samedi 10 mars 2018

La Croix - Chuyến viếng thăm lịch sử của một hàng không mẫu hạm Mỹ tại Việt Nam


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng ngày 05/03/2018.

(Dorian Malovic, LaCroix 07/03/2018) Chiếc Carl Vinson đã đến cảng Đà Nẵng của Việt Nam hôm thứ Hai 05/03/2018. Hàng không mẫu hạm lưu lại căn cứ quân sự cũ của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam bốn ngày. Sự hiện diện quân sự của Mỹ chứng tỏ hai cựu thù đã xích lại gần nhau, và gởi đi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc, vốn yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông.

Quân đội Mỹ đang quay lại Việt Nam. Một cách hòa bình ! Chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson, mang theo một phi đội gồm 90 chiến đấu cơ và được một khu trục hạm phóng hỏa tiễn hộ tống, ghé lại thành phố cảng Đà Nẵng ở miền Trung bốn ngày. Trên 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, đội tàu này là sự hiện diện quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và hơn nữa, tại một căn cứ lịch sử cũ của Mỹ.

Sự có mặt của hàng không mẫu hạm Mỹ là biểu tượng cho thấy hai đất nước cựu thù đã xích lại gần nhau, gởi đi một thông điệp rõ ràng cho người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, vẫn không ngừng bành trướng quân sự trên toàn Biển Đông.

Một giai đoạn mang nặng tính biểu tượng

Trong giai đoạn mang nặng tính biểu tượng này, một bộ phận trong số 5.300 thủy thủ đến thăm một trung tâm dành cho các nạn nhân chất độc màu da cam – chất diệt cỏ từng được quân Mỹ rải xuống trong thời chiến, ngày nay vẫn còn gây ra những trường hợp dị tật. Những trận đấu giao hữu bóng rổ, bóng đã giữa các thủy thủ Mỹ và Việt Nam được tổ chức, và họ cũng thăm một cơ sở nuôi trẻ mồ côi, trình diễn âm nhạc.

Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, « chuyến viếng thăm này đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực ». Căng thẳng hiện rất cao trên Biển Đông, bị Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ, và Bắc Kinh tiếp tục xây lên những đảo nhân tạo có khả năng đón nhận các phương tiện quân sự, gây bất mãn cho Việt Nam và những nước cũng đòi hỏi chủ quyền như Philippines.

Thủy thủ Mỹ vui đùa với trẻ em nạn nhân chất độc da cam.
Những mối liên hệ được siết chặt trong những năm gần đây

Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam nhận định với AFP : « Đó là một sự thúc đẩy của Mỹ để cho thấy một sự hiện diện quy mô của Hải quân tại một khu vực mà Hoa Kỳ vẫn cam kết bảo vệ ». Sự có mặt của Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam cũng biểu hiện cho quan hệ quân sự giữa hai cựu thù, vốn không ngừng tăng cường trong những năm gần đây, nhất là từ sau chuyến thăm lịch sử của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama – người đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có từ thời chiến tranh Việt Nam.

Bất chấp quá khứ xung đột Việt-Mỹ, tình cảm của người Việt đối với người láng giềng to lớn Trung Quốc có nguyên nhân lịch sử rất lâu đời, khi đế quốc Trung Hoa thống trị khu vực nhiều thế kỷ trước. Việt Nam có chung đường biên giới trên 1.000 km với Trung Quốc, và cuộc chiến biên giới năm 1979 đã khiến hàng ngàn người lính của đôi bên tử trận, nhưng đã mang lại chiến thắng cho Việt Nam. Người Trung Quốc chưa bao giờ nuốt được nỗi nhục này !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.