Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis (trái) và Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Win McNamee/Getty Images) |
(Người Việt 21/12/2018) Mỗi lần chỉ số thị trường chứng khoán lên cao, Tổng
Thống Donald Trump thường nêu ra như một thành tích lãnh đạo của ông. Tuần qua
ông Trump không nói gì cả. Chỉ số Dow Jones mất 1,665 điểm, tụt 6.8%. S&P
500 mất 12% từ đầu tháng.
Nasdaq
mất 8.3 % trong tuần, và tụt 22% kể từ lúc lên cao nhất vào Tháng Tám năm
ngoái. Trong ngày Thứ Sáu, có hơn 12 tỉ cổ phiếu đổi chủ trên các thị trường ở
Mỹ, con số cao nhất từ hai năm qua.
Người
ta có thể hiểu được tại sao thị trường xuống vào đầu tuần lễ. Một lý do là cuộc
chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn đe dọa khó ngưng; lý do thứ
hai là Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang (Fed) tăng lãi suất trong ngày Thứ Tư. Khi lãi
suất lên, các hoạt động kinh tế sẽ giảm.
Nhưng
tại sao hai ngày chót, Thứ Năm và Thứ Sáu, thị trường cũng lên xuống náo động
rồi tới cuối ngày thì tụt giảm?
Lý
do chính là các nhà đầu tư lo những rủi ro chính trị: Chính phủ có thể phải
đóng cửa, mà Tổng Thống Trump đoán sẽ rất lâu; rồi ông Trump bất ngờ tuyên bố
rút quân khỏi Syria, giảm nửa số quân ở Afghanistan, khiến Bộ Trưởng Quốc Phòng
Jim Mattis đệ đơn từ chức. Tướng Mattis là nhân vật thứ tư trong chính quyền
Trump từ chức trong hai tháng qua.
Quyết
định của ông Trump thật bất ngờ, mặc dù ông đã nói chuyện rút quân từ khi vận
động tranh cử năm 2016. Vì ông không báo trước và không tham khảo ý kiến những
người liên hệ chung quanh ông: Tướng Mattis và Tướng Joseph Dunford, tham mưu
trưởng Liên Quân, cũng như giới lãnh đạo ở Bộ Ngoại Giao và cả Cố Vấn An Ninh
John Bolton, không ai biết gì cả.
Ba
tháng trước, ông Bolton mới nói rằng quân đội Mỹ ở Syria sẽ có thêm nhiệm vụ
mới. “Mục tiêu không phải chỉ là đánh bại
quân IS nhưng còn đòi quân đội Iran phải rút khỏi xứ này.” Ngày Thứ Hai vừa
qua, ông James Jeffrey, sứ giả Mỹ ở Syria mới tuyên bố rằng chính phủ Mỹ không
rút quân ở Syria trước khi quân ISIS bị tiêu diệt, ngăn chặn được ảnh hưởng của
Iran, và đạt một giải pháp chính trị cho xứ này.
Về
điều kiện thứ nhất, ông Trump tuyên bố rằng lực lượng ISIS đã bị tiêu diệt, nên
ông rút quân về. Nhưng các nhà phân tích quân sự Mỹ ước tính hiện nay còn
khoảng từ 20,000 đến 30,000 quân ISIS đang hoạt động, phần lớn trong bóng tối.
Con số đó cũng ngang với số quân khủng bố ISIS vào năm 2014, theo cơ quan tình
báo CIA.
Còn
hai điều kiện khác chắc chắn chưa đạt được điều nào. Hai nước được lợi nhất nhờ
quyết định rút quân của ông Trump là Nga và Iran. Họ sẽ tha hồ thao túng với
địa vị mới ở Trung Đông; sẽ hỗ trợ chính quyền khát máu của Bashar al-Assad. Sẽ
không có một “giải pháp chính trị”
nào khác; Assad sẽ nắm độc quyền cai trị như trước năm 2011 dưới sự bảo trợ của
Iran. Những lực lượng chống Assad và cũng đánh quân ISIS ở Syria sẽ bị Assad
tiêu diệt, với sự hỗ trợ của không quân Nga và các “cố vấn” Iran; hoặc họ phải
điều đình chịu thua
Thông thường, trước khi rút quân ở đâu, chính phủ Mỹ thường dùng
hành động đó như một quân bài để mặc cả với phe đối nghịch. Nhưng Tổng Thống
Trump đã bỏ qua không dùng việc rút quân
từ Syria để trao đổi với Nga, Iran và Assad, buộc họ phải nhượng bộ, chấp nhận
các yêu cầu của Mỹ. Từ lâu, các chính phủ Mỹ vẫn bảo vệ các lực lượng thân Mỹ ở
Syria, được các nước Ả Rập ủng hộ. Nay, những người này bị bỏ rơi đột ngột.
Nhóm
dân ở Syria bị phản bội nặng nề nhất là người Kurd. Dân tộc này vẫn sống rải
rác ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Syria, Nga, vân vân; ở đâu họ cũng bị
nghi ngờ và kỳ thị. Các chính phủ Mỹ từ nửa thế kỷ nay vẫn hỗ trợ người Kurd
khi họ chống các chế độ độc tài Iraq, Syria, Iran và Nga.
Năm
2015, người Kurd ở Syria bắt đầu cộng tác với Mỹ đánh ISIS, thành lập Lực Lượng
Dân Chủ Syria (Syrian Democratic Forces, SDF) trong đó hơn một nửa là những
người Syria gốc Ả Rập. Sau khi Tổng Thống Trump cầm quyền, lực lượng SDF này
vẫn đánh ISIS những đòn chí tử, đuổi quân khủng bố, chiếm lại một phần ba lãnh
thổ Syria. Nhưng quân Kurd bị cả chính quyền Assad và quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh quân SDF vì lo ngại nếu họ mạnh lên họ sẽ
giúp người Kurd ở xứ Thổ đòi tự trị.
Trong
tình trạng tứ diện thụ địch đó quân Kurd vẫn tiếp tục đương đầu với ISIS; mà
bây giờ ISIS đã rút vào các chiến thuật du kích, ôm bom khủng bố, ám sát, vân
vân. Kể từ Tháng Chín, trong ba tháng quân ISIS đã hạ sát 500 quân thuộc lực
lượng SDF.
Sau
khi Tổng Thống Trump tuyên bố rút quân, người Kurd ở Syria đã phải tìm đường
thương thảo với chính quyền Assad để khỏi bị đánh cả hai, ba mặt. Họ đưa ra một
món hàng trao đổi, là trao hơn 1,000 tù binh quân ISIS cùng 2,000 cha mẹ vợ con
họ cho Assad.
Nhưng
không phải chỉ có những lực lượng thân Mỹ ở Syria bị bất ngờ trước quyết định
của ông Trump. Những đồng minh của Mỹ ở Âu châu như Anh, Pháp, Israel và các
nước Á Rập trong vùng cũng không hề được báo trước, không nói đến tham khảo,
khi ông Trump công bố quyết định của mình. Nước Mỹ có nhiều đồng minh ở Trung
Đông, bây giờ họ sẽ tự hỏi có thể tin tưởng vào những gì ràng buộc họ với Mỹ
hay không.
Trong
bức thư từ nhiệm, Tướng Mattis đã ca ngợi sự hợp tác của 74 quốc gia đóng góp
nhân lực và vũ khí đánh quân ISIS trong những năm qua, ông đặc biệt nói đến
khối NATO. Ông Mattis nói thẳng rằng ông từ chức bộ trưởng quốc phòng vì bất đồng quan điểm với ông tổng thống – mặc dù ông
Trump chỉ nói rằng ông Mattis sẽ “nghỉ
hưu.”
Ông
Mattis nêu rõ trong thư từ chức rằng nước Mỹ cần liên
minh quân sự với các nước dân chủ tự do khác, vì quyền lợi của chính mình,
để bảo vệ an ninh cho chính người dân Mỹ. Và ông cũng nói nước Mỹ phải “quyết liệt đối với những quốc gia đối
nghịch.” Ông nêu rõ tên hai nước Nga và Trung Quốc,
“họ muốn xếp đặt thế giới theo mô hình
độc tài của họ… để củng cố quyền lợi riêng của họ, gây thiệt hại cho lân bang,
cho nước Mỹ và đồng minh của Mỹ.”
Đó
là điểm bất đồng quan trọng nhất khiến ông Jim Mattis không thể tiếp tục ngồi
chung với ông Trump. Tổng Thống Donald Trump đã nhiều lần ca ngợi các ông
Vladimir Putin, Tập Cận Bình và cả Kim Jong Un, coi họ như những nhà lãnh đạo
quốc gia lỗi lạc. Trong khi đó ông luôn luôn chỉ trích các người cầm đầu chính
phủ Đức, Anh, Canada hoặc Pháp. Nhiều người thấy Trump hăng hái đưa quân đội đi
bắt giam di dân ở biên giới Mexico hơn là đi đối đầu với Nga, Trung Cộng và Bắc
Hàn!
Quyết
định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Tổng Thống Trump bị cả các nhà
chính trị đảng Cộng Hòa phản đối, như các Nghị Sĩ Lindsey Graham, Mitch
McConnell, cựu ứng cử viên tổng thống Mitt Romney. Nghị Sĩ Marco Rubio công
nhận, lá thư của Tướng Mattis “cho thấy
rõ ràng chúng ta đang phạm những lỗi lầm nghiêm trọng làm hại cho quốc gia, phá
hoại liên minh với các nước khác, và làm cho các nước thù nghịch thế mạnh hơn.”
Sau
khi Tướng Mattis từ chức, Lãnh Tụ Khối Dân Chủ ở Thượng Viện, Nghị Sĩ Chuck
Schumer nhận xét, “chính quyền này đang
hỗn loạn.” Nhật báo Wall Street Journal, tờ báo lớn nhất ủng hộ đảng Cộng
Hòa, nói nhẹ hơn, gọi các hành động của Tổng Thống Trump là “thất thường” (erratic actions) và ví
ông như một con bò mộng dữ dội, hoặc nặng hơn, điên dại (a raging bull).
Quyết
định rút quân của Tổng Thống Trump được một người ca ngợi hết lời ngay tức khắc
là Tổng Thống Nga Putin. Ông khen ông Trump quyết định đúng. Chính quyền Iran
tỏ ra dè dặt, muốn chờ xem chuyện gì cụ thể sẽ diễn ra. Các lãnh tụ Taliban ở
Afghanistan cũng vậy, nhưng các mạng xã hội của quân Taliban thì nổi lên những
lời ca ngợi chiến thắng. Họ quả quyết rằng Mỹ đã thua trận, sẽ phải rút về.
Hiện nay Mỹ và Taliban đang hội đàm để tìm một giải pháp chính trị với chính
phủ Afghanistan. Nhưng bây giờ không biết Taliban còn muốn ngồi nói chuyện nữa
hay không.
Nhật
báo Wall Street Journal viết những lời có thể dùng để kết luận câu chuyện này: “Những người lính có bổn phận phải tuân lời
cấp chỉ huy và thi hành những mệnh lệnh hợp pháp. Nhưng (quân đội) thành công
hay không tùy thuộc vào lòng tin tưởng của binh sĩ rằng người lãnh đạo họ biết
mình đang làm gì và muốn đi tới đâu.”
“Đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn cho
người lính ngoài mặt trận, như ông Trump và chính quyền ông đang làm, không
những làm mất tinh thần binh sĩ và các lực
lượng đồng minh như người Kurds, mà còn có thể khiến cho các binh sĩ Mỹ bị giết
hoặc bị thương trong khi đang có thực hiện những mục tiêu mà chính những người
chỉ huy họ đã từ bỏ.”
Có
lẽ mối lo lắng của tờ Wall Street Journal còn lớn hơn những rủi ro kinh tế đang
đe dọa thị trường chứng khoán. Giới đầu tư có lúc cũng tự hỏi: Cứ như vầy, rồi nước Mỹ sẽ đi đâu?
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.