Tối qua lỡ dại xem đoạn clip từ camera của gia đình cậu bé 16 tuổi sống trên tầng 26 một chung cư ở Hà Đông, ám ảnh cả đêm không ngủ được.
Tôi đã nhiều lần nói với các bậc cha mẹ trên trang này về việc đặt kỳ vọng hay thậm chí áp lực nên những đứa trẻ, cho việc học hành.
Nhiều người trách ông bố. Tôi cũng nghĩ anh ấy có lỗi, nhưng không trách bởi lương tâm sẽ giày xéo anh suốt quãng đời còn lại. Bấy nhiêu là quá dư thừa, không cần tiếng bấc tiếng chì nào thêm. Hình ảnh anh đọc vài dòng trong lá thư tuyệt mệnh rồi ngẩng lên nhìn ra cửa sổ, ngay lúc cậu bé trèo qua khỏi lan can, làm tôi nghẹt thở.
Tôi tin cậu bé vẫn còn tha thiết cuộc đời này lắm. Còn nhiều bài hát chưa kịp nghe, nhiều con game đang tạm dừng chơi mà… Tôi tin lúc mở cửa ra rồi vào hai ba lần ấy là khi cậu đang đấu tranh. Và cuối cùng, lại phải đối diện bố và những lời cộc cằn lúc ba giờ rưỡi sáng, cậu đã quyết định nhảy xuống. Câu nói cuối cùng là “Bố đọc đi…”. Có lẽ, đến tận lúc ấy, khát khao duy nhất của cậu là được-thấu-hiểu.
Mấy ai trong chúng ta thấu hiểu con mình? Không nhiều đâu. Khoảng cách thế hệ giữa tôi và ba tôi hoàn toàn khác khoảng cách giữa tôi và những đứa con cháu mình. Chúng ta phải học rất nhiều về cách làm cha mẹ ở thời đại này. Nhưng điều quan trọng hơn hết thảy, là học lắng nghe, cảm thông và tôn trọng.
Gần chỗ tôi bên Mỹ có một gia đình gốc Việt cũng đối diện bi kịch này. Mở ngoặc một chút rằng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, chuyện “nhìn con nhà người ta kìa” còn nặng nề hơn cả trong nước. Cậu con trai rất nghệ-sĩ nhưng bà mẹ lại một mực ép cậu học bác sĩ. Vì con của mấy bà bạn cô đều là bác sĩ. Nếu cậu không học, bà đòi sống đòi chết. Ngày nhận bằng tốt nghiệp, cậu đặt nó lên bàn trong phòng riêng kèm một mảnh giấy ghi rằng “Con đã đem được tấm bằng bác sĩ về cho mẹ rồi đây. Và giờ là lúc con sống cuộc đời của mình”. Và cánh cửa bước vào cuộc-đời-riêng ấy của cậu, được mở ra bằng một…viên đạn.
Tôi biết ơn bà nội, ba và mấy cô chú vì chưa bao giờ kỳ vọng gì ở mình. Biết ơn vì họ đã để tôi lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, đã để tôi tung hoành với tuổi thơ của mình. Và tôi cũng dành cho mấy đứa nhỏ điều y chang vậy. Thú thật, bọn chúng không đứa nào học giỏi bằng tôi cả. Nhưng tôi cho rằng điều đó hết sức bình thường.
Trước ngày Linda theo chồng, cháu có viết cho tôi một lá thư xin lỗi, xin lỗi vì đã làm tôi thất vọng khi bỏ đại học mà lấy chồng. Tôi biểu ủa Út đâu có kỳ vọng gì ở con đâu mà phải thất vọng, chỉ cần con sống vui với cuộc đời và tử tế với mọi người. Và đúng thật. Bây giờ nó sống rất vui, rất tử tế. Vậy là đủ. Còn tiền ư? Mở một tiệm trà sữa nho nhỏ trước nhà, tháng kiếm khoảng bốn năm chục triệu. Đủ rồi.
Tina và Chấn Hưng sẽ sang Mỹ, sẽ học tiếp. Bằng không, chúng có thể đi làm nail, làm hãng hay làm thợ xây dựng. Tất cả đều tốt nếu mỗi ngày thức dậy, chúng lái xe đi với một tâm trạng vui vẻ. Và tôi sẽ vui hơn nếu chúng đối đãi tốt với mọi người. Nếu không được vậy, cũng đừng xấu hay có ý xấu với ai.
Sự thành công vững bền của một con người, không phải chỉ nhờ kiến thức hay bằng cấp. Nó bao gồm cả ngoại hình, sự duyên dáng, kỹ năng sống, tư duy thẩm mỹ, tấm lòng tử tế, sự khôn ngoan lanh lợi. Và cả may mắn nữa.
Thành thử, đừng cướp mất tuổi thơ của chúng bằng sự ích kỷ riêng mình. Con trẻ không có trách nhiệm phải hoàn thành những ước mơ của chúng ta, cũng không có bổn phận làm món trang sức để chúng ta hãnh diện với đời.
HỒNG HẢI 02.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.