão ta sẽ dẫn dắt đất nước hướng tới sự thịnh vượng kinh tế và ổn định chung trở lại.

Người Nga xem vị thế quốc tế của một quốc gia trên thế giới là một hàm số của một số yếu tố, đặc biệt là ngoài kinh tế, mà còn cả sức mạnh quân sự. Quân đội có thể ngày càng trở nên quan trọng hơn đồng thời nhiều người Nga tin rằng sự sợ hãi của những người khác đối với Nga cũng khiến toàn cầu tôn trọng sức mạnh của nước này.

Sự phản đối của Nga đối với các liên minh hùng mạnh nhất thế giới được coi là một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga. Đồng thời với quân sự, các yếu tố kinh tế cũng dường như quan trọng hơn đối với nhận thức về vị thế cường quốc của Nga bất chấp một số lượng ngày càng giảm người Nga liên kết “sự vĩ đại của đất nước” họ với quá khứ hào hùng và sự rộng lớn về địa lý.

Hơn nữa, số người tin rằng sức mạnh quân sự và kho vũ khí hạt nhân khiến một quốc gia trở thành cường quốc cũng tiếp tục tăng lên. Người Nga có thể sẽ duy trì quan điểm rằng địa vị cường quốc của Nga là quan trọng, ngay cả trong thời điểm kinh tế gặp nhiều thách thức.

Phân tích của Trung tâm Levada về cuộc thăm dò của họ thực hiện trước đó cũng cho thấy người Nga sẵn sàng hy sinh về mặt kinh tế (ví dụ: do các lệnh trừng phạt) để duy trì vị thế của Nga như một cường quốc. Ngay cả khi những người trả lời khảo sát đang đối mặt với gánh nặng kinh tế do sáp nhập Crimea, hơn 80% số người được hỏi vẫn tán thành và coi đó là một bước tiến lớn đối với sự vĩ đại của Nga.

85% người Nga nói rằng họ thích nhập quốc tịch Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác và gần 60% coi Nga tốt hơn các nước khác. Tuy nhiên, có vẻ như lòng yêu nước Nga đương thời khá “mù quáng”. Gần 60% tin rằng một người nên ủng hộ đất nước của họ ngay cả khi lãnh đạo đất nước làm điều sai trái, chỉ một số ít đồng ý rằng “việc Nga thừa nhận sai lầm sẽ khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”

Nhiều người Nga coi chiến tranh là một trong những nỗi sợ hãi hàng đầu của họ. Họ cho rằng ngày nay khả năng xảy ra chiến tranh cao hơn so với những năm 1970 nhưng lại coi các hành động của Nga là “nỗ lực giảm thiểu nguy cơ chiến tranh.” Trong góc nhìn này, việc chống lại các nỗ lực quân sự của Nga sẽ dẫn đến hậu quả là bị coi là vô đạo đức và không yêu nước.

Tại nhiều điểm của dòng thời gian hậu Xô-viết, người Nga coi Hoa Kỳ là nguy cơ lớn nhất hoặc ít ra là một trong những các nước thù địch đối với Nga. Thái độ này gia tăng đáng kể kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngày nay, người Nga coi Hoa Kỳ và liên minh NATO là các mối đe dọa và ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ngoài ra, hơn 80% người Nga tin rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang tiến hành chiến tranh thông tin chống lại Nga.

Chính vì vậy mà hiện nay nếu bác nào thấy có người bạn Nga coi cuộc chiến tranh ở Ukraine đã diễn ra là đương nhiên, thì đừng lấy làm lạ. Tui có những người bạn Việt Nam định cư tại Nga, cũng coi đó là… việc cần làm.

Chỉ có một điều xin các bác để ý: một ngày sẽ có người Nga nào đó băn khoăn: phải chăng như những gì đang được hiểu trên nước Nga hiện nay, thì phải chăng toàn thế giới đã bị “phát-xít hóa” theo Mỹ? Nếu không phải vậy thì ít nhất 2/3 số nước (141 nước bỏ phiếu chống Nga ở Liên hiệp quốc chẳng hạn) đã là phát-xít cả, còn Nga thì đơn thương độc mã chống lại cả thế giới phát-xít. Vậy phe đồng minh đâu cả? Chỉ còn Trung Quốc, những người đang xâm chiếm chính thành phố Mátxcơva của họ và họ rất căm ghét, hay mấy anh “nhà quê có vũ khí hạt nhân” Bắc Triều Tiên?

Những điều kiện để họ tự dưng đặt câu hỏi cho bản thân đó, tui xin gác lại đến mai.

2. Thử hình dung tiếp về cuộc chiến.

Hơn 120 ngày kể từ cuộc tấn công bất ngờ vào Hostomel, cuộc chiến của Nga đối với Ukraine đã chuyển từ phong cách cơ động nhanh sang các cuộc đọ sức các lực lượng pháo binh. Cho đến thời điểm tui viết những dòng này, Nga đã có những bước tiến đáng sợ ở phía đông đất nước Ukraine. Mới đây họ đã chiếm được Serevodonetsk. Vậy ngày mai, ngày kia thì sao?

Cũng đúng ngày hôm nay, báo mạng “Đại Lỗ tàu nhanh” đã đăng một bài báo trích dẫn ý kiến của vài chuyên gia và tướng lĩnh phương Tây. Trong bài có một số điểm đáng chú ý như sau:

• … họ phải sử dụng một lượng đạn pháo khổng lồ để phá hủy hầu hết công trình trong thành phố, với mật độ hỏa lực mà gần như không có quân đội nào trên thế giới có thể duy trì lâu, theo giới chức phương Tây…

• … Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước cho rằng lực lượng Nga sẽ chỉ có thể tiếp tục chiến đấu trong vài tháng tới. Sau đó, “Nga có thể đạt tới điểm mà họ không còn động lực tiến quân vì cạn kiệt nguồn lực.”

• … “Nga không có đủ nguồn nhân lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” Yuri Kotyenok, blogger quân sự Nga, viết trên Telegram. Kotyenok ước tính Nga sẽ cần ít nhất 500.000 quân để đạt được các mục tiêu đề ra và chỉ có thể huy động được lượng quân như vậy thông qua một cuộc tổng động viên, điều mà Tổng thống Vladimir Putox tới nay từ chối thực hiện.

• … “nhờ tích cực tuyển mộ quân nhân chuyên nghiệp theo diện ký hợp đồng và huy động quân dự bị, Nga đã có thêm 40.000 – 50.000 quân cho chiến dịch.”

Trong các gạch đầu dòng trên đây, không phải thánh tướng gì nhưng bác nào đã làm bạn với tui trên cõi Facebook ảo mà thật này hẳn đều nhớ có những chuyện chúng ta nói với nhau từ cách đây đến… 2 tháng có khi hơn, ví dụ như chuyện Nga hết đạn pháo phải vay đểu của Belarus.

Hôm nay có một thằng cha cực đểu, chuyên lái tàu ngầm đọc trộm còn xỏ đểu “chắc là tui lấy tên giả viết bài cho “Đại Lỗ tàu nhanh” kiếm nhuận bút.” Đểu đến thế là cùng, tui mà phải làm cái chuyện đó, trong khi đất nước người ta đang nước sôi lửa bỏng đầu rơi máu chảy.

Riêng về vấn đề Nga tổng động viên chúng ta đã bàn sôi động trước ngày 09/05 là Lễ chiến thắng là không biết lão Putox có tuyên bố hay không, còn trước đó nữa tui đã cùng các bác tính toán là muốn thành công trong “phase 2” với mục tiêu ban đầu gồm: toàn bộ hai tỉnh miền đông Ukraine Donetsk và Luhansk, gần hết tỉnh Kharkiv và toàn bộ miền nam Ukraine trong đó có cả Odessa, thì Nga cần ít nhất 500.000 đến 1 triệu quân. Về sau họ thu hẹp dần mục tiêu, mặt trận miền nam cả tháng nay chỉ cầm chừng giữ vị trí, Kharkiv bị ép mạnh chỉ còn hà hơi thổi ngạt được cho Izyum… Chúng ta vẫn tính họ cần ít nhất 200.000 đến 250.000 quân.

Hôm nay thì tay Yuri Kotyenok cũng viết điều tương tự: cần 500.000 quân mà ở đây chỉ để chiếm trọn vẹn hai tỉnh miền đông Ukraine, ở thời điểm chỉ còn 1 ngày là sang tháng Bảy, thì còn phải thanh toán dứt điểm thành phố Lysychansk và quay sang chiếm 2 thành phố Kramatorsk và Slovyansk.

Chúng ta cùng quay lại tính toán: ngày 24/02 có 200.000 quân Nga tham gia “Chiến dịch quân sự đặc biệt.” Đến hết “phase 1” tức là ngày 19/04 họ đã tiêu tốn số 20.900 người lính thiệt mạng đồng nghĩa với tổng số khoảng 60.000 người thương vong. Đến ngày hôm nay con số đã là 35.450 người thiệt mạng, tổng số thương vong ước tính 110.000 người. Như vậy dù có bổ sung được 50.000 quân cho “phase 2” thì hiện Nga vẫn chỉ có trên chiến trường khoảng 140.000 người đến thời điểm này.

Do không đạt được ưu thế về quân số, thậm chí chất lượng binh lính xét về độ tinh nhuệ và thiện chiến ở giai đoạn The Battle of Donbas thì quân Nga còn thua xa quân Ukraine. Vì chất lượng binh lính thấp, nên họ vẫn phụ thuộc xe tăng mà vai trò của xe tăng trong giai đoạn này của cuộc chiến, vẫn tiếp tục thể hiện là… rất đáng phải xem lại. Mặc dù giảm mức độ sử dụng xe tăng trên chiến trường Donbas nhưng Nga vẫn mất trung bình khoảng 18 chiếc/ngày. Không phải chỉ Nga mà tất cả các nước trên thế giới cần xem lại vai trò và cách sử dụng xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Vì vậy, họ dùng cách đánh tăng mật độ và cường độ bắn phá bằng hỏa lực gián tiếp lên tối đa trên một diện tích thu nhỏ tối thiểu, sau đó mới cho tiến quân. Bằng cách này, họ buộc quân đội Ukraine phải phân tán và thiết lập thế cân bằng về quân số. Do thua thiệt về pháo binh, quân Ukraine dù nỗ lực đến đâu vẫn phải gánh chịu những tổn thất ghê gớm và chấp nhận mất các vị trí phòng thủ: Kreminna, Popasna, Rubizhne, Lyman và gần đây nhất là Serevodonetsk.

 

Như vậy bước vào Hiệp phụ lúc này, Nga sẽ phải giải quyết một mặt trận phòng ngự của phía Ukraine theo một hình vòng cung, nếu tui đo trên bản đồ từ Barvinkove đến đối diện thành phố Donetsk, qua trước mặt Lyman và Serevodonetsk là những chỗ Nga đã chiếm được, vòng cung đó là khoảng 250 km. Bên trong đó để bảo vệ Bakhmut và hai thành phố chính Kramatorsk và Slovyansk phía Ukraine đã xây dựng trong suốt 8 năm ròng rã hệ thống công sự phòng ngự kiên cố và dày đặc, nhiều tầng lớp. Bên trong nó, vì đã chủ động rút khỏi các thành phố thị trấn từ đầu “phase 2” nên lúc này quân số Ukraine mới là đông, ước tính có thể lên tới 150.000 người hoặc có thể đông hơn. (Xem bản đồ đính kèm)

Vì vậy để giải quyết trọn vẹn được cái vòng cung này thôi, thì Nga cần không phải là 140.000 quân hiện có trên toàn chiến trường, tất cả các mặt trận, mà cần phải có gấp 3 đến 4 lần quân số của Ukraine, nghĩa là từ 500.000 đến 600.000 người chỉ riêng trên hướng cái vòng cung đó thôi: 150.000 bên hướng nam Izyum để đánh Slovyansk, 150.000 trên hướng thành phố Donetsk – Bakhmut. Còn đối diện với vòng cung, Nga cần phải có từ 250.000 đến 300.000. Nếu không tổng động viên, thì đó là một con số không tưởng về nhân lực.

Về dự trữ hỏa lực và khí tài, tương ứng với 500.000 quân, nếu tính 100 quân cho 1 xe tăng thì Nga cần 5.000 xe tăng mới loại tốt, và cũng từng đó xe bọc thép chở quân. Đồng thời để bắn phá một mặt trận chỗ “nông” nhất là khoảng 20 km, chỗ sâu nhất là từ đáy đến đỉnh vòng cung là 90 km, Nga cũng cần một số lượng đạn pháo khổng lồ gấp vài lần họ đã dùng trong 40 ngày vừa qua chỉ để chiếm từ Kreminna đến Serevodonetsk. Đến đây thì tui chịu không tính được, chứ hồi đó tính ra cứ khoảng 7 ngày 1 tuần gì đó họ bắn cỡ 1 triệu quả đạn mà chỉ trên một chính diện rộng 2 km và sâu 10 km thôi, và tính cho 3 mũi tấn công.

Hồi đó, thời điểm khoảng 11-12/04 chúng ta đã tính toán với nhau như thế và bây giờ thì tình cho thấy các logic được dùng để tính toán là đúng đắn, nó thể hiện qua thời gian 40 – 45 ngày vừa qua, Nga đã dùng đến mấy chục BTG (khoảng 60 – 80.000 quân) và một số lượng đạn dược khổng lồ chỉ để chiếm mấy thành phố thị trấn con con, và tiến được khoảng dưới 30 km chiều sâu mặt trận.

Không những thế, họ còn phải thực hiện một hành động liều lĩnh cực phi logic là rút rỗng lực lượng và đạn dược ở tất cả các hướng phòng thủ chính của đất nước để quăng vào lò lửa Ukraine. Theo tin tui nắm được tuần trước, các đơn vị quân sự địa phương của Nga trên khắp đất nước đã chỉ còn cái vỏ: lèo tèo vài ông chỉ huy cao tuổi, không còn xe cộ và cả lái xe, súng ống đạn dược mang đi hết.

Có lẽ Hiệp 2 của trận đấu đã có tác dụng tích cực là biến quân đội Nga từ hùng mạnh ai cũng sợ, còn mỗi cái vỏ.

Nếu tiếp tục tính toán theo logic cũ (với Nga thì làm vậy được) thì các con số trên đây vẫn hợp lý, và như tui vừa viết: không tưởng.    

Những diễn biến vừa qua đặc biệt là phải bỏ Serevodonetsk và vài ngày tới là Lysychansk, có thể với nhiều bác là đáng lo lắng và buồn, nhưng hầu hết chúng ta thấy đó là hợp lý và đó là những việc được lường trước từ lâu. Điều chúng ta mong là quân Ukraine rút an toàn ra ngoài, thì đến bây giờ mọi việc tỏ ra đang ổn.

Các bước lùi đó của Ukraine, là các bước lùi và để Nga thắng về chiến thuật, nhưng về chiến lược lại có những tiến bộ rất lớn: chắc chắn sẽ có thêm nhiều vũ khí pháo binh nặng, hệ thống phòng không và tăng cường cả khả năng chống hạm. Về quân số chúng ta nói rồi, tình thế đang là phi đối xứng, Nga không tổng động viên được, mà phải cào chỗ nọ cấu chỗ kia, trong khi Ukraine thì làm được việc này.

Với tui thì quan trọng nhất là hôm qua Ukraine nhận được 90 cái xe tải nhà binh (cam-nhông – camion) 4x4 đẹp lắm của Renault, trông khá giống cái GaZ-66 của Liên Xô ngày xưa. Ở Hiệp 2 này Nga vẫn thiếu xe tải nhưng Ukraine thì hóa ra lại cần xe tải… gần bằng Nga. (Ảnh) 

Tui đồng ý với cha Oleksii Arestovich (Олексій Арестович), rằng trong vòng 4 tuần tới thì tình hình chiến trường sẽ thay đổi nhiều. Nhưng tui còn đồng ý với bác Lê Hồng Anh rằng rất có thể đến cuối tháng 8 là tất cả xong hết, quân Nga tan hoang trên mọi cánh và phải rút. Có đàm phán được hay không tui chưa dám nói.

PHÚC LAI 29.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.