dimanche 7 février 2021

Lưu Trọng Văn - Lẽ công bằng


Đến thăm giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên tổ Tư vấn của chính phủ, người có quan hệ thân thiết với thủ tướng Võ Văn Kiệt, gã nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết của giáo sư về hiện tình Đất nước.

Sau đó giáo sư hỏi nhận định của gã về đại hội 13, vì sao ông Trọng, ông Phúc ở lại, vì sao ông Bình ra đi và vì sao người có một số dư luận không hay như Trần Tuấn Anh lại vào Bộ Chính trị ?

Gã nói ý chủ quan của mình.

Vấn đề đấu tranh nội bộ đảng giữa các nhóm bị tha hóa bởi lợi ích thân hữu, tham nhũng bị Trung Quốc trói với những người dám đặt Lợi ích Dân tộc lên trên hết là một thực tế không chối cãi được.

Đây là cuộc đấu chưa thể kết luận ai đã thắng ai, nhưng càng ngày thì sức tàn phá và ảnh hưởng của tập hợp những kẻ tha hóa trong đảng đã phần nào giảm bớt. Qua đại hội đảng có thể thấy sự chuyển dịch này.

Thứ hai là cuộc đấu nội bộ đảng về con đường phát triển kinh tế theo hướng kinh tế sạch, minh bạch, đa phương hóa không lệ thuộc quá vào kinh tế Trung Quốc cơ bản đã có sự lệch cán cân.

Minh chứng bởi hai Hiệp định kinh tế CPTPP và EVFTA được ký kết, tạo đường ray cho con tàu kinh tế sạch lăn bánh và tăng tốc trong tương lai.

Những ai là nhân tố cho lệch cán cân này?

Không thể không nói đến vai trò của ông Trọng trong việc cùng Bộ Chính trị tỉnh thức, ngăn chặn việc thông qua Luật Ba đặc khu trên trục "Một Vành đai một Con đường" của cộng sản Trung Quốc, và vai trò Đốt lò kinh tế bẩn lực cản trực tiếp của kinh tế sạch mà CPTPP và EVFTA sẽ đem lại.

Công bằng với ông Trọng là như vậy, mặc dù ông không thể thoái thác trách nhiệm về tiến trình Dân chủ của Đất nước còn quá chậm chạp hiện nay - điều mà nếu nhờ nó - Lòng Dân, ông sẽ không phải quá khó trong công cuộc đốt lò và chuyển hướng nền kinh tế sạch.

Kinh tế là nền tảng của quốc gia, sự tụt hậu hay phát triển thịnh vượng hay không là ở lựa chọn, tăng tốc tiến trình kinh tế sạch. Bản thân kinh tế sạch đã bao hàm tính công bằng và nhân văn bền vững của nó rồi, chả cần thêm thắt điệp khúc XHCN cho rối rắm làm gì nữa.

Phải công bằng rằng tác giả và những người hết mình cổ vũ cho kinh tế sạch là nhiều người như các ông Trương Đình Tuyển, Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh ...cùng các chuyên gia kinh tế của các tổ tư vấn chính phủ.

Nhưng để đạt được thành công cho Việt Nam ký kết, tham gia các hiệp định CPTPP và EVFTA có vai trò rất quan trọng của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, mà nòng cốt là bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cùng sự hỗ trợ hết mình của ban Kinh tế Trung ương mà trưởng ban là Nguyễn Văn Bình, và của bộ Ngoại giao mà bộ trưởng là Phạm Bình Minh.

Đó là một trong các lý do ông Phúc vẫn được tín nhiệm ở lại Bộ Chính trị mặc dù quá tuổi. Đó cũng là một trong những lý do ông Minh uy tín càng được củng cố trong trung ương đảng và ông Trần Tuấn Anh được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công là trưởng ban Kinh tế.

Những ai am hiểu nội tình kinh tế nước nhà đều tiếc cho sự ra đi của ông Nguyễn Văn Bình. Ông Bình trước khi ra đi đã có đóng góp không nhỏ khi là tác nhân cùng bộ Công thương của ông Trần Tuấn Anh tích cực chuyển dịch nguồn năng lượng ô nhiễm, hủy hoại môi trường và lệ thuộc cộng sản Trung Quốc qua nguồn năng lượng sạch khí hóa lỏng với công nghệ và nguyên liệu của Mỹ. Có thể nói rằng đây là đóng góp rất lớn của ông Bình bởi an ninh năng lượng là thành tố quyết định an ninh quốc gia và nền kinh tế quốc gia.

Ông Bình do có những vi phạm trước khi là trưởng ban Kinh tế nên phải ra đi.

Và sự ra đi của ông Bình là cảnh báo:

Bất cứ ai trong chính thể hiện nay cũng rất có thể phải ra đi như ông Bình nếu có lúc nhúng chàm.

Và đó cũng là lẽ công bằng.

LƯUTRỌNG VĂN 07.02.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.