samedi 22 décembre 2018

Nguyễn Hữu Nghĩa - Qua mặt không thèm bóp kèn



Chắc bạn nghe quen với thành ngữ này? Khi lái xe, muốn qua mặt xe khác phải bóp còi là hành vi lịch sự và đúng luật chứ sao? 

Quả vậy, nhưng đó là bên Tây và theo luật giao thông Việt Nam thời trước (bây giờ ra sao tôi không biết và cũng không có ý tìm hiểu). Chẳng những phải bóp kèn mà lại phải bóp hai lần, lần đầu để xin phép qua mặt và lần sau là để cảm ơn, khi qua mặt xong. 

Mấy ông tây bà đầm thật lịch sự dễ thương; nhưng luật giao thông ở Canada và Mỹ không đòi hỏi như vậy. Ai có thói quen bóp còi nên cẩn thận. Thiên hạ bên này (trừ Québec) không thích tiếng còi.

Bóp một tiếng thật ngắn, là lưu ý, nhắc nhở. Đèn xanh bật khá lâu rồi mà bác tài phía trước cứ ỳ ra đó. Nhắc.

Bóp một tiếng hơi dài, là cảnh cáo. Lăn bánh đi, thằng nỡm!

Bóp một tràng hay một tiếng thật dài, là chửi, gần ngang với giơ ngón tay giữa lên. Người lịch sự và hòa nhã không ai làm thế, vì tới đó là có thể có “road rage”, chặn đầu nhau uýnh lộn hay khoe chó lửa, nếu ở Mỹ.

Lái xe trên xứ người đã 40 năm, tôi bóp kèn đã khá nhiều, nhưng chỉ mấy năm đầu, khi còn là một chàng thanh niên xanh tóc, và nhất là lúc chưa bị vác …đít ra tòa vì nghịch với cái còi xe hơi.

Hôm đó đẹp trời, lái xe xuống phố chơi. Đang đi ngon lành, dòng xe giao thông chậm hẳn lại một cách bất thường, khó chịu. Các bác tài phía trước lần lượt chớp đèn, đổi qua làn bên trái. Tôi trờ tới, bắt gặp một cô cảnh sát đang đi tuần bằng ngựa. Con ngựa thồ xứ này thấp hơn con… voi một tí, vừa đi vừa nhún, hai cái mông núng na núng nín coi rất xét-xy. 

Ngắm cặp mông thỗn thện một lúc rồi chán, tôi thò tay bóp còi một tiếng rõ to, vọng lại inh ỏi giữa hai dãy cao ốc hai bên. Con ngựa giật mình, chồm lên hất cô cảnh sát xuống đất cái bịch. Chắc là đau vì cô đi cà nhắc, khập khiễng tiến lại, và chắc là vừa mắc cỡ vừa giận nên mặt cô tím đen. Cô hỏi bằng lái, thẻ chủ quyền và giấy bảo hiểm rồi rút sổ ra biên phạt về tội “bóp còi không cần thiết gây trở ngại cho nhân viên đang thi hành công vụ”.

Tất nhiên là tôi chọn ra tòa chứ không nộp phạt về cái tội không hề có trong bộ luật giao thông.

Ba tháng sau ra tòa. Bước vào phòng xử thấy mụ tòa gầy tong teo như con mắm, mặt mày nhăn nhó như cả tuần quên uống thuốc trị táo bón. Tôi ngán ngẩm thở ra. Mà quả vậy. Sau khi nghe (hay không hề nghe) hai bên trình bày, mụ chuẩn y giấy phạt và gõ búa cái cộp, gọi vụ kế.

Đã trót thì trét, tôi nộp đơn kháng cáo, vì luật cho phép kháng cáo một lần.

Thêm ba tháng nữa, lại ra tòa. Lần này gặp một lão chánh án má đỏ môi hồng như ông già Noel đang lên cơn… cao máu. Tôi hùng hồn tranh biện, nào thì là trong luật giao thông Ontario không có điều nào nói thế nào là “bóp kèn không cần thiết” như tội danh tôi bị cáo buộc. Nào là con ngựa ấy chưa được huấn luyện thuần thục để đi tuần trong phố xá đông đúc và ồn ào, muốn chồm thì chồm thì không được. Nào là cô cảnh sát ấy cưỡi ngựa chưa rành, hễ ngựa chồm thì té thì nên …tập lại. Hôm đó tôi vận đỏ, nói tới đâu thấy ông tòa đẹp lão gật gật cái đầu tới đó, tôi khoái tỉ. 

Nhưng, đã xong đâu! Đợi tôi nói xong, ổng ra dấu gọi tôi lại gần hỏi hỏi nhỏ: “Nếu người cưỡi ngựa hôm đó là một cảnh sát phái nam, liệu ông có bóp kèn không?”
 
Quả là một “good question!” Một câu hỏi rất khó trả lời! Không lường được hậu quả nếu nói thật nên tôi lăng ba vi bộ, bên này người ta nói là dancing around. Tôi thưa rằng vì con ngựa cao quá, tôi lái cái Miata nhỏ xíu và thấp chũm, đi sau nó tôi chỉ thấy cặp mông đồ sộ ngoài ra không thấy rõ người cưỡi. Chắc vì hình ảnh cặp mông vĩ đại của con ngựa (hay của người cưỡi?) mà lão tòa phải mím môi cố giấu nụ cười rồi bảo cô cảnh sát: “Cô và con ngựa về trại tập lại. Tòa hủy bỏ giấy phạt.”

Dù không phải nộp phạt nhưng từ đó trở đi mỗi lần định bóp kèn, tôi lại thôi. Mất hai buổi làm vì chuyện không đâu, cũng nên chừa đi chớ!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.