mercredi 3 février 2021

Quân đội Miến Điện, một Nhà nước trong Nhà nước


Đăng ngày:

Đến 2015, lần đầu tiên chuyển sang một chính phủ được bầu cử một cách dân chủ, Tatmadaw (quân đội Miến Điện) vẫn là tổ chức do một giai cấp tướng lãnh thống trị, coi thường chính quyền dân sự. Họ có thể tiến hành những cuộc chiến tùy thích, cho đến khi nổi lên những vụ tàn sát người thiểu số Rohingya năm 2017. Liên Hiệp Quốc tố cáo các tướng lãnh, đứng đầu là tướng Min Aung Hlaing, « mưu toan diệt chủng ». Ngày nay chính vị tướng 64 tuổi này đang nắm trọn quyền hành tại Miến Điện.


Hôm 22/12/2020, tướng Min nhắc nhở Tatmadaw là « cần thiết cho nghĩa vụ bảo vệ Nhà nước », và mở rộng vai trò của quân đội : bảo vệ chính sách quốc gia, đạo Phật, văn hóa truyền thống. Theo nhà nghiên cứu Amara Thiha của think tank độc lập Myanmar Institute for Peace and Security, định nghĩa này quan trọng vì « giới quân nhân không tự đặt mình cao hay thấp hơn Nhà nước, mà là một định chế song song, tập trung vào nghĩa vụ quốc phòng ».


Quân đội sắt máu vì tư tưởng dân tộc cực đoan đã bắt rễ

Khi được độc lập, quân đội Miến Điện chỉ có sáu tiểu đoàn gồm khoảng 3.000 quân. Ngày nay Tatmadaw đã trở thành một lực lượng được trang bị khá tốt với trực thăng tấn công của Nga, oanh tạc cơ và chiến hạm Trung Quốc, các loại pháo hạng nặng và hệ thống phòng không tân tiến. Tuy nhiên chỉ đạt được những kết quả thảm hại trước quyết tâm của các lực lượng du kích thiểu số.

Khoảng 3.000 lính đã tử trận kể từ 2011, một con số thiệt hại lớn vì địa hình thuận lợi cho chiến tranh du kích chứ không phải những trận đánh quy ước. Từ bảy thập niên qua, Miến Điện phải đối phó với vô số nhóm vũ trang, và với thời gian, trở thành một mạng lưới phức tạp. Một số nhóm ký thỏa thuận ngưng bắn hoặc biến mất, hiện còn khoảng năm, sáu nhóm hoạt động mạnh. Trước các vụ thanh lọc chủng tộc Rohingya, quân đội cũng đàn áp mạnh mẽ các sắc tộc Shan, Karen, Kachin, Mon trong thập niên 80 và 90.

Thái độ sắt máu của Tatmadaw, tấn công cả thường dân, được chuyên gia Anthony Davis của tạp chí chuyên ngành Jane’s Defense Weekly giải thích, đó là do quân lính hầu hết là người Bamar vốn có tư tưởng sô-vanh. Sắc tộc này theo đạo Phật, chiếm 68% trong số 52 triệu dân Miến Điện. Nhà độc tài đầu tiên của Miến Điện, tướng Ne Win (nắm quyền từ 1962-1988) đã dần dần dựng lên một hệ thống nhà nước theo kiểu nhà binh, dựa trên dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhuốm màu kỳ thị chủng tộc.


« Bán linh hồn cho quỷ », bà Suu Kyi vẫn thất bại

Sức mạnh của quân đội còn trong lãnh vực kinh tế : chiếm 14% ngân sách quốc gia, chưa kể kinh tế ngầm. Ngoài các mỏ cẩm thạch và nguồn lợi từ ma túy, quân đội Miến Điện còn được hưởng cổ tức từ tập đoàn Myanmar Economic Holding Public Company (MEHL) trực thuộc, khống chế nhiều lãnh vực từ bia, thuốc lá cho đến khai thác mỏ, dệt may.

Với trọng lượng quân sự, chính trị và kinh tế của Tatmadaw, hợp đồng « bán linh hồn cho quỷ » của bà Aung San Suu Kyi khó có cơ hội thành công. Thần tượng dân chủ đã sụp đổ cũng là người sắc tộc Bamar, hy vọng việc hợp tác với quân đội sẽ giúp tiến hành được chính sách phát triển kinh tế và tìm kiếm được hòa bình tại các bang nổi dậy.

Le Monde nhận định, bà Suu Kyi không có đủ thời gian thực hiện mục đích thứ nhất, và thất bại trong mục đích thứ hai. Tờ báo nhắc lại một câu nói lan truyền ở Pakistan, đất nước cũng chia rẽ và quân đội có quyền lực lớn : « Có những nước sở hữu một quân đội, nhưng có những quân đội sở hữu hẳn một đất nước ».


Min Aung Hlaing, vị tướng trong bóng tối quyết định đảo chính

Cũng về Miến Điện, Le Figaro phác họa chân dung Min Aung Hlaing, vị tướng kín tiếng đã chà đạp lên « Mùa Xuân Miến Điện ». Sáu tháng trước thời điểm về hưu, tổng tham mưu trưởng 64 tuổi đã mạnh tay đảo chính. Từ nhiều tháng qua, tướng Min đã ngầm đe dọa, nhưng cho đến những ngày gần đây Tatmadaw vẫn khẳng định tôn trọng Hiến pháp 2008 do chính mình soạn thảo, trong đó bảo đảm đại biểu quân đội chiếm 25% trong Quốc hội và nắm ba bộ quan trọng. Lâu nay điều khiển trong hậu trường, tướng Min giờ đây công khai vai trò lãnh đạo.

Viên sĩ quan kiên quyết có tài đàm phán, năm 2009 đã lọt vào mắt xanh của tướng Than Shwe, người đứng đầu tập đoàn quân sự lúc đó, nhờ chiến thắng tại bang Shan gần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Min Aung Hlaing được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng năm 2011 và thừa hưởng một nhiệm vụ chiến lược : thương lượng việc mở cửa về dân chủ và kinh tế với bà Aung San Suu Kyi được phương Tây ủng hộ, đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt.

Tướng Min mở tài khoản Facebook được hàng triệu người theo dõi, đóng vai một chính khách dễ mến. Ông tươi cười tiếp đón giải Nobel hòa bình, trong tiếng vỗ tay của các nhà đầu tư phương Tây, nhưng trong hậu trường thì vẫn so găng ; đồng thời tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc làm hơn 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh láng giềng. « Cố vấn đặc biệt nhà nước » Aung San Suu Kyi trước Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye bác bỏ cáo buộc diệt chủng, hy sinh vầng hào quang ở phương Tây để giữ chiếc ghế tại Rangoon.

Theo điều tra của Amnesty International được Le Figaro trích dẫn, từ 1990 đến 2010 MEHL đã nộp 16 tỉ đô la cho quân đội. Riêng tướng Min Aung Hlaing, cổ đông số 9.252 sở hữu 5.000 cổ phiếu, năm 2011 được chia cổ tức 250.000 đô la. Các tướng lãnh lo sợ bị mất quyền lợi, sau khi chỉ giành được 33 ghế trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Họ cho rằng lằn ranh đỏ đã bị vượt qua, nếu không còn giữ được 1/4 Quốc Hội, có nguy cơ bà Aung San Suu Kyi đạt được giấc mơ làm tổng thống.


Phiên tòa xử Navalny : Bị cáo hùng hồn tố cáo tổng thống Nga

Ngoài tình hình Miến Điện và vac-xin chống Covid, phiên tòa xử nhà đối lạp Alexei Navalny ở Nga là các đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay.Le Figaro ghi nhận « Tư pháp vô hiệu hóa Navalny », Libération Les Echos nhận thấy Navalny đã mạnh mẽ đấu tranh, tố cáo ông Putin là « kẻ đầu độc ».

Theo Les Echos, phiên tòa đã biến thành diễn đàn chính trị trong đó bị cáo là nhà hùng biện. Trước khi phát biểu từ trong chiếc lồng bằng kính, nhà đối lập thừa biết ông sẽ bị tuyên án nặng. Bản án treo hồi năm 2014 vì « biển thủ » mà Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã tố cáo là « tùy tiện và phi lý », chuyển thành án tù giam. Lý do : Navalny không trình diện như đã bắt buộc - do khoảng thời gian ấy ông đang hôn mê và sau đó được chữa trị tại Đức !

Navalny tuyên bố họ bỏ tù ông « để làm hàng triệu người khác sợ hãi », nhưng nhấn mạnh « Các vị không thể bỏ tù cả nước được ! » và mỉa mai Putin « sẽ đi vào lịch sử như một kẻ đầu độc »

Libération cho biết kẻ thù số 1 của điện Kremlin một lần nữa đã khiến lực lượng cảnh sát được huy động vô cùng đông đảo. Le Figaro thuật lại, từ năm giờ sáng toàn bộ khu phố đã bị phong tỏa, xung quanh tòa án các rào cản được dựng lên, quảng trường Đỏ đóng cửa. Những người ủng hộ nhà đối lập đến gần được tòa án liền nhanh chóng bị bắt đưa lên các xe chở tù đậu gần đó, tại trạm métro gần nhất cảnh sát kiểm tra giấy tờ và khám người. Sau khi bản án được tuyên, Quỹ chống tham nhũng của Navalny kêu gọi biểu tình tại điện Kremlin, 1.000 người bị câu lưu. Les Echos nhận thấy với bản án hai năm 8 tháng, kẻ thù của ông Putin sẽ phải ngồi tù đến tận cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.


Mỹ : Những ai đặt cược vào Biden đã phải trả giá

Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Monde cho rằng những ai chờ đợi ông Joe Biden đi ngược lại chính sách kinh tế của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, đã phải trả giá. Thay vì chấm dứt chủ trương bảo hộ của ông Trump, tân tổng thống Mỹ lại củng cố thêm, và theo tờ báo, có nguy cơ làm rạn vỡ thêm quan hệ với châu Âu, trong khi người lao động Mỹ không được lợi lộc gì.

Năm ngày sau khi nhậm chức, ông Biden ký một sắc lệnh hành pháp để buộc phải mua hàng Mỹ nhiều hơn. Từ nay, một sản phẩm chỉ được coi là « Made in USA » nếu có 50% chi tiết từ các công ty Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ có quyền chọn lựa khi gọi thầu, dù mắc hơn 20% so với các đơn vị cạnh tranh của nước ngoài. Thị trường mua sắm công trên 600 tỉ đô la, chưa kể đầu tư cơ sở hạ tầng trong kế hoạch 2.000 tỉ đô la sắp tới, được mong muốn dành ưu tiên cho doanh nghiệp Mỹ.

Đảng Dân Chủ cố gắng giành lại các cử tri của ông Donald Trump – công nhân da trắng tại các bang trung tây. Tuy phải nhìn nhận công lao của cựu tổng thống trong việc đánh thức thế giới trước sự lũng đoạn của Trung Quốc, nhưng không phải kéo dài chính sách của Donald Trump mà Joe Biden có thể mang các nhà máy về lại trên đất Mỹ.

« Buy American » khiến người đóng thuế phải trả giá đắt. Để giữ được một việc làm phải chi ra khoảng 250.000 đô la, lẽ ra số tiền này nên dùng cho đào tạo và hướng nghiệp. Đánh thuế hàng nhập khẩu cũng khiến người tiêu dùng phải mua đắt hơn. Le Monde tỏ ý tiếc là vào lúc này, lẽ ra Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cần liên kết lại, chung sức đối phó với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong thương mại.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.