1. Đến cuối ngày hôm qua, các trận đánh bảo vệ Chernihiv đã tạm lắng. Các lực lượng vũ trang Ukraine đã làm chủ được vùng phía nam thành phố vốn bị quân Nga thọc sâu vòng qua đến tận đây.
Ngoài ra, ở đâu đó thuộc vùng Savyn thuộc tỉnh Chenihiv (ngay sát địa giới hành chính tỉnh Kyiv) quân Ukraine cũng đánh tan một cuộc tập kích lớn bằng đổ bộ đường không của lực lượng VDV Nga. Đáng chú ý là sau trận chiến phía Ukraine thu giữ 3 xe tăng hạng nặng không phải của lực lượng dù, mà là xe tăng T-80 của lục quân.
Bình loạn : Nhiều khả năng đây là những nỗ lực của Quân khu miền Đông Nga trong việc đánh giải vây lực lượng Nga đang bị kẹt ở đây (rất gần Brovary, đông bắc Kyiv). Hóng được các bác thạo tin trong một diễn đàn quân sự thì đánh giá ở đây quân Nga có thể còn bị kẹt đến cỡ 10.000 quân, trong đó có rất nhiều khí tài nặng, xe tăng, pháo, pháo phản lực… đều ở trong tình trạng cực kỳ thiếu hậu cần.
2. Cũng trong sáng hôm qua theo giờ bên đó, các lực lượng vũ trang Ukraine đã giải phóng cụm ba làng Orlovo, Zagradivka và Kochubeevka ở phía bắc của khu vực Kherson. Quân kháng chiến Ukraine đã ở rất gần Kherson.
Theo bản tin Bộ tổng tham mưu Ukraine, thì quân Nga vẫn đang cố gắng mở các đợt tấn công ở hướng Nam Buh (phía nam Mykolaiv) mong chiếm được Oleksandrivka nhưng không thành công.
Ngược lên phía bắc, các trận đánh xung quanh thành phố Izyum vẫn đang tiếp tục, mà nhiều người đang đánh giá thành phố chuẩn bị trở thành “Mariupol thứ hai.”
Bình loạn : Không cần phải nói nhiều, ngày 21/03 quân Nga đã ra cái “tối hậu thư” khét tiếng dài những 8 trang đòi Mariupol phải đầu hàng, hạ vũ khí ngay lập tức. Lão nào chỉ huy bên phía Nga chịu trách nhiệm tấn công thành phố này cũng cẩn thận “thòng” một câu là “Chiếm thành phố có thể sẽ mất một tuần.” Đến nay đã là 12 ngày, 2 ngày nữa là được 2 tuần ông gì ạ.
Dư luận viên Pro-Nga thể nào cũng chửi um củ tỏi: “Ngoan cố!” Thật ra thằng cha ngoan cố ở đây phải là Putin ấy chứ. Khổ, có khi bố cũng cứ tưởng là quân đội mình mạnh thật và tình hình ở ngoài không tệ đến cỡ đó.
3. “Hermes-C2”, “Kropyva”… là các từ khóa tui cung cấp cho các bác để search Google. Còn đây là chuyện tui hóng được trong một diễn đàn quân sự, từ một comment của một cựu sĩ quan phương Tây:
Bình loạn : Năm 2020, khi tham gia các cuộc tập trận của quân đội Ukraine, các quan sát viên của giới quân sự phương Tây đã ngạc nhiên về sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực tác chiến điện tử của quân đội nước này. Họ đặc biệt chú ý hệ thống Hermes-C2 được kết nối với hệ thống Kropyva (Cơ-rô-pư-va) là hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh rất tiên tiến và thông minh.
Nhưng đến thời điểm cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, còn có một ngạc nhiên nữa là chỉ sau hơn một năm, việc “phổ cập” Hermes-C2 đã đến mức các tổ tác chiến bộ binh. Cứ 3 người được trang bị một thiết bị cầm tay và một nhóm 10 người thì nhóm trưởng (cỡ như tiểu đội trưởng í nhở) được trang bị một máy tính bảng phần cứng theo tiêu chuẩn quân đội.
Để hình dung hệ thống này như thế nào thì nó nôm na thế này: việc nắm tình hình chiến trường, chỉ huy tác chiến cho đến những việc như yêu cầu hỗ trợ hỏa lực pháo binh, UAV, thậm chí cả không quân… tất cả đều dùng… application. Hệ thống sử dụng dựa trên GPS/Glonass, UAV, drone và bây giờ là hỗ trợ của Elon Musk. Việc giao tiếp với nhau giữa các thiết bị sử dụng 5G và cũng là… Starlink nữa.
Chính vì vậy ngay cả người lính trên chiến trường cũng biết chính xác vị trí của đối phương theo thời gian thực, và việc gọi hỗ trợ của pháo binh trên app cũng chỉ tính bằng giây đồng hồ. Sau đó là việc của Kropyva đưa dữ liệu vào tính toán phần tử bắn và điều khiển khai hỏa tự động với độ chính xác gần như… không trượt. Tất nhiên tui đoán việc trang bị này của quân đội Ukraine chưa đến mức giao máy cho dân quân tự vệ dùng.
4. … Và “Andromeda-D” lại là một từ khóa nữa để search Google.
Andromeda-D là hệ thống ra đời trong chương trình GPV-2020 (“Российская государственная программа развития вооружений на 2011—2020 годы”) – chương trình hiện đại hóa vũ khí, khí tài Nhà nước Liên bang Nga 2011-2020. Hiện nay chương trình này đã được nâng lên GPV-2027. Theo GPV-2020 thì trong 10 năm đó quốc phòng Nga sẽ tiêu số tiền khoảng 306 tỉ đô-la Mỹ cho hiện đại hóa theo hướng “đi tắt đón đầu” đuổi kịp và vượt thời đại.
Vào năm 2011, trung tướng Vladimir Shamanov, tư lệnh binh chủng đổ bộ đường không VDV Nga hy vọng khi GPV-2020 kết thúc, binh chủng này sẽ được trang bị đủ 20 chiếc AN-124 có lắp… Andromeda-D. Đến năm 2015 hệ thống này mới được thử nghiệm trong diễn tập thực binh xong, và hy vọng hết chương trình GPV-2020 thì hệ thống sẽ được trang bị đến cấp tiểu đoàn (BTG) trên các xe chiến đấu chỉ huy BTR hoặc xe tải KamaZ hai trục.
Về “sức mạnh” của hệ thống này thì nó dựa trên một máy tính xách tay đâu như của Lenovo, chip Intel Core i3 hay i5 gì đó và định vị bằng Glonass. Không rõ trong điều kiện bị phá tín hiệu của chiến tranh điện tử từ phía bọn đế quốc, việc chuyển sang sử dụng tín hiệu định vị Loran-C với hệ thống Andromeda-D này có ổn thỏa không nữa.
Đến khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, ngay trong giai đoạn đầu người ta đã báo cáo về vụ phòng không của Hạm đội Hắc Hải Liên bang Nga bắn rơi luôn một máy bay chiến đấu của không quân nước này lộn cổ xuống biển Đen. Các chuyên gia nước ngoài đặt dấu hỏi: Ở ngoài biển ít mục tiêu, dễ phân biệt như thế mà còn bắn nhầm, thì liệu trên đất liền tình hình sẽ ra sao? Ý người ta đặt câu hỏi là về chức năng phân biệt địch ta của vũ khí, khí tài Nga đến đâu? Đó là mới hỏi đến khí tài, nôm na là đến cỡ xe tăng và xe bọc thép, chứ chưa có hỏi đến từng ông lính trên chiến trường.
Và đến đây thì người ta bưng miệng cười vì các dấu hiệu bằng sơn trắng vẽ trên các phương tiện thiết bị Nga tham gia cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt.” Để phân biệt địch - ta một cách đơn giản, giai cấp công nhân Nga đã giải quyết bằng cách vẽ sơn lên xe, và điều đó đã biến chiếc xe trở thành một mục tiêu rất dễ ngắm bắn cho các xạ thủ Ukraine sử dụng vũ khí chống tăng cá nhân (“inviting targets too easy to aim”).
Bình loạn : Theo dõi từ đầu đến nay chúng ta nhận thấy một số điểm: Chỉ thấy trong bản tin chiến sự của Bộ tổng tham mưu Ukraine thỉnh thoảng có phiên hiệu của một đơn vị kiểu “Nhóm quân của lữ đoàn…” nào đó thôi chứ thực sự, kể cả theo sát tin tức Nga đưa ra cũng không có được những phiên hiệu chính xác của Ukraine. Trong khi đó phía Ukraine luôn đưa chính xác tên đơn vị của Nga. Đây là vấn đề của tình báo là một chuyện, còn một vấn đề nữa là tính phân tán tránh đối đầu với đơn vị lớn của Nga từ phía Ukraine.
Sau đó là mọi chi tiết thể hiện rõ cách đánh của Ukraine là hết sức cơ động bằng các nhóm nhỏ, tận dụng mọi hỗ trợ. Cuối cùng, chúng ta cùng nhận thấy một điểm là các phương tiện chiến đấu của quân Ukraine hết sức đa dạng. Vũ khí cá nhân là chủ yếu, nhưng rất nhiều trận đánh sử dụng pháo binh (trận diệt xe tăng Nga ở Brovary là kết hợp của pháo binh với tên lửa chống tăng, trận diệt 600 lính thủy đánh bộ của lữ đoàn 155 Nga ở mặt trận phía nam là pháo binh, trận đốt trực thăng ở sân bay Kherson là pháo binh và trận diệt ông tướng nào cùng bộ chỉ huy của ông ta cũng bằng pháo binh.)
Chuyện này các bác có thể search Google này: Một sĩ quan cao cấp của quân đội Vương quốc Anh nhận xét: ngoài việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, chúng ta còn phải làm một việc quan sát cách chiến đấu của họ và tổng kết lại thành cẩm nang. Cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan cách đây hai năm và bây giờ là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác về cách thi hành chiến tranh hiện đại: Khả năng sử dụng những nhóm quân nhỏ hết sức nhanh nhẹn được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại, vũ khí chính xác cao… có thể đối đầu với quân đội có quân số đông đảo nhiều sắt thép như thế nào.
Ở đây câu chuyện còn một khía cạnh nữa, đó là sự chủ quan và thiếu chuẩn bị của người Nga. Tự tin với chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng, các xe quân sự của Nga vẫn để nguyên màu sơn xanh rêu, trong khi suốt từ đầu chiến tranh đến giờ xe Nga vẫn chạy trong tuyết trắng. Lính Nga cũng không mang theo quần áo ngụy trang màu trắng.
5. Hôm qua có tin Putin đã ký quyết định yêu cầu hệ thống cơ quan tuyển quân phải tuyển được đủ 135.000 quân từ 01/04 đến 15/07.
Như vậy cứ trung bình nửa tháng phải tuyển được 50.000 quân. Theo tin tình báo vỉa hè thì nếu hiện nay vơ vét hết tất cả quân có thể đánh nhau được để quăng ngay vào chiến tranh thì Nga có tối đa 15.000 quân.
À tui xin thông báo, tối qua Tư lệnh điếu cày Phan Quang không chịu được cường độ của chiến tranh đã xin quay về với chức Tham mưu trưởng. Hắn vẫn trung thành với ý kiến là Putin sẽ tấn công cố một trận nữa may ra mới tỉnh ngộ được. Đến đây tui hỏi hắn: Vậy theo ông thì họ sẽ đánh vào lúc nào? Cuối tuần này thì ở Ukraine sẽ lạnh, có tuyết rơi, tấn công tha hồ mà thuận lợi đấy. Tui tính ra cho hắn, về lý thuyết đến thời điểm này cứ cho quân bóp cò súng của Nga đã tung vào 100.000, thương vong 40.000 còn 60.000 rút ra cho nghỉ, thì chỉ 30.000 có thể quay lại đánh nhau được còn 30.000 kia không có tinh thần đâu, chỉ muốn trốn thôi.
Còn con số 15.000 kia thì chẳng nhẽ lại ít thế, thôi thì cho là nó đâu đó giữa 25.000 đến dưới 50.000, cỡ 40.000 là hợp lý. Như vậy Nga sẽ lại có 70.000 quân để đánh tiếp trận cuối (đạt 3/4 khi mới bắt đầu chiến tranh). Đó là con số tính toán. Nhưng để chuẩn bị cho nó thì thời gian giải lao vừa rồi cũng đã kéo được cỡ 7 ngày, họ cần khoảng 7 ngày đến 10 ngày nữa để chuẩn bị cho giai đoạn 2 này của chiến dịch. Cần hình dung sẽ phải vận chuyển hàng chục nghìn tấn hàng gồm đạn pháo, xăng dầu, thức ăn, vũ khí cá nhân và đạn, quần áo giầy dép… Và như thế thì sẽ phải cần cỡ vài nghìn cái… xe tải hoặc 200 đoàn tàu hỏa chạy thục mạng suốt mấy tuần lễ đó.
Tối qua thì nghe ông anh bên Nga kể là quân đội Nga đã huy động đến cả xe pháo, khí tài của các cơ quan tham mưu ở tận các thành phố xa rồi. Tình hình thiếu xe tải vẫn tiếp diễn. Tui không nghi ngờ nếu hôm rồi Lavrov sang gặp Vương Nghị có đề xuất xin hỗ trợ một ít xe tải Dongfeng, nhưng mà nếu tui là Trung Quốc thì cũng không dại. Nhỡ trên chiến trường Ukraine xuất hiện xe tải Trung Quốc bị đốt thì dở lắm. Kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới, nhỡ có mệnh hệ gì nuôi tỉ rưỡi dân có mà ốm xác.
Vậy có nên tưởng tượng ra cái gì ở đây không? Tui thì thống nhất với Quang hâm như thế này: Nga đến bây giờ vẫn cho thấy không có thay đổi gì nhiều về cách đánh, như mấy trận vừa rồi vẫn là dập pháo/tên lửa rồi xe tăng bộ binh. Thì nhiều quân cũng chỉ mang lại sự… kéo dài chứ không thực sự giải quyết được cái gì cả. Kéo nhau vào chiến trường những vấn đề cũ lại còn nguyên: Chiến trường chật chội, hạ tầng vừa kém vừa bị tàn phá… làm dồn cục các lực lượng Nga, dẫn đến việc bị đánh phá ngay ngoài chiến đấu và lại nổi lên vấn đề tiếp liệu.
Nga sẽ cố gắng kéo dài đợt tấn công cỡ vài ngày: 3-5-7 ngày gì đó rồi xìu dần. Đó cũng là lúc Ukraine mở những đợt phản công, nếu theo chủ nghĩa lạc quan thì cũng nên hình dung như vậy. Do đó mốc thời gian có thể sẽ là cuối tuần đầu tiên của tháng Tư, Nga muốn đánh sẽ phải đánh chứ không thể muộn hơn, sau một tuần thì Ukraine phản công. Khoảng tuần thứ ba hoặc tuần cuối của tháng Tư sẽ chấm dứt hẳn, cả hai bên cùng hết hơi. Còn nếu Ukraine được viện trợ vũ khí tiếp thì cũng có thể kéo tiếp được, vì ít nhất đến lúc đó tinh thần quân sĩ của họ lên cao lắm rồi.
Xin kết thúc bằng tin rất nức lòng: Công nhân xe lửa Belarus đã làm trật bánh đoàn tàu thứ hai của Nga chở khí tài sang chiến trường Ukraine.
PHÚC LAI 01.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.