(Người Việt 08/03/2019) Kết thúc năm 2018, số khiếm hụt mậu dịch
của nước Mỹ là $621 tỉ, tăng thêm $70 tỉ, tức 12.5% so với năm 2017. Khiếm hụt
mậu dịch là khác biệt khi tổng số tiền chi ra mua hàng nhập cảng cao hơn tiền
thâu vào nhờ xuất cảng.
Riêng với Trung Quốc, mức thâm thủng lên
tới $419 tỉ, tăng thêm $44 tỉ. Chính phủ đánh đòn thuế quan và Trung Cộng trả
đũa; nhưng số hàng Mỹ nhập cảng vẫn tăng thêm 11.3%, còn hàng bán qua Trung Quốc
chỉ tăng 0.7%.
Trước những con số đó, nhiều người Mỹ lo
lắng. Nước Mỹ đang thua nước Tàu trong cuộc chiến tranh thương mại này chăng?
Không có gì đáng lo. Người ta sẽ không lo
sợ khi biết những lý do nào đưa tới khiếm hụt mậu dịch.
Thứ nhất, trong năm 2018 kinh tế Mỹ vẫn
phát triển mạnh hơn trong khi Trung Quốc đi chậm lại. Kinh tế lên là một tin mừng
cho dân Mỹ. Họ nhiều tiền hơn, tiêu thụ nhiều hơn. Tổng Thống Donald Trump đánh
thuế quan 10% trên $250 tỉ hàng nhập cảng từ Trung Quốc, giá bán những món hàng
đó tăng. Nhưng người tiêu thụ ở Mỹ chưa giảm bớt việc mua sắm, vì lợi tức của
nhiều người cũng tăng nhờ kinh tế lên. Ngược lại, dân Trung Hoa lo sắp mất việc
hoặc lợi tức sụt giảm, họ chi tiêu dè sẻn hơn. Lý do chính khiến Trung Quốc có
thể bán hàng giá rẻ là người lao động ở bên đó lãnh lương rất thấp. Bây giờ họ
lại còn lo lắng cho tương lai khi thấy kinh tế chậm lại; các xí nghiệp và các
ông bà chủ cũng lo, cho nên cả nước bớt nhập cảng.
Hơn nữa, một nguyên nhân chính gây ra khiếm
hụt thương mại của Mỹ là dân Mỹ tiết kiệm rất ít. Từ bao lâu nay vẫn như thế rồi.
Một dấu hiệu hiển nhiên cho thấy Mỹ tiết kiệm ít, chi tiêu nhiều, là số khiếm hụt
ngân sách. Chính phủ Mỹ chi ra nhiều hơn số thâu vào. Phòng Ngân Sách Quốc Hội
Mỹ (CBO) ước tính trong năm 2019 ngân sách chính phủ sẽ thâm thủng $900 tỉ. Năm
2016 số khiếm hụt chỉ có $620 tỉ, tăng gần một nửa trong ba năm.
Khiếm hụt ngân sách lên cao phần lớn là
do đạo luật cắt giảm thuế cho các công ty và những người có lợi tức cao trong
năm 2017. Đạo luật này cũng góp phần làm khiếm hụt mậu dịch lên theo, vì khi người
ta đóng thuế ít hơn thì họ cũng dư tiền để tiêu thụ nhiều hơn, kể cả hàng nhập
cảng.
Yếu tố thứ ba làm cho Mỹ khiếm hụt mậu dịch
nhiều hơn là đồng đô la tăng thêm giá trị so với đồng tiền các nước khác. Chẳng
hạn, khi đô la lên giá so với đồng bạc Việt Nam, một đô la có thể mua được nhiều
hàng từ Việt Nam hơn. Cùng lúc đó, một đồng Việt Nam mua được ít hàng của Mỹ
hơn. Tự nhiên là Mỹ sẽ nhập cảng thêm còn Việt Nam bớt mua hàng Mỹ, con số khiếm
hụt mậu dịch của Mỹ sẽ tăng.
Giữa tiền Mỹ và tiền Trung Quốc thì tỉ lệ
trao đổi hơi phức tạp. Chính phủ Mỹ, từ nhiều đời tổng thống, vẫn tố cáo chính
quyền Cộng Sản Trung Hoa cố ý dìm giá đồng nguyên của họ xuống, để hàng hóa của
họ hạ giá khi tính ra Mỹ kim, sẽ bán được nhiều hơn. Họ giữ hối suất giữa hai
thứ tiền cố định, không để thị trường tự do lên xuống.
Trung Cộng làm cách nào giữ cho hối suất
thấp cố định theo ý họ muốn, thí dụ, một đô la ăn 6.1 đồng nguyên? Họ đem đồng
nguyên đi mua đô la, ngày càng mua nhiều. Trong thị trường cái gì nhiều người
mua thì lên giá, nhiều người đem bán thì giá xuống. Trung Cộng mua đô la về rồi
đem mua công trái, giấy nợ của chính phủ Mỹ, tức là đem tiền cho Mỹ vay. Vì vậy,
nước Tàu trở thành chủ nợ lớn nhất của Washington. Tháng Chín, 2018, chính phủ
Mỹ nợ Tàu $1,150 tỉ, bằng 18% tổng số nợ Mỹ nợ nước ngoài.
Các chính quyền Mỹ từ nhiều đời tổng thống
vẫn đòi Trung Cộng phải nâng giá trị đồng nguyên so với đô la; nói rằng họ ấn định
hối suất thấp quá. Người Mỹ tính hối suất đồng nguyên giả tạo thấp hơn 15% đến
40% so với giá thật, nếu được trao đổi tự do trong thị trường.
Nhưng điều này chỉ đúng hồi đầu năm 2000.
Năm 2006, Bộ Trưởng Tài Chánh Mỹ Hank Paulson đã ép Trung Cộng phải chịu tăng
giá trị đồng nguyên thêm 2% đến 3% một năm, liên tiếp trong ba năm. Nhưng sau
đó giá trị của đồng đô la tăng lên đều đều, so với mọi thứ tiền tệ khác. Trong
ba năm, từ 2013 đến 2015, đồng đô la lên giá thêm 25%.
Khi đô la tăng giá, đồng nguyên cũng tăng
theo vì dính vào hối suất cố định. Hậu quả là giá đồng nguyên lên cao so với tiền
tệ các nước khác, nhất là vùng Đông Nam Á. Nghĩa là, khi tính ra Mỹ kim, hàng
hóa Trung Quốc tự nhiên tăng giá so với hàng các nước đang cạnh tranh với họ.
Trung Cộng lo ngại, từ năm 2015 đã thay đổi,
không áp đặt đồng nguyên một giá cố định so với đô la nữa. Ngay sau đó, giá trị
đồng nguyên đã tụt xuống trên thị trường tiền tệ thế giới! Nhờ thế, hàng Trung
Quốc lại giảm giá, và xuất cảng dễ hơn.
Nhiều người lại lo chính quyền Trung Cộng
cho Mỹ vay nhiều quá, nếu đòi hết nợ ngay thì sao? Muốn “đòi nợ” họ chỉ có một
cách là đem bán các công trái Mỹ trên thị trường thế giới. Nhưng hành động đó
không ích lợi.
Khi một món gì được đổ ra bán nhiều quá tức
là món đó ế ẩm, giá xuống thấp. Chính Trung Cộng sẽ thiệt, vì các công trái Mỹ
họ đang bán bị tụt giá! Một hậu quả khác là khi chính phủ Mỹ muốn bán thêm công
trái thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn mới lôi cuốn được nước khác mua. Hệ quả
là lãi suất ở nước Mỹ sẽ tăng lên, có thể làm cho kinh tế Mỹ suy thoái. Nhưng
nước Mỹ mà nghèo đi thì Trung Cộng không có lợi gì, vì dân Mỹ sẽ bớt nhập cảng!
Cho nên Trung Cộng không bao giờ tính đem công trái Mỹ đi bán hàng loạt..
Nhưng nếu nước Mỹ cứ chịu cảnh khiếm hụt
mậu dịch khi mua bán với Trung Quốc thì tiền của Mỹ cứ thế chạy sang bên Tàu,
chẳng phải là thiệt hại cho dân Mỹ hay sao? Phần lớn người ta suy nghĩ giản dị
như thế này: Nước Mỹ nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, chênh lệch tới $620 tỉ, tức
là năm ngoái dân Mỹ đã “bị mất” $620 tỉ cho nước khác, $419 tỉ vào tay người
Tàu!
Nhưng sự thật không phải như vậy. Trong
giao dịch thương mại và tài chánh thế giới, số tiền ra và tiền vào một quốc gia
bao giờ cũng cân bằng. Người Mỹ đem tiền trả cho nước khác khi nhập cảng thì lại
có một dòng tiền từ các nước khác đổ vào nước Mỹ. Dòng tiền vào Mỹ dưới hình thức
cho vay, đầu tư trong chứng khoán, mua bất động sản hoặc các cơ sở làm ăn. Nhiều
người muốn đầu tư vào nước Mỹ chứng tỏ là kinh tế Mỹ mạnh nên hấp dẫn họ!
Tổng Thống Donald Trump đang lạc quan tin
rằng sẽ thỏa hiệp với Chủ Tịch Tập Cận Bình để Trung Cộng mua nhiều thứ của Mỹ
hơn, từ nông sản đến dầu, khí và máy bay. Cam kết này sẽ giúp cho số thâm thủng
mậu dịch của Mỹ giảm bớt, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Nước Mỹ vẫn nhập cảng nhiều,
nếu không mua từ Trung Quốc thì cũng mua của nước khác. Vì khi nào dân Mỹ chưa
tiết kiệm nhiều hơn, bớt tiêu thụ đi, ngân sách chính phủ Mỹ cứ thiếu hụt năm
này qua năm khác, thì nước Mỹ sẽ tiếp tục thâm thủng mậu dịch.
Nhưng mậu dịch khiếm hụt là một thứ “xa xỉ
phẩm” mà chỉ một nước giàu như Mỹ mới được hưởng. Vì kinh tế Mỹ mạnh nên tiền vốn
từ các nước khác đổ vào nước Mỹ. Người Mỹ tiết kiệm ít thì đã có tiền từ các nước
khác bù vào. Người nước khác tiết kiệm nhiều hơn nhưng thiếu cơ hội đầu tư nên
họ đem qua Mỹ.
Dân Trung Quốc bị chính quyền bắt buộc phải
tiết kiệm mà không biết, khi họ được trả lương rất thấp. Những đồng đô la đem
được về nước Tàu nhờ xuất cảng thì được dùng để nuôi bộ máy cai trị của đảng Cộng
Sản, thay vì tăng lương cho công nhân. Trong khi đó, dân Mỹ được trả lương cao
nên tiêu xài thong thả. Số tiền tiết kiệm để đầu tư nếu có thiếu thì đã có người
nước khác đem tới.
Nếu được lựa chọn thì người ta thích làm
dân Mỹ hay dân Tàu?
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.