jeudi 14 juin 2018

Đỗ Ngọc Thống - Bài học đắt giá



Dân Phan Rí đối đầu với cảnh sát cơ động ngày 10/06/2018.

Mấy hôm nay, sau các vụ biểu tình và đập phá ở UBND tỉnh Bình Thuận và một số nơi, rất nhiều người bị bắt giữ. Thấy các phương tiện truyền thông chính thống liên tiếp đưa tin và dẫn ra ý kiến bình luận của nhiều người về vụ việc này. 

Hầu hết cụm từ “Bài học đắt giá” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng bài học đắt giá cho ai? Hầu hết quan chức và ý kiến chính thống đều đổi tội cho dân, rằng những người dân biểu tình và bạo loạn ấy cần coi đó là một “bài học đắt giá”.


Tôi chưa thấy ai, nhất là các quan chức, công khai nói chính quyền, đảng và các tổ chức phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy mà toàn thấy đổ lỗi cho dân. 

Việc bạo loạn, đập phá các cơ quan công quyền là sai, nhưng các vị lãnh đạo đảng, chính quyền từ địa phương đến trung ương đã có ai tự hỏi: Vì sao đến nông nỗi ấy? Vì sao những người dân vốn hiền lành như hạt lúa, củ khoai lại phải phản ứng như thế? Vì sao họ lại coi đó là yêu nước ???

Cứ cho là có một số “phần tử xấu, phản động” trà trộn vào để kích động, chia rẽ đi nữa, tôi vẫn nghĩ để đến tình trạng ấy trước hết các vị lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính.

Trong một gia đình con cái hư hỏng, bố mẹ phải chịu trách nhiệm chính. Trong một nhà trường học sinh vi phạm kỷ luật, thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm trước. Trong một cơ quan, một tổ chức có kẻ làm việc xấu, trước hết người đứng đầu phải thấy đó là lỗi của mình…

Ở ta lúc nào, việc gì và ở đâu ( kể các chùa chiền, nhà thờ…) mà chẳng có đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, rồi đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, quân đội, công an…Họ tiêu tiền thuế của dân và có đầy đủ các công cụ chuyên chính vô sản mạnh nhất để giáo dục, cảm hóa… Vậy tại sao khi xảy ra chuyện ấy lại cứ một mực đổ tội cho dân? Chẳng thấy tổ chức của mình có trách nhiệm gì?

Vì thế tôi nghĩ, đúng là sự kiện vừa diễn ra trong mấy ngày qua là một “bài học đắt giá”. Nhưng bài học ấy trước hết dành cho các cấp lãnh đạo đảng, chính quyền và các tổ chức từ thấp lên cao. Nếu các vị thực sự chân thành nhìn thấy được điều đó thì “bệnh tình” dù đã nặng vẫn còn có hy vọng cứu chữa được ít nhiều.

Nhưng liệu có còn hy vọng được hay không?

 
Hà Nội, 13/06/2018
P/S : Cho dù đang rất bận, nhưng cứ nghe mãi điệp khúc "bài học đắt giá" nên phải viết đôi lời.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.