jeudi 14 juin 2018

Nguyễn H.V. Hưng - Đèn treo ngược



"Đèn treo ngược" xưa nhất thế giới vẫn đang hoạt động, ở trụ sở lực lượng cứu hỏa California.
"An ninh mạng không thể là những biện pháp hạn chế nhân dân đến với những thành tựu khoa học thời đại, như Google hay Facebook. Ngày nay, chối bỏ những thành tựu của nhân loại về internet chẳng khác nào Tự Đức chối bỏ đèn điện."
 

Cuối thế kỷ 19, Phan Thanh Giản sau khi dẫn dẫn một phái bộ sang Pháp, đã trình lên vua Tự Đức một bản tấu về những tiến bộ kỹ thuật Phương Tây, trong đó ông tả ngọn đèn treo ngược (đèn điện). 

Tự Đức cho đó là chuyện hoang đường, suýt chém đầu Phan Thanh Giản vì tội “khi quân” (lừa vua). Ngày nay, trẻ chăn trâu ở những vùng hẻo lánh của Việt Nam cũng thấy đèn điện chẳng có gì lạ.

 
Tự Đức chẳng những không dốt nát, trái lại giỏi văn chương, tinh thông kinh sách. Nhiều nhà sử học tin rằng, nếu xã hội Việt Nam tĩnh lặng như vài trăm năm trước đó, Tự Đức có thể đã là một ông vua anh minh chẳng kém gì Lê Thánh Tông. Nhược điểm của ông là không theo kịp những thay đổi của thế giới. Học thuyết Khổng - Mạnh mà ông uyên thâm, có thể không sai, nhưng không đủ sức lý giải ngọn đèn treo ngược. 

Kết quả là Việt Nam mất đi một cơ hội lớn để canh tân. Cùng thời gian đó, Minh Trị Thiên Hoàng mở cửa nước Nhật, học hỏi kỹ nghệ Phương Tây, để rồi xây dựng được Nhật Bản hùng cường ngày nay. 

Sáng 12/06/2018, với 86,86% phiếu thuận, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng. Thuyết trình dự luật này trước Quốc hội, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đã làm dân Việt Nam kinh hoàng với một phát biểu ngô nghê. Trong đó ông gọi Facebook là PHÊ-TÊ-BỐC (công bằng mà nói đoạn này ông cố tình phát âm lí nhí), rồi ông đòi dịch chuyển đám mây điện toán từ Hồng Công hay Singapore về Việt Nam. 

Tôi tin rằng tướng Việt là người đảm lược, không thế làm sao ông lên được đến tướng. Tuy nhiên, tướng Việt và những người như ông trong Quốc hội giống Tự Đức ở chỗ: những gì họ được đào tạo bài bản thì đã lỗi thời. Giả dụ Tự Đức chém đầu Phan Thanh Giản, cũng không xóa bỏ được ngọn đèn treo ngược. Sự giận dữ của Tự Đức chỉ làm cho đời sau chê cười ông là u tối.

Tôi đã sống một tuần trong khách sạn Viện Hàn lâm Khoa học Trung quốc, ở Bắc Kinh, dự Hội nghị Tôpô Đại số Đông Á, tháng 12 năm 2013. Tôi khẳng định Trung Quốc là một quốc gia lạc hậu về mạng, họ sống như trên sa mạc. 

An ninh mạng đáng lẽ là những biện pháp mà một quốc gia sử dụng để bảo vệ mạng internet của mình, chống lại hacker. Không phận Sài Gòn từng mất điều khiển trong hàng giờ. Hacker từng chiếm hệ thống mạng của Tân Sơn Nhất, để loan tin độc hại. Một cậu bé từng chiếm quyền kiểm soát mạng của mấy sân bay ở Việt Nam. Hai máy bay quân sự của Việt Nam từng bất ngờ rơi ngay trong vùng biển gần bờ… Đó là những ví dụ về sự mất an ninh mạng của Việt Nam. 

Sự vật nào cũng có hai mặt. Dao sắc dễ đứt tay, nhưng không thể vì đứt tay mà từ chối dùng dao. Sử dụng điện có thể bị giật, nhưng nếu từ chối dùng điện, xã hội loài người sẽ trở về thời kỳ mông muội đến chừng nào. 

An ninh mạng không thể là những biện pháp hạn chế nhân dân đến với những thành tựu khoa học thời đại, như Google hay Facebook. Ngày nay, chối bỏ những thành tựu của nhân loại về internet chẳng khác nào Tự Đức chối bỏ đèn điện. 

Lịch sử thật trớ trêu. Cùng ngày 12/6/2018, tại cuộc gặp mặt thượng đình Mỹ - Triều Tiên, Donald Trump và Kim Jong Un đã ký tuyên bố hữu nghị, trong đó có hai quyết định cụ thể: Một là phá hủy bãi thử bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên, và hai là ngưng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn Quốc. Cậu bé Kim Jong Un đã đi những nước cờ ngoại giao ngoạn mục, vì quyền lợi của dân tộc Triều Tiên.

Lâu nay người Việt Nam thường nhìn dân Triều Tiên với sự thương hại. Nay, sự thương hại đó sắp hết thời.

FB NGUYỄN H.V.HƯNG 14.06.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.