Một ngôi chợ bỏ hoang, chỉ có gia súc vào trú nắng mưa. |
(VnExpress
06/11/2018) Đó là một xã miền núi chỉ có khoảng 1.000 hộ
dân. Trung tâm xã chỉ có mấy dãy nhà gạch trải vài trăm mét quanh trụ sở ủy
ban, đều đã tróc màu vôi từ lâu. Bốn phía là những sườn đồi thoải, ruộng lúa,
ngô và sắn.
Bạn gõ
cửa nhà chủ tịch xã để hỏi chuyện. Căn nhà nhỏ, trần thấp, tường vôi đã xước, đồ
đạc đơn sơ. Một chiếc máy khâu dựng trước cửa, giường kê ngay trong gian chính,
sát bộ bàn ghế và cái tủ ly kiểu cũ.
Trong
căn nhà tuềnh toàng đó, bạn cảm nhận được một đặc tính quan trọng của những cộng
đồng như thế này: dân cư của nó, đều sẽ là “người làng”, không phân biệt là
nông dân, thợ nề, hay là một ông có ghế trong cái trụ sở ủy ban đằng kia. Người
làng sống rất gần nhau, thấu hiểu và chia sẻ.
“Bây
giờ độ tuổi dân số vàng cũng sắp qua rồi” - ông chủ tịch xã bắt
đầu nói chuyện trong làng - “Nếu người ta muốn đẻ thì nên để họ đẻ, cũng là
tạo ra thêm lực lượng lao động để làm ra của cải vật chất sau này”. Ông
đang nói chuyện sinh con thứ ba, với một dáng vẻ phân trần.
Đó có
thể là một cuộc thảo luận bình thường. Chính sách mỗi gia đình chỉ sinh hai con
đang được xét lại ở quy mô quốc gia, với những đề xuất điều chỉnh linh hoạt từ
chính ngành dân số. Khăng khăng rằng mỗi gia đình chỉ nên sinh hai con, đang được
chỉ ra là có nhiều điểm thiếu thực tế. Xã của ông chủ tịch có mức thu nhập bình
quân tốt so với mặt bằng huyện, và ông muốn gia đình nào nuôi được, có nguyện vọng
sinh thêm con thì để họ sinh. Ông là “người làng”. Ông hiểu chuyện dưới các mái
nhà.
Nhưng
chuyện không bình thường ở đây: nếu có cán bộ sinh con thứ ba, thì cấp chính
quyền của ông không còn “trong sạch, vững mạnh”.
Cặp
khái niệm “trong sạch, vững mạnh” là một trong những kim chỉ nam quan trọng
nhất của cấp chính quyền cơ sở. Và ở mỗi địa phương, “trong sạch, vững mạnh”
được cụ thể hóa bằng các bộ tiêu chí rành rọt.
Ở đâu
đó, người ta kể cho nhau nghe về những vị lãnh đạo dùng thủ đoạn cấm cấp dưới
sinh đẻ, để bảo vệ vị trí của mình. Họ có thể không làm việc đó vì niềm tin cá
nhân: họ chịu một bộ tiêu chí áp từ trên xuống.
Bản
thân hai từ “trong sạch, vững mạnh” mang một nội hàm tốt đẹp. Nhân dân
nào cũng mong có một cấp chính quyền như thế. Khi chính quyền gạch đầu dòng ra,
rằng trong sạch vững mạnh là gì, thì cũng có nhiều tiêu chí thực sự tốt. Nhưng
phần lớn các bộ tiêu chí, nếu không nói rằng tất cả, đều có một đặc tính quan
trọng: chúng đề cao sự tuân lệnh.
Sự đề
cao tuân lệnh thể hiện ở các con số cứng. Ví dụ, trong tiêu chí “trong sạch,
vững mạnh” của một tỉnh nghèo nhất nước, người ta bắt gặp đòi hỏi: “Hàng
năm huy động được từ 85% đến 100% hộ gia đình trong xã tự nguyện đóng góp để
xây dựng, tu sửa các tuyến đường nội xã”, thì sẽ được điểm tối đa.
Ở đây,
có mâu thuẫn giữa “tự nguyện” trong dân - đến từ sức mạnh nội tại của cộng
đồng; và khuyến khích “huy động” có chấm điểm của cấp trên - đến từ áp lực
chính trị. Ta có thể đặt câu hỏi rằng làm sao để tránh được bệnh hình thức, bệnh
duy ý chí, bệnh quan liêu với cái mâu thuẫn này?
Nếu một
xã có 30% hộ nghèo thì chính quyền xã phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là tìm
ra cách huy động tiền “tự nguyện đóng góp” từ một nửa số hộ nghèo, hoặc
là đứng trước nguy cơ “không trong sạch, vững mạnh”. Bất kể trong năm
đó, họ đã cố gắng cải thiện đời sống nhân dân tới đâu.
Các tỉ
lệ cứng có thể sẽ phát huy hiệu quả tốt nếu tuyệt đối hóa tỉ lệ trẻ đến trường,
tỉ lệ trẻ tiêm chủng, tỉ lệ xóa phòng học tranh tre,... để làm mục tiêu phấn đấu.
Nhưng không phải tất cả.
Ví dụ
khác, để đạt chuẩn trong sạch vững mạnh thì cơ sở nên có “85% số vụ hòa giải
thành công”. Nhưng người dân tiến hành các vụ kiện dân sự cũng đâu có gì là
sai, sao chính quyền cứ khăng khăng bắt hòa giải, đạt tỉ lệ hòa giải cao thì có
thật sự xóa đi mâu thuẫn không? Hoặc trong thực tế, đã có tiêu chí ngăn sinh
con thứ ba rồi, xác định "75% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng
biện pháp tránh thai" như thế nào và để làm gì?
Sự đề
cao tuân lệnh còn thể hiện ở nội hàm không thương lượng. Trong số các tiêu chí
của “trong sạch, vững mạnh” ở khắp nơi, không tìm thấy nơi nào chấm điểm
cho việc chính quyền cấp dưới phản biện cấp trên, chủ động đề xuất thay đổi. Hầu
hết khẳng định rằng nếu không hoàn thiện nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết cấp
trên giao thì khỏi xét “trong sạch, vững mạnh”.
Các
nghị quyết được cấp trên ban hành hàng năm, thậm chí từng giai đoạn 5 năm.
Trong khi cuộc sống vận hành từng ngày, và ở một nét nghĩa rộng, thì sự vững mạnh
của một cấp chính quyền phải là hiểu được đòi hỏi thực tiễn của người dân, thậm
chí là thay mặt nhân dân phản biện lại cấp trên. Nhưng nguyên tắc không xét đến
điều đó.
Nguy
cơ duy ý chí của nhiều tiêu chí “trong sạch, vững mạnh” khiến cho nó rời
xa ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của ngôn ngữ, mà trở thành những kết quả có tính
hình thức. Thay vì “vững mạnh” với tư cách một thể chế dân chủ, thì người
ta được khuyến khích “vững mạnh” trong tư cách những cỗ máy tuân lệnh.
Và rồi nó có thể trở thành lời chót lưỡi, dân nghe đến “trong sạch, vững mạnh”
không thấy vào tai nữa.
Ở cái
xã miền núi chớm đủ ăn ấy, người ta xây một cái chợ to. Một cái chợ mang định mệnh
sắp đặt từ trước khi xây, là sẽ không có ai vào buôn bán. Vì cách đấy một cây số
đã có đến hai cái chợ hoạt động lâu năm rồi. Bây giờ chợ xã trông như một bãi
phế liệu, vắng lặng và buồn bã.
Lý do
để xây chợ, thì chỉ có một: để hoàn thành chương trình quốc gia về nông thôn mới.
Nông thôn mới một thời đòi hỏi mỗi xã phải có một cái chợ. Mà không thực hiện
được nhiệm vụ chính trị về nông thôn mới, thì không trong sạch vững mạnh.
Nhờ
vào nghị quyết của cấp trên, xây lên một cái chợ hoang phế, không người buôn
bán, sẽ được công nhận là “trong sạch vững mạnh”.
Ông chủ
tịch xã đã quyết định xây chợ, có lẽ vì nó dễ hơn là cản đồng chí của mình sinh
con thứ ba.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.