Nếu có một bạn văn nào khiến tôi trọng nhất, kỳ vọng nhất, nặng lòng nhất, ấy là người này – ông bạn Ngô Phan Lưu của tôi.
*
Khoảng 2005, tình cờ, tôi giở tờ Văn Nghệ Miền Núi (một ấn phẩm kiểu làm cho phong trào của chính tờ báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí bao cấp hình như bằng Quỹ của Ủy ban Dân tộc và Miền Núi). Vâng, tôi nhớ rõ năm chứ không nhớ số báo, rất tình cờ, tôi đọc được một truyện ngắn.
Xin lỗi các bạn, do biên tập né quy chụp nên cái tên truyện không hay, tôi không nhớ, nhưng cả truyện thì quá hay vì nó chốt bằng cái câu “Đằng sau có ai không ?”.
Truyện mô tả hai chị em gà. Gà chị dẫn dắt một bầy em mới lớn, hay đưa các em đến chỗ khạp nước nơi con người súc miệng mỗi khi ăn xong. Đám gà em lớn nhờ những vụn cơm ấy (dĩ nhiên chúng còn tự kiếm ăn những chỗ khác). Cứ thế lớn lên.
Một hôm gà chị bị ông chủ nhốt vào chiếc lồng úp bên thành giếng, có lẽ vì gà chị đào bới nát khu vườn của ông ấy để nuôi đám em. Ả gà em không hiểu sao cứ lao tới mổ chị mình đang kẹt trong lồng. Ông chủ đi vườn về thấy vậy, xùy ả em chạy đi. Thế nhưng, khi ông đang ở trong nhà uống nước thì đã lại nghe gà chị kêu thất thanh bên giếng. Thì ra ả gà em lại tấn công.
Ông chạy ra mở lồng, đặt gà chị thoi thóp trên nền xi măng, xem những chỗ nó bị thương. Bỗng, ông nghe một tiếng sạt bên tai, như lưỡi kiếm, bất thần ả gà em mổ một cú chí mạng vào con mắt của gà chị. Ông ngoái nhìn, tự nhiên ông rùng mình ngoái nhìn và kinh hãi nghĩ “Đằng sau có ai không ?”
Bàng hoàng. Truyện hay đến bàng hoàng. Súc tích, ẩn dụ, vừa đủ. Đây là tài năng, nhất định phải là đàn ông, từng trải, có học, có chất triết trong từng chi tiết, từng câu chữ rất ngắn.
Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi đó là phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ (mà chỉ được phụ trách Văn Nghệ Miền Núi), rằng sao không lấy câu cuối làm tên truyện ? Ông ấy bảo “Thì tác giả lấy tên Đằng Sau Có Ai Không, vậy nó lộ quá, anh né, anh đổi tên đó chứ”. Thảo nào. Tôi ghi nhớ cái tên gốc của truyện chứ không nhớ tên tác giả. Không hiểu sao truyện ám và câu cuối ám thế mà tôi không nhớ tên tác giả.
Khi tôi trực Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2006 -2007, tôi chú ý một tác giả ở Phú Yên, bản thảo viết tay trên giấy học trò, chữ rất đẹp, truyện luôn ngắn như tản văn và cái kết bao giờ cũng bất ngờ, thú vị, khiến giật mình. Tôi viết thư trao đổi, tác giả bảo rằng tôi có truyện ưng ý nhất gửi in Văn Nghệ Miền Núi rồi, truyện Đằng Sau Có Ai Không, khi in bị sửa tên, tôi ngại viết kiểu đó lắm. Thì ra, Ngô Phan Lưu.
*
Thời chỉ có điện thoại bàn, tôi là biên tập viên nữ, tôi ngại gọi thường xuyên đến nhà riêng bạn viết. Tôi trao đổi bằng thư. Ngô Phan Lưu lên tay sau mỗi tác phẩm gửi ra nhưng truyện vẫn mảnh và ngắn. Đã biết rằng ông ấy là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) từng đi cải tạo, về vườn, làm bá nghệ để nuôi con. Biết thêm rằng từng học ban Triết đại học Văn khoa Saigon. Thảo nào. Chưa biết mặt mũi nhau nhưng văn là người, chúng tôi lặng lẽ trọng nhau, tình bạn như là tri âm, cách trở và kỳ lạ.
Giải Nhất cho Ngô Phan Lưu trong cuộc thi 2006-2007 ấy không suôn sẻ. Tổng biên tập có biết lai lịch sĩ quan VNCH của Ngô Phan Lưu và có người lại muốn giải cao cho người khác, hoặc cho người nhà của mình.
Tôi sắp về hưu, năm ấy là 55 tuổi, tôi chiến đấu vì đây là cuộc thi tôi làm Trưởng ban Sơ khảo, thành viên ban Chung khảo và cũng là những ngày tháng cuối cùng của tôi ở Văn Nghệ. Khôi nguyên tới hai tác giả, Ngô Phan Lưu được xếp đầu, được rồi, không gì là trọn vẹn ý mình trong hoàn cảnh hình như mãi mãi là hoàn cảnh ở xứ sở này.
Ngô Phan Lưu ra Hà Nội. Cũng như Trần Hạ Tháp, Nguyễn Hiệp từng được giải cao của hai cuộc thi trước, vợ chồng tôi đón họ đến nhà, han hỏi và được dịp quan sát họ nghèo túng như thế nào khi đó. Toàn những người lấm láp hậu chiến, học hành tử tế và kiêu bạc. Tình bạn từ đó, anh Thân biệt nhãn với Ngô Phan Lưu “Một người có gương mặt như thế thì phải là tài năng lớn và luôn có độ tin cậy lớn”.
Chuyện ông ấy vào Hội Nhà văn Việt Nam bầm dập một cách buồn cười, như mọi thứ ở Việt Nam ta, gì cũng có kẻ thọc gậy bánh xe và ông ấy đã Xoa tay và cười.
*
Tôi đã từng viết một tạp bút Trán Của Bạn Tôi, ngay lúc này, không tìm ra nữa. Chúng tôi về Saigon, Ngô Phan Lưu lại ghé qua hai lần, ngồi với nhau và nói với nhau. Đi Mỹ ư, tôi tin rằng, ấy chỉ là giải pháp tình thế. Cuộc đời của ông đâu, thời đi sĩ quan ấy, thời đi cải tạo ấy, thời đi cày ấy, ông phải biến thành tiểu thuyết, nếu không, ông vẫn nợ chúng tôi một cuốn sách lớn của chính ông đấy nhé. Nhưng mê say với truyện ngắn, viết liên tục, Tuổi Trẻ Cuối Tuần vồ lấy ngay in ngay và độc giả cũng vồ lấy đọc ngay. Như trường hơp Phạm Trung Khâu của miền Tây Nam Bộ, tài, học vấn cao, bầm dập mà vẫn sang, viết rất sang.
Tôi vừa email cho nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ ở Bình Định, rằng năm 2021, tôi sẽ đi một chuyến cùng vài ba người bạn, ghé Nguyễn Hiệp ở Bình Thuận, ghé Qui Nhơn đón vợ chồng Mỹ Nữ và Lê Hoài Lương ra thăm Ba Lưu nhé, nhất định nhé. Trước nay tôi vợ chồng tôi chỉ đi qua Phú Yên bằng tàu hỏa, tôi chưa đặt chân xuống Phú Yên, không có nhu cầu biết Gành Đá Đĩa khi Ngô Phan Lưu ở Mỹ và…khi bạn tôi về lại Việt Nam thì anh Thân không còn nữa.
Bây giờ, thôi nhé Phú Yên và Gành Đá Đĩa. Trên điện thoại trước Tết Dương lịch, Ngô Phan Lưu bảo rằng yếu rồi, không viết được nữa. Tôi không tin, nghĩ là trốn viết tiểu thuyết mà thôi. Tôi gào lên, ông nợ anh Thân và tôi cuốn sách ấy, tôi nói thật, không đùa với ông đâu nhé.
Bây giờ thì. Đành vậy. An lạc nhé bạn ơi. Ông bá nghệ nhưng thâm tâm tôi vẫn đinh ninh rằng nghề chính của ông là Viết, viết hoa từ viết này nhé. Hề gì, một nhà văn bá nghệ, hay nói cách khác, sự trần ai đó mới sinh ra nhà văn.
*
Nhà văn Ngô Phan Lưu sinh năm 1943 tại xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2007.
Sách đã in : Bếp lửa chiều Đông (tập thơ, 1997); Người không giăng câu Kiều (tập truyện ngắn, 2004); Cơm chiều (tập truyện ngắn và tản văn, 2008); Xoa tay và cười (tập truyện ngắn và tản văn, 2009); Con lươn chép miệng (tập truyện ngắn, 2010); Tờ lịch gỡ mỗi ngày (tập tạp văn, 2013)…
- Ảnh của nhà văn Nguyễn Hiệp, phải tay máy của Hiệp mới ra bức ảnh để đời này. Cảm ơn em Hiệp.
DẠ NGÂN 08.02.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.