Quân Nga đang bị dân Ukraine ngăn chặn;
cả thế giới bắt đầu đánh Nga bằng kinh tế, quân Nga sẽ sa lầy. Tập Cận Bình sẽ
thấy một cơ hội đóng một vai trò hòa giải Nga với Ukraine.
Trong
tiếng Nga, đại danh từ để gọi người thân là “ty” còn người ngoài gọi là “Vy.”
Ông Vladimir Putin thường gọi những người lãnh đạo nước khác như Donald Trump,
Angela Merkel, Emmanuel Macron, là “Vy.” Riêng ông Tập Cận Bình được gọi thân
mật là “ty.” Khi lên làm chủ tịch Trung Quốc, chuyến xuất ngoại đầu tiên của
Tập là đi gặp Putin. Tại Bắc Kinh ngày 4 tháng 2, hai người đã tuyên bố tình
hữu nghị giữa hai nước là “vô giới hạn.”
Putin tấn công Ukraine, Tập phải “đi hàng đôi.” Bắc Kinh không chống cuộc xâm lăng; nhưng vẫn kêu gọi mỗi nước phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. Tập Cận Bình không muốn chấm dứt quan hệ thương mại với Mỹ và Âu châu, nhờ đó Trung Quốc đã phát triển; nhưng cũng không muốn thấy kinh tế Nga sụp đổ và chế độ Putin chấm dứt.
Putin
cho rằng kinh tế Nga có thể chịu đựng được các đòn cấm vận của Tây phương nhờ
vẫn còn mua bán với 1.4 tỉ dân Trung Hoa. Tập Cận Bình cũng tìm cách giúp.
Một
biện pháp cấm vận mạnh nhất là không cho các ngân hàng Nga sử dụng SWIFT, một
hệ thống thông tin giúp các ngân hàng khắp thế giới thanh lý tài khoản với
nhau. Thí dụ, một ngân hàng Maroc nhận được ngân phiếu (đô la Mỹ) từ một ngân
hàng Chile, thì SWIFT giúp việc thanh toán. Một số tiền được ghi thêm vào
chương mục của ngân hàng Maroc, đồng thời cắt đi trong tài khoản của ngân hàng
Chile. Thế là xong, coi như “tiền trao cháo múc” - qua computer. Nếu không được
dùng SWIFT, tất cả những vụ mua bán của Nga với nước ngoài sẽ bế tắc vì tiền
không chuyển qua chuyển lại được.
Mỹ
dẫn đầu và các nước lớn nhất Âu châu, Á châu đã cấm các ngân hàng Nga dùng
SWIFT. Nhưng Ấn Độ và Trung Quốc thì không.
Tập
Cận Bình có thể giúp kinh tế Nga né tránh đòn tài chánh này như thế nào? Trung
Cộng đã chuẩn bị từ năm 2015, thiết lập một hệ thống thanh lý giữa các ngân
hàng quốc tế gọi tên tắt là CIPS (Cross-Border Interbank Payment System). Mục
đích của họ là làm cho đồng Nguyên của Trung Quốc quan trọng hơn, không lệ
thuộc vào đô la Mỹ trong các giao dịch thương mại quốc tế.
CIPS
có thể là một cái phao cứu các ngân hàng Nga khi bị SWIFT tẩy chay. Nhưng thực
tế không đơn giản như vậy.
Số
ngân hàng trên thế giới sử dụng CIPS rất nhỏ, số giao
dịch quá ít. Trong quý thứ ba năm 2021 mỗi ngày trung bình chỉ có 13.000 vụ trao đổi quốc tế đi qua CIPS; cùng thời
gian đó, SWIFT thực hiện 40 triệu vụ mỗi ngày.
Chưa kể, 80% các vụ trao đổi trong CIPS vẫn
phải đi qua SWIFT, nếu không thì đô la và quốc gia euro không di chuyển được!
Nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất cho các ngân hàng Nga. Nguy hiểm nhất là các biện pháp “cấm vận vòng ngoài.” Bất cứ doanh nghiệp hoặc ngân hàng của nước nào còn giao dịch với Nga sẽ bị chính phủ Mỹ cấm vận theo. Chúng ta còn nhớ vụ bà Mạnh Vãn Chu, phó chủ tịch công ty Huawei bị cảnh sát Canada giữ lại hơn một năm. Mỹ yêu cầu Canada dẫn độ Mạnh Vãn Chu qua Mỹ để xét xử. Lý do là Huawei đã bán hàng cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Tương tự, bất cứ ngân hàng nào của Trung Quốc giao dịch với một ngân hàng Nga cũng sẽ bị “cấm vận vòng ngoài.”
Các
ngân hàng Trung Quốc không muốn bị Mỹ cấm vận sẽ phải tẩy chay Nga. Theo nhật
báo Financial Times, ngày Thứ Năm 3 tháng 2, hai ngân hàng phát triển Trung
Quốc đã ngưng mọi dự án đầu tư ở Nga và Belarus,
hai nước đang bị Mỹ cấm vận. Hai ngân hàng thương mại lớn là Trung Quốc Ngân
hàng (Bank of China) và Ngân hàng Công Thương (Industrial and Commercial Bank
of China) cũng ngưng không
cho vay tiền mua nông sản của Nga.
Miếng võ “cấm vận vòng ngoài” rất nguy hiểm, vì ràng buộc các ngân hàng cả thế giới, trừ những
ngân hàng quá nhỏ chỉ hoạt động trong một địa phương. Năm 2020 chính phủ Mỹ đã
cấm vận bà Lâm Quách Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng quan hành chánh Hồng Kông
khi bà áp dụng Luật An Ninh của Trung Cộng. Tất cả các ngân hàng, kể cả ngân
hàng Trung Quốc hay Hồng Kông, đều thi hành, không dám vi phạm. Theo bản tin
Bloomberg, Bà Nguyệt Nga phải lãnh lương ($5,2 triệu đô la Hồng Kông, bằng
$672.000 mỹ kim một năm) bằng tiền mặt vì, bà nói, “Tôi không thể dùng chương mục ở một ngân hàng nào cả!” Bất cứ ngân
hàng nào cho bà Nguyệt Nga ký ngân phiếu sẽ bị cắt đứt khỏi mạng lưới tài chánh
dùng đô la Mỹ trên thế giới.
Vì
áp lực “cấm vận vòng ngoài,” các định chế tài chánh Trung Quốc sẽ phải chấm dứt
mọi quan hệ với các ngân hàng Nga, tự động theo lệnh cấm vận của Mỹ. Họ cần đô la và đồng euro, không cần đồng rúp.
Putin
đã làm cho cả thế giới đứng về cùng một phía, bênh vực Ukraine. Các nhà lãnh
đạo Anh, Australia, Nhật Bản chính thức gọi tên một “mặt trận độc tài chuyên
chế” của Trung Cộng với Nga. Cuộc xâm lăng Ukraine đánh thức cả các nước ở Á
châu, lo lắng an ninh của chính mình. Lần đầu tiên kể từ năm 1978 đã cấm vận
Việt Cộng vì đánh Campuchia, Singapore cũng ra lệnh cấm vận với Nga.
Câu
hỏi lớn ở Á Đông là: Liệu Trung Cộng có bắt chước Putin mà đánh Đài Loan hay
không? Không biết, nhưng các nước đều phản ứng trước, nhất trí ủng hộ Ukraine.
Thủ
tướng Nhật Fumio Kishida kết án Nga dùng vũ lực thay đổi chính quyền một nước
khác, là vi phạm “một quy tắc quốc tế căn bản.” Chính phủ Nhật cho phép 210.000
tấn khí đốt lỏng (LNG) mà Nhật đã mua được chuyển đường sang Âu châu, đáp ứng
lời kêu gọi của Mỹ giúp Âu châu bớt lệ thuộc vào khí đốt nhập cảng từ Nga. Cựu
thủ tướng Nhật Shinzo Abe còn nói rằng nước Nhật phải
chấp nhận cho Mỹ đem vũ khí hạch tâm vào nước mình! Đây là một ý kiến
quá táo bạo. Shinzo Abe muốn báo cho Tập Cận Bình biết hành động của Putin có
thể gây những hậu quả nào.
Một
bài học cho Mỹ và Âu châu là đáng lẽ phải viện trợ
nhiều vũ khí tự vệ, hỏa tiễn chống chiến xa và bắn máy bay, cho Ukraine
sớm, trước khi Putin tấn công. Chính phủ Mỹ
muốn chứng tỏ mối quan tâm đến Đài Loan, đã gửi một phái đoàn các cựu viên chức
quân sự qua thăm.
Tập
Cận Bình đang “đi dây” trong vụ Ukraine nhưng không
dám đứng hẳn về phía Nga. Trước đây Trung Cộng vẫn giao hảo với Ukraine,
là xứ đã bán cho Trung Cộng một hàng không mẫu hạm cũ để tân trang. Ukraine
cung cấp 70% số dầu nấu ăn Trung Quốc nhập cảng. Ukraine nằm giữa Nga và Âu
châu, cũng giữ một vị trí chiến lược trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Tập
Cận Bình. Nhiều đường xe lửa, xa lộ, ống dẫn dầu nối Âu châu và Nga chạy qua
Ukraine.
Tập
Cận Bình có thể tiếp tục ủng hộ Vladimir Putin nếu tin rằng Ukraine sẽ biến
mất, bị nhập vào nước Nga. Nếu nghi rằng Putin sẽ thất bại, nước Ukraine sẽ còn
đó mãi mãi, Tập Cận Bình sẽ dần dần xoay chiều.
Ngày
1 tháng Ba, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị điện thoại cho ngoại trưởng
Ukraine, nói với ông Dmytro Kuleba rằng Trung Quốc luôn luôn tôn trọng nguyên
tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ các quốc gia. Trước đây Trung Cộng tỏ ý thông cảm
với Nga, lo lắng về an ninh khi thấy NATO bành trướng. Bây giờ, Vương Nghị nhấn
mạnh với Dmytro Kuleba rằng “Không thể
bảo vệ an ninh một vùng bằng cách bành trướng quân sự.”
Quân Nga đang bị dân Ukraine ngăn chặn; cả thế giới bắt đầu đánh Nga bằng kinh tế, quân Nga sẽ sa lầy. Tập Cận Bình sẽ thấy một cơ hội đóng một vai trò hòa giải Nga với Ukraine, mà gần đây Pháp và Đức đã cố làm nhưng thất bại. Sẽ đến lúc Putin muốn rút ra khỏi Ukraine, chỉ cần vẫn giữ được thể diện. Âu châu, Ukraine và Mỹ cũng chỉ muốn hòa bình. Tập Cận Bình có thể mời các phe tới Bắc Kinh đàm phán. Tập chỉ cần chọn, gửi thư mời trước hay sau ngày đảng Cộng sản Trung Quốc họp đại hội vào cuối năm 2022 thì lợi hơn?
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 06.03.2022)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.