Ghét thủy điện (bởi nó gây không ít tai họa cho xứ này), không có nghĩa ghét bỏ cả những người đi cứu dân lao động làm thủy điện đang gặp nạn.
Lúc thiên tai địch họa, mạng người tính bằng phút bằng giờ, treo đầu sợi tóc. Đừng đòi hỏi người đi cứu phải có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, dù rằng nếu có vẫn tốt hơn.
Cũng đừng lấn bấn nghĩ tướng, chủ tịch huyện mà vào đó làm gì. Nếu không vào, sẽ bị nhận ngay nhiều lấn bấn khiếp gấp bội: Tại sao tướng không vào, cán bộ to không vào, lại chỉ để lính xông vào chỗ chết v.v…
Thôi thì thiên hạ chín người mười ý, nhưng qua vụ 13 nhà chức việc hy sinh thương tâm khi thi hành công vụ (nhân đây tôi cũng góp ý với Trung ương Đoàn rằng, tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" thì cứ tặng, nhưng đừng nêu cái lý do "lập công xuất sắc". Ở đây chỉ có chết tang thương chứ không kịp lập công quả gì mà xuất với chả sắc), phát lộ rõ ra điều cực kỳ đáng buồn:
Chưa bao giờ con người thiếu lòng tin vào con người (nhất là người nhà nước) thê thảm như bây giờ, thiếu sự trân trọng điều tốt đẹp như bây giờ.
Vết thương nhức nhối này xét cho cùng có căn nguyên là thể chế xã hội. Xã hội nào sinh ra con người nấy, khó mà khác được.
Tôi không trách những người lấn bấn lăn tăn nghi ngờ về người tốt việc tốt, bởi họ bị nhiễu quá nhiều rồi, mà trách các ông to bà nhớn cai trị xã hội đã tạo ra tâm lý ấy.
Đấy, ngay cả thời điểm cực nhạy cảm như này (tướng tá chết cả chục, 16 dân lao động vẫn chưa tìm thấy xác, lũ lụt trắng trời cả "khúc ruột"), mà vẫn bày vẽ trao sao phong tướng cho nhau, thì đòi hỏi như tôi là quá cao quá nhiều.
NGUYỄN THÔNG 16.10.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.