Cách đây mấy hôm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: "Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối.
Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".
Qua ý kiến này, đã cho thấy nhà nước ý thức được việc chống và xóa sạch con virus Vũ Hán là điều không tưởng. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu rằng “Đây như là trận chiến, không thắng không về”, thì ta nên hiểu đó chỉ là thể hiện sự quyết tâm, là lời cổ vũ, động viên chiến sĩ. Bởi cho đến nay, ngay các nước hùng mạnh, giàu có cũng như các nhà khoa học trên thế giới đều khẳng định không thể thắng được con virus này. Người ta chấp nhận sống chung với nó, chỉ tìm cách kềm hãm và giảm lượng người nhiễm bệnh và tử vong.
Gần đây nhất đã có cảnh báo biến thể Covid-19 đột biến nhiều nhất, có thể kháng vaccin. Các nhà khoa học ở Anh đã phát hiện một biến thể mới của virus Vũ Hán đột biến nhiều nhất cho tới nay. Chủng này được đặt tên là C.1.2, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 5. Kể từ đó, biến thể trên đã lan sang Anh, Trung Quốc, CHDC Congo, Mauritius, New Zealand, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Các nhà khoa học lo ngại rằng C.1.2 có thể lây nhiễm nhiều hơn các biến thể khác và có khả năng thoát khỏi tác dụng của vaccin.Trong báo cáo của các nhà nghiên cứu Nam Phi, biến thể C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của nó nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ lây lan toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus Vũ Hán.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31.8 cho biết biến thể mới của virus là C.1.2 dường như không có nguy cơ lây lan mạnh như lo ngại, và giới chức y tế đang theo dõi sát các hoạt động của biến thể này. Thật ra nhiều phát biểu của WHO từ khi có đại dịch đến nay đã khiến cho nhiều người nghi ngờ.
Có người còn cho rằng chính WHO là tổ chức quá chậm chạp và nhiều khi lấp liếm về tin tức của đại dịch khiến cho con virus hoành hành như hiện nay. Đúng ra, khi có dịch đã lan ra toàn cầu, tính minh bạch là rất cần thiết để ngăn chận dịch kịp thời. WHO đã không làm được điều đó và một số nước cũng thiếu công khai đưa đến những hậu quả khó lường.
Ở Sài Gòn, sau hơn một tuần tăng cường, siết chặt với hình thức giới nghiêm, "ai ở đâu ở yên đấy", mỗi nơi trở thành một "pháo đài" chống dịch, thống kê hàng ngày cho thấy con số người nhiễm bệnh và tử vong vẫn không giảm như mong đợi. Đã lên đỉnh dịch chưa? Chẳng ai dám trả lời.
Trong báo cáo, một tuần qua từ ngày 23.8, số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng với hơn 33.900 ca nhiễm mới. Đó là chưa kể gần 65.000 ca F0 phát hiện khi xét nghiệm rộng trong những vùng có nguy cơ cao, hình như không đưa vào thống kê hàng ngày. Con số tử vong mấy ngày gần đây tuy có giảm nhưng không nhiều, hàng ngày vẫn xấp xỉ từ 250 đến 300 người chết, là tỉ lệ cao so với thế giới. Và vẫn còn nhiều xe lạnh chứa xác xếp hàng để chờ đến lượt vào lò thiêu.
Như vậy, biện pháp đóng băng xã hội và đông cứng người dân tỏ ra không hiệu nghiệm. Dù yêu cầu người dân không ra đường, nhưng cũng theo tin của báo, có ngày ở thành phố có 1,2 triệu lượt người chạy ở ngoài phố. Con số này đã khiến cho ông Vũ Đức Đam nổi nóng, khó chịu ra mặt với lãnh đạo thành phố.
Dân ra đường ngoài những người được cấp giấy phép còn nhiều người có đủ lý do. Những lý do rất riêng khiến họ phải rời nhà: mua thực phẩm, đi chích ngừa, đi làm giấy tờ đi đường, đi mua hàng, mua thuốc cho người bệnh, tiếp tế thức ăn cho người nhà, đi kiếm cơm, đi theo thói quen, đi làm từ thiện, đi xét nghiệm theo yêu cầu...có biết bao lý do để ra đường, khó mà ngăn chận. Dù theo báo cáo thành phố đã xử phạt hơn 6.200 trường hợp vi phạm, thu được 8 tỉ 869 triệu đồng. Qua đó, cho thấy đi lại là một nhu cầu cấp thiết của người dân. Một tuần, nửa tháng còn chấp nhận nhưng kéo dài như hiện nay thì rất khó cho dân.
Hơn nữa theo yêu cầu 5K trong đó có giữ khoảng cách và tránh tụ tập. Thế nhưng trong các khu nhà trọ và các xóm lao động nghèo, người ở chen chúc nhau, nhà cửa san sát nhau thì khi bắt mọi người ở yên một chỗ là việc rất dễ lây nhiễm. Bình thường, ở các khu vực đấy, sáng sớm là mọi người tỏa ra kiếm sống, công nhân vào nhà máy, nghề tự do ra đường, bán vé số, bán hàng rong ra phố. Xóm sẽ vắng, nhà trọ chẳng còn ai.
Bây giờ giới nghiêm, hàng chục, hàng trăm con người trong đấy ở nhà, thất nghiệp, chen nhau sống, túm tụm nhau để giết thì giờ, xem như việc giữ khoảng cách và cấm tụ tập không thực hiện được. Và thế là biến thành ổ dịch. Thế thì giảm giãn cách cho họ đi tìm kế sinh nhai tốt hơn là nhốt lại như thế chứ. Nếu giới nghiêm mà giảm được người nhiễm thì nên tiếp tục. Còn không thì nên học theo thế giới để xã hội khỏi bị đóng băng như hiện nay.
Như Ý từng là tâm dịch của châu Âu khi virus bắt đầu tấn công châu Âu năm 2020, Ý giờ dần chuyển sang cuộc sống bình thường mới giữa đại dịch. Vào đầu năm 2020, khi nhiều vùng của Ý bị nhấn chìm trong đại dịch, chính phủ nước này bị chỉ trích quá chậm trễ áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch. Nhưng rồi Ý đã rút ra một số bài học sau lần phong tỏa toàn quốc đầu tiên vào tháng Ba năm ngoái và giờ đây, hơn một năm rưỡi sau, quốc gia này đang thực hiện cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn nhiều quốc gia khác.
Quy định mới của Ý là giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe được xem như giấy thông hành, và cuộc sống đã trở lại gần như bình thường. Từ ngày 6.8, chính phủ Ý đã yêu cầu người dân phải xuất trình "thẻ xanh", một loại chứng nhận tình trạng sức khỏe kỹ thuật số, khi tham gia các sự kiện lớn, tới nhà hàng, phòng gym và nhiều địa điểm công cộng khác.
Thẻ xanh về cơ bản là hộ chiếu vaccin, chứng minh chủ sở hữu đã tiêm đủ mũi vaccin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 tiếng, hoặc từng nhiễm dịch và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy có một số bất tiện khi kiểm tra giấy thông hành này, nhưng biện pháp ấy đã có hiệu quả giúp xã hội bình thường hóa.
Mới đây, Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch từ 1.9. Quyết định này được cho là cần thiết để tiến tới mô hình "sống chung với dịch bệnh một cách an toàn" và vực dậy nền kinh tế. Theo đó, các chuyến bay thương mại nội địa dự kiến được nối lại từ ngày 1.9, các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, tiệm làm đẹp, massage và các câu lạc bộ thể thao được phép hoạt động trở lại. Tuy vậy, vẫn tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau trong ít nhất hai tuần nữa.
Ở Indonesia, nước có người nhiễm và tử vong cao so với thế giới. Gần đây đã qua đỉnh dịch và con số có giảm nhưng số tử vong vẫn còn cao, số lượng tử vong hàng ngày cũng dưới mốc 1.000 người. Trong khi số ca mắc bệnh giảm ở thủ đô Jakarta và một số vùng ở Java, biến chủng Delta đang tiếp tục tăng ở các đảo khác như Sumatra, Kalimantan, Sulawesi…Tổng thống Joko Widodo cho biết ngày từ ngày 23.8, Indonesia sẽ bắt đầu mở cửa nhà hàng, trung tâm mua sắm, nơi cầu nguyện… tại một số khu vực bao gồm thủ đô Jakarta.
Với những biện pháp mới của nhiều nước trong chủ trương sống chung với dịch. Hy vọng nhà nước ta sẽ có những biện pháp mới phù hợp hơn trong công cuộc chống dịch. Khi đã nhận thức được không thể thắng dịch, không thể nào loại bỏ được con virus thì cũng đừng nên đánh trống, phất cờ, ngạo nghễ đã chiến thắng.
Nên giảm dần giãn cách, tìm mọi cách bình thường hóa sinh hoạt để người dân có thể tự do kiếm ăn, hàng quán được mở lại trong vòng kiểm soát, chợ lớn, chợ nhỏ dần dần được tiếp tục bán mua, người dân được dễ dàng đi lại, lương thực, thực phẩm khắp nơi được chuyển về. Lúc đấy trẻ con sẽ lần lượt đến trường, người già, người bệnh được dễ dàng đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị. Cuộc sống sẽ dần trở lại ổn định. Mọi đau thương rồi dần qua, những mất mát tuy còn đó nhưng cũng bớt dần nước mắt. Hy vọng và mong chờ ngày đấy.
Trên một Facebook của một giáo dân Công Giáo tôi đọc thấy dòng chữ và hình ảnh một dãy các Soeur vừa qua đời vì nhiễm bệnh. Trong đó có nhiều Soeur là tình nguyện viên trên tuyến đầu: "Xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn quý Soeur Dòng mến Thánh Giá Chợ Quán. Quý Soeur Dòng Đa Minh Phú Cường. Đã ra đi về với Chúa vì con virus Wuhan. “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời. Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy!”. Những tấm ảnh gây xúc động.
Trong thư gởi đến gia đình Tổng giáo phận gần đây của Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức cha Giuse Nguyễn Năng có đoạn viết: "Anh chị em rất thân mến, trước những đau thương của bệnh tật, nghèo đói, chết chóc, chúng ta hãy truyền đi một thông điệp: Đừng để mất niềm hy vọng. “Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta”.
Vâng! Đừng để mất niềm hy vọng.
Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi lăm
ĐỖ DUY NGỌC 01.09.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.