lundi 1 février 2021

Quân đội Miến Điện đảo chính, bắt bà Aung San Suu Kyi


Đăng ngày:

Thông tín viên Stéphan Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Vẫn có rất ít hình ảnh về đêm đảo chính ở Miến Điện. Đó là vì từ 3 giờ sáng nay (giờ địa phương), mạng internet đã sụp đổ. Ban đầu mạng chỉ hoạt động khoảng 75% so với tốc độ bình thường, rồi sau đó hoàn toàn bị cắt, nhất là tại thủ đô. Mạng lưới điện thoại di động cũng ngưng hoạt động một phần.

Cuộc đảo chính của quân đội đã bắt đầu. Người ta thấy sự hiện diện của quân nhân trên các đường phố tại Naypyidaw và ở Rangoon. Phát ngôn viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ xác nhận bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Miến Điện đã bị quân đội bắt giữ. Ông nói : « Chúng tôi nghe nói rằng bà Suu Kyi bị giam ở Naypyidaw. Chúng tôi cho rằng quân đội đang tổ chức đảo chính ».

Binh lính cũng vào nhà các lãnh đạo chính trị trong khu vực. Nhiều khuôn mặt xã hội dân sự bị bắt, nhất là nhà điện ảnh Min Htin Ko Ko Gyi, bị bắt tại nhà vào 3 giờ rưỡi sáng nay. Ông Gyi là người thường lên tiếng phản đối quân đội.

Chương trình của đài phát thanh, truyền hình quốc gia cũng bị ngưng, trước khi một thông cáo của quân đội được đọc lên vào lúc 8 giờ sáng địa phương, khẳng định Tatmadaw, tức quân đội Miến Điện, nắm lấy quyền lực. Giới quân nhân cho rằng đây là một cuộc đảo chính hợp hiến. Họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm, và trong thời gian này phó tổng thống U Myint Swe sẽ lãnh đạo Nhà nước ».

Cũng theo thông cáo trên, quyết định này là cần thiết để duy trì « sự ổn định ». Các tướng lãnh lên án Ủy ban bầu cử không giải quyết « các vụ gian lận hàng loạt » trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn. Vụ bắt bớ này diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Quốc Hội họp phiên đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc kêu gọi quân đội Miến Điện trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo bị bắt giữ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kiên quyết lên án việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi.

Tuần trước phát ngôn viên quân đội tố cáo đã ghi nhận được hàng triệu trường hợp gian lận phiếu, trong đó có hàng ngàn cử tri đã 100 tuổi hoặc vị thành niên. Lo ngại càng tăng khi tướng Min Aung Hlaing, nhân vật quyền lực nhất Miến Điện, tuyên bố có thể « hủy bỏ » Hiến Pháp trong một số tình huống. Mười bảy đại sứ các nước trong đó có Hoa Kỳ, cùng Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi quân đội Miến Điện « tôn trọng các nguyên tắc dân chủ ».

Giải Nobel hòa bình 1991 gần đây bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội vì làm ngơ trước tình trạng người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn áp, nhưng vẫn được cảm tình của đa số dân chúng. Quân đội Miến Điện có quyền hành rất lớn, nắm ba bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ và Biên giới.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.