mercredi 13 juillet 2022

Dân Sri Lanka lật đổ chế độ, bẫy nợ Trung Quốc vẫn rình rập các nước


Đăng ngày:

Dân chúng Sri Lanka không còn gì để mất

Ngày thứ Bảy 09/07, sau khi vượt qua các rào cản và cảnh sát, một biển người tràn vào Phủ tổng thống, họ nhảy nhót trên giường, bơi trong hồ tắm, nấu nướng trong nhà bếp, chơi piano, tập thử ở phòng gym của tổng thống Gotabaya Rajapaksa...Tư dinh thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng bị dân chúng tràn ngập rồi phóng hỏa.

La Croix coi đây là « Một cuộc động đất chính trị trong bối cảnh kinh tế sụp đổ » ở Sri Lanka. Những hình ảnh khó tin trên mạng xã hội cho thấy chiến thắng của một dân tộc - từ nhiều tháng qua đòi hỏi tổng thống phải từ chức. Lâm vào cảnh cùng cực, đầy phẫn nộ, người biểu tình đã khiến ông Gotabaya phải chạy trốn, dẫn đến sự sụp đổ của cả một gia tộc quyền lực.

Một nhà báo địa phương cho biết, người biểu tình đi bộ, đi xe đạp hay xe lửa đến do không có xăng dầu. Trước lựu đạn cay và những loạt súng, họ không lùi bước, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Nhà phân tích Bhavani Fonseka nhận thấy người dân đã buộc được một tổng thống đầy quyền hành phải hứa từ chức, là một « sự kiện lịch sử ». Nhà đấu tranh nhân quyền Ruki Fernando nhận xét, vụ chiếm Phủ tổng thống và tư dinh cho thấy các dinh thự xa hoa này được nuôi dưỡng bằng công quỹ, trong khi chính quyền nói rằng không có tiền để mua những hàng hóa thiết yếu.


Bẫy nợ của Bắc Kinh vẫn đang rình rập nhiều nước

Sự kiên nhẫn của người Sri Lanka đã đến mức tột cùng. Hòn đảo 22 triệu dân trước đây thịnh vượng, nay mất khả năng chi trả món nợ 51 tỉ đô la từ tháng Tư. Tỉ lệ lạm phát lên đến mức kỷ lục 54,6 % trong tháng Sáu, hàng hóa khan hiếm từ thuốc men cho đến xăng dầu, 80 % dân số bị đứt bữa. Tuy được cho là do đại dịch, nhưng dân chúng tin rằng do nạn tham nhũng của gia tộc Rajapaksa thống trị từ nhiều năm qua, sau khi đè bẹp phe Hổ Tamul.

Trong bài xã luận « Sri Lanka, chiếc bẫy Trung Quốc », La Croix nhận định cuộc nổi dậy có những nguyên nhân nội tại, nhưng còn chứng tỏ vai trò quan trọng của Bắc Kinh. Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tung ra vô số chương trình « đối tác » để thâu tóm những cơ sở hàng hải, kinh tế và chính trị ở nước ngoài. Đảo quốc Sri Lanka với vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương trở thàn mục tiêu hàng đầu. Tổng thống Gotabaya cùng với người anh Mahinda, cựu tổng thống nay là bộ trưởng Quốc phòng, ký với Bắc Kinh những hợp đồng cơ sở hạ tầng béo bở (cảng nước sâu, nhà chọc trời, phi trường quốc tế), những chiếc thùng không đáy ngốn tiền. Trung Quốc cho vay những món tiền lớn và từ chối cho đảo nợ khi Sri Lanka gặp khó khăn.

Chế độ độc tài, quản lý kinh tế tồi tệ, tham nhũng, lệ thuộc Bắc Kinh... đó là món cocktail cũng tìm thấy ở nhiều quốc gia dễ tổn thương khác. Tờ báo cho rằng cuộc nổi dậy ở Colombo báo trước nhiều cuộc khác, được thổi bùng lên với khủng hoảng năng lượng và thực phẩm do cuộc xâm lăng Ukraina gây ra.


Trung Quốc càn quét hải sản biển Ả Rập

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài phóng sự dài về hiện tượng những đoàn tàu hùng hậu của nước này tỏa đi đánh bắt mực ở phía bắc Ấn Độ Dương, đúng hơn là nạn cướp bóc tài nguyên ở nơi cách xa Hoa lục đến 10.000 cây số. Trong mùa đánh bắt từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2022, các phóng viên của tờ báo đã theo sát dấu vết một đoàn 14 tàu từ Phúc Kiến, nhờ dữ liệu vệ tinh của Global Fishing Watch (GFW). Những tàu này dùng ánh sáng để dẫn dụ, câu mực, thả lưới trên cả một vùng biển lớn. Ban đêm, quan sát từ không trung, là cả một vầng sáng rộng như một thành phố.

Trên các vùng biển quốc tế, tàu Trung Quốc thâu tóm 50 % đến 70 % loại hải sản giàu protein này – loài mực ở vùng biển gần Hoa lục ngày càng ít và giá trị thấp hơn. Chính quyền bang Kerala của Ấn Độ ước tính khoảng 1.000 tàu Trung Quốc xuôi ngược trên Ấn Độ Dương đánh bắt trái phép, rất nhiều chiếc không bật định vị. Theo tính toán của Le Monde, riêng trong mùa 2021-2022, Trung Quốc đã gom được đến 420.000 tấn cá các loại và mực tại biển Ả Rập (vùng biển trên Ấn Độ Dương).


Shinzo Abe, « hoàng tử của đảng Dân chủ Tự do »

Về châu Á, các báo Pháp đều đề cập đến sự kiện chấn động gần đây : cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát. Cú sốc gây ra và vô số phản ứng từ khắp thế giới chứng tỏ tầm quan trọng của ông Abe, người thừa kế của dòng họ nổi tiếng Nhật Bản, nắm giữ kỷ lục giữ chức thủ tướng lâu nhất. Ngoại trưởng Mỹ Blinken ca ngợi « một nhà lãnh đạo có tầm nhìn lớn », thủ tướng Ấn Độ Modi « đau buồn hơn cả những ngôn từ », chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Leyen tố cáo « vụ sát hại hèn hạ và dã man » ông Shinzo Abe, « một nhà dân chủ lớn và người bảo vệ một trật tự quốc tế đa phương ».

Le Monde cho biết ông Abe sinh ra trong một danh gia vọng tộc lừng lẫy ở Yamaguchi. Ông ngoại ông, Nobusuke Kishi là thủ tướng Nhật từ 1957 đến 1960; ông cậu Eisaku Sato cũng là thủ tướng từ 1964 đến 1972, giải Nobel hòa bình 1974; người cha Shintaro Abe là ngoại trưởng và nhiều hy vọng trở thành thủ tướng nhưng sau đó qua đời vì bệnh tim. Con trai ông, Shinzo Abe cần phải nối tiếp truyền thống gia đình, đó là mong muốn và mệnh lệnh của người mẹ, bà Yoko, tuy lúc nhỏ ông chỉ muốn trở thành cầu thủ bóng chày hay thám tử.

Ngay từ khi bước chân vào chính trường, Shinzo Abe đã tham gia phe thiên hữu nhất trong đảng Dân chủ Tự do (PLD) là Hosoda. Ông tấn công vào những hồ sơ phức tạp như các vụ người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, sự cứng rắn và lịch thiệp của ông thu hút cử tri nhất là phụ nữ, Abe được mệnh danh là « hoàng tử của PLD ». Ông lên làm thủ tướng năm 2006 với chương trình bảo thủ về chính trị và tự do về kinh tế, gây ngạc nhiên khi đi thăm Bắc Kinh và Seoul để nối lại quan hệ thay vì đi Mỹ.


Giấc mơ sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của ông Abe liệu có thành ?

Chính sách Abenomics của ông dựa vào linh hoạt tiền tệ, tái thúc đẩy ngân sách và cải tổ cơ cấu đã đưa Nhật Bản vào thời kỳ tăng trưởng kéo dài. Tập trung vào việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho Nhật, Abe làm mọi cách để thu hút sự chú ý của các tổng thống Mỹ, và thậm chí còn đạt được mối quan hệ thân thiết với ông Donald Trump. Về uy tín trong nước, Le Monde gọi ông Shinzo Abe là « người dựng lên những ông vua » : cả Yoshihide Suga lẫn Fumio Kishida lên làm thủ tướng được nhờ ông Abe. Sự hiện diện của ông bên cạnh các ứng cử viên luôn rất quý giá, thế nên ông mới có mặt ở Nara trong cái ngày 08/07 định mệnh ấy.

Le Figaro chú ý đến việc các cơ quan truyền thông lớn của Nhật Bản khi đưa tin về lời khai từ hung thủ, chỉ nói chung chung hắn nghi ngờ ông Abe có liên hệ với một « tổ chức tôn giáo » chứ không nêu tên tổ chức này. Tuy nhiên những tờ báo nhỏ và báo chí ngoại quốc đều cho biết đó là Giáo hội Thống Nhất, còn gọi là giáo phái Moon. Các tôn giáo như Thần Đạo, Soka Gakkai, Seicho no ie, Giáo hội Thống Nhất...đều âm thầm đóng những vai trò trên chính trường Nhật Bản trong việc huy động tín đồ đi bỏ phiếu, quyên góp…La Croix ghi nhận, xúc động trước vụ ám sát, số cử tri đi bầu Thượng Viện đông đảo hơn thường lệ, đảng PLD chắc chắn giành được ưu thế.

Các nhà điều tra đang do dự giữa hai giả thiết tấn công khủng bố và hình sự đơn thuần. Một số tờ báo tiếng Nhật và tiếng Anh đã dùng chữ « khủng bố ». Nếu trước đây chiến dịch vận động chỉ xoay quanh vấn đề vật giá và môi trường, thì giờ đây còn là ngân sách quốc phòng trước các mối đe dọa quân sự. Trường hợp PLD giành được hai phần ba số ghế, sẽ có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc hủy bỏ điều 9 Hiến pháp chủ hòa. Với một công chúng nhạy cảm, nếu vụ ám sát cựu thủ tướng được coi là « hành vi khủng bố », sẽ tạo điều kiện cho việc tu chính Hiến pháp. Đó là giấc mơ của ông Shinzo Abe. Nhưng khả năng tiếp nhận vũ khí nguyên tử Mỹ để răn đe các láng giềng sở hữu loại vũ khí này, đã trở nên mỏng manh hơn với sự ra đi của ông.


Nga thiếu quân cho chiến thuật « tiền pháo hậu xung »

Trên chiến trường Ukraina, Le Monde nhận thấy quân Nga hầu như không tiến thêm được từ sau khi chiếm Luhansk. Tạm ngơi nghỉ, chuẩn bị chiến thuật mới hay bước ngoặt của cuộc chiến ? Hơn bốn tháng sau khi Nga tấn công Ukraina, khó thể biết được cuộc xung đột sẽ diễn biến ra sao.

Việc tập trung ít nhất 30 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) ở Donbass xác nhận ý đồ chiếm ít nhất là Donetsk, nhưng Matxcơva luôn nói muốn tiến đến tận Transnistria (ở Moldova) để cắt lối vào Hắc Hải của Ukraina. Và những tuyên bố của Nga cũng như Belarus khiến không thể bỏ qua giả thiết một cuộc tấn công thứ hai vào thủ đô Kiev. Hôm 05/07, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrouchev khẳng định chiến dịch còn tiếp tục « cho tới khi nào đạt được mục tiêu phi quân sự hóa Ukraina ».

Nhà phân tích quân sự Nga Serguei Poletaev cho rằng quân đội Nga cùng với quân ly khai và lính đánh thuê Wagner đã áp dụng chiến thuật dấn lên từ từ theo kiểu Đệ nhất Thế chiến « tiền pháo, hậu xung ». Tuy nhiên Nga đang rất thiếu quân, không thể áp đảo được về số lượng, không thực hiện được những đột phá. Thay vì thay đổi chiến thuật, Matxcơva âm thầm huy động ở cấp vùng vì động viên ở cấp liên bang rất dễ mất lòng dân. Vùng Nijni Novgorod vừa lập tiểu đoàn lính xe tăng riêng, vùng Bachkortostan (Ural) gởi 12 chuyến xe buýt tình nguyện quân sang Ukraina, và danh sách nhanh chóng dài thêm.


Chiến lược mới của Ukraina : Phá kho đạn

Về phía Ukraina tiến hành cùng một chiến lược ở miền nam và miền đông : trụ lại càng lâu càng tốt để gây thiệt hại tối đa cho địch. Một cuộc chiến tiêu hao để làm kiệt sức đội quân đỏ. Nhà tư vấn Xavier Tytelman của Aviation NXT ước tính Nga đã thiệt mất 5.000 quân để chiếm Severodonetsk và Lysychansk. Tuy gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga, nhưng vẫn chưa đủ để chặn đứng kẻ thù, chủ yếu do chênh lệch quá lớn về hỏa lực. Theo Viện RUSI của Anh, Nga bắn đi 20.000 quả đạn một ngày vào các vị trí của Ukraina, còn phía Ukraina chỉ khoảng 6.000 quả.

Ý thức được không thể tiêu diệt từng khẩu đại bác một trong số hàng trăm khẩu của Nga bố trí dọc theo tiền tuyến, quân đội Ukraina nay nhắm vào các kho đạn, kho xăng của Matxcơva tại những vùng chiếm đóng và cả ở hậu cứ. Có ít nhất 11 kho đã bị phá hủy trong 10 ngày qua tại nhiều thành phố Ukraina (Donetsk, Melitopol, Kherson...) và trên đất Nga (Belgorod, Koursk...). Điểm yếu của hệ thống pháo binh Nga vẫn là logistic và thói quen trữ một lượng lớn đạn pháo.

Tuy chiến lược này đã làm chậm lại thậm chí ngưng hẳn đà tiến của Nga, các nhà phân tích phương Tây vẫn cho rằng Ukraina khó thể chuyển từ thế thủ sang thế công. Kiev đang cố gắng tái chiếm Kherson, những chiến sĩ Ukraina nay đã có mặt ở phòng tuyến bảo vệ thành phố. Họ có thể vượt qua hay không ? Đó là một trong những chiếc chìa khóa của các tuần lễ sắp tới.


Nga bị đả kích ở G20, kể cả từ các nước BRICS

Trên lãnh vực ngoại giao, Les Echos thuật lại việc ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đành phải rời hội nghị G20 ở Bali ở Bali cuối tuần trước dù cuộc tranh luận chưa kết thúc, trước những chỉ trích dữ dội của phương Tây về cuộc xâm lăng Ukraina.

Ngay khi Lavrov vừa xuất hiện, ông đã phải đối mặt với một loạt câu hỏi gay gắt. « Bao giờ các ông mới kết thúc chiến tranh ? » « Tại sao không ngưng chiến ? ». « Quân xâm lăng », « kẻ tấn công », « quân chiếm đóng » ... đó là những từ ngữ dành cho phía Nga. Lavrov than phiền các đối tác phương Tây không muốn nói về kinh tế thế giới mà chỉ tập trung chỉ trích Matxcơva. Ngoại trưởng Nga không tham dự một phiên thảo luận trong đó đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kuleba phát biểu qua video, và rời phòng họp khi ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đả kích chính sách của Nga.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh sự cô lập của Nga, ngay cả một số nước ngỡ rằng sẽ ủng hộ Lavrov cũng chỉ trích ông ta. Bà cho biết không có một quốc gia nào thậm chí BRICS, bênh vực thái độ của Nga. « Ngay cả Trung Quốc đã bắt đầu bài phát biểu bằng cách nói rằng Hiến chương Liên Hiệp Quốc cần phải là trung tâm các mối quan hệ quốc tế, Ấn Độ cũng vậy ». Có mặt tại Bali, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ chối gặp riêng Serguei Lavrov. Ông tố cáo trách nhiệm của Nga trong cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu thế giới, đồng thời hoan nghênh cộng đồng quốc tế lên tiếng đòi chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina.


Cảnh sát 5 nước châu Âu phá đường dây đưa người Việt vượt biển Manche

Cũng tại châu Âu nhưng có phần liên quan đến Việt Nam, Le Monde có bài điều tra về « Hồi kết của một mạng lưới phát đạt chuyên đưa người vượt biên qua biển Manche ». Một đợt truy quét tại năm nước châu Âu đã phá vỡ đường dây giúp di dân sang Anh bằng « small boats ».

Theo Luân Đôn, trên 28.500 người đã đến Anh bằng những chiếc xuồng cao su năm 2021, trong khi năm 2018 chỉ có 300 người, và năm nay đã có gần 15.000 vụ. Ngày 06/07, Pháp, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan đã phối hợp với Europol và Eurojust tung ra « chiến dịch quốc tế lớn nhất từ trước đến nay chống những kẻ đưa người vượt biển bằng xuống ». Có 39 người bị bắt, trong đó cầm đầu là một người Kurdistan ở Iran 26 tuổi. Năm mươi vụ khám xét được tiến hành, tịch thu trên 1.200 áo phao, 135 chiếc xuồng và 50 đầu máy.

Tờ báo cho biết tại Pháp, vào cuối năm 2020 cánh sát bắt đầu chú ý đến một mạng lưới đưa người Việt sang Anh bằng tàu. Ngày 19/05/2021, một trong những tàu vượt biên loại này đã bị chìm cách bãi biển La Panne của Bỉ với 44 người Việt Nam và 5 người Irak. Lần theo mạng lưới ngườ Việt, cảnh sát tìm ra cả một đội quân hỗ trợ, đứng đầu là một người Kurdistan ở Irak 24 tuổi. Anh ta chỉ đạo đường dây đem lại lợi nhuận ít nhất 3,5 triệu euro/năm từ trong nhà tù ở Le Havre. Một nghi can khai rằng người Việt phải trả 3.000 euro/người, còn giá cho người Kurdistan là 2.000 euro. Nhà chức trách cho biết chiến dịch là một thành công lớn, vì đường dây vừa bị phá chiếm 40-50 % các vụ đưa người vượt qua biển Manche.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.