vendredi 15 juin 2018

Thượng đỉnh Trump-Kim và giấc mơ thịnh vượng

Các xe tải đợi kiểm tra hàng tại cầu Hữu Nghị trên sông Áp Lục, nối Sinuiju của Bắc Triều Tiên với Đan Đông của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 24/05/2018.

Tại vùng biên giới Trung-Triều, các công ty địa phương theo dõi sát sao những tin tức về cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hy vọng sẽ hái ra tiền sau sự kiện lịch sử này.
AFP ghi nhận nhiều nữ công nhân may miệt mài làm việc trong một xưởng vừa mới mở ở Đan Đông, đông bắc Trung Quốc. Những chiếc máy may của xưởng này đã phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài từ hồi tháng Giêng đến nay, các nữ công nhân phải trở về quê, còn các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên phải hồi hương do áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Đan Đông, thành phố 2,4 triệu dân của Trung Quốc là điểm chính tập kết hàng hóa chuyển sang Bắc Triều Tiên, hồi hộp theo nhịp điệu nóng lạnh của tình hình địa chính trị. Những hoạt động ngoại giao ngoạn mục trong những tuần lễ gần đây, với việc Kim Jong Un liên tục có những cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã làm không khí trở nên dễ thở hơn.

Cho dù Bắc Kinh vẫn chưa loan báo giảm nhẹ trừng phạt, tại Đan Đông, những du khách hiếu kỳ đã quay lại, các nữ công nhân may Bắc Triều Tiên tìm lại được nhà xưởng cũ, các nhà buôn nhộn nhạo…và giá địa ốc tăng vọt. Cứ như là cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới ở Singapore giữa Kim Jong Un và tổng thống Mỹ là dự báo cho việc Bình Nhưỡng mở cửa kinh tế.

Yue Yue, nhà môi giới địa ốc nhận xét : « Hầu hết khách mua nhà là doanh nhân ở miền nam Trung Quốc, muốn làm ăn buôn bán. Chỉ trong vòng một tháng, chúng tôi đã bán được số căn hộ tương đương với cả năm ngoái ». Nhà môi giới này giới thiệu những căn nhà gần sông Áp Lục, con sông biên giới Trung-Triều.

Tại đồn biên phòng, người ta lại trông thấy khoảng mấy chục công dân Bắc Triều Tiên, rất dễ nhận ra với huy hiệu mang chân dung lãnh đạo Bình Nhưỡng trước ngực, đang đợi chuyến xe buýt hàng ngày vẫn đến vào lúc 14 giờ để trở về nhà, với những túi xách cồng kềnh.

Ở chiều ngược lại, ông Liu, một khách du lịch Trung Quốc vừa quay về sau chuyến tham quan Bắc Triều Tiên hai ngày cùng với bảy người bạn. Ông ngạc nhiên khi thấy đất nước khép kín sát cạnh lại lạc hậu như thế.

Các nhà hàng Bắc Triều Tiên lại có công ăn việc làm như trước. Nhà hàng « Bình Nhưỡng » trang trí bằng đá cẩm thạch, lại tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc và múa, diễn viên mặc bộ đồ truyền thống Triều Tiên. Các cô phục vụ cho AFP biết nhà hàng này vừa mở cửa lại từ tháng Ba, vào lúc Kim Jong Un sang Bắc Kinh lần đầu tiên. Quanh các bàn tiệc, những thực khách Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bàn bạc chuyện làm ăn.

Ông Kim, nhà buôn Bắc Triều Tiên nhấn mạnh : « Chúng tôi đã đóng địa điểm thử nguyên tử, điều đó chứng tỏ chúng tôi yêu hòa bình, và hy vọng cuộc thương thảo sẽ mang lại kết quả tốt đẹp ».

Cho tới năm ngoái, nhà hàng « Bình Nhưỡng » thuộc sở hữu của nữ doanh nhân Trung Quốc Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong) và Korea National Insurance Corporation, cả hai đều bị Mỹ trừng phạt. Vốn của doanh nghiệp này bèn được chuyển giao cho một nhà trọ địa phương, mà chủ nhân hiện nay đang ở Bắc Triều Tiên, không muốn trả lời điện thoại của hãng tin Pháp.

Theo một nhân viên, đó chỉ là một người đứng tên giùm, do Bắc Kinh hồi tháng Giêng ra lệnh đóng cửa các công ty liên doanh với Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc.

Là đồng minh chủ chốt của chế độ Kim Jong Un, Trung Quốc chiếm hầu hết lượng ngoại thương của Bắc Triều Tiên. Nhưng các nghị quyết trừng phạt, cấm rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Bình Nhưỡng, đã làm trao đổi thương mại Trung-Triều từ tháng Giêng tới tháng Tư sụt giảm đến 59%, khiến nhiều doanh nghiệp ở Đan Đông buộc lòng phải đóng cửa.

Theo hai thương nhân tại đây, khoảng 400 đến 500 người cạnh tranh đã phải ngưng hoạt động. Một số còn sống sót nhưng doanh số sụt xuống thê thảm, và chi phí tăng vọt.

Một doanh nhân đặt trọng tâm vào sản phẩm dệt may vì dễ vận chuyển nhận xét « sự trừng phạt điên khùng của Trump đã gây ra rất nhiều thiệt hại ». Doanh nhân giấu tên này vừa mới quay lại xem xét tình hình nhà máy của mình tại Sinuiju ở bên kia biên giới Triều Tiên, cho biết chỉ trong hai ngày nhà xưởng đã bị cúp điện bảy lần.

Trong xưởng may, bà quản lý Tian khẳng định vẫn tôn trọng các biện pháp của Liên Hiệp Quốc, nói rằng các cô thợ may Bắc Triều Tiên « từ một công ty khác đến », nhờ một hợp đồng được ký kết trước khi có lệnh cấm tuyển dụng công nhân mới. Nhưng trước yêu cầu cho biết cụ thể hơn của AFP, bà ta vội vã rút lui với lời biện bạch : « Chúng tôi chỉ cho thuê mặt bằng thôi (…). Đây chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi chẳng hiểu gì về chính trị… »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180608-thuong-dinh-trump-kim-va-giac-mo-thinh-vuong

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.