lundi 5 mars 2018

Nguyễn Thị Bích Hậu - Nguyễn Văn Đông và nỗi đau ly tán của thời cuộc



Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ảnh chụp lúc khoảng hơn 30 tuổi.

Có một bạn còm trên Facebook của tôi rằng bạn yêu bài ca Đom đóm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Và bạn đã hát bài này từ khi học tiểu học cho tới bây giờ, khi bạn đã qua tuổi trung niên. Nhờ bạn mà tôi biết bài ca này. Và cũng vì vậy, qua bài viết của nhà thơ Du Tử Lê, hé ra một bí mật nhỏ về mối tình thanh mai trúc mã của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. 

« Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều
Tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác
Từng bày đom đóm như thắp sáng kỷ niệm của chúng ta
Ngày xa xưa chơi trò đi trốn nhau
Cho em đi tìm gọi anh Đom Đóm ơi 


Anh khéo nên em thường hay giận hờn
Một lần anh thua em trèo lên trên ngọn khế
Nào ngờ mưu kế đem đom đóm anh cài lên tóc em
Từ đêm đen lập lòe đom đóm bay
Em anh đây rồi nên vẫn khen anh tài ghê. »


Du Tử Lê viết « Tây Ninh là nguyên quán của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông. Gia đình ông nguyên là điền chủ ở Huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Mỗi năm, vào những dịp giỗ chạp lớn, ông được cha mẹ cho về nguyên quán. Gần bên ngôi từ đường của dòng họ Nguyễn, là nhà ông Hương Cả, một chức sắc lớn nhất làng. Ông Hương Cả có một cô con gái xinh đẹp. Hai bên gia đình cùng giao ước kết thông gia khi hai trẻ lớn lên. 

Khi ấy tác giả « Về Mái Nhà Xưa » và cô bé kia, mới trên dưới 10 tuổi. Ở tuổi niên thiếu này, cả hai chỉ biết hẹn hò trèo cây, hái trái, hay chơi trò trốn bắt... (Những kỷ niệm ấy là tố chất cho họ Nguyễn sau này, viết được ca khúc nhan đề “Ðom Ðóm”). Tuy thơ dại nhưng tình bạn thắm thiết cũng đã đủ gây thành men nhớ nhung và, đôi khi nước mắt, cho mỗi lần đôi trẻ phải chia tay.»

Rồi hai gia đình tan nát vì những tai vạ thảm khốc của thời cuộc sau đó. Ông Hương Cả bị bắn chết và thả xác trôi sông. Cha mẹ Nguyễn Văn Đông bị tịch biên gia sản và phải làm sai dịch. Nguyễn Văn Đông và cô bạn gái trẻ trôi dại mỗi người một phương. Cho tới cuối những năm 1950, khi đã trưởng thành, nhạc sĩ cải trang về làng cũ. Nhưng không ai biết được là người con gái xưa đã ở nơi nào. 

Theo nhà thơ Du Tử Lê thì đây là duyên cớ để nhạc sĩ về lại Saigon và viết bản « Về mái nhà xưa » :

« Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn - Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn - Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế - qua đáy tim chưa đục sông mê - qua ước mơ duyên tình đơn sơ - Về đây đâu phút xưa vui sum vầy - thềm hoang thêu nắng, phượng thắm rơi đầy - anh có nghe trong lòng thu chết - bao lá khô phai nhạt hương đêm - tan tác bay phiêu bạt giữa trời quê - Nơi xưa quê nghèo, nhà tranh nát tiêu điều - tình xưa khôn hàn gắn - người đã đi rồi - người về đâu có hay - đâu vòng tay đắm say?... » 

Bài ca như một nỗi đau đớn xót xa, và tuyệt vọng vô cùng, những tiếng khóc nức nở trong tâm hồn của nghệ sĩ trước cảnh tang thương và ly tán của thời cuộc. Một nỗi đau thương không chỉ của riêng ông, mà của biết bao nhiêu người sống cùng thời với ông.

Có thể vì những nỗi đau này, mà cho dù là người rất đẹp trai, tài hoa, song phải rất nhiều năm sau, vào năm 1968, tức là lúc đã 36 tuổi, ông mới lập gia thất. Và trong bất cứ bài ca nào về người chinh nhân của Nguyễn Văn Đông, cũng luôn có hình bóng của người chinh phụ. 

Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước
Cho lòng ai thương nhớ ai 


Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
người tìm về trong hơi áo ấm
Gợi niềm xa xăm 


Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi


FB NGUYỄNTHỊ BÍCH HẬU 04.03.2018 (Tựa do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.