Đến gần trưa, mình mới lững thững đi xuống nhà bố mẹ, cách khoảng 200 mét. Nghe thấy tiếng tivi đang hát, hai chiếc xe máy trên sân, cửa và cổng đều không đóng. Gọi bâng quơ vài tiếng, không thấy ai trả lời, biết là cả nhà đã đi chúc Tết.
Những ngày Tết, ở quê mình, thường mọi người không đóng cửa. Cứ để cả cổng và cửa nhà như thế. Nếu có khách vào chơi, chủ không có nhà thì quay ra hay có thể tự vào ngồi uống ly nước rồi ra về (mấy ngày Tết gần như trên bàn luôn có nước trà mới pha, còn ấm nóng).
Có nhiều lý do văn hóa cho việc để cửa này, nhưng cũng còn vì: ngày Tết không có kẻ trộm. Không phải chỉ vì kẻ trộm bận ăn Tết, mà hơn thế, dường như mọi loại người đều tự thấy mình phải giữ cho lòng lương thiện trong mấy ngày ấy, như một ý niệm thiêng liêng.
Tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe cộ..., cứ để tự nhiên trong nhà với những cánh cửa mở rộng. Người ta rất khó trở thành kẻ xấu trong những ngày trời đất và lòng người "phục sinh" này.
Tôi nghĩ, vượt lên cả ý thức, đó là một trầm tích văn hóa đã lặn sâu vào hồn dân tộc. Tưởng sẽ không thể bị xô đổ, không thể bị nhuộm đen, rữa nát...
Thế mà, nhìn hình bên dưới đây, chỉ sau một đêm Tết, những chậu hoa trên cả tuyến phố của "Hà Nội ngàn năm văn hiến" đã bị nhổ sạch. Người ta sẵn sàng mang của ăn cắp về nhà trong ngày Tết, để làm đẹp ngôi nhà của mình. Không phải ăn cắp để sinh tồn, mà ăn cắp để chưng diện! Đó là hai vùng trời cách biệt về sự suy vi của linh hồn.
Bộ mặt thủ đô, "trái tim của cả nước", một trái tim đã lâm trọng bệnh. Nghĩ đến, cái Tết của một năm sau nào đó không xa, với những căn nhà im ỉm khóa để có thể giữ vẹn đồ đạc, mà không khỏi thấy mất mát, như mất cả một hương xuân, mất cả một giống nòi...
THÁIHẠO 03.02.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.