jeudi 6 décembre 2018

Trung Quốc : Mỗi chương sách giáo khoa phải nhắc đến Tập Cận Bình

Sách của Tập Cận Bình dịch ra nhiều thứ tiếng, được triển lãm tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Thượng Hải ngày 07/11/2018.

Libération hôm nay 05/12/2018 có bài điều tra mang tựa đề « Cần phải nhắc tới Tập Cận Bình trong mỗi chương sách ». Trong các trường đại học Trung Quốc, việc giám sát các giảng viên và sinh viên được tăng cường, dọ thám và tố cáo đã trở thành tiêu chí. Thậm chí các nhà nghiên cứu ngoại quốc và các công trình mang tính quốc tế cũng bị kiểm duyệt.

Mác-xít trở thành mối đe dọa cho chế độ mang danh « cộng sản » Trung Quốc 

Mở đầu bài viết, tờ báo tả lại cảnh mười sinh viên biểu tình trước cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, vào một buổi sáng tháng 11, với biểu ngữ ủng hộ các sinh viên Trùng Khánh. Công an nhanh chóng đến nơi, tịch thu các khẩu hiệu và bắt hai sinh viên. Hôm sau, hơn một chục bạn học của họ, họp lại ngoài giờ học để nghiên cứu lý thuyết của Karl Marx, tìm cách áp dụng trong thực tiễn cho người lao động, đã bị những người mặc thường phục bắt cóc. 

Nghịch lý là ở chỗ lý tưởng mác-xít về đấu tranh giai cấp lại trở thành mối đe dọa cho một chế độ nay chỉ còn là « cộng sản » ở cái tên. Tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trương tư bản theo kiểu cứng rắn nhất, giành độc quyền diễn dịch các lý thuyết của triết gia Đức, lo ngại trước mọi phong trào có thể làm ảnh hưởng đến uy quyền của mình.

Trong tất cả các trường đại học Trung Quốc, các sinh viên mác-xít đều bị theo dõi và có nguy cơ bị trừng phạt. Không chỉ có sinh viên, mà cả các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhân viên hành chính…giới đại học ngày càng trở thành nạn nhân cho sự ám ảnh phải kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Giáo sư Yao Shaozheng bị sa thải vì chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Wang, một giáo sư trẻ tuổi cho biết : « Có các camera trong lớp của tôi. Tôi biết rằng nếu nói điều gì làm chính quyền không vui đều bị ghi âm lại. Tôi tránh tất cả các chủ đề nhạy cảm, có thể bị coi là chỉ trích dù gián tiếp, về ý thức hệ hay về chính quyền. Từ khi tôi bắt đầu giảng dạy cách đây 5 năm, tự do ngày càng thu hẹp, ngày càng có nhiều chủ đề phải tránh né ».

Tài liệu mật số 9 về « Bảy mối nguy phương Tây »

Sự cấm đoán này có nguồn gốc từ « Tài liệu mật số 9 » dành riêng cho đảng viên, được nhà báo Cao Du (Gao Yu) – hiện đang ở tù - tiết lộ năm 2013. Văn bản trên định nghĩa « Bảy mối nguy phương Tây » : nhân quyền, dân chủ lập hiến, tự do báo chí, xã hội dân sự, chỉ trích những sai lầm của đảng, chủ nghĩa tư bản và độc lập tư pháp. Các trường đại học được lệnh không đề cập đến những chủ đề này, và các giáo sư được triệu tập đi họp, chỉ đạo đường hướng chính trị phải theo : « Tư tưởng Tập Cận Bình ».

Nếu không chấp hành sẽ phải trả giá : hồi tháng Năm, Zhai Juhong, giáo sư khoa kinh tế và luật ở đại học Trung Nam (Zhongnan) đã bị ngưng công tác, sau khi cho thảo luận trong giờ học về việc sửa đổi Hiến pháp để Tập Cận Bình có thể làm chủ tịch suốt đời.
Ông Liu, giảng viên ở Bắc Kinh thổ lộ : « Hồi tôi còn là sinh viên trong thập niên 80, các thầy cô có thể chỉ trích chính phủ, đấu tranh cho nhân quyền. Ngày nay thì không thể mơ nổi, nhiều giảng viên đã bị kỷ luật », cho rằng « xã hội Trung Quốc hiện nay giống như thời Liên Xô cũ ». Ông từ chối cho số liên lạc của các đồng nghiệp có tinh thần độc lập, vì dọ thám, tố cáo và kiểm duyệt nay đã trở thành tiêu chí trong các trường đại học. 

Hệ thống giám sát ở các trường đại học Trung Quốc.
Sinh viên làm mật thám trong nhà trường

Axel, một giảng viên người châu Âu cho biết có từ ba đến năm camera trong mỗi giảng đường. « Trong nhóm thảo luận kín WeChat của chúng tôi, một đồng nghiệp chỉ nhắc đến một nữ sinh viên vừa phàn nàn nhưng không nói tên, nhưng hôm sau anh này đã bị bí thư chi bộ gọi lên yêu cầu tố cáo ». Giáo sư Yi thì than phiền rất thích trò chuyện với sinh viên, nhưng nay phải cảnh giác.

Hồi tháng 11, trường đại học công nghệ Quế Lâm (Guilin) đòi kiểm soát tất cả điện thoại, máy tính và USB của trường. Chính quyền Trùng Khánh úp mở cho biết sắp tới các thí sinh sẽ được « điều tra về chính trị » - gợi nhớ đến thời Mao, khi những người « lý lịch xấu » không được vào học.

South China Morning Post tiết lộ : « Sau khi phổ biến ‘Tài liệu số 9’, các trường đại học bèn tuyển mộ các tay chỉ điểm trong số sinh viên, hàng tuần phải báo cáo về những ý kiến bất thường, nội dung bài giảng, thái độ trong lớp học ». Hồi tháng 10, hiệu phó trường đại học Thông tin Chiết Giang (Zhejiang) đã bị đảng bộ địa phương « nghiêm khắc cảnh cáo » vì phê bình sinh viên « theo sách giáo khoa một cách mù quáng mà không có tinh thần phản biện ».

Mỗi chương sách giáo khoa phải nhắc đến « Tư tưởng Tập Cận Bình » 

Giáo sư Yi cho biết mỗi lần lên lớp đều phải mang theo một cuốn sách mác-xít, để hẳn lên bàn. Nhiều thầy cô đã nghĩ đến việc ra nước ngoài. Nữ giáo sư Wang thì đã dứt khoát chọn lựa : « Những ai chịu đề cao ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ thì bài viết được đăng trên những tạp chí danh giá. Tôi thì từ chối dẫn ra trong bài giảng, nhưng nếu một ngày nào đó người ta đòi hỏi điều này, tôi sẽ giải nghệ ».

Axel nói thêm : « Từ nay trong khoa tôi, trong mỗi chương sách đều phải nhắc đến chủ nghĩa mác-xít và tư tưởng Tập Cận Bình, với những câu đại loại như ‘Chủ nghĩa Mác-Lê chữa lành mọi chứng bệnh’. Các đồng nghiệp người Hoa đang lo lắng về uy tín của họ đối với quốc tế ».
 
Chloé Froissart, giảng viên trường đại học Rennes-II của Pháp, vừa trở về sau bốn năm làm việc tại đại học Thanh Hoa giải thích, nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc bị thu hút trước nguồn tài trợ phong phú của Bắc Kinh. Nhưng họ phải theo ý thức hệ của chế độ, nếu không phải nghiên cứu thuần về kỹ thuật, bỏ qua các vấn đề chính trị. Tất cả các báo cáo đều được duyệt kỹ. « Do không biết chính xác những gì bị cấm, nên chúng tôi đành làm việc về những chủ đề rất hẹp để tránh kiểm duyệt ».
 
Việc tự kiểm duyệt không chỉ trong Hoa lục mà còn lan ra cả Hồng Kông, châu Âu, Hoa Kỳ : sợ không được cấp lại visa, mất đi môi trường nghiên cứu, không ít người khi được phỏng vấn đã tránh chỉ trích Bắc Kinh. Đôi khi vì lý do thương mại, các nhà xuất bản tự cầm lấy chiếc kéo kiểm duyệt, như Cambridge University, Springer.
Cổng vào trường đại học Bắc Kinh.
Công khai đàn áp

Trong những tháng gần đây, đàn áp đã tăng lên, không cần phải giữ gìn. Hồi tháng Tám, một giáo sư về hưu ở Sơn Đông khi đang trả lời điện thoại một đài phát thanh Mỹ, thì công an đã xuất hiện, cắt ngay lập tức cuộc phỏng vấn, và đến nay không biết số phận ông ra sao. Tháng 11, hai nhà trí thức được mời tham gia bàn tròn của Havard « Trung Quốc, 40 năm sau mở cửa », đã bị chận không cho lên máy bay, tuy họ không hề là nhà ly khai, mà chỉ là những người có tư tưởng tự do, không theo đường lối chỉ đạo của đảng.

Tất cả những giảng viên được Libération phỏng vấn đều cho biết đa số sinh viên Trung Quốc ngày nay là « phi chính trị », « quan tâm đến tiền bạc và giải trí hơn là ý thức hệ ». Nhưng cũng có một số rất nhỏ muốn đấu tranh cho các quyền của mình. Còn thầy cô giáo, theo Chloé Froissart, nhiều người chỉ tuân thủ ngoài mặt để tự vệ, « không thể ngăn được người ta suy nghĩ ».

Khi đè bẹp mọi khả năng biểu đạt, Tập Cận Bình nhận lấy rủi ro là sự phẫn nộ âm thầm sôi sục. Dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ nhận ra sự dễ tổn thương của quyền lực tuyệt đối, là tăng cường cưỡng bức và tuyên truyền. Sắp bước qua năm 2019, một cựu quan chức Bộ Nội vụ đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh danh giá. Tại đây, cách đúng một thế kỷ, đã nổ ra cuộc cách mạng Ngũ Tứ của sinh viên ngày 4 tháng Năm năm 1919, và đến năm 1989 là cuộc nổi dậy Thiên An Môn.

Hoàng Chi Phong, chủ tịch đảng Demosisto, Hồng Kông.
Hoàng Chi Phong : Bắc Kinh trấn áp dân chủ Hồng Kông 

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trả lời phỏng vấn nhật báo công giáo La Croix, lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), chủ tịch đảng Demosisto nhấn mạnh « Bắc Kinh đàn áp những người dân chủ Hồng Kông ». 

Hoàng Chi Phong cho biết sau khi bị tù ba tháng vì tham gia phong trào Dù vàng, anh đã được thả sau khi đóng tiền thế chân vào đầu năm 2018, nhưng bị tịch thu hộ chiếu. Anh không thể đến Washington để nhận giải thưởng Lantos về nhân quyền vừa được trao. Hiện có 30 nhà hoạt động đang bị giam giữ, và Hoàng Chi Phong lo ngại sẽ bị kết án vào tháng 4/2019, khiến anh bị loại hẳn khỏi đời sống chính trị. Đảng Demosisto (Dân chủ & Kháng cự) không đòi độc lập cho Hồng Kông, nhưng cũng có nguy cơ bị cấm hoạt động như đảng Quốc Gia mới đây. 

« Áo Vàng » : Tựa chính của tất cả báo Pháp

« Áo Vàng » (Gilets Jaunes), đó là chủ đề chiếm trang nhất và rất nhiều trang trong của tất cả các báo Pháp hôm nay.

Trang nhất của Libération đăng ảnh tổng thống và thủ tướng Pháp, với tựa đề : « Lùi bước » (En marche arrière) hàm ý mỉa mai đảng của ông Emmanuel Macron (En marche, tức Tiến bước). Sau ba tuần lễ đấu tranh kèm theo bạo lực, rốt cuộc chính quyền đã loan báo nhiều nhượng bộ, nhưng chưa chắc có thể làm dịu đi cơn giận dữ của những người Áo Vàng. 

Tương tự, Le Figaro nhận định « Chính quyền dịu giọng, Áo Vàng dấn tới » : động thái hôm qua hiện chưa đủ để phong trào phản kháng chùn chân. Le Monde chạy tựa trang nhất « Áo Vàng : Macron và Philippe thụt lùi », đăng ảnh các thành viên chính phủ Pháp đang họp với khuôn mặt đầy đăm chiêu. Les Echos nhận xét « Chính quyền đặt cược để ra khỏi khủng hoảng » và nhấn mạnh nên « Nhượng bộ để cứu vãn những gì cốt yếu ». 

Le Figaro dành đến 9 trang lớn bên trong, Libération 7 trang, Le Monde 6 trang…chưa kể những bài diễn đàn, để phân tích đủ mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng. Riêng La Croix phỏng vấn tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT. Ông Laurent Berger hoan nghênh ý hướng đối thoại, nhưng cũng cảnh báo một trò chơi đã thấy trước thất bại. 

Sự cô đơn của « hoàng đế » Macron trong cơn lốc Áo Vàng

Trong bài « Boomerang của sự nghi ngờ » đăng trên trang Ý kiến của Le Monde, tác giả Gérard Courtois nhắc nhở, cách đây 18 tháng, ông Emmanuel Macron đã « xóa bài » làm lại chính trường nước Pháp từ đầu ; các đảng phái truyền thống phải « ra rìa ». Điều hành theo chiều thẳng đứng, nhanh chóng, hiệu quả, đó là chủ trương của nhiệm kỳ tân tổng thống. Macron tin rằng sự cai trị thông minh của ông hoàng trẻ tuổi đủ để giải giáp những người kháng cự, thu phục người ủng hộ. Nay những người Áo Vàng lại muốn xóa đi tất cả : không công nhận quyền lực của ông, thậm chí còn đòi Macron từ chức. Đối với Emmanuel Macron, tác động boomerang là khủng khiếp.

Đương kim tổng thống không phải là người duy nhất bị chống đối. Tượng De Gaulle từng bị đập trong thời kỳ cách mạng Tháng Năm 1968 (Mai 1968). Năm 1981, Valérie Giscard d’Estaing rời điện Elysée dưới những lời xỉ vả, và trong cuộc khủng hoảng tư thục năm 1984, François Mitterrand là người bị ghét nhất nước Pháp. Nicolas Sarkozy cũng từng bị ghét cay ghét đắng, François Hollande bị đả kích dữ dội.

Nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm, ngay cả lúc ở trung tâm cơn lốc xoáy, vẫn có được sự hỗ trợ của phe mình : các đảng chính trị kinh nghiệm, các đại biểu cắm rễ sâu trong dân chúng, các bộ trưởng đầy kinh nghiệm…Còn Macron khác hẳn : một đảng lơ lửng trên mặt đất, dân biểu lần đầu bước vào Quốc hội, chính phủ ít kinh nghiệm và các nghiệp đoàn đứng ngoài lề, thiếu vắng một cơ chế trung gian để đối thoại. Nhà vua đang « trần trụi », quá đơn côi, quá dễ tổn thương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-trung-quoc-moi-chuong-sach-giao-khoa-phai-nhac-den-tap-can-binh 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.