Tôi muốn có một bài viết hết sức khoa học về vấn đề này, sau khi xảy ra vụ lở đất thứ hai chôn vùi nhiều quân nhân ở Quảng Trị.
Đây là một sự kiện đau lòng, nhưng nếu chỉ dừng ở chỗ khóc thương thì tương lai sẽ còn nhiều vụ đau lòng khác nữa.
Trước hết tôi xin giới thiệu chút về tôi. Để chứng minh rằng tôi có đủ thẩm quyền để phát biểu về vấn đề này chứ không phải nói phét. Tôi tốt nghiệp cử nhân khoa học địa chất tại Trường đại học tổng hợp Huế vào năm 1989, tuy không theo nghề nhưng kiến thức vẫn có đủ để phân tích trong trường hợp này.
Theo tôi, việc dự đoán nguy cơ lở đất không phải là quá khó để tránh, nhưng các đơn vị quân đội không hiểu sao vẫn bị hoài.
Đầu tiên là địa hình của khu vực đang sinh sống hoặc đóng quân. Cái này có thể đánh giá bằng mắt thường được. Chúng ta rất dễ nhìn thấy một mảng đất đá nào đó có nguy cơ trượt xuống trên đầu mình. Một người bình thường vẫn có thể nhìn ra, vì sao các sĩ quan quân đội không thể nhìn ra? Đặc biệt là các anh bộ binh thể nào chẳng học một số môn về địa hình địa mạo như tôi?
Thứ hai là các cảnh báo về lở đất trong khu vực khi mưa lớn. Luôn luôn có các tài liệu địa chất cho biết khu vực nào thường hay có lở đất. Chẳng lẽ các sĩ quan quân đội không biết?
Thứ ba là các dấu hiệu về lở đất. Nếu bất đắc dĩ phải trú ngụ trong khu vực nguy cơ cao thì phải chịu khó theo dõi. Một vụ lở đất bao giờ cũng được báo hiệu bằng các vết nứt trên mặt đất, đôi khi rất rõ. Các dấu hiệu này có khi đến sớm nhiều giờ trước đó. Không có một vụ lở đất nào mà không có các dấu hiệu này.
Cuối cùng là cấu trúc địa chất của khu vực đó có khả năng gây lở đất cao hay thấp. Nếu đóng quân ở một chân đồi mà đất đá ở đó có những lớp đất sét xen kẽ thì coi chừng. Các khối đất đá sẽ trượt trên các lớp sét khi sũng nước, gây nên các vụ lở đất khi mưa nhiều ngày. Cái này chỉ cần đào một hố thám sát là biết thôi. Tôi nghĩ các sĩ quan quân đội thừa sức biết điều này.
Vậy nhưng vẫn liên tiếp xảy ra hai vụ lở đất, vùi mấy chục người lính. Đây là một vấn đề đáng báo động về khả năng sống sót trong môi trường khắc nghiệt, cũng là khả năng chiến đấu của quân đội.
Tôi xin nói thẳng thế này. Xin đừng tuyên dương này nọ với những lời có cánh với những người đã ra đi. Cũng đừng phong tặng này nọ cho họ. Mà quân đội phải lấy đây làm bài học nghiêm khắc để tuyên truyền trong toàn quân về khả năng thích nghi trên mọi tình huống thì mới mong tiến bộ được.
Tôi nghĩ quân đội nên tổ chức các hội thảo khoa học, mời các chuyên gia địa chất để họ nói cho mà nghe, chứ không phải chạy theo việc phong tặng hoặc khóc thương rùm beng nhé.
TRẦN ĐÌNH THU 18.10.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.