samedi 9 juillet 2022

Jimmy Nguyen Nguyen - Abe

 

Tuần này phe ta toàn nhận những tin tức không vui. Mới bữa trước soái ca tóc vàng phải từ chức. Chiều nay đi làm về, mở điện thoại ra xem thì ngài Abe bị ám sát mất.

Coi bộ sau cái đại dịch, phe "chính" rơi rụng, phe "tà" lên ngôi y như trong Kinh Thánh. Nhiều khi mình không tin mà vẫn phải tin. Chu kỳ loạn lạc phải 7 năm. Giờ mới được hai năm rưỡi.

Khi ông làm thủ tướng nước Nhật thì tui đã rời Nhật để qua Úc định cư theo "tiếng gọi con ...chim" rồi. Nhưng con cái của mình vẫn còn ở đó nên hầu như năm nào tui cũng trở về Nhật, do đó cũng chứng kiến một số thay đổi dưới triều của ổng. Những thay đổi có tính quyết định để cứu nước Nhật ra khỏi nạn suy trầm kinh tế và nạn lão hóa dân số.

Không phải công việc nào cũng thành công, nhưng dẫu sao ông cũng là người tiên phong. Cùng thế hệ với tui mà, tư tưởng của những người tuổi Ngọ, tuổi Mùi rất dễ thương, phóng khoáng. Thiệt tình, cô nào lấy được chồng tuổi này thật trúng số.

Sống ở Nhật khá lâu nên tui biết cái dân tộc tính của họ đó là sự tự trọng. Đi làm thuê nhưng vẫn xem mình như chủ hãng, xem sự thành bại của hãng là của mình nên làm kỹ lưỡng, tận tâm. Điều đó làm nên chất lượng sản phẩm của họ.

Thằng con trai tui làm trong nhà máy sản xuất ốc vít. Nó chỉnh máy sao đó mà sản phẩm bị lỗi một ít. Việt Nam xem đó là chuyện nhỏ, cả triệu con ốc vít, trộn vô vài trăm con có sao đâu nên hắn thay vì đem bỏ thùng rác (sợ bị phạt), lại bỏ chung với thành phẩm. Dĩ nhiên ở hãng gia công không thể phát hiện.

Khi đưa vô lắp ráp, tuyến trên thì họ phát hiện. Không thể kiểm lại. Nguyên chuyến hàng gia công của hãng phải hủy hết, tất cả vô thùng rác. Thiệt hại không thể tưởng tượng. Dĩ nhiên họ không biết ai làm bậy trong cả trăm nhân công, nhưng chắc chắn không phải người Nhật vì dân họ làm sai là sẵn sàng nhận. Bị một lần là tởn tới già. Những lần sau phải kiểm tra kỹ, không vì số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Người đàn ông ở Nhật muốn lấy được vợ không phải chuyện dễ dàng. Phải là người...đàng hoàng. Là sao? Là phải có bảo hiểm nhân thọ. Có nhiều loại bảo hiểm, càng đắt tiền thì càng giá trị. Ác một cái là phải đóng liên tục trong bao nhiêu năm đó thì bảo hiểm mới có hiệu lực. Thường là 20 năm. Mà nó chiếm  gần một nửa số tiền lương của mình.

Thí dụ lương một năm một trăm ngàn thì đóng bảo hiểm hết 30 ngàn. Khi đóng đủ hai mươi năm thì kể như khỏe. Thất nghiệp thì có lương, bệnh tật thì có nhà thương lo, vợ con cảm thấy yên tâm khi người chồng có bảo hiểm. Và nếu ổng chết thì được cả gia tài. Để được vậy thì hết cái tuổi trẻ của người đàn ông phải tiết kiệm để có tiền mua bảo hiểm. Cũng có nghĩa là không dám để cho thất nghiệp vì nếu thất nghiệp sẽ không có tiền đóng bảo hiểm. Nếu không đóng liên tục thì sẽ bị mất số tiền đã đóng.

Cái tánh tiết kiệm nó ăn sâu vào người dân xứ Nhật truyền kiếp. Nó có cái hay là lỡ có thiên tai hay tai nạn gì thì cũng không sợ. Giống như ta lái xe mà có bảo hiểm hai chiều, bị đụng xe còn... mừng. Tuy nhiên nếu thái quá, đủ thứ bảo hiểm phải đóng khiến đời sống thiếu sự hưởng thụ. Phải lo làm thêm giờ mới có đủ tiền xài. Nên ở Nhật không có vụ làm 8 tiếng, thường là 10 tiếng một ngày. Trẻ thì có khi làm 12 đến 14 tiếng. Làm như vậy thì đâu có thì giờ yêu đương và đâu còn sức để tạo ra nòi giống. Dân số giảm là vì vậy.

Người Nhật rất mắc cỡ khi phải nhận trợ cấp. Thà vô rừng treo cổ tự sát còn hơn ngửa tay xin xỏ khi hoạn nạn.

Khi ông Abe làm thủ tướng. Ông tìm ra nguyên nhân khiến kinh tế Nhật trì trệ. Dân giàu, nước giàu mà không dám xài. Làm chết xương chết xác cho đời sau chi vậy. Khuyên dân làm ít giờ họ không nghe, phải phạt hãng nào để công nhân làm nhiều giờ và làm ngày thứ Bảy cũng khó vì mất năng suất kinh tế.

Biện pháp hay nhất của ông là bắt chước các quốc gia Âu Mỹ, đó là trợ cấp dễ dàng và chính phủ chi tiền phúc lợi thoải mái. Nó trái với tinh thần tiết kiệm của người Nhật. Tui nghe tin người nhà nói bây giờ nếu thất nghiệp có thể xin  tiền trợ cấp dù không có bảo hiểm (xưa không có phát tiền, đói thì đến nơi nào đó họ cho ăn).

Tại sao Âu Mỹ người ta tiêu dùng nhiều vì nếu thất nghiệp cũng không lo, có nhà nước lo. Tiêu xài nhiều khiến kinh tế phát triển. Một người làm ra tiền nuôi được rất nhiều người. Còn ai cũng khư khư để dành là "chết chùm" hết.

Dĩ nhiên có nhiều người phản đối cái vụ này, nó khiến một bộ phận dân chúng ỷ lại và lợi dụng. Nó khiến người đi làm phải đóng thuế nhiều hơn. Nhưng ta hiểu, muốn xã hội yên lành, không trộm cướp...thì mình làm ra mười đồng cũng phải đóng bốn đồng để đổi lấy môi trường sống yên lành. Còn nếu mình ăn trọn thì cũng có ngày ăn... đạn đó!

Người phụ nữ yên tâm để sinh đẻ vì có nhiều khoản phúc lợi do chính phủ chi trả. Bây giờ ai sinh con thứ ba là cháu đó hưởng phúc lợi nhiều lắm (được cho đủ thứ tiền).

Ông Abe cũng nới lỏng việc nhập cư. Công nhân nước ngoài vào làm việc được bảo lãnh cả vợ con. Nó khiến người ta có động lực....ở lại Nhật. Xưa họ làm được đồng nào họ lo gởi về quê nhà. Giờ làm ra tiền phải chi xài cho vợ con ở đây. Hồi tui còn ở Nhật, người Việt rất ít, khoảng hơn mười ngàn kiều dân thôi. Bây giờ nghe nói cả mấy trăm ngàn kiều dân.

Đó là một chính sách đúng đắn. Cái lợi nhiều hơn cái hại (trộm cắp hoặc tệ nạn khác). Đừng vì cái hại nhỏ mà bỏ đi cái lợi lớn. Tui nhớ họ có luật cho người đã thường trú được bảo lãnh cả con... rơi vì lý do nhân đạo. Thế là mấy năm đó, Việt Nam ta ai cũng có.... con rơi ngoài giá thú. Do mình khai và có hai người làm chứng là được. Sau này đổ bể  nên họ cứu xét khó hơn.

Những chính sách đúng đắn đôi khi phải vài chục năm sau mới có kết quả. Người ta chỉ biết ông Abe với những chính sách đối ngoại như không ngần ngại đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc bằng những lập trường rõ ràng. Không còn nửa nạc nửa mỡ như những đời thủ tướng trước. Hoặc ông gia tăng ngân sách quốc phòng. Nhưng những người nghèo trong nước Nhật rất biết ơn ông, trong đó có người Việt . Họ yên tâm định cư xem đó như quê hương thứ hai, không là chốn tạm dung để kiếm ăn như trước.  

Nhưng cũng có thể vì vậy mà gây hận thù chăng, và kết quả là một sự ám sát. Còn quá sớm để kết luận, nhưng tui tin sự thù hằn dân tộc là nguyên nhân. Nước Braxin tuyên bố quốc tang 3 ngày cho một cựu thủ tướng ngoại quốc là cũng có lý do. Thời của ông, người Braxin vào Nhật làm việc hay sinh sống rất dễ dàng như là một quốc gia chớ không phải là hai nước. Dĩ nhiên, những người bảo thủ không thích chuyện này.

Thật sự khi viết bài này tui có nhỏ lệ. Những người nghèo luôn biết ơn và nhớ ơn người đã giúp mình. Sau 75, họ đã vào Việt Nam sớm để đầu tư và góp phần làm kinh tế nước ta phát triển. Tui nhớ hãng Sony có mặt ngay từ những năm 80. Chỗ tui (Tân Bình) có nhiều bạn xin vô được. Làm một năm là sắm được xe gắn máy. Ờ! Người nghèo chỉ mong ước đơn giản như vậy.

Con cháu đang sống ở Nhật. Vụ covid vừa rồi cũng được cho tiền xài. Cũng nhờ chính sách nới lỏng chi tiêu công do ông khởi xướng. Chỉ nhiêu đó cũng đủ cho mình tiếc thương.

Mong ông yên giấc ngàn thu.

JIMMY NGUYEN NGUYEN 08.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.