Chuyến xe số 20 của cộng đồng người Việt chở hàng cứu trợ tới Ukraina bao gồm 13 palet. Hơn 6 tấn hàng thịt hộp, mì, thức ăn cho trẻ em, gạo, hạt ngũ cốc, quần áo, đồ chơi trẻ em, bút vở, sách và cả hai chiếc đàn guitar nữa, đã lên đường. Chia làm hai hướng, một xe đi về Kharkiv, một xe sang Lviv.
Có một chút khác biệt của lần này là chuyến xe đi sang Lviv do ba tình nguyện viên người Việt tự lái. Bởi bọn mình nghĩ rằng: "trăm nghe không bằng một thấy”. Chúng ta đã làm công tác cứu trợ suốt thời gian qua, thì cũng cần phải cảm thấy chiến tranh bên đó thực sự thế nào, để có thể có một góc nhìn sát thực tế hơn.
Và lại, trong thời gian qua, chúng ta cũng bảo trợ một số cô nhi viện ở quanh Lviv, nơi tiếp nhận các em bé mồ côi từ khắp nơi ở Ukraina được chuyển về. Tranh thủ qua thăm, nói chuyện, xem họ thiếu những gì thì dễ giúp hơn.
Và thế là rủ nhau lên đường, sau khi mình xin được đủ giấy tờ cần thiết để qua đó.
Chuyến đi khá là dài, dù từ nhà mình đến Lviv chỉ có 410 km, trong đó chỉ có chưa đến 100 km là ở phía Ukraina, còn phía Ba Lan đa số đường cao tốc. Nhưng bọn mình đi đến nơi mất hơn 11 tiếng đồng hồ, 3 giờ rưỡi ở phía Ba Lan cho 310km, hơn 4 giờ ở cửa khẩu làm thủ tục và khoảng 2 giờ để bò 100km đường phía Ukraina. Phần vì xe chở rất nặng, hơn 3 tấn hàng, phần cũng vì không rành thủ tục, và đường phía Ukraina rất xấu, lại còn các trạm kiểm soát liên tục, khắp nơi.
Ở Ukraina, ngoài các con đường chính được ấn định, tất cả mọi người bị cấm chạy lung tung. Các con đường nhỏ đều bị lấp bằng gạch đá, bê tông, sắt chống tăng… Tất cả mọi làng lớn nhỏ đều lập các ấp kiểm soát. Còn trên đường chính, cứ khoảng 5 km lại có một trạm lớn, có công sự và lính canh xem xét người trong xe, giấy tờ… để tìm kiếm biệt kích và chỉ điểm cho Nga. Theo mình được biết thì những ai có ngôn ngữ khác, hoặc nói tiếng Nga, đều bị tra xét cẩn thận hoặc không cho đi tiếp.
Thành phố Lviv như một pháo đài. Ở các con đường vào thành phố đều có những công sự phòng thủ chống tăng, xây dựng kiên cố. Đáng tiếc là họ cấm quay phim, chụp ảnh nhưng nhìn qua là thấy sự việc nghiêm trọng và chúng ta đang ở một vùng có chiến sự.
Bên trong thành phố thì lại khá thanh bình, cửa hàng vẫn mở, chợ vẫn họp, theo thông báo, mới được mở lại một tuần nay. Nhưng lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực, từ 22:00 đến 6:00 không thể ra đường nếu không có giấy phép đặc biệt.
Chiến tranh hiện diện, nhưng vẫn cần phải sống. Nỗi lo lắng thấy được ở các cửa sổ đóng ván, hay đặt bao cát để bảo vệ những gì quý giá. Gần Nhà hát lớn còn thấy cả một khu chợ nhỏ bán những đồ lưu niệm đang hoạt động, bọn mình cũng ghé vào mua được một số thứ khá buồn cười, sẽ gửi về Việt Nam hoặc tới bạn bè khắp nơi trên thế giới. Bọn mình chắc là những khách hàng châu Á đầu tiên sau nhiều ngày, nên người bán vui vẻ lắm, líu lo luôn.
Nhà ga Lviv cũng không đông quá như trước, dù lượng người tị nạn từ phía Đông đang đổ về. Các khu lều trại của các đội thiện nguyện vẫn hoạt động đều, đồ phát đầy đủ, tàu hỏa, xe buýt đưa người sang Ba Lan miễn phí vẫn chạy đều đặn. Mình có gặp một đội lính chuẩn bị ra chiến trường, đáng tiếc, không thể chụp ảnh cùng họ, nhưng có nói chuyện, bắt tay. Cách đây 2 tháng cũng chỉ là những người thường như chúng ta, nhưng vừa trải qua các khóa huấn luyện cấp tốc, và giờ sẽ ra mặt trận. Mong bình yên đến với họ.
Sang đây, mình như quay lại Ba Lan 30 năm về trước, những năm 1991, và giờ mình cũng hiểu rõ tại sao người Ukraina bằng mọi giá cố gắng để gia nhập EU. Vào lúc khối xã hội chủ nghĩa tan rã, Ba Lan và Ukraina đang ở mức sống tương đối tương đồng nhau. Nhưng sau 30 năm, trong khi Ba Lan đi về phía tây và phát triển đột phá, lãnh đạo Ukraina chọn hướng đi cùng Nga, đất nước hầu như chẳng có tiến triển gì.
Sự khác biệt giữa hai quốc gia rõ ràng như hai thế giới vậy: từ đời sống, chính sách công, luật pháp, quyền con người… mà với việc hàng triệu người Ukraina ra nước ngoài làm việc, họ không thể không nhìn thấy sự khác biệt đó. Thế nên, sự lựa chọn EU sẽ là điều hiển nhiên. Và người Ukraina đang sẵn sàng hy sinh tính mạng để đạt được, vì đó là con đường duy nhất khiến đất nước họ sẽ có tương lai: về luật pháp, bộ máy chính quyền, đời sống, văn hóa, con người...
Tất cả những người Ukraina mình nói chuyện, họ cũng đều cho rằng như vậy.
Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng nếu đó là cái giá phải trả, người Ukraina sẽ trả, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc mình. Cũng vì thế, thế giới cần giúp họ, bởi họ xứng đáng.
Trong suốt hành trình, ba người Việt mình có lẽ là những người châu Á duy nhất "đi về phía đông”, nên người Ukraina rất lạ, hỏi han rồi nhiệt tình giúp đỡ, ngay cả hải quan nơi của khẩu. Khi biết là xe chở hàng hỗ trợ của người Việt thì càng quý lắm, khắp nơi đều có mang cà phê, chè ra mời, bắt tay, xin chụp ảnh cùng, cảm ơn người Việt chúng ta liên tục (rồi sẽ có thư từ chính quyền thành phố, radio Lviv, quân quản thành phố, các nhà trẻ và đám trẻ con...).
Rất tiếc là mình không có thời gian để gặp tất cả mọi người, đành hẹn một ngày khác, trong một điều kiện vui vẻ hơn.
Hành trình quay về cũng mất 10 giờ.
Viva Ukraina !
PHAN CHÂU THÀNH 11.04.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.