Mọi người còn nhớ vụ án con Vích không? Đây là vụ án mà những ai theo dõi đã phẫn nộ và rất nhiều người gặp chia sẻ vì quá bức xúc, đau xót. Chúng tôi khẳng định đó là vụ án oan không phải 99% mà 100%.
Năm 2018, một ngư dân đi đánh cá ngoài biển giáp ranh Việt Nam và Malaysia. Trong quá trình thả lưới có 15 con Rùa Biển (Vích) vô tình mắc lưới, các ngư dân đã tìm cách tháo gỡ cứu được 3 con thả xuống biển.
Có 12 con đã chết không thể cứu nên thuyền viên thắp nhang khấn vái và nhờ người đưa vào đất liền chôn cất, thờ cúng theo tập tục địa phương của Hội Lăng Ông (hầu như dân miền biển đều có tập tục nhân đạo này) và đã được Ủy ban tỉnh Tiền Giang cấp chứng nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm ở đây tổ chức lễ hội rất lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người dân và quan chức địa phương.
Điều đáng nói, ngư dân đánh cá không biết Vích là động vật nguy cấp quý hiếm. Họ chỉ biết đây là con rùa biển, vì ở Hội Lăng có đúc tượng mô phỏng 4 con vật tứ linh (Long, Phụng, Qui, Cá Ông) - cấm ngư dân săn bắt, phải có lòng thành kính, nếu đi biển mà thấy các con vật này gặp nguy hiểm phải tìm cách cứu sống dù phải hy sinh cả tính mạng.
Phiên tòa sơ thẩm lần đầu tiên, tôi và đồng nghiệp tại Gold Key kịch liệt biện hộ, đề nghị trả tự do tại tòa. Nhưng tòa sơ thẩm (huyện Ngọc Hiển) vẫn kết tội người 3 năm tù, người còn lại 2 năm 6 tháng. Kháng cáo lên phúc thẩm, trong một ngày trời mưa rất to, khi tôi đề nghị Viện Kiểm sát (VKS) tỉnh Cà Mau có ý kiến yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên họ vô tội vì các lập luận của chúng tôi đưa ra VKS không thể tranh luận và chặt chẽ về pháp lý. Mọi người biết sao không, vị đại diện VKS tỉnh Cà Mau nói công khai tại tòa rằng "Lãnh đạo chỉ giao cho tôi được trình bày bấy nhiêu đó thôi...".
Chúng tôi thẫn thờ, nhưng kết quả cũng may mắn là tòa cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm kết tội trước đó, và khẳng định việc kết tội là không đúng, yêu cầu điều tra lại hàng loạt vấn đề. Trong đó có nội dung yêu cầu công an huyện Ngọc Hiển chứng minh ngư dân xem có biết 12 con Vích bị chết là động vật quý, hiếm không? Kết quả điều tra Công an huyện Ngọc Hiển khẳng định ngư dân không biết đó là động vật nguy cấp, quý, hiếm cấm săn bắt và mục đích vận chuyển của họ chỉ là tâm linh.
Điều đáng trách và khiến tôi muộn phiền nhất là sau phiên tòa phúc thẩm đó, các luật sư đã lên kế hoạch tỉ mỉ phương án minh oan cho thân chủ thì họ bị "dính bẫy" và nói "các luật sư bào chữa quá tốt, chúng tôi biết ơn nhưng có vấn đề khó nói nên tạm thời các luật sư không bào chữa nữa…". Vì vậy chúng tôi dừng lại, kết quả sau đó VKS Ngọc Hiển tiếp tục truy tố, và tòa huyện Ngọc Hiển xử sơ thẩm lần hai tuyên từ 5 năm 6 tháng lên tổng cộng 18 năm tù cho cả hai người.
Tuyên án xong, một người nhập viện cấp cứu suýt chết, người còn lại mất hồn như bị điên vì quá sốc.
Mấy ngày sau khi tòa sơ thẩm lần hai kết án, họ và người thân quay lại xin lỗi, khóc cầu cứu mong chúng tôi vào lại giúp. Ngay khi đó, tôi từ chối nhưng đồng nghiệp tại công ty đã khuyên “thôi hãy xem xét giúp vì họ là người đáng thương và thiếu hiểu biết”. Tôi đã trằn trọc mất ngủ mấy đêm liền và sau quá trình suy xét, quyết định trở lại giúp cho họ. Những ngày dịch bệnh chúng tôi tập trung xem lại toàn bộ hồ sơ (đặc biệt là nhận định của bản án sơ thẩm) và có thể khẳng định 100% họ oan. Nhưng không hiểu sao tòa cấp sơ thẩm vẫn thẳng tay ra phán quyết hai số phận con người 18 năm tù với lập luận kinh khủng thế này:
"Dù ông X, bà Y không biết rùa Biển là động vật, nguy cấp, quý hiếm và mục đích vận chuyển là mang đi thờ cúng, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên phạm tội".
[Kể thêm, khi công an yêu cầu Sở Nông nghiệp Cà Mau giám định xem có phải là con Vích không thì Sở cũng không thể, và phải đi thuê một tổ chức chuyên sâu. Tổ chức ấy phải đối chiếu hình ảnh sổ tay mới kết luận và biết đó là động vật nguy cấp, quý, hiếm.]
Một vấn đề pháp lý cơ bản và rõ như ban ngày nhưng mọi người thấy không, lập luận của thẩm phán - người phán quyết số phận đồng loại của mình kiểu đó thì thực sự quá khủng khiếp. Ngay cả án ma túy, nếu không biết đó là ma túy và vận chuyển thì vẫn không có tội. Cả công an, VKS và tòa án (nơi con người đặt niềm tin) lại có nhận định như trên.
Tôi đã lập tức ký hàng loạt văn bản gửi Tòa, VKS Tối cao và rất nhiều nơi để kêu oan trong thời gian chờ cấp phúc thẩm xét xử lần hai để minh oan cho họ. Một người dân không biết rùa biển là động vật, nguy, cấp, quý, hiếm thì làm sao mà xin phép? Pháp luật cũng không có bất kỳ quy định nào nếu gặp Vích chết trên biển phải xin phép, vì ở ngoài biển trùng trùng kia thì xin phép kiểu gì? Hành vi nhân đạo đưa vào đất liền để thờ cúng, chôn cất và đeo tang lẽ ra phải được khuyến khích, hoan nghênh nhưng lại bị đẩy vào vòng lao lý oan nghiệt.
Bản án kết tội của tòa Ngọc Hiển gây ra sự bàng hoàng, hoảng sợ cho làng quê nghèo ở Tiền Giang. Phía Hội Lăng Ông vì quá bức xúc cũng lập tức gửi hàng loạt văn bản đến ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh tòa Tối cao), ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKS Tối cao), bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm UBTP Quốc hội), Chánh án Tòa án tỉnh Cà Mau và nhiều nơi để kêu oan cho hai ngư dân tội nghiệp này.
Chắc chắn phiên tòa phúc thẩm lần 2 sắp tới mở ra, chúng tôi sẽ biện hộ và chứng minh rõ Thân chủ mình oan. Hy vọng tòa tỉnh Cà Mau sẽ tuyên hủy bản án kết oan của tòa cấp dưới, và trả tự do ngay tại tòa cho hai thân phận lao lý. Tất nhiên, bây giờ việc biện hộ sẽ khó khăn, gian truân gấp bội lần so với trước kia. Lý do vì sao thì người trong nghề hiểu rất rõ, nhưng tôi vẫn trọn vẹn niềm tin cho hai con người tội nghiệp!
Hình ảnh bài viết là tượng con Rùa Biển (do chúng tôi chụp khi ghé thăm) được thờ ở Chánh điện của Hội Lăng đã được Ủy ban tỉnh chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Sài Gòn, 10/9/2021
LS LÊ NGỌC LUÂN (Tựa bài đã được Thụy My rút gọn)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.