Trong buổi họp
báo tại Rose Garden nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 25 tháng 9, 2015, chủ
tịch Trung Cộng Tập Cận Bình phát biểu “Hoạt động xây dựng liên hệ mà Trung Quốc
đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa] không nhắm mục tiêu hay tác động
đến bất kỳ quốc gia nào và không có ý định quân sự hóa.”
Trong lúc Tập mặt
dày nói dối trước thế giới, các mục tiêu quân sự hóa Biển Đông gần hoàn tất.
Từ 2013, Trung
Cộng lợi dụng chính sách đối ngoại hòa hoãn của tổng thống Barack Obama đã tiến
hành xây dựng bảy đảo nhân tạo tại các bãi đá họ chiếm được trên Biển Đông, với
ý định biến các nơi này thành các căn cứ quân sự.
Các đảo nhân tạo
được trang bị với phi cơ chiến đấu, oanh tạc cơ, kho đạn dược, các phương tiện
phục vụ chiến tranh và được mệnh danh là những “hàng không mẫu hạm không thể
chìm” (unsinkable aircraft carriers).
Lo ngại phản ứng
của Mỹ và quốc tế, Tập chỉ thị tiến hành xây dựng một cách gấp rút. Để làm việc
này nhanh chóng, Trung Cộng đã tàn phá các môi trường biển vốn cần được phát
triển tự nhiên. Nhà hải dương học John McManus thuộc đại học Miami tố cáo: “một cách căn bản, Trung Cộng tàn phá mọi
thứ sống chung quanh các rạn san hô.”
Bảy đảo nhân tạo
đó gồm Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef (Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga
Ven), Hughes Reef (Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef
(Đá Châu Viên) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn).
Việt Nam khẳng
định chủ quyền đối với tất cả bãi đá nêu trên thuộc quần đảo Trường Sa nhưng
các quốc gia khác gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Taiwan và Trung Cộng cũng
tuyên bố chủ quyền.
Trong số bảy đảo
nhân tạo, ba đảo quan trọng nhất được xây trên các bãi đá Chữ Thập (Fiery
Cross), Xu Bi (Subi) và Đá Vành Khăn (Mischief). Ba đảo nhân tạo này được báo
chí quốc tế gọi là “Big Three” (Ba đảo nhân tạo lớn).
Riêng tại Đá Chữ
Thập, phi đạo dài mười ngàn bộ có khả năng đáp bất cứ loại chiến đấu cơ và oanh
tạc cơ nào của Trung Cộng. Các căn cứ quân sự của Trung Cộng trên hai quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa còn được trang bị bằng các võ khí tối tân. Các hỏa tiễn
địa đối không (SAM) HQ-9 có tầm trung bình 200 km, các giàn Radar và chiến đấu
cơ J-11 được phát hiện trên đảo Phú Lâm (Woody) thuộc Hoàng Sa từ năm 2016. Hôm
nay, chắc chắn chúng cũng đã được trang bị trên các đảo nhân tạo đã hoàn tất.
MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG
CÁC ĐẢO NHÂN TẠO
Tập Cận Bình xây
đảo nhân tạo nhắm vào hai mục đích: (1) về chính trị, xây dựng một “tình trạng
đang hiện hữu” (status quo) và (2) về quân sự nhằm dựng hai phòng tuyến mặt
đông nam Trung Quốc.
Như người viết đã
giải thích trong các bài trước “Status quo” được định nghĩa như là tình trạng
của các điều kiện thực tế trước khi có sự thay đổi. Trong các cuộc thảo luận
hay tranh luận các bên thường có khuynh hướng chấp nhận một tình trạng và đôi
khi còn được xem đó như là một giới hạn mà nếu bị vượt qua sẽ tạo nên nhiều bất
trắc. Khi xây dựng các đảo nhân tạo, họ Tập nghĩ trong trường hợp tệ hại phải
ngồi vào bàn thương thuyết, y sẽ dùng các đảo nhân tạo như điểm giới hạn.
Về chính trị,
việc xây đảo nhân tạo là một hình thức cắm cọc trên Biển Đông.
Tập Cận Bình nghĩ
rằng, trong trường hợp tệ hại các tranh chấp quốc tế phải dẫn tới các hội nghị,
các cọc trên Biển Đông sẽ được dùng để xác định chủ quyền của Trung Cộng. Bản
chất tham lam và nhỏ nhen của Trung Cộng không thay đổi dù chỉ vài mét như
trong giai đoạn xây dựng đường xe lửa phía bắc Việt Nam trước đây, hay vài ngàn
dặm như trên Biển Đông ngày nay. Tập muốn đặt thế giới trước chuyện đã rồi.
Cách suy nghĩ của
Tập rất lạc hậu nhưng gian xảo. Trước Thế Chiến Thứ Nhất, ngoại trừ Geneva
Convention I ký kết năm 1863, các hiệp ước được ký kết giữa hai quốc gia hay
hai nhóm quốc gia nhằm tạo các liên minh quân sự. Nhưng các cuộc cách mạng kỹ
thuật, công nghệ và kinh tế đã làm điều kiện thế giới hoàn toàn thay đổi. Hầu
hết các công ước quốc tế về sử dụng nguyên tử, kinh tế, mậu dịch, môi trường
quan trọng đều diễn ra sau Thế Chiến Thứ Hai với nội dung và tác dụng hoàn toàn
khác.
Thế giới ngày nay
ngoài việc ràng buộc bởi các công ước, hiệp ước quốc tế, quan hệ giữa các quốc
gia còn bị chi phối bởi Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhiều luật pháp quốc tế
không chỉ về an ninh quốc phòng mà còn cả kinh tế, thương mại. Việc bị trừng
phạt vì bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng tận gốc đời sống của một quốc gia như
trường hợp Nam Phi và Lybia đầu thập niên 1990 hay Iran, Bắc Hàn hiện nay.
Phản ứng của Trung
Cộng sau vụ Philippines kiện cho thấy mặc dù phủ nhận giá trị của phán quyết do
Tòa Trọng Tài Thường Trực (The Hague) công bố, Trung Cộng trong thực tế đã thừa
nhận Philippines thắng kiện.
Về quân sự, Tập
Cận Bình khi dựng các căn cứ quân sự nhằm tạo hai phòng tuyến bảo vệ sườn đông
nam của Trung Quốc.
Một câu hỏi
thường được đặt ra phải chăng các cơ sở quân sự của Trung Cộng trên Biển Đông
thật sự đe dọa về an ninh quốc phòng đối với Mỹ?
Câu trả lời chung
của các chuyên viên quân sự là không, và đa số nhận xét những đảo đó sẽ bị vô
hiệu hóa nhanh chóng.
Vô
hiệu hóa bằng cách nào?
Bằng hai cách, (1) đánh chìm xuống Thái Bình Dương hay (2) bỏ qua với chiến
lược "Ếch nhảy" (Leapfrogging) như Mỹ đã áp dụng trong mặt
trận Thái Bình Dương của Thế Chiến Thứ Hai.
Rand Corporation,
một công ty nghiên cứu các chiến lược chính trị và quân sự có tầm vóc thế giới
trong tài liệu công phu dày 430 trang về tương quan quân sự Mỹ- Trung Cộng (The U.S.-China military scorecard: forces,
geography, and the evolving balance of power, 1996-2017) cho rằng “những căn cứ quân sự có trang bị một số SAM
và phi cơ chiến đấu không chắc chắn đóng vai trò gì đáng kể trong một đụng chạm
quân sự với cường độ cao chống lại Mỹ lâu hơn một giờ.”
Theo Rand, lịch
sử chiến tranh cho thấy SAM chỉ hữu hiệu khi được che giấu, nhưng trong điều
kiện của một đảo nhân tạo giữa Thái Bình Dương, SAM không có nơi nào để giấu.
Các căn cứ quân
sự dưới đạng đảo nhân tạo là căn cứ cố định và cho dù phòng thủ dày đến mức nào
cũng sẽ là mục tiêu dễ dàng của hải và không lực Mỹ.
Những điểm bất
lợi đó quá hiển nhiên không đợi phải là chuyên gia quân sự mới nhận ra và dĩ nhiên
Trung Cộng cũng biết. Nhưng tại sao họ vẫn xây dựng?
Trung Cộng tin
rằng những phi cơ chiến đấu và hỏa tiễn tầm 200 km đủ để phô trương và đe dọa
các nước nhỏ đang tranh chấp với Trung Cộng và “Big Three” (Chữ Thập, Xu Bi và
Vành Khăn) sẽ được hiện đại hóa với những vũ khí có khả năng di động cao để
không chỉ tự phòng thủ mà còn phản công.
Ngoài ra, các đảo
nhân tạo cũng có thể sẽ bị bỏ qua nếu Mỹ áp dụng chiến lược “Ếch nhảy”
(Leapfrogging) như đã dùng trong mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến Thứ
Hai.
Chiến lược “Ếch
nhảy” là gì?
“Ếch nhảy” hay
gọi đủ câu là “Ếch nhảy tới Tokyo” là một chiến lược quân sự độc đáo của Mỹ
được áp dụng trong cuộc chiến Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật.
Nhật Bản ngoài 5
đảo chính Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu, và Okinawa, còn có 430 đảo dân cư
ngụ trong tổng cộng 6,852 đảo tạo thành quốc gia quần đảo Nhật. Đảo lớn nhất là
Honshu và được xem như đảo chính nơi có thủ đô Tokyo.
Ngày 30 tháng 3,
1942, Đô Đốc Chester Nimitz được đề bạt vào chức vụ Tư lịnh Tối Cao Quân Đội
Đồng Minh Khu Vực Thái Bình Dương (Supreme Allied Commander Pacific Ocean
Areas) với nhiệm vụ tấn công về hướng bắc để chiếm các nhóm đảo Gilbert,
Marshall, Marianas theo hướng nhóm đảo Bonin. Một khu vực khác phía Tây Nam
Thái Bình Dương đặt dưới quyền Thống Tướng Douglas MacArthur tấn công Solomons,
New Guinea, Bismarck Archipelago tiến về hướng Philippines.
Một khó khăn của
Mỹ là nếu tấn công tất cả các đảo dọc đường tiến quân sẽ phải tốn rất nhiều
quân và vũ khí. Những trận đánh trước đó cho thấy quân đội Nhật chiến đấu đến
người lính cuối cùng. Dù thua quân đội Nhật cũng gây tổn thất lớn cho phía đồng
minh.
Chiến lược “Ếch
nhảy” được ra đời.
"Ếch
Nhảy" là chiến lược dùng không quân và hải lực với nhiều nhất là tàu ngầm
nhằm ngăn chận mọi phương tiện tiếp tế, tăng cường cho đảo và không cho quân
Nhật đóng trên đảo rút lui. Nói tóm lại quân đội Nhật đóng trên các đảo bị vô
hiệu hóa bằng cô lập.
Chiến lược
"Ếch Nhảy" cho phép quân đội Mỹ tiến nhanh vào nội địa Nhật thay vì
phải tấn công từng đảo một. Các tư lịnh tối cao của Mỹ chọn những đảo cần thiết
để tấn công. Những đảo bị tấn công phải đáp ứng những điều kiện cần thiết để từ
đó làm bàn đạp tấn công các đảo khác và mục tiêu cuối cùng là tấn công Tokyo.
Trong lúc đó các
tư lịnh Nhật không tiên đoán được đảo nào sẽ bị tấn công và đảo nào bị bỏ qua
nên phải tập trung phòng thủ tất cả các đảo trên đường tiến quân của Mỹ. Chẳng
hạn, Nhật tập trung một lực lượng lớn để phòng thủ Rabaul thì Mỹ lại bỏ qua và
tấn công các đảo phòng thủ nhẹ hơn bên cạnh. Điều này đòi hỏi Nhật phải bố trí
một hàng rào phòng thủ tốn kém hơn nhưng lại mỏng.
Áp dụng chiến
lược "Ếch Nhảy" này vào cuộc chiến Thái Bình Dương nếu xảy ra trong
tương lai, các tự lịnh Mỹ có thể chọn tấn công nhiều đảo, một vài đảo hay thậm
chí không tấn công đảo nào mà chỉ cô lập hóa chúng.
TẬP GIỐNG HITLER, KHÔNG SỢ CHIẾN TRANH BẰNG MIỆNG
Cuộc hành quân
tái chiếm vùng Rhineland là một bài học lịch sử cần học vì nước cờ Tập đang đi
gần như lập lại nước cờ của Hitler trước Thế Chiến Thứ Hai.
Sáng ngày 7 tháng
3, 1936, Hitler đưa một đạo quân nhỏ khoảng ba ngàn và vài chiếc phi cơ chiến
đấu tiến chiếm vùng Rhineland lúc đó đang được đặt dưới sự bảo hộ của phe đồng
minh, trực tiếp là Anh và Pháp. Với hành động này Hitler vi phạm cả hai hiệp
ước Versailles và Locarno. Quân Đức bị máy bay thám thính của Pháp phát hiện và
vài tiểu đoàn Đức đối diện với một lực lượng Pháp đông gấp nhiều lần đóng bên
kia biên giới Đức Pháp. Thay vì tấn công quân Đức bằng bộ binh hay không lực,
Pháp đã chọn không làm gì ngoài những lời tố cáo trễ tràng sau đó.
Tập làm giống hệt
như Hitler bằng cách chiếm một đảo, vài đảo để đo lường phản ứng trước khi tiến
tới quân sự hóa và độc chiếm Biển Đông.
Hitler dù sao
cũng có lý do vì Rhineland vốn là đất của Đức. Biển Đông chưa bao giờ là của Trung
Cộng. Việc không dám ra trước tòa án quốc tế để chứng minh chủ quyền cho thấy
Tập Cận Bình đã gián tiếp thừa nhận các đảo và bãi đá trên Biển Đông không phải
là của tổ tiên nhà Hán nào để lại. Nhưng giống Hitler khi tái vũ trang vùng
Rhineland, Tập bắt mạch đúng xu hướng chính trị chủ hòa của Mỹ và tận dụng thế
yếu của các nước đối thủ, cạnh tranh nhưng thiếu đoàn kết trong vùng.
PHẢN ỨNG CỦA MỸ
Phát biểu của
Ngoại trưởng Mike Pompeo “các đòi hỏi của
Trung Cộng đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là
hoàn toàn bất hợp pháp” và sau đó của Phụ tá Ngoại Trưởng David Stilwell “Mỹ sẽ không còn nói rằng chúng tôi trung
lập về các vấn đề hàng hải này” trong tháng 7, 2020 cho thấy Mỹ không còn
đóng vai trò trung lập trong tranh chấp Biển Đông.
Điểm nổi bật là
cả hai đều nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết các xung
đột.
Ra tòa
án quốc tế đối với Trung Cộng là điều tối kỵ. Những kẻ ăn cướp không bao giờ dám công khai đối chất. Cho đến nay mọi
biển đảo từ Hoàng Sa đến Trường Sa Trung Cộng đều cưỡng chiếm bằng bạo lực và
hành động này đã vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, một bản cam kết quan trọng
nhất phải được các quốc gia hội viên tuân thủ.
Các phán quyết
của Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển do Tòa Trọng Tài Thường Trực công bố sau vụ
kiện của Philippines cho thấy Trung Cộng có quyền phủ quyết các quyết nghị của
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng không có quyền phủ quyết các phán quyết
của Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (The International Tribunal on the Law of the
Sea, ITLOS).
Nhưng giống như
Hitler, Tập sẽ không chồn chân bằng lời hù dọa hay thỉnh thoảng bằng sự hiện
diện vài tàu chiến trong vùng.
Bằng chứng là
ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Trung Cộng đã đưa thêm nhiều
chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tới đảo Phú Lâm (Woody) như một cách thách thức Mỹ.
Tập Cận Bình tin
rằng trong điều kiện đại dịch, sự xáo trộn đang diễn ra trong xã hội Mỹ và mùa
bầu cử sắp đến, Mỹ rất khó có những biện pháp cứng rắn cụ thể nào đối với Trung
Cộng. Điều đó vẫn còn phải chờ xem, trận đấu mới bắt đầu.
Hẳn nhiên Tập sẽ
không hủy bỏ các công trình y đã xây dựng và sẽ không từ bỏ tham vọng bành
trướng, vì đó là thuộc tính tất yếu của mọi đế quốc độc tài, dù độc tài Hitler
hay độc tài Tập.
Tuy nhiên, giống
như mọi đế quốc độc tài khác, Trung Cộng sẽ tan vỡ do các mâu thuẫn từ bên
trong cơ chế.
Các mâu thuẫn nội
tại có tính triệt tiêu nhau đó sẽ sâu sắc hơn nếu có tác động mạnh từ bên
ngoài.
Sự hình thành của
giai cấp tư bản đỏ giúp kéo dài mạng sống của chế độ nhưng không có nghĩa giúp
hóa giải được các mâu thuẫn đối kháng bên trong. Sự sụp đổ của Liên Xô cho thấy
tác động ngoại lực như chạy đua vũ trang, tạo khủng hoảng năng lượng, bao vây
kinh tế, làm sa lầy trong chiến tranh Afghanistan như Mỹ đã làm đối với Liên Xô
trong thập niên 1980 v.v… rất quan trọng. Những tác động đó gia tăng cường độ
của các xung đột thuộc phạm vi bản chất của chế độ cộng sản Liên Xô.
Phong trào giành
độc lập của các dân tộc thuộc đế quốc Ottoman trước và sau Thế Chiến Thứ Nhất
dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của đế quốc này và ra đời của nhiều quốc gia mới.
Tương tự xung đột với Mỹ, Nhật, Ấn Độ và liên minh các quốc gia chống Trung
Cộng trong vùng Nam và Đông Thái Bình Dương sẽ làm chế độ cộng sản tại Trung
Quốc tan vỡ nhanh hơn. Trung Cộng tan vỡ càng sớm bao nhiêu các nước nhỏ trong
vùng càng có lợi bấy nhiêu.
CHỌN LỰA CỤ THỂ
NÀO CỦA MỸ?
Hai nhà bình luận
Zack Cooper và Bonnie S. Glaser trong phân tích “Chọn Lựa Nào Đặt Trên Bàn Trong Tranh Chấp Biển Đông?” (What Options
are On the Table in the South China Sea?) đăng trên trang World Popitics
Review hôm 22 tháng 7, 2020, có đưa ra các biện pháp Mỹ có thể làm.
Những biện pháp
đó gồm (1) trừng phạt kinh tế, (2) tuần tra để thách thức hoặc trục xuất các tàu đánh cá
hoặc tàu thăm dò dầu khí của Trung Cộng hoạt động không được phép của quốc gia
sở hữu các khu vực độc quyền kinh tế, (3) hỗ trợ trực
tiếp hơn cho các lực lượng đồng minh và đối tác,
(4) giúp các đồng minh và đối tác trong khu vực xây
dựng khả năng riêng để chống lại sự ép
buộc của Trung Cộng, (5) đưa ra tuyên bố chung
với các đồng minh và các đối tác để hỗ trợ các quyền hợp pháp của họ.
Ngoại trừ những
lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ phục vụ cho các mục đích chính
trị ngắn hạn, các biện pháp do Zack Cooper và Bonnie S. Glaser đưa ra có thể là
những biện pháp tích cực nhất và cần thiết phải thi hành. Nếu không, những
tuyên bố dù mạnh miệng bao nhiêu cũng chỉ là những lời hù dọa. Tập, giống như
Hitler trước đây, không sợ ai hù.
Thế giới không
còn là tập hợp của các quốc gia riêng lẻ như trong giai đoạn tiền cách mạng kỹ
nghệ đầu thế kỷ 18, mà là một cộng đồng của những quốc gia có tác động và ảnh
hưởng nhau trong mọi lãnh vực. Trong mọi xung đột ngày nay, không một nước nào
dù nhỏ hay lớn là được miễn trừ hậu quả hay hoàn toàn có lợi. Mọi tranh chấp
cũng không đơn thuần là đối đầu nhau về quân sự mà mọi lãnh vực đều có thể có
chiến tranh. Xây dựng nền dân chủ, phục hưng nội lực dân tộc và vận dụng mọi
biến cố thế giới có lợi cho đất nước là những trách nhiệm hàng đầu của lãnh đạo
quốc gia.
TRẦN TRUNG ĐẠO
26.07.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.