Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 được Bắc Kinh kéo đến Hoàng Sa tháng 5/2014, gây căng thẳng với Việt Nam. |
(Direct Matin
20/12/2016) Cơ quan
tình báo chiến lược Mỹ Strategic Forecasting (Stratfor) đã đưa ra các dự báo
cho mười năm tới, và điều nhẹ nhàng nhất có thể nói là tương lai không phải màu
hồng. (Điều đáng chú ý: Trung Quốc trì trệ, Việt Nam có hy vọng nằm trong số 16 nền kinh tế mới nổi, chiến tranh có thể xảy ra tại Biển Đông).
Biển Đông sẽ trở thành thùng thuốc súng
Cuộc chiến tranh giành các đảo ở Biển Đông sẽ trở nên tệ hại
hơn trong những năm tới. Stratfor dự báo : « Ba quốc gia sẽ tranh chấp khu vực này : một nước Nga đang
yếu đi nên bỗng chốc muốn duy trì các lợi ích, Trung Quốc và Nhật Bản ».
Trong trường hợp tồi tệ nhất, sẽ diễn ra một cuộc xung đột vũ trang.
Trung Quốc gặp khó khăn
Mười năm sắp tới, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại.
Trong số các nguyên nhân, có sự ngờ vực ngày càng lớn đối với Đảng Cộng Sản. Vì
Đảng mặc nhiên từ chối mọi giải pháp tự do, việc kiểm soát nền kinh tế sẽ phải
thông qua đàn áp ngày càng tăng. Nếu các thành phố duyên hải có thể duy trì
tăng trưởng cao nhờ thương mại, các tỉnh thành nằm sâu trong nội địa sẽ bị trì
trệ, và làm chậm lại dần trên mức độ toàn quốc. Một Trung Quốc bị chia cắt làm
nhiều mảng là điều có thể xảy ra.
Một xưởng may tại Vĩnh Phúc. |
Nổi lên 16 « Trung Quốc mini »
Tăng trưởng giảm sút cùng với tình trạng chia rẽ của Trung
Quốc đã khiến nổi lên 16 nền kinh tế mới, với dân số tổng cộng 1,15 tỉ người.
Đó là Mêhicô, Nicaragua, Cộng hòa Dominica, Pêru, Ethiopia, Ouganda, Kenya,
Tanzania, Bangladesh, Miến Điện, Sri Lanka, Lào, Việt Nam, Cam Bốt,
Philippines, Indonesia.
Một khu trục hạm lớp Izumo của Nhật. |
Nhật Bản tăng cường sức mạnh hải quân ở châu Á
Nhà vô địch về quân sự ở châu Á chắc chắn là xứ sở mặt trời
mọc. Buộc lòng phải tăng cường sức mạnh trên Ấn Độ Dương do đồng minh Mỹ yếu
đi, Nhật Bản chỉ có thể trông cậy vào chính mình để bảo vệ các tuyến đường hàng
hải.
Một ngôi chợ truyền thống ở St Petersbourg. |
Nga sẽ suy sụp…
« Sẽ không có vụ
nổi dậy nào chống lại Matxcơva, nhưng cung cách lỗi thời của chính phủ nhằm hỗ
trợ và kiểm soát Liên bang Nga sẽ làm nước Nga dần dà suy sụp, và hậu quả là
Liên bang sẽ bị chia nhỏ » - Stratfor cảnh báo. Nguyên nhân là do các biện pháp trừng
phạt, giá dầu lao dốc, chi phí liên quan đến quân sự tăng lên, và các đấu đá
nội bộ như chúng ta đang thấy hiện nay.
Hỏa tiễn liên lục địa RS-24 của Nga. |
…khiến cho cả một kho vũ khí nguyên tử không ai quản lý
Và, điều đáng ngạc nhiên là Hoa Kỳ sẽ phải lo việc bảo vệ
kho vũ khí này. Việc sụp đổ từ từ của Liên bang Nga mở ra cánh cửa cho bọn buôn
lậu đối với một trong những kho dự trữ hạt nhân quan trọng nhất thế giới.
Stratfor dự báo : « Đây sẽ là
một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thập kỷ ». Hoa Kỳ cũng sẽ
tăng cường năng lực răn đe để đề phòng trường hợp bị tấn công.
Nhà máy sản xuất xe Mercedes tại Rastatt, Đức. |
Đức vấp phải nhiều trở ngại
Nền kinh tế Đức chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang các quốc gia
thành viên khác của Liên hiệp Châu Âu (EU). Rất không may là tâm trạng nghi ngờ
Châu Âu tăng lên khiến vị trí vững vàng này bị kìm hãm lại. Stratfor nhấn
mạnh : « Đức sẽ phải chịu đựng
một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong khoảng mười hai năm tới ».
Tòa Bảo hiến ở Vacxava, Ba Lan. |
Ba Lan tăng cường trọng lượng trong Liên hiệp Châu Âu
Stratfor khẳng định : « Ba Lan sẽ là trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và ảnh hưởng
của nước này sẽ lớn thêm ». Ba Lan không bị giảm dân số như các nước
thành viên EU khác, và sẽ hưởng lợi qua quan hệ đối tác chiến lược với EU,
chiếm vị trí đáng kể trên bàn thương lượng.
Một phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg. |
Sẽ có « bốn Châu Âu »
Nếu trong một thời gian dài, sự đoàn kết của Châu Âu dường
như khó thể tranh cãi, thì trong mười năm tới mọi sự sẽ khác. Đó là do chủ
nghĩa dân tộc và các xu hướng nghi ngại Châu Âu. Theo Stratfor, trong tương lai
Châu Âu sẽ chia làm bốn khối : Tây Âu, Đông Âu, Bắc Âu và Liên hiệp Anh.
Các dự báo này được đưa ra trước Brexit – khi dân Anh bỏ phiếu tách khỏi EU.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong lễ khánh thành đường hầm Âu-Á ngày 20/12/2016. |
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh bất ngờ của Hoa Kỳ
Thế giới Ả Rập sẽ không yên ổn trong mười năm tới, nhưng đối
với Thổ Nhĩ Kỳ thì sáng sủa hơn. Nếu cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ rất ít, thậm chí
không can dự vào các cuộc xung đột bên ngoài biên giới của mình, Ankara sắp tới
không còn giữ được vai trò thụ động. Là quốc gia duy nhất còn giữ được ổn định
trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ, chủ yếu
nhằm chống lại Nga. Gần như đây là một sự quay lại với chính sách « containment » (chính sách ngăn
chận của Hoa Kỳ và đồng minh nhằm ngăn ngừa sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản
– ND).
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincohn. |
Siêu cường Mỹ xuống dốc
Trước một thế giới bất định và xáo trộn hơn bao giờ hết, Hoa
Kỳ sẽ tập trung vào chuyện nội bộ, lơi lỏng các vấn đề quốc tế. Ít can thiệp ra
nước ngoài hơn, để ổn định hơn trong nước…và có thể dẫn đến nguy cơ tự thu mình
lại tương đối, làm tăng thêm bất ổn trên tầm thế giới. Một kịch bản có vẻ đã được khẳng định với việc
thắng cử của Donald Trump, người chủ trương cô lập.
(Tựa gốc : « 11
dự báo đáng ngại cho thế giới trong mười năm tới ». Thụy My chỉ thay đổi
trật tự trong bài cho dễ theo dõi. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết tiếng Pháp
ở đây, và bài gốc bằng tiếng Anh ở đây).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.