Coi thời sự VTV 19h xem họ nói gì về việc Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về chiến tranh Ukraine, thấy có đăng tin số lượng phiếu chống, phiếu thuận và phiếu trắng. Nhưng lại không nói rõ là Việt Nam bỏ phiếu trắng!
Mình có đọc cái báo khác, nói chung đều đăng tin sơ lược và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng né tránh giải thích lý do Việt Nam đã bỏ phiếu trắng. Chính xác thì là có trả lời, nhưng mà như không trả lời!
Nhiều anh em thiện lành cho rằng Việt Nam như vậy là khôn ngoan, khéo léo. Trong khi đó Campuchia lại thẳng thừng phản đối Nga. Vậy ai khôn hơn ai, ai mới thực sự là trung lập mà không bị mang tiếng hèn?
Người Việt lâu nay vẫn có cái tính thực dụng, khôn lỏi, kiểu "Ra đường thấy cảnh bất bình mà câm" thì mới là khôn ngoan. Thấy tai nạn giao thông thì né, thấy người ta đánh nhau thì đừng có can, thấy trộm cướp thì coi như không biết, thì mới an toàn mà trường thọ, an khang, thịnh vượng. Lên tiếng mà bị lụy đến thân thì sẽ bị người đời chửi là ngu dại. Cái tính thực dụng và hèn hạ này nó thể hiện ở tận cấp quốc gia luôn.
Nhưng mà ngẫm lại, Việt Nam cũng khó mà không hèn với Nga và Trung Quốc. Vì làm gì còn đường nào mà lựa chọn. Khi không có lựa chọn để buộc phải chọn cách hèn, thì sao lại gọi là khôn ngoan, khéo léo được? Trong việc này, Việt Nam thua xa Campuchia và cần học theo họ, Campuchia mới là bậc thầy đu dây chứ Việt Nam đã là gì mà tự thủ dâm.
Nhìn lại lịch sử
Trong quá khứ, sau khi đế quốc Khmer suy tàn, Chân Lạp (nước Campuchia ngày nay) bị rơi vào vùng ảnh hưởng của Đàng Trong (sau này là Đại Nam, tức Việt Nam) và Xiêm (Thái Lan ngày nay), cũng giống như Ba Lan bị kẹp giữa Đức và Liên Xô. Chân Lạp từng bị Đại Nam và Xiêm xẻ thịt, chia đôi đất nước, Xiêm ăn 1/3, tới Biển Hồ, Đại Nam ăn phần còn lại, mất hàng chục năm. Sau này được tái lập thì Chân Lạp cũng phải đánh đu giữa hai nước đàn anh, phải làm chư hầu cả hai. Tùy vào sự mạnh yếu của hai anh mà phải lụy bên nào hơn.
Đến khi người Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, vua Tự Đức cho Phan Thanh Giản đi Pháp xin chuộc lại đất không được. Nhưng đó lại là cơ hội của người Campuchia. Vua Norodom 1 đã xin người Pháp bảo hộ Campuchia. Có nghĩa là Pháp có được đất Campuchia mà chẳng mất hòn tên mũi đạn nào hết. Chính vì Pháp có được ba tỉnh miền Đông và đất Campuchia nên họ mới lấy nốt b a tỉnh miền Tây, để kết nối hai vùng đất lại thành lãnh thổ xuyên suốt là 6 tỉnh Nam Kỳ (thuộc địa) và đất Campuchia (bảo hộ).
Việc xin Pháp bảo hộ của vua Norodom là cách hành xử khôn ngoan, để thoát khỏi ách thống trị của người Xiêm và người Việt. Tên ông này được đặt cho dinh toàn quyền ở Sài Gòn, sau này là dinh Độc Lập, cũng là tên con đường đâm thẳng vào dinh, nay là đường Lê Duẩn. Như vậy là vua Norodom đứng trước việc bị bảo hộ thì ông đã chọn kẻ mạnh và văn minh hơn là người Pháp, thay vì hai nước láng giềng. Một phần lý do nữa là do người Pháp không thể đồng hóa và xóa sổ họ như hai nước kia đã từng.
Sau khi thành lập Đông Dương, người Pháp gây hấn với Xiêm, để tranh chấp ảnh hưởng với người Anh. Khiến cho Xiêm phải trả về Cao Miên (Campuchia) vùng đất Battambang mà họ đã chiếm được hàng trăm năm trước từ Cao Miên. Tương tự vậy, Xiêm phải trả lại Lào đất đã chiếm của Lào. Ngay cả Đại Nam cũng phải trả lại Lào vùng đất Trấn Ninh, Trấn Biên mà vua Lê Thánh Tông đã chiếm được. Có nghĩa là người Campuchia và Lào được lợi về lãnh thổ sau khi bị/được Pháp bảo hộ. Tức là được kẻ bảo hộ văn minh hơn chia lại đất cũ và được khai hóa văn minh mà không lo bị đồng hóa, xóa sổ. Nhưng người Campuchia được đánh giá cao hơn người Lào do họ tự chủ động xin được Pháp bảo hộ. Như vậy là hèn (không đánh Pháp) hay là khôn thì người đọc tự đánh giá.
Hiệp định Geneva quy định Campuchia và Lào bắt buộc phải trung lập, Việt Nam muốn họ phải cộng sản hóa không thành công. Lúc đó vua Norodom Sihanouk trị vì Campuchia. Với vị trí trung lập, Campuchia quan hệ ngoại giao với cả Nam và Bắc Việt, nhưng ngầm ngả về phía Bắc Việt hơn, có lẽ do Sihanouk cho rằng Bắc Việt không có tranh chấp lãnh thổ, còn Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thì có. Việt Nam Cộng Hòa nguyên là đất Nam Kỳ, đất cũ của Chân Lạp. Ngoài ra, Bắc Việt chiều chuộng Sihanouk hơn do muốn mượn đất Campuchia để làm hậu cứ tấn công VNCH. Sihanouk lúc đó đu dây với cả Mỹ và Trung Quốc, là hai nước đối đầu ở Việt Nam.
Năm 1970, Lon Nol lật đổ Sihanouk để thành lập nền cộng hòa thân Mỹ (tự phá bỏ thế trung lập). Khi Mỹ từ bỏ VNCH thì Lon Nol bị Khmer đỏ (được Việt Nam và Trung Quốc hỗ trợ) đánh bại, thành lập nước Campuchia dân chủ vào năm 1975. Vì gây hấn với Việt Nam, chính quyền Khmer đỏ chỉ tồn tại được 4 năm, do bị Việt Nam tấn công và thành lập chính quyền cộng sản thân Việt Nam. Thế là Campuchia lại quay lại nền bảo hộ của Việt Nam như trước thời Pháp thuộc trong vòng 12 năm, cho đến khi Việt Nam buộc phải rút quân.
Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Campuchia thành lập một chính phủ liên hiệp kiểu quân chủ lập hiến, do Sihanouk làm vua. Hun Sen và Norodom Ranariddh (con trai Sihanouk) làm đồng thủ tướng. Sau đó Hun Sen loại bỏ Ranariddh để làm thủ tướng Campuchia cho tới ngày nay.
Sihanouk là thánh đu dây, khi ông ta có thể sống hòa thuận dưới sự bảo hộ của người Pháp rồi tới người Nhật, rồi lại người Pháp (quay lại năm 45 đến 54), VNDCCH, Khmer đỏ (tới khi ông chủ động rời bỏ và được Trung Quốc bảo vệ). Sihanouk lại quay lại làm vua Campuchia cho đến lúc chết già.
Thế nhưng dường như Hun Sen đã vượt qua Sihanouk để làm một thánh đu dây khác và có vẻ còn thành công hơn cả Sihanouk. Sihanouk còn bị mất ngôi nguyên thủ vào thời Cộng hòa Campuchia của Lon Nol và chính quyền CHND Campuchia (thân Việt Nam). Sihanouk sinh ra để được làm vua.
Còn Hun Sen, ông này xuất thân chỉ là tiểu đoàn trưởng bị Khmer đỏ săn đuổi, phải chạy sang Việt Nam, rồi thành thủ tướng CHND Campuchia vào năm 1985, khi mới 33 tuổi. Hun Sen làm thủ tướng Campuchia cho tới tận ngày nay và trải qua 6 nhiệm kỳ, 37 năm và còn chưa dừng lại.
Hun Sen đã trải thảm đỏ cho con trai cả là Hun Manet, đại tướng, tư lệnh lục quân hoàng gia, từng tu nghiệp tại trường quân sự hàng đầu của Mỹ là West Point, kế vị chức thủ tướng.
Kể từ khi nắm trọn quyền lực thủ tướng của chính phủ hoàng gia Campuchia, Hun Sen tiếp tục chính sách đu dây truyền thống từ thời quốc vương Norodom 1. Thay vì để Việt Nam bảo hộ, ông ta làm thân với Trung Quốc, bất chấp việc Trung Quốc đã hỗ trợ Khmer đỏ gây nên nạn diệt chủng ở Campuchia. Trung Quốc cũng từng là kẻ thù của chính quyền CHND Campuchia mà Hun Sen từng làm thủ tướng. Hun Sen biến kẻ thù thành bạn để thoát khỏi sự kiểm soát của Việt Nam.
Mỹ cáo buộc rằng Campuchia hợp tác quân sự với Trung Quốc xây quân cảng tại Ream ở tỉnh Sihanoukville, nhưng Campuchia phủ nhận và cho rằng Trung Quốc chỉ giúp họ nâng cấp quân cảng này. Chi tiết này khá giống việc Ukraine xin gia nhập NATO và cho phép NATO lập căn cứ quân sự tại nước này.
Như vậy, trước lựa chọn phải phụ thuộc thì Campuchia đã chọn Trung Quốc hơn là Việt Nam. Vì Bắc Kinh không có tranh chấp lãnh thổ với Campuchia và Trung Quốc có thể là đối thủ mạnh hơn để kiềm chế Việt Nam. Ngoài ra, vì không có sự lệ thuộc ý thức hệ cộng sản nên Campuchia vẫn có thể có độc lập với Trung Quốc và đu dây với Mỹ. Ông ta đã cho con trai mình học tại West Point thay vì ở Nga hay Trung Quốc.
Lưu ý là một số hạng mục ở quân cảng Ream trước kia đã được Mỹ hỗ trợ xây dựng, nay bị đập bỏ để Trung Quốc "giúp" xây lại. Chính vì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia nên Mỹ đã cấm vận vũ khí đối với nước này. Trung Quốc thành đối tác vũ khí cho Campuchia.
Chính vì chẳng có mối quan hệ chặt chẽ với Nga nên Campuchia đã bỏ phiếu phản đối Nga xâm lược Ukraine mà không cần phải bám theo Trung Quốc.
Sự khôn ngoan đu dây của Campuchia thể hiện ở chỗ nào?
Để chống lại việc bị nước láng giềng o ép, họ chọn đồng minh là nước mạnh hơn nước láng giềng, đồng thời vẫn du dây với láng giềng. Trước kia họ chọn Pháp bảo hộ, sau này họ chọn Trung Quốc, đều là những nước không thể tranh chấp lãnh thổ với họ, nhưng đều mạnh hơn Việt Nam. Mình tin là nếu Trung Quốc có vấn đề họ sẽ nhảy qua Mỹ ngay. Campuchia không chọn Nga bảo kê, vì Nga lại thân Việt Nam hơn.
Việt Nam lẽ ra muốn thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc thì cũng phải đu dây với nước mạnh hơn Trung Quốc, bây giờ chỉ có Mỹ. Việt Nam chọn Nga như đã từng chọn Liên Xô. Nhưng khốn nỗi Liên Xô đã sụp đổ và Nga bây giờ kinh tế còn đuối hơn Trung Quốc, sắp tới còn phụ thuộc Trung Quốc do bị phương Tây cấm vận. Trước đây, tổng bí thư Lê Duẩn chọn Liên Xô để rồi bị Trung Quốc đánh. Còn bây giờ Việt Nam phụ thuộc quân sự vào Nga, do sợ Trung Quốc đánh, nên không dám phản đối Nga.
Nga càng thân Trung Quốc thì Việt Nam càng cô đơn. Nếu Trung Quốc xung đột với Việt Nam thì Nga sẽ chọn Trung Quốc thay vì Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc Việt Nam buộc phải lụy luôn cả Trung Quốc vì sự cô đơn quân sự đó. Từ đó có thể thấy ngoại giao Việt Nam chả phải tre pheo gì hết mà là phụ thuộc quân sự vào Nga và kinh tế, chính trị vào Trung Quốc.
Nếu Việt Nam muốn thực sự là cây tre thì phải thoát dần sự phụ thuộc quân sự vào Nga. Tức là phải mua vũ khí của Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ...Các học thuyết quốc phòng cũng phải học cả phương Tây thay vì chỉ học ở Nga. Tướng lĩnh QĐND Việt Nam cũng cần phải du học ở West Point...
Từ các phân tích trên cho thấy là Sihanouk, Norodom, sau này là Hun Sen mới là các bậc thầy về đu dây và ngoại giao cây tre. Việt Nam chưa là gì so với họ, dù vẫn ngạo nghễ coi họ là đàn em.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 03.03.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.