vendredi 17 septembre 2021

An Bình Minh - Tình già với… covid

(Vanvn 16/09/2021) - Không thể kìm hoãn được sự sung sướng, lần đầu tiên ông Tân nói chuyện dài với vợ. Vừa nai nịt trang phục áo khoác, khẩu trang, găng tay, ông vừa hồ hởi khoe chuyện lên đời của nhóm từ thiện. Cũng không ngờ vợ ông lần đầu tiên, vợ chia vui…

– Thôi. Bắt đầu từ tối nay, anh sang buồng em ngủ. Có gì em còn canh chừng. Để anh ngủ một mình không được.

Bà Hường nói, lúc ông Tân vừa tập thể dục xong, đang chuẩn bị lên đường. Vẫn cái giọng lệnh bà ấy, nhưng lần này nó làm ông vui vui.


Vợ chồng ông Tân ngủ riêng đã gần chục năm nay. Họ chẳng ly thân, giận dỗi gì, nhưng cái ngữ già ở ta nó thế, vợ đã suýt soát sáu mươi thu, nghĩa là chẳng còn nước non gì theo nghĩa các cụ, còn ông chồng mà đứng một chân mặc quần không nhanh sẽ ngã, thì có nghĩa là hết đát, nên là ngủ riêng. Nhất là vợ chồng ông lại thuộc nhà có điều kiện, buồng riêng, giường ai nấy ngủ, tiện đủ đường lại hợp lý không gì hơn. Vậy mà sao nay vợ bắt phải ngủ chung để canh chừng… lại làm ông vui?

Chuyện này dài, nhưng ngắn gọn đơn giản là bà đã chính thức quan tâm theo dõi sức khỏe của ông, nhất là khi biết nhóm từ thiện của ông Tân vừa được nâng tầm cao mới. Nói dại chuyện thủi thui, đã có ông ngủ một mình bị đột quỵ, sáng ra chết cứng đơ không ai biết đấy thôi…

***

Hơn một tháng nay, khi dịch covid bùng phát ở thành phố, ông Tân đi làm từ thiện, mang thực phẩm đến phân phát cho bà con ở những xóm nghèo. Lúc đầu chủ yếu là từ ủng hộ của bạn bè và người thân quen ai có gì cho nấy, họ để hàng trước cửa rồi gọi ông đến nhận, sau rộng ra là mấy quán café ông vẫn hay ngồi các buổi sáng, phải nghỉ bán vì giãn cách cũng gom hàng rồi alô ông đến lấy… Công việc từ thiện lúc đầu từ lo toan, lúng túng, vất vả, sau này thạo việc đã phát triển thành nhóm từ thiện nằm trong tóp của thành phố. Chuyện vậy, nhưng là cả một quá trình vừa làm vừa xây dựng phát triển từ thấp đến cao. Nghe cứ như là quá trình quản lý một doanh nghiệp ấy. Nhưng nhìn lại thì cũng đơn giản và thực sự là may mắn và rất vui.

Covid tràn ngập thành phố khiến ông Tân không ngồi yên trong nhà như lời kêu gọi. Ông lo lắng sốt ruột, bứt rứt chân tay hệt như ngày xưa ngồi trên mâm pháo ở tư thế săn sàng bắn, nhìn rõ máy bay Mỹ quần thảo ngoài Quảng Yên, biết cái chết đang xảy ra ở nơi đó nhưng ngoài tầm bắn của pháo, nên đành trừng mắt nhìn. Nó lại càng đúng hơn khi ở thành phố số người nhiễm bệnh đã lên bốn con số, người chết ở mức 3 con số… Ngày nào giặc covid sẽ chết, sẽ thua là không thể biết. 

Cái viễn cảnh trở lại bình thường, để lũ con cháu thỉnh thoảng ghé thăm, để được trò chuyện café sáng, ăn một bát bún riêu cua gạch vàng sóng sánh, thậm chí được đi trên những đoạn đường ùn tắc mà ngày thường là nỗi bực bội… bỗng trở nên một ước mơ xa xỉ. Hẹn nhau bây giờ, cũng chẳng khác gì ngày xưa mong một ngày thống nhất non sông, gắn với ngày nay là khi hai miền tan bóng thù… covid. Sao mà đúng thế, nhưng xa vời thế…

Và rồi, trong những ngày khốn khó ấy, ông Tân bụng bảo dạ phải nghĩ ra việc gì khỏi bứt dứt, nghĩ ngợi lung tung. Công việc từ thiện của ông xuất phát từ đó. Lập tức, chỉ trong một đêm, có bao nhiêu cái khó hình thành một kế hoạch hiện ra trong đầu đã được ông Tân dần dần tháo gỡ, kể cả chuyện tiền và nguồn hàng… Nhưng hóa ra cái khó nhất lại là việc xin giấy đi đường. 

Tất cả phương tiện lưu thông công cộng đã bị cấm rồi, đến Grab xe máy chở hàng cũng bị cấm nốt, chỉ chừa có vài lực lượng được ra đường và cơ quan cấp giấy phép phải là công an thành phố. Cái này thì thua, các ông bạn cùng lứa hưu với ông trong đó có mấy ông to to cấp thành phố thì cũng đã dời cả chục năm nay rồi. Tất cả đều ủng hộ việc làm từ thiện của ông, nhưng hỏi đến cách xin giấy phép thì đều chào thua, nhiệt tình với sáng kiến đi tìm lớp con cháu thử xem. Nhưng cậy nhờ thân thế thì cũng phải là quen biết như dòng họ trực hệ và việc nhờ phải tầm cỡ, chứ cái giấy phép đi đường thì có khác gì gọt khoai bằng dao chẻ củi.

Cuối cùng thì một ông bạn bảo để “hỏi cho có” một con cháu nhà văn trẻ, đang nằm trong ban chấp hành Hội nhà văn thành phố. Ông bạn xem phây thấy được con cháu đang đi làm từ thiện ngay từ hồi đầu mùa dịch covid. Nó thưa giấy phép của nó là do Hội được cấp một vài cái cho nhà văn tác nghiệp chung tay chống covid. Nhưng nó mách nước, ở Mặt trận tổ quốc cũng là nơi được cấp giấy đi đường, bác hỏi thử xem. 

Ông Tân bèn bấm máy gọi cho một ông bạn đàn em chỉ mới dời chức trưởng ban dân vận vào cuối năm ngoái thì liền được ông bạn “vui vẻ nhận lời”. Rất có nghề, ông bạn còn gỡ cho một đoạn tắc, sẽ bảo thằng cháu đương chức ở Mặt trận chạy xe mang giấy phép đến tận nhà cho ông. À, hú vía, thế mà không nghĩ ra. Mấy hôm nay đã chả thấy vô lý “tít mù chạy vòng quanh” được tải trên mạng như chuyên tiếu lâm đấy ư. Muốn được đi đường, phải có giấy phép của phường, muốn có giấy phép của phường thì phải đi đường, nhưng muốn ra phường xin giấy phép thì lại phải có giấy đi đường. Hì hì, thật đố ai gỡ.

Vậy là xong. Ngay sáng hôm sau, ông sẽ đến mấy địa điểm nhận tiền hàng sau đó chạy thẳng đến vùng ven, nơi ông đã sợt mạng được tụ điểm thuê trọ của những người lao động mất việc, phân phát chuyến quà đầu tiên. Chuyện chỉ giản đơn như vậy mà khiến ông háo hức như thời trai trẻ lên đường đi đánh giặc. Ờ thì covid cũng là giặc chứ sao. Chống dịch như chống giặc mà… Nhưng đến đây thì suýt tắc. Mà lại ùn tắc chẳng ở đâu xa. Đúng ngay chỗ… bà vợ.

Từ hôm qua đến giờ, nghe ông Tân to nhỏ cười nói trong buồng riêng, bà đã biết là có chuyện mới. Đến khi nghe ông thông báo sẽ đi làm từ thiện cho vui thì bà chì chiết: “Vui… Nhưng F0 đi cách ly thì anh có vui không”. Rồi mặc cho ông giãi bày, liệt kê toàn bộ công việc mà ông đã ba rê đâu đấy, bà vợ vẫn chỉ nhẹ nhàng nước đôi, nhưng trong giọng nói đã có tiếng bấc tiếng chì. Cuối bà đành chốt chặn:

– Em nói thẳng nhé. Em không tiếc tiền bạc, công sức của anh mà em lo anh nhiễm bệnh. Ông Tân đành cùn:

– Covid lây nhiễm có điều kiện, em ơi.

– Phải rồi, nó chừa anh ra. Biết ông chưa nghe ra, bà tiếp: Đơn độc, già cả là không nổi đâu. Đến sức trẻ như mấy cậu bộ đội kia mà đi chợ hộ còn lóng nga lóng ngóng, thở không ra hơi kìa.

Cái này thì ông Tân phải bật lại:

– Ai bảo bắt bộ đội đi mua hàng. Đến như bọn tôi ở thành phố, giờ bắt đi chợ thử coi. Giao cho mấy tân binh lạ nước lạ cái, bắt vào siêu thị mua hàng, ai làm nổi? Cái này rồi sẽ phải sửa. Đấy bà xem.

Vợ ông ngồi yên không nói gì. Ông Tân thừa hiểu, vợ ông không đả phá chuyện từ thiện. Chính bà thỉnh thoảng vẫn góp triệu hơn triệu kém cho nhóm từ thiện đồng nghiệp nhà báo của bà đấy thôi, lại có khi con rủ ông góp vào thêm nữa. Bà ngăn cản cũng chỉ là lo cho ông thôi.

Vậy là chấm dứt tranh luận nghị trường, bởi bà cũng thừa biết không thể ngăn chồng được việc gì. Cái giống bộ đội thâm niên to, quân hàm bé vẫn thế. Về hưu vẫn gàn gàn dở dở, nếu chấp thì chỉ tức lên mà chết. Nói thật…

***

Ông Tân bị sốc ngay trong ngày đầu tiên ra đường trước một cảnh tượng kỳ lạ. Đường ngang ngõ tắt vắng tanh, hệt như ông đang trong đoàn quân tiến vào tiếp quản một thành phố hoang tàn thời chiến tranh. Trong những khe cửa của những căn nhà bị chăng giây vùng đỏ nội bất xuất ngoại bất nhập, là những con mắt tò mò thèm khát dõi theo ông đang thồ đống hàng trùm kín xe máy, tự do phóng trên con đường thênh thang đến lạnh người.

Nhưng cũng ngay trong ngày đầu, ông Tân đã lập công. Gần một tiếng thong dong chạy xe máy, ông đã đến được một con hẻm vùng ven có dãy xóm trọ của công nhân nhập cư, với những hình ảnh quen thuộc ngổn ngang thau chậu dây phơi; đàn ông cởi trần, đàn bà quần áo xộc xệch cùng vài cô vẹo sườn cắp những đứa bé ngặt nghẽo. Họ thất nghiệp, đang chờ tiền trợ cấp và thực phẩm cứu trợ nhỏ giọt từ phường.

Làm từ thiện biết được nhiều điều bất ngờ. Phải đi thế này mới thấy ngoài đời có rất nhiều người chung tay chống dịch. Người nào việc nấy, có nghệ sĩ, diễn viên xiếc đến biểu diễn trước sân bệnh viện dã chiến, có nhóm thanh niên tình nguyện bê cơm dọn dẹp trong khu cách ly, có các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, nhà đạo diễn đi làm phim chống dịch, lại cả nhà văn vẽ tranh cổ động cho thêm phần lan tỏa nghệ thuật…

Với riêng ông, đã có lúc từ thiện biến ông thành con trẻ. Cũng vẫy chào nhau í ới như “đồng bọn” với mấy đứa từ thiện hàng con cháu. Có hôm ông Tân vừa lao xe vào đầu ngõ thì bị tụi trẻ chặn đường thông báo tin bất ngờ. Thì ra chúng đã trót “hớt tay trên” của ông, phân phát hàng hóa đúng cái địa chỉ mà ông đang đến. Thấy ông có chút tần ngần, chúng nhao nhao rủ ông: “Hay bác theo bọn cháu. Đến chỗ này nhiều lắm. May quá, phải cả bác mới đủ”. Ngắn gọn vậy thôi, nhưng tất cả đều đồng lòng, hiểu việc. 

Ông Tân chạy hùa theo nhóm con trẻ thông minh, vừa chạy hỏi đáp về cách làm từ thiện. Thì ra chúng cũng đi gom hàng từ bố mẹ, họ hàng, bạn bè, từ đó mở rộng ra “bạn của bạn” và người thân quen của bạn góp gió thành bão cho chúng làm từ thiện. Lúc chia tay, chúng cũng xin số điện thoại, địa chỉ tưởng cũng chỉ để “có gì cháu gọi bác” thôi, ai dè mấy ngày sau cũng “bọn chúng” đã kêu ông đến để “chia bớt sang bác, rau củ quả chúng cháu nhiều quá”.

Đi làm từ thiện là mang tấm lòng yêu thương, nghĩa tình nghĩa đùm bọc của con người, chia sẻ đến những mảnh đời khó khăn đang mong đợi. Điều ấy thật là vui, nhưng… trong vui cũng có buồn, nhất là khi gặp những cảnh huống dở khóc dở than khiến ông rơi nước mắt. 

Mới hôm qua thôi, ông Tân bất ngờ vào một con hẻm gồm hơn chục phòng trọ với hầu hết là phụ nữ có thai và mẹ trẻ đơn thân đang nuôi con nhỏ. Họ là những gia đình lao động tự do không có tiền về quê đã hai ngày nay, những đứa trẻ không còn thứ gì để ăn. Chủ nhà trọ đã miễn toàn bộ tiền nhà tiền điện nước; tổ dân phố cũng đã kêu lên trên, nhưng tiền trợ cấp mãi chưa tới còn đồ tiếp tế thì ngày một eo hẹp. Họ đúng là những người đang bị bỏ lại phía sau. Ông Tân đã phải để ở lại toàn bộ thực phẩm dự định phát cho hai tụ điểm mà vẫn chỉ thòm thèm. Không tiện thăm hỏi hoàn cảnh, ông ấp úng hứa ngày mốt nhất định sẽ đến, rồi gần như bỏ chạy, ông phóng xe ra khỏi ngõ hẹp…

Cả buổi trưa trên đường về nhà, ông Tân rối bời nghĩ ngợi. Ông như thấy mình vừa mắc một lỗi lầm gì đó không thể bao biện. Càng đi làm từ thiện, ông càng thấy giữa công việc của mình với những thân phận đang gặp khó khăn là một khoảng cách, chênh lệc quá lớn. Thành phố còn nhiều người nghèo quá; hàng hóa của ông ít quá, nguồn hàng nghèo nàn, tiền bạc eo hẹp quá, việc tối thiểu nhất là mua đường sữa cho trẻ con cũng chưa hề nghĩ tới. Còn ông, ông chỉ có mỗi một mình… Không thể được. Phải tìm cách thay đổi.

***

Số ông Tân năm nay thật hên. Tiểu hạn đi vào cung tý, được cách tứ quý với long phượng hổ cái hội chiếu, phù sinh cho cung mệnh đóng tại thân, thích gì được nấy. Lúc đầu ông nghĩ, việc từ thiện là cái tình già của ông với ccovid, làm được đến đâu hay đến đấy, nhưng bây giờ đến lúc phải nâng cấp. Thế là được toại nguyện.

Chỉ trong hai ngày vừa làm kết nối, rủ rê mấy ông bạn già được ngay hai ông đồng hành “trước cũng định nói mà không dám”. Rồi đôminô tiếp tục ông nọ nối ông kia, mình hưu ngồi bó gối, nhưng con cháu lại quan hệ rộng, nguồn tiền hàng từ đó chứ đâu. Chưa hết, được nguồn hàng hóa, đang nghĩ đến chuyện chỉ ba ông xe máy thì biết chuyển chở ra sao, thì bỗng nhiên một ông bạn “cổ đông sáng lập” của nhóm từ thiện có thằng cháu nằm nhà cùng chiếc xe tải nhẹ chở hàng vào thành phố gặp lúc CT.16+ phong tỏa hết đường về. Thằng cháu nghe lỏm được các chú điện thoại bèn ngỏ lời xin một chân chạy hàng từ thiện, chỉ xin các chú tiền đổ xăng. Ồ, tất nhiên rồi. Thế là đang buồn ngủ gặp chiếu manh.

Vậy là quá ổn. Từ đơn thương, độc mã chuyển lên thành bốn người vừa bốc vác, vừa phân phối hàng và chuyên chở bằng ôtô tải. Hữu xạ tự nhiên hương tiếng lành đồn xa, ngay sau đó có thêm nhiều nơi gọi đến ủng hộ hàng hóa, lại cả trại nuôi trồng ở cuối thành phố cách hơn sáu chục cây số cũng tình nguyện góp hàng. Một sự đổi thay bất ngờ, khiến nhóm từ thiện của ông Tân nghĩ ngay đến chuyện phải có sổ sách lưu chứng từ tiền bạc hàng hóa. Không còn ở mức người ủng hộ đặt hàng ở cửa rồi gọi ông đến như trước nữa, nguồn hàng hóa có thể ngang với một siêu thị mini, bây giờ còn được chia ra các nhóm thực phẩm từ bột đường, đến chất béo, nhóm chất xơ, khoáng chất, lại có cả nhóm chất đạm từ thịt cá nữa.

Nhóm từ thiện lên đời có khác. Mỗi ngày với chuyến xe đầy sát nóc, ông Tân cùng các chiến hữu đã có thể mở rộng đối tượng trợ cấp, phát cho ba bốn địa chỉ, đến các cư dân vùng đỏ và đường phố xóm lao động. Ngày đầu tiên, ông Tân cũng không quên lời hẹn trở lại với ngõ bà bầu. Chẳng hiểu bằng cách nào những người dân ở đây biết được ông và các bạn sẽ đến cùng với nhiều hàng hóa, nên đã gọi hết các công nhân chờ việc ở khu công nghiệp gần đó đến chờ từ sáng sớm. Lần này thì vui, tiếng thở hảo hển lẫn trong tiếng thăm hỏi động viên nhòa trong khẩu trang kính che giọt bắn mà vẫn hiểu nhau cảm thông, chan hòa…

Không thể kìm hoãn được sự sung sướng, lần đầu tiên ông Tân nói chuyện dài với vợ. Vừa nai nịt trang phục áo khoác, khẩu trang, găng tay, ông vừa hồ hởi khoe chuyện lên đời của nhóm từ thiện. Cũng không ngờ vợ ông lần đầu tiên, vợ chia vui:

– Em đã bảo mà, buôn có bạn bán có phường. Mình anh làm sao nổi. Thế bây giờ ô tô đến đây đón, hay anh đi xe máy đến chỗ tập trung?

Nói rồi, bà đưa cho ông Tân chiếc mũ che giọt bắn. Lâu lắm vợ mới lại có động tác tiễn chồng lên đường làm nhiệm vụ.

TP.HCM, tháng 8 – đỉnh dịch Covid-19

AN BÌNH MINH

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.