mercredi 18 novembre 2020

Iran nín thở chờ những loạt đạn cuối cùng của Donald Trump


Đăng ngày:

Tựa chính các báo Paris hôm nay 18/11/2020 tập trung vào thời sự nước Pháp. Libération chạy tít « Doanh nghiệp nhỏ và cuộc chiến Black Friday ». Le Figaro quan tâm đến việc hai bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp giới thiệu dự luật nhằm « củng cố các nguyên tắc cộng hòa » chống Hồi giáo cực đoan. « Covid : Làm thế nào chống lại thuyết âm mưu » là tựa chính của Le Monde. Les Echos nói về « Kế hoạch mới của bộ Tài Chính cho những lãnh vực bị thiệt hại » vì đại dịch.

Riêng La Croix băn khoăn trước việc hai nước thành viên phủ quyết kế hoạch tái thúc đẩy và ngân sách châu Âu, chạy tựa « Ba Lan, Hungary : Liên hiệp Châu Âu bị kẹt vào bẫy ». Ở các trang trong, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước khác trong thời gian sắp tới được đề cập nhiều nhất.

Teheran hồi hộp chờ loạt trừng phạt mới của ông Trump

Libération dành hai trang báo cho « Cuộc chạy đua phá hoại của Donald Trump ở Trung Đông ». Israel đang tỏ ra hối hả, còn Iran chờ đợi « những loạt đạn cuối cùng » từ Washington.

Iran vừa nghiến răng vừa đếm : còn hơn 64 ngày nữa mới chuyển giao quyền lực. Phe cứng rắn nhất ở Teheran luôn ngờ vực, nhưng số còn lại và đa số người dân nghĩ rằng tương lai sẽ đỡ u ám hơn. Trong nửa cuối nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ luôn tỏ ra nghiệt ngã với Iran. Donald Trump rút khỏi JCPOA (hiệp định nguyên tử ký ở Vienna năm 2015), và những biện pháp trừng phạt khiến kinh tế Iran - vốn đã quản lý tệ hại – bị suy sụp : tăng trưởng bị âm đến 9,5%, đồng tiền lao dốc. Những cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi, nhưng chế độ đã dùng vũ lực đè bẹp.

Nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn còn đó, sau hai năm rưỡi chịu đựng « áp lực tối đa » từ ông Trump và chính khách trung thành Mike Pompeo. Theo trang Axios, chính quyền Trump muốn áp đặt các trừng phạt mới mỗi tuần một lần, từ nay cho đến ngày 20 tháng Giêng.

Nhà phân tích Naysan Rafati của International Crisis Group nhận xét, Washington có những trừng phạt bổ sung khá thường xuyên trong ba tháng qua, và mới nhất sau bầu cử là nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan và Iran đã trợ giúp Teheran mua được các thiết bị cho chương trình đạn đạo. Mục tiêu là dựng lên những trở ngại để ngăn Joe Biden quay lại với JCPOA.

Liệu chính quyền ông Trump có đi xa hơn hay không ? New York Times nói rằng hôm thứ Năm tuần trước tổng thống Trump đã rút lại ý định không kích vào các địa điểm nguyên tử Iran vì nguy cơ leo thang. Nhà nghiên cứu Sanam Vakil thuộc Chattam House nhận định Washington có thể tìm cách « khiêu khích » khiến chế độ phải đáp trả. Theo Naysan Rafati, « Iran chờ đợi chính quyền Trump bắn ra những tràng đạn cuối cùng ».

Israel hy vọng có thêm ân huệ, các nước Ả Rập chờ thời

Về phía Israel, thủ tướng Benyamin Netanyahou tuy chúc mừng « Joe Biden, được cho rằng sẽ là tân tổng thống », nhưng vẫn giữ nguyên ảnh nền tài khoản Twitter chụp chung với ông Donald Trump.

Cây bút xã luận Anshel Pfeffer nhận định : « Người ta không có cùng trọng lượng khi là đồng minh thân cận nhất của Washington, so với lúc bị Nhà Trắng thờ ơ dưới thời Obama ». Theo các thăm dò, thì ông Trump có thể được bầu với 70% số phiếu tại…Israel. Trong suốt nhiệm kỳ của ngôi sao truyền hình thực tế, không có quốc gia nào trên thế giới được Washington ưu ái đến như vậy : cho dời đại sứ quán đến Jérusalem, ngưng viện trợ cho Palestine…

Nhà phân tích David Khalfa cho rằng trong thời gian này càng phải tránh bị coi là vô ơn. Nếu ông Barack Obama từng lợi dụng khoảng thời gian trước khi rời Nhà Trắng để thúc đẩy Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án Israel, thì theo Politico, nhóm của Mike Pompeo có thể chính thức coi nhiều tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch, Amnesty International, Oxfam là « bài Do Thái ».

Di sản quan trọng của Donald Trump trong khu vực là đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Sudan. Chuyên gia Khalfa dự đoán : « Ông Trump tuyên bố rằng có 9 nước Ả Rập nữa có thể ký thỏa thuận bình thường hóa, nhưng họ không có lợi gì khi thực hiện lúc này. Tốt nhất là chờ chính quyền mới lên để thương lượng món quà ra mắt ».

NATO : Mỹ không còn như thời hậu chiến, Biden không phải là Truman

Về quan hệ với châu Âu, Les Echos nhận định « Biden đối mặt với kỷ nguyên nghi kỵ giữa châu Âu và Mỹ ». Tuy ông Joe Biden khẳng định sẽ kết nối lại với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng việc này ngày càng phức tạp vì đôi bên đang xa cách dần, chủ yếu do thành phần dân số Mỹ thay đổi. Hoa Kỳ năm 2020 không giống như hồi năm 1949 khi thành lập NATO, và Joe Biden cũng không phải là Harry Truman.

Trước ông Donald Trump, Barack Obama và Hillary Clinton đã muốn xoay trục sang châu Á, và chủ trương này không thể đảo ngược. Nước Mỹ quay sang phía Thái Bình Dương và Trung Quốc, đồng thời với việc xa dần châu Âu. Bởi vì thế giới ngày nay không giống như thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến, khi Bắc Mỹ và Tây Âu thành lập liên minh để đối phó với Liên Xô.

Lúc lập nên NATO, dân Mỹ chủ yếu là gốc châu Âu, từ Anh, Đức, Ý, Ba Lan hoặc Pháp di cư sang. Nhà dân số học Jean-Claude Chesnas ước tính thời kỳ 1840-1880 có khoảng 9 triệu người châu Âu sang Hoa Kỳ sinh sống, và 1880-1914 là 21 triệu. Người Mỹ da trắng hầu hết gốc châu Âu vào thời đó chiếm đến 135 triệu trên tổng số 150 triệu dân, còn người da đen chỉ có 15 triệu. Nhưng đến thập niên 70, di dân từ châu Mỹ la-tinh và châu Á ồ ạt sang : người Mêhicô (11 triệu), kế đến là Trung Quốc (2,9 triệu), theo số liệu 2018.

Châu Âu kẹt giữa GAFAM và Con đường tơ lụa

Châu Âu có thể làm gì trước Biden và Tập Cận Bình ? Les Echos đặt câu hỏi. Đứng trước xung đột Mỹ-Trung, châu Âu thiếu vắng một chiến lược chung để đối phó.

Được Hoa Kỳ bảo vệ an ninh từ 75 năm qua, nay châu Âu không chỉ phải tự vệ mà còn trở thành chiến trường, nơi hai người khổng lồ tung ra đội quân kỹ thuật số và con đường tơ lụa. Hy Lạp đã giao nộp hải cảng đầu tiên cho Trung Quốc, Trung Âu nở nụ cười với Bắc Kinh nhưng vẫn ngóng chờ Mỹ, còn Anh quốc dứt áo ra đi.

Lẽ ra sau Brexit, châu Âu phải khởi động một giai đoạn mới với các chiến lược chính trị, khoa học và kinh tế tham vọng hơn, dựa trên khoảng 12 nước cốt lõi. Nhưng nay kể cả kế hoạch tái thúc đẩy cũng đang dậm chân tại chỗ. Tờ báo kết luận : Biden sẽ không cứu vãn châu Âu, mà chỉ làm vui lòng với những lời lẽ êm tai mà châu Âu muốn nghe.

Công nghệ vẫn là chủ đề xung đột

Nhà nghiên cứu Julien Nocetti của IFRI trên Le Monde cho rằng « Với Joe Biden, công nghệ vẫn là chủ đề xung đột địa chính trị ».

Tổng thống thứ 46 tương lai sẽ không lật ngược lại quan hệ với Trung Quốc. Từ khi còn làm phó tướng của Obama, Biden đã chứng kiến nhiều vụ tin tặc Trung Quốc tấn công, đánh cắp sở hữu trí tuệ…Hoa Vi (Huawei) tiếp tục bị trừng phạt tuy các quy định có nới lỏng đôi chút. Châu Âu còn phải chờ xem thái độ của Washington về công nghệ 5G, truyền dữ liệu và GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft). Điều nghịch lý là ông Trump đã giúp châu Âu có dịp nhìn ra những yếu kém của mình về công nghệ.

Các đại tập đoàn kỹ thuật số thở phào với Biden

Còn tại nước Mỹ, Le Monde nhận định « Việc Joe Biden đắc cử khiến thung lũng Silicon thở phào nhẹ nhõm », tuy những tên tuổi lớn vẫn cố giữ im lặng sau chiến thắng được loan báo của Biden.

Jack Dorsey (Twitter) và Mark Zuckerberg (Facebook) hôm qua đã bị Quốc Hội triệu tập - lần thứ hai trong vòng ba tuần lễ - để trả lời về việc kiểm duyệt tùy tiện của hai mạng xã hội này. Tim Cook, ông chủ Apple không trực tiếp chúc mừng Biden ; còn Sundar Pichai (Google) cũng vậy. Chỉ có Jeff Bezos (Amazon), từ bốn năm qua phải chịu đựng những đòn sấm sét của ông Donald Trump, là đăng lên Instagram ảnh của Biden-Harris. Tuy ngoài mặt cố thản nhiên nhưng trong thâm tâm họ đều vui mừng, dù thời kỳ Google có đường điện thoại trực tiếp với chính quyền Obama sẽ không quay trở lại.

Các đại tập đoàn cảm thấy an tâm vì Joe Biden đã chọn Ron Klain làm chánh văn phòng. Ông này là đồng lãnh đạo của sáng kiến « Rise of the rest » do nhà sáng lập AOL đưa ra, sau khi các Big Tech phát hiện những bang bầu cho Donald Trump bị đứng ngoài sự phát triển của kỹ thuật số. Trong nhóm mới có khoảng hai chục cựu viên chức thời Obama nay chuyển sang kỹ thuật số, còn bà Kamala Harris thì có mối giao tình riêng với phó tổng giám đốc Facebook, Sheryl Shanberg.

Về chống độc quyền, đến nay Joe Biden vẫn đứng giữa hai phe - bên chủ trương giữ nguyên trạng và bên muốn chia nhỏ Google và Facebook, như Elizabeth Warren hay Bernie Sanders. Nhưng các ông lớn công nghệ không lo : vào thời kỳ đại dịch và khủng hoảng kinh tế, ưu tiên không phải là tấn công vào lãnh vực đã góp phần làm cho Wall Street trở nên sung mãn.

Pháp : Bài học từ bầu cử tổng thống Mỹ

Riêng về phía Pháp rút ra được gì sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ? Theo tác giả Dominique Villepin trên Les Echos, bài học quan trọng nhất là sự đối đầu giữa hai phe cấp tiến và dân túy từ năm 2016 nay đã được khẳng định.

Cuộc đối đầu này từ thập niên 80 đã dần dần xuất hiện : Ronald Reagan đưa đảng Cộng Hòa nghiêng về hữu, và thu hút một phần cử tri bình dân xưa nay vẫn bầu cho Dân Chủ. Khuynh hướng này tăng lên vào đầu những năm 2000 dưới ảnh hưởng Tea Party và nay là Donald Trump. Song song đó, đảng Dân Chủ gom về phía cánh trung. Tình hình diễn ra tại Pháp cũng tương tự, khi Emmanuel Macron đối đầu với Marine Le Pen, hay tại Ý, Anh. Phải chăng sự ngăn cách tả-hữu đã được xóa nhòa ? Một bài học nữa là khi phe cấp tiến huy động được cử tri công nhân và bình dân như Joe Biden thì sẽ thắng được phe dân túy.

Còn Le Monde cho biết, sau khi Biden chiếm được lợi thế nhờ bầu qua thư tín, tại Pháp đã có những lời kêu gọi cho phép dùng phương thức này trong các cuộc bầu cử địa phương năm tới. Tuy nhiên chính quyền Pháp vẫn tỏ ra nghi ngại : việc bầu qua bưu điện đã bị hủy bỏ tại Pháp từ năm 1975 vì các vụ gian lận.

Tập Cận Bình được ca tụng thay cho Allah

Cũng trên Le Monde, nhà xã hội học Dilnur Reyhan bất bình « Phải chăng sinh mạng của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ không đáng kể so với vài bức biếm họa ? ». Chuyên gia này tố cáo « sự phẫn nộ có chọn lọc » của các nước Hồi giáo đang kêu gọi tẩy chay hàng Pháp vì biếm họa Mahomet, nhưng lại im tiếng trước số phận các đồng đạo tại Trung Quốc.

Đừng quên rằng trong danh sách đáng xấu hổ gồm 50 nước ủng hộ chính sách diệt chủng của Bắc Kinh, có phân nửa là các nước Hồi giáo, trong khi 23 nước khác phần lớn là phương Tây lên án các trại tập trung ở Tân Cương. Hàng ngàn đền thờ Hồi giáo bị phá hủy tại Hoa lục, giờ đây phải ca ngợi Tập Cận Bình thay vì Allah, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức triệt sản…Từ bốn năm qua, không một nhà lãnh đạo nước Hồi giáo nào dám mở miệng, và tệ hơn nữa là một số còn hợp tác với quỷ dữ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.