jeudi 9 septembre 2021

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 63

 

Sáng nay được tin hai người quen vừa mất vì virus Vũ Hán. Một người rất khỏe, lúc nào cũng dí dỏm, lạc quan, luôn truyền năng lực tích cực cho mọi người chung quanh. Nói năng duyên dáng, điệu như một quý ông. Mất vừa tuổi 53. Một người nằm bệnh viện nửa tháng rồi, chạy đủ thuốc men, qua nhiều máy thở, đặt nội khí quản và qua đời ở tuổi 63.

Trong cơn đại dịch này, bạn bè, người quen ra đi nhiều quá. Trên Facebook nhiều khung tang đen. Con số tử vong vẫn không giảm bao nhiêu. Bệnh viện thiếu đủ thứ mà người bệnh quá đông, không chăm sóc kịp thời, cứ trở nặng là đi. Một bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân bảo rằng cứ đặt nội khí quản là xem như không có đường sống. Lại thêm thiếu người chăm sóc nên thường là không kịp cứu.

Lực lượng y tế đang thiếu trầm trọng, gần 15.000 người từ Bắc vào chi viện. Rồi đội ngũ y bác sĩ ở Huế, ở Đà Nẵng cũng tham gia nhưng chẳng thấm vào đâu khi người bệnh càng lúc càng nhiều. Không còn giường để nằm, không còn máy để thở khi cần thiết.

Tối hôm qua, trên VTV có phát một phóng sự đặt biệt có tên là Ranh giới. Đó là ranh giới của sinh tử, ranh giới của sự chịu đựng, ranh giới của sự cố gắng tột cùng và cũng là ranh giới của sự chia ly. Phóng sự được quay trực tiếp tại khu cấp cứu đặc biệt dành cho các sản phụ bị mắc virus Vũ Hán: Bệnh viện Hùng Vương.

Lần đầu tiên, người xem thấy được không khí làm việc căng thẳng, áp lực nặng nề đè trên vai những y bác sĩ, những người trên tuyến đầu chống dịch. Lâu nay trên báo chí, trên truyền hình, người ta chỉ được xem lướt qua những hình ảnh đã được sắp sẵn, được lựa chọn cho đẹp khung hình phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền. Giờ đây trong Ranh giới, những người thật, việc thật, không khí thật, khung cảnh thật, nhân vật thật khiến người xem nhói lòng.

Xem đến đoạn cô bác sĩ điện thoại cho người nhà bệnh nhân báo phải mổ để cứu mẹ, đành bỏ con mới 21 tuần, tôi không xem được nữa, nước mắt cứ ứa ra không ngăn được. Không nghe được câu nói của người cha, anh đang bị kẹt vì giãn cách ở Vũng Tàu, không về được. Khuya lại mở ra xem tiếp, đến cảnh cô gái chết, bảng đo nhịp thở, huyết áp tụt xuống con số 0, những khuôn mặt thẫn thờ của y bác sĩ, những đôi mắt tiếc nuối, thất vọng, buồn đau. Tôi lại ngừng.

Chỉ cuối phóng sự, nụ cười của một cô gái bệnh nhân mong được về gặp chồng con và cảnh chiếc xe đẩy hai đứa bé sinh đôi làm cho tôi có chút niềm vui. Trong cái tử vẫn có cái sinh, trong cái mất mát vẫn có những đứa trẻ được cất tiếng khóc chào đời. Xem phim, người ta sẽ đau xót, bàng hoàng và thấy được những hy sinh, nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trong việc giành lại sự sống cho những người sản phụ bị nhiễm dịch.

Thiếu phương tiện, thiếu thuốc, thiếu nhân lực nhưng tất cả cố vượt qua vì sinh mệnh của những người khác. Tổ quản trị 12 người đã có 10 người phơi nhiễm, nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Y tá, điều dưỡng nhiễm bệnh, vừa khỏe lại đã tiếp tục công việc của mình. Họ xứng đáng được gọi là những chiến binh. Họ đã giúp những đứa trẻ ra đời trong giây phút nghiệt ngã nhất, họ cố gắng để người mẹ nhiễm bệnh và đứa con có thể được tiếp tục sống trong những giây phút tưởng là tuyệt vọng. Một phóng sự hay và sống động gây nhiều cảm xúc. Cám ơn ê kíp thực hiện phóng sự đầy ý nghĩa và nhiều cảm xúc này.

Tuy vậy, có người cho rằng phóng sự Ranh giới không làm mờ mặt nhân vật, như vậy là thiếu nhân văn. Thật ra trong hoàn cảnh tế nhị như thế, ê kíp làm phim chắc hẳn có sự đồng ý của các người bệnh. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng lưu ý trong phim 4 thai phụ quay cận mặt thì đều là những người còn tỉnh táo, vẫn ngồi được, nói chuyện với bác sĩ và họ đồng thuận với việc làm phim.

Nhiều bệnh nhân thậm chí vẫn tiếp tục giữ liên lạc với đạo diễn - người đã có nửa tháng trời làm việc miệt mài, vất vả bên các bệnh nhân, chia sẻ với họ những khoảnh khắc yếu lòng và cả niềm vui vô bờ (Theo báo Tuổi Trẻ).

Lại thêm một tin không vui về con virus Vũ Hán. Hãng tin Bloomberg và tờ The Washington Post cho biết kết quả nghiên cứu đã cảnh báo nguy cơ tổn thương thận ở những người khỏi bệnh virus Vũ Hán. Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Mỹ, những người đã được điều trị khỏi sau khi mắc virus có nguy cơ gặp phải triệu chứng tổn thương thận, mặc dù những tổn thương này có thể không gây đau đớn và không có biểu hiện.

Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tổn thương cơ quan lọc máu có thể xảy ra ở cả những người tự phục hồi tại nhà sau khi nhiễm virus, và mức độ tổn thương sẽ tỉ lệ thuận với tình trạng mắc bệnh trước đó. Ngay cả những bệnh nhân không nhập viện điều trị, không có vấn đề về thận, cũng có nguy cơ phát triển bệnh thận giai đoạn cuối cao hơn gấp 2 lần so với những người chưa từng mắc virus Vũ Hán. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, những bệnh nhân mắc virus không nhập viện có nguy cơ bị tổn thương thận cấp tính tăng 23% trong vòng 6 tháng - một tình trạng cản trở việc loại bỏ chất thải và chất độc ra khỏi máu. Đây là điểm mà các bệnh nhân nhiễm virus đã khỏi cần quan tâm.

PGS, TS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng hầu hết người sau khi chữa bệnh virus Vũ Hán sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 12 tuần. Nhưng đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn.

Các triệu chứng kéo dài sau khi khỏi bệnh thường gặp bao gồm: Ho kéo dài, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác, mệt mỏi kéo dài, khó thở, giảm trí nhớ, mất tập trung, mất ngủ, đau đầu, đau ngực hoặc tức ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, choáng váng, đau nhức các khớp, trầm cảm và lo âu, ù tai, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thân nhiệt..Nói tóm lại, sau khi thoát được con virus, người bệnh sẽ bị những di chứng không có lợi cho sức khoẻ. Điều này chứng tỏ virus này có sức tàn phá cơ thể rất ghê gớm, nên những người sau khi nhiễm đã chữa hết bệnh cũng cần lưu ý những thông tin này.

Một điều đáng quan tâm nữa theo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên tổng biên tập báo Sức khỏe Đời sống, cho biết, ngoài các nguyên nhân gây tử vong như quá tải ở phòng ICU, thiếu nhân lực y tế, F0 điều trị tại nhà khi bệnh diễn biến nặng thì không được đưa đến bệnh viện kịp thời…còn một nguyên nhân gây nguy hiểm cho bệnh nhân là tình trạng F0 thiếu oxy máu thầm lặng, chiếm tỉ lệ 5% (ví dụ trong 100 ca dương tính có 5 ca thiếu oxy máu thầm lặng).

F0 thiếu oxy máu thầm lặng là tình trạng bệnh nhân không có biểu hiện gì ra bên ngoài, trong khi đó virus âm thầm gây tổn thương phế nang phổi và âm thầm hình thành các cục máu đông ở động mạch phổi.

Do thời kỳ đầu, phổi mềm nên bệnh nhân không có biểu hiện khó thở, kể cả những trường hợp lượng SpO2 còn 65% thì bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng khi bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng thì khó thở rất dữ dội. Oxy bị đốt cháy nhanh, SpO2 tụt xuống rất nhanh, chỉ sau vài giờ nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong. Rất nhiều những trường hợp tử vong tại nhà, tử vong trên xe cấp cứu và các tầng thấp đều do F0 thiếu oxy máu thầm lặng gây nên. Do vậy, khi có người nhiễm bệnh, việc theo dõi SpO2 phải là việc cần làm thường xuyên.

Để chuẩn bị cho việc giảm dần giãn cách, UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội. Cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi: Hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ theo phương thức "3 tại chỗ". Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến.

Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; Đội ngũ shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Như vậy, dù chưa có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng cũng đã hé cửa thăm dò để chờ khi thuận tiện để mở cửa. Dù sao đó cũng là những tín hiệu vui mở đầu cho một lối thoát cần thiết.

Ngày 8.9, thành phố cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc virus Vũ Hán. Qua khảo sát, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế; cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm virus giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới" với mũi tiến công quan trọng là Vaccin + Thuốc + Ý thức.

Những ngày qua, trên mạng xã hội cũng như trên báo chí đã phản ánh nhiều bức xúc của dân về việc gói hỗ trợ và tiền trợ cấp. Điển hình như phản ánh của người dân phố 5, khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã lên tiếng về việc cán bộ tổ dân phố chỉ phát mỗi nhà 15 ký gạo nhưng yêu cầu ký nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ. Hay việc hơn 90% người dân tại khu vực 4/11, tổ 52, ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, chưa nhận được gói hỗ trợ nào, không liên hệ được các đường dây nóng.

Cán bộ phường yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm vaccin mũi 1 mới được nhận hỗ trợ. Hoặc chuyện Bệnh viện Xuyên Á Hóc Môn bắt buộc người bệnh virus Vũ Hán cam kết không sử dụng bảo hiểm xã hội khi vào cấp cứu. Trong một clip khác phát tán trên mạng, người ta thấy hai nhân viên của phường sẻ đôi tiền trợ cấp 1.500.000 đồng cho 2 hộ. Mỗi hộ chỉ được lãnh 750.000 đồng. Một kiểu hành xử không có trong quy định.

Nhìn chung, thành phố đã cố hết sức trong việc giúp dân qua cơn đói và hỗ trợ hộ nghèo. Suốt mấy chục năm qua, thành phố đã đóng góp cho trung ương số tiền không nhỏ. Thế nhưng trong cơn ngặt nghèo UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh Xã hội hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng ngân sách và 142.000 tấn gạo cho người nghèo tại địa phương gặp khó khăn do đại dịch. Với số tiền gần 28.000 tỉ đồng, TPHCM dự kiến sẽ dùng để chi hỗ trợ cho trên 4,7 triệu người lao động và hộ nghèo tiền ăn, tiền thuê trọ. Trong đó, hỗ trợ lao động nghèo trong 98 ngày, mỗi người 50.000 đồng/ngày. Hỗ trợ hộ nghèo mỗi hộ 1,5 triệu đồng/tháng trong 2 tháng.

Thế nhưng, Bộ Tài chính cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ đối tượng đặc thù của UBND TPHCM đề xuất, đã trình Thủ tướng và đề nghị thành phố chủ động sắp xếp ngân sách địa phương, các nguồn huy động khác để hỗ trợ cho người dân. Có nghĩa là thành phố nên tự lo chứ trung ương không đáp ứng. Cuối cùng cũng vớt vát cho được 71.104 tấn gạo. Số gạo này để hỗ trợ trong 1 tháng. Còn thời gian tới thì sao? Thành phố giờ đã khô máu rồi mà dân thì kêu, cần là cần lúc túng ngặt chứ bình thường thì thành phố nộp đến 82% của cải làm ra kia mà. Chơi thế thì buồn thật! Chơi thế thì chơi với ai? Lại nhớ bài thơ của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

"Đắc thời, thân thích chen chân đến,

Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi.

Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến,

Ang không mật mỡ, kiến bò chi ?

Đời nay những trọng người nhiều của,

Lặng đến tay không, ai kẻ vì ?"

Xem trên mạng thấy có một bài phỏng vấn một bác sĩ người Việt đang hành nghề ở Mỹ. Vị bác sĩ này cho rằng Việt Nam đang rất quyết tâm chống dịch, dù có nhiều biện pháp chưa đúng và không được lòng dân. Tuy nhiên theo ý của vị này, Việt Nam đã rất nhanh chóng tiếp thu và tận dụng những loại thuốc để cứu người trong cơn đại dịch. Ví dụ như nhập về và sử dụng ngay hai loại thuốc điều trị virus đắt đỏ, khó tiếp cận trên thế giới là thuốc Remdesivir và Molnupiravir. Thuốc Remdesivir dùng cho các ca nặng và Molnupiravir cho các bệnh nhân nhẹ, vừa điều trị tại nhà. Đó là một trong những phương cách hợp lý dù rất tốn kém để có thể sớm dập được dịch đang bùng phát.

Lại nói về giấy phép đi đường. Cái giấy này đã khiến cho Sài Gòn lao đao, lúng túng và rối rắm. Giờ lại diễn ra y một kịch bản ở Hà Nội. Trong nguy nan, trong khó khăn mới thấy ai khôn, ai dại, ai tài, ai kém. Ở Đà Nẵng chính quyền ở đấy giải quyết chuyện này nhẹ bâng. Mở trang Web, dân có đủ điều kiện cứ nằm nhà điền vào, bộ phận nào, ban ngành nào liên quan sẽ căn cứ vào đó mà cấp giấy đi đường. Không xếp hàng, không chen lấn và rất khoa học, đúng với thời đại 4.0. Hay Cà Mau, một tỉnh nhỏ ở cùng trời, cuối đất sử dụng Zalo để đăng ký, gọn, nhẹ và nhanh chóng. Sao hai thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn không làm được thế? Người thì có dư, thiết bị cũng có đủ, sao không làm được mà cứ mãi chạy quanh tờ giấy thế! Quản lý kém, tư duy tồi hay vì lý do nào nữa?

Đang chờ mở tung cửa để không còn cảnh tù hãm, không còn cảnh kiếm miếng ăn trong biết bao khó khăn. Sài Gòn đang dần qua cơn bệnh, mong sẽ hồi phục nhanh để Sài Gòn vẫn nguyên vẹn Sài Gòn của trăm năm cũ.

Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi ba

ĐỖ DUY NGỌC 09.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.