vendredi 29 juin 2018

Vũ Thư Hiên - Nghĩ lan man về đất



"Đường làng quê tôi". Ảnh Hồng Trọng Mâu

1
Hồi tôi còn rất nhỏ, khi nắng chiều bắt đầu dịu thì bà chị cả của cha tôi mà tôi gọi bằng cô, liền gọi tôi ra giẫy cỏ ở sân trước. Cỏ mọc nhanh lắm, vừa giẫy xong chỗ này nó đã mọc lên chỗ khác, thành thử ngày nào cũng phải giẫy. Giẫy cỏ vào những ngày hanh dễ, đất khô, chép mai đưa tới đâu sạch tới đó. Nhưng vào đận mưa phùn liên miên, lúc đầu xuân hay trong mùa rươi, rễ cỏ gà đã dài lại bám sâu, giũi một túm cỏ thì lôi cả vầng đất lên theo. Những ngày như thế cô tôi phẩy tay, không giũi nữa.

Không phải bà lười, không phải bà mệt, mà là bà tiếc đất. Bà lo còn mưa, đất bị trôi đi. Ngay trong những ngày nắng ráo, khi giũi xong, bao giờ cô tôi cũng rũ từng nhúm cỏ cho tới khi không còn đất bám mới thôi. Cỏ khô được xếp thành đống nhỏ trong vườn rau sau nhà. Khi đốt, những đống cỏ ấy bốc lên một mùi ngai ngái, rất quen thuộc. Những đống tro xám của chúng sau một trận mưa là thấm vào những luống rau.

Cô tôi bảo:

- Ðất là của quý, cháu ạ. Không có đất rồi lấy gì mà trồng, lấy gì mà ăn? Cho nên mới phải be bờ cho sân, cho vườn. Mưa nhiều, màu trôi đi hết, có mà ăn cám!

Không phải chỉ riêng cô tôi quý đất. Không chỉ người làng tôi, người vùng tôi, mà người ở đâu trên đất nước ta cũng vậy.

Nhà nông ở đồng bằng sông Hồng là những người rất hiểu đất. Và yêu đất. Họ lo cho sức khoẻ của đất không khác gì lo cho người. Sau khi thu hoạch, người ta không hối hả làm ngay vụ sau, mà để cho đất được nghỉ ngơi rồi mới cày. Những tảng đất cày lộn được xếp chồng lên nhau thành những bức tường dài, cao khoảng một mét, gọi là xếp ải. Ðến lúc sắp cấy mới tháo nước vào, những bức tường nọ đổ sụp xuống làm thành đất mùn cho những giẻ mạ non.

Giữa người và đất có tình có nghĩa.

Đất không phải chỉ là những mét vuông, những sào, những mẫu.

Đất là máu, là thịt của con người. Là con người, phải biết yêu đất, bảo vệ đất.

2
Rừng là nơi con người từ đó đi ra, là cội nguồn của sự sống, cũng không được tôn trọng, bị coi là thứ chỉ để khai phá.

Rừng bắt đầu bị xẻ thịt từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng thôi, chuyện ấy không kể, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ, khi bộ đội thiếu gạo ăn, chỉ trông vào sắn. 

Chiến tranh qua rồi, di hại nạn phá rừng vẫn tồn tại.

Một người bạn tôi được giao một đại đội đào binh làm nhiệm vụ vỡ hoang hai cánh rừng gỗ tếch để trồng sắn. Thu hoạch xong vụ đầu tiên, anh toát mồ hôi: công lao của bấy nhiêu con người cả năm trời chỉ đủ mua ba cây tếch, nhiều nhất là ba cây rưỡi. Tôi hỏi anh đã báo cáo lên cấp trên cách anh tính toán chưa, anh nói anh không dám. Người ta đã báo cáo lên cấp trên thành tích khai hoang rồi, nói thế có mà chết.

Những cái đầu đất phá rừng để lấy thành tích khai hoang chưa kịp chết thì lũ con buôn đã thế chỗ. Chúng nhân danh phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu gỗ, đốn bất cứ cây nào bán được. Chúng không biết rằng những người sơn tràng xưa chỉ dám hạ những cây gỗ lưu niên không còn có thể lớn thêm.

Tôi vốn không thích những con số thống kê. Chúng khô khan và chẳng bao giờ cho ta một hình dung dù lờ mờ nhất về cái mà những con số nói tới. Chẳng hạn, có con số cho biết diện tích rừng ngày nay ở nước ta so với 50 năm trước chỉ còn lối 25 phần trăm. Tôi đã nghĩ con số này được thổi phồng. Chỉ tới khi được nhìn tận mắt những bản đồ rừng bị tàn phá, được xem phim quay từ vệ tinh tại trạm khí tượng tỉnh Strassbourg (Pháp), tôi mới tin nó có thật.

Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ qua bến Trung Hà là đã tới rừng, vượt qua vùng bưởi Ðoan Hùng là đã gặp rừng nguyên sinh. Vậy mà nay lên tới tận Tuyên Quang vẫn còn là trung du. Diện tích rừng so với bây giờ chắc chắn còn bị thu hẹp nhiều hơn nữa. Và tốc độ tàn sát rừng chưa có dấu hiệu giảm. Hết rồi rừng vàng, hết rồi biển bạc, hết luôn những trang tự sướng từng được viết nắn nót trong sách giáo khoa.

Rừng ăn đời ở kiếp với người, nuôi sống con người, đã bị con người khai thác đến kiệt quệ.

Giờ đây, nó hấp hối.

3
Đầu Công nguyên, dân số toàn thế giới ước tính có khoảng 170 triệu người. Đến năm 2016, dân số thế giới đã là 7,4 tỉ người.

Người đông lên, nhưng diện tích đất thì vẫn nguyên đấy.

Có nhiều cơ hội tiếp xúc với họ, tôi hiểu được cách nghĩ của những người cầm quyền thế hệ tôi. Trong quá khứ, họ đều là những chiến sĩ cách mạng đáng trọng, xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng không phải là những người uyên bác. Cách mạng đặt họ vào những vị trí họ không bao giờ nghĩ tới là quản trị một xã hội.

Ngồi bàn giấy bóng lộn, trên đầu quạt trần quay vù vù, được chỉ đạo bằng một lý thuyết mơ hồ học vội, họ không biết làm việc gì khác ngoài việc sản xuất các nghị quyết. Khi thì “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, chiếu cố thích đáng công nghiệp nhẹ”, khi thì ngược lại, “ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ, chú trọng xây dựng nền móng công nghiệp nặng”… Những nghị quyết được đúc trong một lò cái này na ná cái kia, trong đó những câu chữ sang trọng được các thư ký chấp bút nhào lộn thành thạo như làm xiếc.

Cơn mê công nghiệp hóa chiếm lĩnh toàn bộ ý nghĩ của nhà cầm quyền. Thảng hoặc có nói tới nông nghiệp người ta thì cũng chỉ lớt phớt, những từ ngữ chính trị đều hướng về chuyện cải tạo quan hệ sản xuất.

Lê Duẩn, người được ca tụng có trí tuệ sáng như ”ngọn đèn 200 bu-gi” đã phát biểu tại Đại hội Đảng III, tháng 9/1960 như sau: “Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, mở đường cho sức sản xuất phát triển”(nguyên văn).

Người nông dân với mảnh ruộng của mình được coi là chế độ sở hữu tư liệu không xã hội chủ nghĩa, cần được nhanh chóng cải tạo thành sở hữu xã hội chủ nghĩa. 

“Cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa” của ngọn đèn sáng chói nọ đã đem lại kết quả thế nào, thì người không cần sáng mắt cũng thấy. Để rồi sau những thất bại, những người bắt người khác phải làm theo những sáng tạo của họ không một chút ngượng ngùng vỗ ngực bồm bộp khoe họ đã tài tình và sáng suốt “cởi trói” cho cái bị chính họ trói.

Trong cải cách ruộng đất, Trường Chinh giảng giải: “Cải cách ruộng đất về cơ bản là một cuộc đấu tranh chính trị”. Thì ra các “lãnh tụ” đâu có muốn sửa đổi tình trạng bất bình đẳng trong sở hữu đất đai. Họ muốn cái khác kia. Cho nên chưa chia lại ruộng thì phải đấu tố cái đã.

Dưới khẩu hiệu “Đánh đổ giai cấp địa chủ” là cả một phong trào vu cáo để tàn sát những người đã ủng hộ Cách mạng Tháng Tám trong chính quyền thôn xã, những người ngây thơ và cả tin rằng có cách mạng là có bình đẳng giữa những đồng chí thề hy sinh tất cả vì độc lập, vì tự do. Cần phải diệt cho bằng hết những kẻ bất mãn với tôn ti trật tự mới được du nhập từ Trung Quốc vĩ đại - đó mới là mục đích của cải cách ruộng đất.

Có bao nhiêu người không tên tuổi đã mất mạng trong cuộc giết chóc lớn lao nhất trong lịch sử?

4
Khẩu hiệu: “Chính trị là thống soái” được đặt ở hàng đầu trong thời gian dài. Các nhà khoa học, các chuyên gia được đưa về nông thôn, vào các xưởng máy, không phải để nghiên cứu cái gì, mà để học tập tinh thần lao động. Mao Trạch Đông đã dạy: “Trí thức không bằng cục cứt”. Những người nắm quyền lực trong tay không mơ thấy gì khác ngoài những nhà máy nhả khói lên trời và những ô tô chạy băng băng trên “đường ta rộng thênh thang tám thước” (thơ Tố Hữu).

Chúng tôi được ăn no nê bo bo cùng với những nghị quyết không cho phép cãi lại về một phương thức sản xuất tiên tiến, hứa hẹn một thiên đường mai sẽ có.

Đó là chuyện đã xưa. Chỉ có thể tự an ủi rằng ít nhất thì cái “Chính trị là thống soái” được tuyên bố ra miệng cũng còn đỡ dơ dáy hơn cái “Tiền là thống soái” không nói ra sau này. 

Những nghiên cứu khoa học cho ta biết: Ở nước ta nhiệt độ trung bình trong năm từ 22ºC đến 27ºC (bây giờ cao hơn nhiều do hậu quả của nạn phá rừng, chặn sông, lấp hồ). Hàng năm, có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%. Số giờ nắng khoảng 1.500 - 2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm².

Nhìn chung, Việt Nam có một mùa nóng mưa nhiều và một mùa tương đối lạnh, mưa ít. Do ảnh hưởng gió mùa, địa hình phức tạp, khí hậu nước ta luôn thay đổi trong năm, giữa năm này với năm khác, giữa nơi này với nơi khác (từ Bắc xuống Nam và từ thấp lên cao). Nhưng chính vị trí địa lý và sự đa dạng về địa hình lại là điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng về chủng loại thực vật.

Nước ta là một nước nông nghiệp. Nó được thiên nhiên hào phóng ban cho những điều kiện tốt nhất để làm nông. Thay vì chú trọng công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thì những thế hệ cầm quyền nối tiếp nhau ra sức làm cái khác: công nghiệp hóa theo cách những nước không được thiên nhiên ưu đãi làm nông nghiệp.

Người ta hối hả mời tư bản nước ngoài vào để sản xuất ô tô, thực chất là bán sức lao động tại chỗ trong việc lắp ráp. Nền công nghiệp được tạo ra bằng nghị quyết và khẩu hiệu không làm ra được cái đinh ốc cho ra hồn. Được chính quyền bảo kê, những nhà tư bản nội địa cướp đất của dân, đẩy hàng vạn người suốt đời làm nông nghiệp ra khỏi mảnh đất cha ông, bắt họ phải sống vật vã trong cảnh bần cùng.

Có cần phải đưa dẫn chứng không?

Không.

Đất ruộng bị cướp, rừng bị phá tan hoang, chỉ để xây dựng những thứ không nhất thiết phải có ngay lập tức - những khu công nghiệp hoành tráng của nước ngoài, những ngôi nhà chọc trời, làm những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những sân gôn mênh mông.

Hậu quả nhỡn tiền là lũ lụt triền miên, ô nhiễm lan tràn từ Nam chí Bắc, khí hậu biến đổi. Việt Nam từ một nước bình thường trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Biết bao người Việt, phải tha phương cầu thực trong cái gọi là "xuất khẩu lao động" thậm chí bỏ mạng ở xứ ngưòi.

Nông dân ngày xưa không biết đến các thứ phân bón hóa học. Cũng không có những giống lúa cao sản lùn tịt cho năng suất cao, nhưng không cho rạ như bây giờ. Rạ là nhiên liệu không thể thiếu của người nông dân, cho việc nấu ăn, chế tạo phân chuồng, làm đống rấm chống lạnh có sương muối v.v…

Cũng ngày xưa ấy có nhiều giống lúa, rất đa dạng và thích hợp với từng cánh đồng, từng chân ruộng. Gạo cho những bữa cơm cũng nhiều thứ. Cho dù năng suất không cao, gạo tám thơm mà thế hệ tôi được ăn là thứ gạo tuyệt ngon, con cháu bây giờ không biết mặt mũi nó thế nào. Thứ tám thơm hạt dài, nấu cơm ở cuối ngõ, đầu ngõ nghe thấy hương bay ngào ngạt.

Cái cũng mang danh tám thơm mà các cửa hàng đặc sản ngày nay dọn cho khách sẵn tiền là cũng là thứ gạo hạt dài, đẹp mã, giỏi lắm cũng chỉ là bà con xa của thứ tám thơm đã tuyệt chủng.

Bây giờ thiên hạ mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Người rủng rỉnh tiền mới được ăn các thứ rau quả giá đắt từ các cửa hàng bio đang mọc lên như nấm, chỉ ở đó mới có những thứ trời sinh người dưỡng. Người nghèo thì đành ra chợ nhắm mắt mua về những thứ được tẩm đẫm hoá chất độc hại nhập cảng từ đất nước “bạn vàng”. Hậu quả của cuộc chạy đua theo lợi nhuận còn là sự hủy hoại tâm hồn những người nông dân hiền lành, biến họ thành những sát thủ giấu mặt.

Đường là do người đi lại nhiều mà thành. Đó là thuận theo tự nhiên. Những con đường được vẽ ra trong đầu những người tự xưng “lãnh đạo” và bắt dân làm theo ý mình, không dẫn tới phồn vinh mà dẫn tới đói nghèo.

May thay cho các dân tộc không có những nhà lãnh đạo tự xưng như ta có.

Tôi có anh bạn Nga giám đốc một công ty du lịch. Công ty của anh khá phát đạt. Anh cho biết: “Du khách của tôi có hai loại. Một là loại thích xem di tích lịch sử. Một loại thích tìm đến thiên nhiên hoang dã. Loại thứ hai ngày một đông. Người ta không đến nước Nga để xem các nhà máy mới xây dựng. Họ muốn được chiêm ngưỡng những gì còn lại của thiên nhiên chưa bị hủy hoại”.

Nhiều quốc gia trở nên giàu có nhờ du lịch. Người ta không đến Tây Nguyên để ngắm những công trình bằng bê tông cao ngất, để ngủ trong những căn phòng sang trọng của những khách sạn đắt tiền. Người ta muốn được xem những nhà sàn, nhà rông, những tượng gỗ mốc meo ở những nhà mồ, được lang thang trong những rừng già nguyên sinh.

Những thứ đó không còn nữa.

Một câu hỏi bất giác nảy ra trong tôi: “Liệu tiền của kiếm được từ những nhà máy làm ô tô, những công xưởng người nước ngoài được mời gọi đặt ở nước ta, so với cái thu được từ du lịch sinh thái sẵn có, rồi cái nào sẽ lớn hơn”?

5
Bây giờ có người đã tỉnh ra, nói: “Lỗi ở chúng ta. Chúng ta đã không thuận theo thiên nhiên”.

Tôi không thể nói như thế.

Từ “chúng ta” bị lạm phát vô tội vạ. Dân chúng, tức là chúng ta, từ lâu đã mất hết mọi quyền, kể cả quyền có lỗi. Người không làm thì sao có thể gây ra lỗi?

Lỗi ở kẻ khác.

Lỗi ở kẻ nắm quyền cai trị đất nước, kẻ tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, dân chỉ có việc nghe theo, vì chúng vĩnh viễn “duy nhất đúng” “vô cùng sáng suốt”, chỉ có chúng mới xứng đáng để cầm đầu dẫn dắt bá tính.

Bây giờ, một lần nữa, chúng lại xưng “đúng” khi mang đất đai của tổ tiên ra bán từng phần.

Trước khi chúng sắn tay áo bán tất!

FB VŨ THƯ HIÊN 11.06.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.