1. Tôi thuộc thế hệ học Liên Xô từ thập niên 1970 – thời kỳ ở Liên Xô bắt đầu có nhiều dấu hiệu của khủng hoảng của một “nền kinh tế khan hiếm”. Nhưng nhìn chung Liên Xô là một xã hội thanh bình, tươi đẹp.
Con người (ít nhất là trong quảng đại nhân dân) sống không giàu có, thịnh vượng nhưng đầy tình cảm, nhân hậu, yêu đời, bằng lòng với mô hình xô-viết hướng đến tương lai tươi đẹp…Đỉnh cao hài hòa và tươi đẹp của mô hình xô-viết tại Liên Xô là thập niên 1960.
Đối với người Việt Nam đói khổ, nghèo hèn, đất nước tao loạn hồi đó thì khi được sang Liên Xô đúng là được lên thiên đàng.
Học 5 năm ở Nga, dù cũng không sung sướng gì cho lắm (đó là bây giờ nhìn lại) nhưng khi về vừa có bằng cấp trong tay, chuyên môn trong đầu. Vừa có “thùng hàng” mang về với xe đạp, bàn là, máy khâu, đài rigonda, vải vóc, đường sữa… có khi cải thiện được cả kinh tế cá nhân và gia đình trong vài năm.
Đi ra ngoài đường, dù có cố mặc chiếc áo đại cán sờn vai cũng không giấu nổi nguồn gốc cái thằng, cái con du học về vì má phinh phính, da mịn màng như quết bơ. Tác phong dù cố giấu cũng không che nổi những thói quen “lịch lãm”, “quý tộc” học được bên Nga như ăn ngậm miệng, uống nước hai tay, nhường nhịn, giúp xách đồ cho phụ nữ dù lạ, chào hỏi cảm ơn khi giao tiếp…
Tuổi trẻ, thành người gắn với Nga – Liên Xô nên yêu Nga là phải. Giống như mối tình đầu của cô thiếu nữ, nó ấn tượng, sâu sắc và cả đời không thể quên.
2. Mười năm sau, tôi được quay lại Liên Xô (Moskva) để học tiếp bậc sau đại học - ước mơ lớn nhất của thế hệ tôi hồi đó. Đơn giản là chỉ có đi Liên Xô và vài nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa mới có nơi học sau đại học. Mỗi năm chọn cử đi khoảng 200-300 người trên tổng nhu cầu gấp mấy chục lần con số đó.
Hào hứng bao nhiêu, mong mỏi bao nhiêu thì khi sang Nga đụng vào thực tại nước Nga hồi đó đang cải tổ, tan rã, biến loạn, suy đồi… có người thất vọng bấy nhiêu.
Tuy nhiên, cứu cánh đã mở ra: người người (Việt Nam) đi buôn, nhà nhà đi buôn, buôn thúng bán mẹt hàng xén cũng OK mà buôn lớn bán to cũng OK. Xã hội Nga loạn, xã hội Việt Nam đói rách nhưng lại gần các nguồn hàng làm giả mạnh nhất là Thái Lan và Trung Quốc… Việc đi buôn trở thành hoạt động chính. Không phải chỉ sinh viên, nghiên cứu sinh mà tùy viên quân sự, tham tán, công sứ… lại buôn mạnh hơn với hộ chiếu đỏ quyền lực trong tay.
Chỉ việc xoay lại trục mục tiêu : “Đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” là cuộc đời lại vẫn đẹp sao.
Nhưng xã hội Nga, con người Nga trong cơn cuồng loạn của đổ vỡ, họ bộc lộ cá tính, nhân cách thật của họ một cách trần trụi nhất. Ta thấy một xã hội Nga, một văn hóa Nga khác với sách vở, khác với mường tượng của các thế hệ ngày xưa.
Bạn tôi, lúc đó làm cho FPT Vietnam, 20 năm không quay lại Nga, anh hào hứng sang Nga công tác, ở khách sạn sang nhất Moskva (Intourist ngay gần Quảng trường đỏ). Tôi gặp anh được đúng một lần. Anh quá hào hứng, quá tự tin, quá chủ quan, quá yêu nước Nga, quá tin vào sự nhân hậu tưởng là bản chất của người Nga. Và anh đã bị chính sự mù quáng về niềm tin của mình giết chết anh.
Bọn lưu manh Nga thấy anh hỏi đổi tiền, tưởng anh là nhà giàu, chúng lừa anh đến khu phố vắng vẻ và ban đầu đánh, cướp tiền của anh. Trong hoạn nạn anh vẫn không đủ tỉnh táo để phơi mình cho bọn chúng cướp sạch túi anh thì cũng chỉ có dưới 1.000$ mà thôi, như vậy chắc chắn anh sẽ thoát thân. Rất tiếc là dường như lúc đó anh vẫn còn tin vào xã hội Nga còn nhân hậu, kỷ cương và tử tế. Anh chống lại bọn cướp, kêu cảnh sát… Và anh đã bị chúng đâm chết bằng một mũi lê.
Tôi là người đã đi mua bộ complê cho anh mặc khi khâm liệm trước khi hỏa táng.
3. Hai mươi năm sau nữa.
Nước Nga biến loạn chừng 15 năm thì chuyển sang giai đoạn “ổn định mới” với giá dầu mỏ tăng thì đất nước đỡ nghèo, cuộc sống cải thiện trông thấy. Rồi ông Putin lên cầm quyền đã có công rất lớn trong thực hiện thiết quân luật chống tội phạm, chống cả khủng bố, chống cả các phong trào chính trị đối lập, chống ly khai kiểu Chechnia, và đến nay chống cả sự độc lập, tự quyết của người anh em Ukraina…
Putin mang lại niềm tin, đời sống no đủ cho giới ăn theo ông ta về lợi ích, chính trị, nhưng do kinh tế quá kém, không bao nổi hàng mấy chục triệu dân Nga nghèo đói, bị gạt ra khỏi lề ở vùng sâu, vùng xa.
Nước Nga bây giờ còn tan nát, bế tắc, suy đồi hơn bao giờ hết. Nhất là từ khi Putin và giới cầm quyền Nga gây chiến quy mô lớn với Ukraina và chống lại Phương Tây nói chung.
4.Nhiều người Việt sống ở Nga họ buộc phải “yêu nước Nga”theo cách của họ. Đó là do miếng cơm, mang áo của họ gắn liền với xã hội Nga đương đại. Họ cũng bị hạn chế thông tin khi ở Nga.
Nhưng rất nhiều người Việt Nam trong nước, nhất là các bác, các cô học, lao động thời các thập niên 1980 về trước, sao vẫn còn mơ màng, ảo tưởng, mù quáng về Nga và Putin?
Xin đừng “dại dột” như anh bạn đã chết tức tưởi của tôi !
KIM VĂN CHÍNH 14.07.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.