Hai cặp Nga-Ukraine và Trung Quốc- Việt Nam là gần giống nhau về mối quan hệ lịch sử, địa chính trị và dân tộc. Tất nhiên có tương đồng và có dị biệt, nhưng theo dõi quan hệ của cặp này có thể luận về cặp kia. Nhất là quan điểm, đánh giá của cặp này về cặp kia cũng cho thấy tương lai của chính họ.
Vì thế nếu xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra thì các nhà báo quốc tế sẽ rất thích hỏi quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề này. Và cách trả lời của mỗi nước cũng sẽ phải hết sức thận trọng. Vậy sự tương đồng và dị biệt đó là gì?
Sự tương đồng
Nguồn gốc dân tộc Nga và Ukraine có sự gần gũi, đều là dân Slav Đông còn Trung Quốc và Việt Nam thì là dân Mongoloid. Cả hai cặp đều có mối tương đồng về chủng tộc và văn hóa.
Ukraine và Việt Nam đều là cửa dưới, một thời gian dài vừa là đồng chí vừa là anh em với Nga và Trung Quốc. Trong lịch sử, mỗi cặp cũng những thù hận trong quá khứ do bị nước lớn kia cai trị.
Về địa chính trị, Ukraine chặn đường ra Hắc Hải của Nga, Crimea có cảng Sevastopol nguyên là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô. Ukraine cũng là vùng đệm cuối cùng của Nga từ phương Tây, nhất là khu vùng đệm lớn hơn nhiều là các nước Đông Âu và ba nước cộng hòa Baltic cũ thuộc Liên Xô đã gia nhập Nato.
Việt Nam là nước nắm giữ nhiều đảo nhất trong quần đảo Trường Sa, cũng nắm yết hầu của con đường hàng hải qua biển Đông vào Trung Quốc từ Ấn Độ Dương. Con đường ra biển gần nhất từ miền Tây Trung Quốc là đi qua cảng Hải Phòng.
Chính vì vấn đề địa chính trị đó mà Nga luôn tìm mọi cách để Ukraine phải nằm trong vùng ảnh hưởng của mình, tối thiểu cũng phải giữ được miền Đông Ukraine. Tương tự vậy thì Trung Quốc cũng luôn phải nắm Việt Nam trong tay, tối thiểu cũng phải giữ được miền Bắc Việt Nam.
Hiện tại Nga đã sáp nhập Crimea của Ukraine, trong khi Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam. Hoàng Sa chính là cánh cửa của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như Crimea là cánh cửa của Nga ra Hắc Hải. Hoàng Sa là cái giá mà Việt Nam phải trả cho Trung Quốc cho công sức mà Trung Quốc đã hỗ trợ nước Việt Nam cộng sản qua hai cuộc chiến. Còn Crimea là cái giá Ukraine phải trả để tách khỏi cái bóng của Nga.
Sự khác biệt
Về địa chính trị, Nga cần Ukraine hơn Trung Quốc cần Việt Nam rất nhiều. Bởi Ukraine chính là lớp rào chắn cuối cùng trước mối đe dọa từ phương Tây (do Nga tưởng tượng ra). Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO cũng chưa bao giờ có ý đồ thôn tính nước Nga dù có sự đề phòng ngược lại. Nhưng với não trạng chiến tranh lạnh, Nga luôn lo ngại mối đe dọa an ninh từ Mỹ và Tây Âu.
Thời chiến tranh lạnh, tiền đồn của Liên Xô là tận Đông Đức. Nhưng khi các nước CS Đông Âu rồi Liên Xô sụp đổ, thì dần dần, NATO đã kết nạp hầu hết các nước Đông Âu, đến tận ba nước CH Baltic cũ thuộc Liên Xô trước đây. Vì vậy, nếu NATO kết nạp nốt cả Ukraine thì coi như lưỡi dao NATO đã thò vào tận mạng sườn của Nga.
Hơn thế nữa, Ukraine đang phải ngậm đắng nuốt cay trên thế yếu khi để mất Crimea vào tay Nga. Cũng như phải chấp nhận để các tỉnh miền Đông quậy phá đòi tự trị, thậm chí có nguy cơ bị Nga sáp nhập nốt, như cộng hòa tự xưng Donbass, Donetsk. Tất cả chỉ vì không đủ tiềm lực quân sự để đương đầu với Nga, hơn nữa do các vùng đất đó người Nga chiếm đa số.
Nhưng nếu Ukraine gia nhập NATO thì Nga sẽ phải đối đầu với NATO chứ không chỉ với Ukraine. Do đó, khả năng chiếm giữ Crimea của Nga sẽ bị lung lay, do việc sáp nhập này hoàn toàn bất hợp pháp và không có bất cứ nước nào trên thế giới công nhận Crimea là một phần của nước Nga, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam.
Nếu mất đi Crimea, Nga sẽ mất quân cảng Sevastopol, cảng nước ấm duy nhất của Nga không bị đóng băng vào mùa đông. Hải quân Nga vốn có điểm yếu là cảng bị đóng băng một thời gian dài, dẫn đến khó hoạt động. Kể từ khi Liên Xô phải rút khỏi Cam Ranh thì họ chỉ còn trông vào Sevastopol mà thôi.
Còn với Trung Quốc, thì Bắc Triều Tiên mới có vị trí phên giậu từ mối đe dọa phương Tây. Quân đội Mỹ hiện đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên là vùng đệm. Còn từ phía Việt Nam thì không có sự hiện diện của phương Tây kể từ sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa. Việc Việt Nam ngả theo phương Tây cũng không đến nỗi đẩy Trung Quốc vào chân tường như Ukraine gia nhập NATO.
Dù Việt Nam có ngả theo Mỹ đi nữa, thì khả năng Việt Nam lấy lại được Hoàng Sa cũng rất thấp, do Trung Quốc lấy Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa. Hiện này cũng chả có nước Phương Tây nào công nhận Hoàng Sa là của Việt Nam, họ chỉ coi đó là một hòn đảo tranh chấp.
Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là mối đe dọa khi tuột khỏi tay vào thời điểm Mỹ đóng quân tại Việt Nam Cộng Hòa, vì thế mà Chu Ân Lai đe dọa là nếu Mỹ đổ quân ra Bắc Việt thì Trung Quốc sẽ tham chiến tương tự như chiến tranh Triều Tiên.
Lần thứ hai là khi Việt Nam ký hiệp định Hữu nghị và hợp tác với Liên Xô vào năm 1978. Lúc đó Trung Quốc cũng coi như Việt Nam liên minh quân sự với Liên Xô để đánh Trung Quốc, y như Ukraine gia nhập NATO dưới con mắt của Nga. Chính vì thế nên Trung Quốc đã tấn công Việt Nam để dằn mặt, cũng như hỗ trợ Khmer đỏ đánh Việt Nam.
Tương lai nào cho Ukraine và Việt Nam trong mối quan hệ với láng giềng hung hãn?
Vì mối quan hệ nói trên nên cả Việt Nam và Ukraine đều rơi vào hoàn cảnh phải đu dây hoặc thần phục. Ukraine trước đây đã thoát Nga được một thời gian ngắn khi phát xít Đức xâm chiếm, miền Tây chống Nga của Ukraine đã theo Đức để tấn công Liên Xô. Còn Việt Nam cũng chỉ thoát Trung được khi có bảo kê mạnh hơn Trung Quốc là thời Pháp thuộc, Việt Nam Cộng Hòa (20 năm Mỹ bảo trợ) và hơn 10 năm được Liên Xô bảo trợ.
Hiện tại, anh em bò đỏ vẫn coi Việt Nam có cách hành xử khôn ngoan hơn Ukraine với nước lớn bên cạnh, khi Việt Nam giữ thế trung lập. Thực ra hiện tại Việt Nam không hề trung lập mà là thân Trung Quốc hơn là thân phương Tây. Chính quyền Việt Nam hiện tại đối với Trung Quốc cũng gần giống chính quyền Yanukovych của Ukraine đối với Nga, là một dạng phụ thuộc. Thậm chí Việt Nam còn phụ thuộc hơn, do ý thức hệ và con đường phát triển copy của Trung Quốc. Nga nuôi chính quyền Yanukovych như nuôi con nghiện với giá chất đốt khá rẻ, nhưng kinh tế không thể ngóc đầu lên được vì bản thân Nga cũng không khá giả gì.
Ukraine muốn thoát khỏi tư thế con nghiện đó thì buộc phải gia nhập EU và NATO, để vừa có quan hệ kinh tế với các nước tư bản giàu có và được nằm dưới cái ô bảo trợ quân sự của NATO. Nhưng ý định đó bị rơi vào bế tắc khi Nga cảm thấy bị đẩy vào đường cùng với “Kẻ thù trước cổng” (tên bộ phim Mỹ về trận Stalingrad, khi Nga đương đầu với Đức trong thế chiến 2).
Việc Ukraine gia nhập EU hay NATO cũng rất gian truân, khi bản thân nội bộ EU và Mỹ cũng bị phân hóa về quyền lợi đối với Nga, chủ yếu là do sự phụ thuộc vào khí đốt của Đức và Pháp (hai nước có tiếng nói trong EU và NATO) với Nga. Chỉ có Anh là ít phụ thuộc khí đốt của Nga do ở xa, nên có thái độ cứng rắn nhưng Anh cũng đã ra khỏi EU.
Kể từ khi có dầu đá phiến và khí hóa lỏng từ đó. Mỹ đã có thể ve vãn Tây Âu, để thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt của Nga. Nhưng vì khí đốt hóa lỏng vận chuyển bằng tàu biển vẫn đắt đỏ hơn khí đốt chạy trong ống dẫn từ Nga, nên Đức và Pháp vẫn lo ngại cuộc chiến với Nga nếu Ukraine gia nhập NATO.
Tuy tiềm năng về năng lượng của Nga là điểm mạnh, cũng chính là điểm yếu của họ. Kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Nên nếu bị cắt đứt đường ống bán khí sang Tây Âu thì Nga chỉ còn con đường bán sang Tàu. Vì thế mà Nga cũng phải tìm đường lùi bằng cách liên minh với Trung Quốc đề phòng bị Tây Âu cấm vận do đánh Ukraine.
Còn Việt Nam thì vì không đến nỗi quá quan trọng với Trung Quốc như Ukraine với Nga, nên Việt Nam vẫn còn có cửa thoát cộng mà không thực sự ngả hẳn vào vòng tay Mỹ (không ký hiệp ước quân sự với Mỹ). Cơ hội để Việt Nam ra mặt chống Trung Quốc là khó, nếu không có hiệp ước quân sự với Mỹ. Vì thế Việt Nam vẫn có cửa sáng hơn Ukraine khi giữ quan hệ không đối đầu với Trung Quốc, đồng thời quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với phương Tây. Có 14 nước giáp Trung Quốc nhưng chỉ có 3 nước cộng sản là Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.
Nhiều người dân Việt Nam vốn giữ nguyên não trạng ơn huệ với Liên Xô thời chiến tranh, nên vẫn muốn bênh vực Nga hơn là Ukraine, cho dù lẽ ra Việt Nam lại cần bênh vực Ukraine hơn do thân phận giống nhau nói trên. Với vị trí của Việt Nam thì nếu có xung đột xảy ra giữa Nga và Ukraine thì khôn ngoan hơn cả là “Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Đề nghị các bên kiềm chế”.
Nếu Việt Nam ra mặt ủng hộ Nga thì đại ngu, vì không khác gì bật đèn xanh cho Trung Quốc tấn công biển đảo Việt Nam nếu Việt Nam có triệu chứng thân phương Tây. Nên hiểu rằng, với góc nhìn quốc tế thì việc Nga ngăn cản Ukraine tham gia EU và NATO là việc rất vô lý và phách lối, không thể ủng hộ. Còn nếu Nga tấn công Ukraine thì rõ ràng là một cuộc chiến xâm lược, càng cần phải lên án.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 10.02.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.