Các quân nhân của hàng không mẫu hạm USS George Washington cứu các nạn nhân từ tàu đánh cá bị cháy. |
Đăng ngày 31-07-2015
« Đối với các chuyên gia Mỹ, trận đại chiến thế giới lần tới sẽ…nhằm đối phó với Trung Quốc ». Đó là tựa đề bài báo của thông tín viên Le Figaro tại New York, viết về cuốn sách « Hạm đội ma, câu chuyện của Thế chiến lần tới »
của hai tác giả Peter Warren Singer và August Cole, xuất bản tại Mỹ.
Bốn năm điều tra trong các hành lang của Lầu Năm Góc đã giúp tác phẩm dự
báo chiến lược này có được nhiều chi tiết phong phú và thực tế.
Kịch
bản của Đệ tam Thế chiến như sau. Một phi hành gia Mỹ bị trục xuất khỏi
trạm không gia quốc tế bởi những người mà anh ngỡ là các đồng nghiệp –
người Nga và Trung Quốc. Một « nhóm lãnh đạo » đế quốc lật đổ chế độ cộng sản Bắc Kinh, tuyên bổ tổng tấn công tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hawai
bị hải quân Trung Quốc tiến công bất ngờ và chinh phục. Động cơ của các
chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị virus máy tính vô
hiệu hóa từ xa. Các phi cơ tiêm kích Mỹ và Nga chiến đấu trên bầu trời
vùng Viễn Đông. Phi hành gia Trung Quốc và Mỹ tấn công nhau trong không
gian bằng những khẩu súng laser y như trong bộ phim gián điệp Moonraker.
Phim
giả tưởng Hollywood chăng? Đối với hai tác giả Peter Warren Singer và
August Cole, tất cả đều rất hiện thực và có thể xảy ra trong tương lai
gần. Trong trụ sở sang trọng, rộng rãi của cơ quan tư vấn New America
Center đặt tại đại lộ số 20, gần tòa nhà chọc trời đầu tiên của New
York, Flat Iron, hai chuyên gia quốc phòng từng là cố vấn của Lầu Năm
Góc và cựu phóng viên chuyên trách của Wall Street Journal, giới thiệu
kểt cấu cuốn tiểu thuyết đầu tay của họ : « Ghost Fleet » (Hạm đội ma).
Một
tác phẩm đi trước thời đại, được bán ở quầy sách viễn tưởng, nhưng giá
trị tiên liệu của nó nằm ở 400 ghi chú ở cuối trang, và bốn năm tích cực
điều tra trong các hành lang Ngũ Giác Đài, trên các chiến hạm và căn cứ
Không quân.
Kết quả gây sững sờ. Ngoài phong cách, hai tác giả
trẻ là những người đầu tiên đưa ra những dự báo chiến lược, hết sức sát
với thực tế. Singer cho biết bản thảo được chuyền tay ở Lầu Năm Góc. Đô
đốc James Stavridis, nguyên Tổng tham mưu trưởng các lực lượng Mỹ tại
Đông Âu hoan nghênh tính thực tiễn và chính xác về kỹ thuật của tác
phẩm.
Singer và August không bịa ra điều gì cả. Tất cả các phát
minh khoa học đều có thực, từ tàu ngầm Trung Quốc sục sạo dưới đáy biển
tìm kiếm khí thiên nhiên, các máy bay không người lái – cánh tay nối dài
của các phi công Mỹ và Nga, hỏa tiễn sát thương phóng từ vệ tinh, cho
đến những sự cố máy tính có thể vô hiệu hóa toàn bộ Hạm đội Thái Bình
Dương, hay các cuộc chiến tranh tin học ác liệt giữa các hacker Trung
Quốc và các chuyên gia tin học ái quốc ở thung lũng Silicon, California.
Giả thiết và thực tại
Thời
sự gần đây cho thấy hai tác giả có vẻ đúng đắn. Bắc Kinh dấn mạnh nước
cờ trên vùng biển nóng, bồi đắp và xây dựng trên các hòn đảo nhỏ xa xôi,
đang do Việt Nam, Philippines, Nhật Bản đòi hỏi chủ quyền. Những oanh
tạc cơ bốn động cơ sơn ngôi sao đỏ bay đến thử sức lực lượng phía bắc
của NATO – điều chưa từng thấy kể từ thời Brejnev.
Ukraina bị cắt
làm đôi, trong khi điện Kremli ra sức chống lại trừng phạt của phương
Tây. Kết quả là 34 hiệp định đối tác chiến lược được ký kết chỉ trong
vòng một năm giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Nhưng các tác giả cảnh báo, nếu
nước Nga lao vào một cuộc xung đột với Mỹ, thì chỉ trở thành một kẻ a
tòng yếu đuối của Trung Quốc: quá bạc nhược về kinh tế và dân số để có
thể chống lại sự thống trị của Bắc Kinh.
Một đợt tấn công tin học
quy mô mới đây vào các mạng lưới dân sự và quân sự Mỹ cho thấy sự hung
hăng cực độ của các hacker, mà phía Mỹ nhận dạng là Trung Quốc. Vì sao
số liệu về lương hưu của gần 4 triệu công chức Mỹ lại bị cướp đoạt?
Singer lý giải: « Đó là một ví dụ cổ điển về tính toán chiến lược.
Tích lũy các dữ liệu cần thiết hôm nay, để khai thác khi xung đột trong 5
hay 10 năm tới ».
Chương trình chiến đấu cơ F35, với số đầu
tư khổng lồ, đã gặp trở ngại do hàng loạt sự chậm trễ và hỏng hóc đáng
kể. August cho rằng : « Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu ý thức được rằng 80% các thành phần điện tử made in China ! ».
Với
giả thuyết tình hình căng thẳng ở Thái Bình Dương sẽ diễn biến xấu đi
thành « chiến tranh nóng », Hoa Kỳ chẳng bao lâu sẽ thiếu hụt các chip
điện tử. Để chinh phục được con rắn bảy đầu Bắc Kinh, Mỹ đành phải huy
động các chiến hạm cũ kỹ lỗi thời từ lâu bị quên lãng, nhưng không hề
hấn trước tin tặc. « Hạm đội ma » thực sự hiện diện.
Hai
tác giả đẩy cuộc đối đầu hai phe Hồi giáo Sunni và Shia xuống hàng thứ
yếu, cho rằng khó thể trở nên toàn cầu hóa như sự đối đầu Mỹ-Trung. Họ
nhận định, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tuy tàn bạo nhưng không thể phá
hoại trên toàn thế giới như trong một cuộc chiến tranh nóng giữa các
siêu cường.
Theo các tác giả, công trình này mang tính thiện chí.
Có thể các lãnh đạo quân sự và chính trị, bắt đầu từ Quốc hội Mỹ vốn
không muốn tăng ngân sách quốc phòng, có thể mở mắt ra trước mối đe dọa
trầm trọng và nghiêm túc chuẩn bị đáp trả. Le Figaro kết luận, trong các
tác phẩm của Tom Clancy, nước Mỹ của siêu gián điệp Jack Ryan luôn là
người chiến thắng ở hồi cuối, nhưng trên thế giới thực tại, thì không
luôn như vậy.
Thị trường xe hơi Trung Quốc không còn là gà đẻ trứng vàng
Trên lãnh vực kinh tế, cụ thể là kỹ nghệ xe hơi, Le Monde nhận xét « Chiếc máy in tiền Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu ». Kinh
tế chậm lại, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, sự cạnh tranh của
các doanh nghiệp trong nước…khiến các tập đoàn sản xuất xe hơi nước
ngoài lo lắng.
Con gà đẻ trứng vàng của kỹ nghệ xe hơi đang biến
mất ? Một điều chắc chắn là Trung Quốc, thị trường hàng đầu thế giới với
23 triệu chiếc xe hơi bán ra năm 2014, đang bị chững hẳn lại. Doanh số
bán của các tập đoàn nước ngoài đều giảm sút.
Cho dù giảm giá
mạnh, các nhà sản xuất vẫn không thể đẩy được hàng tồn. Sự cạnh tranh dữ
dội của các công ty Trung Quốc : tung ra làn sóng xe nhái theo xe địa
hình với giá rẻ, các nhãn hiệu địa phương nhanh chóng chiếm lĩnh thêm
thị phần, cũng là một khó khăn lớn.
Tuy nhiên không ai muốn rời bỏ
thị trường tiềm năng này, với tỉ lệ 1.000 dân mới có 100 xe hơi, và tìm
những phương cách xoay sở khác như Volkswagen giảm nhịp độ xuất xưởng,
Huyndai liên tục giảm giá, giới thiệu các kiểu xe thể thao, còn PSA đưa
ra kế hoạch tiết kiệm.
Bắc Triều Tiên tự hào là cường quốc nguyên tử
Cũng liên quan đến châu Á, thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh nói về vấn đề « Bắc Triều Tiên luôn muốn là địch thủ sở hữu vũ khí nguyên tử đối với phương Tây ».
Bình Nhưỡng cho rằng không có lợi lộc gì khi nối gót Teheran, thương
lượng với các cường quốc phương Tây cho mục tiêu giải trừ chương trình
hạt nhân.
Cho dù bị cô lập, Bắc Triều Tiên vẫn tỏ ra tự hào trước
thành tích ba lần thử hạt nhân thành công trong các năm 2006, 2009,
2013, khẳng định đã là một « cường quốc nguyên tử ». Cuộc
thương lượng sáu bên (hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật
Bản) đã bị bế tắc từ khi chế độ của gia tộc họ Kim rời bàn hội nghị năm
2009. Và gần đây Kim Jong Un khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ « không bao giờ
từ bỏ chương trình không gian, cho dù có bị chống đối như thế nào đi
nữa ».
Ấn Độ vẫn là nước nông thôn nghèo khó
« Mặc cho tăng trưởng, Ấn Độ vẫn là một nước nông thôn nghèo khó ».
Đó là nhận xét của thông tín viên Le Monde tại New Delhi.Tuy bùng nổ
dân số ở các đại đô thị, nhưng ba phần tư dân số Ấn Độ vẫn đang sống tại
vùng nông thôn.
Nông thôn không hề được hưởng lợi, hoặc hưởng lợi
rất ít từ sự cất cánh kinh tế của nước Ấn trong vòng hai mươi năm qua.
Đó là một trong những kết luận của cuộc điều tra rộng rãi về các vấn đề
kinh tế xã hội và giai cấp (SECC) được chính phủ Ấn Độ tiến hành từ năm
2011, trên 243,9 triệu hộ gia đình.
Nhận xét đầu tiên : Ấn Độ vẫn
chủ yếu là nước mà nông thôn chiếm đa số. Gần ba phần tư hộ gia đình
sống ở vùng quê, cho dù dân số tăng nhanh ở các đại đô thị như New
Delhi, Bombay. Có đến 61% gia đình sống thiếu thốn, hoặc vì nhà chỉ có
vỏn vẹn một phòng, hoặc không có người đàn ông nào ở độ tuổi từ 18 đến
59 có thu nhập.Trong 90% hộ nông dân, người thu nhập cao nhất không quá
150 euro mỗi tháng. Nếu Ân Độ muốn trở thành cường quốc kinh tế, thì
không thể làm ngơ trước số phận của những người dân nông thôn.
Một
thông tin đáng ngạc nhiên nữa : chỉ có phân nửa các hộ nông thôn làm
nông nghiệp. Họ mưu sinh bằng những nghề lao động tay chân, lao vào nền
kinh tế không chính thức, không được hưởng phúc lợi xã hội hay các quyền
của người lao động. Chỉ có 1/10 hộ gia đình nông thôn có một thành viên
là người làm công ăn lương.
Bí mật bao trùm MH370 sẽ được hé lộ ?
Màn
bí mật xung quanh chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích
cách đây một năm liệu sẽ được vén lên, với việc tìm thấy một mảng cánh
máy bay Boeing 777 tại đảo Réunion thuộc Pháp hôm qua ? Các báo Les
Echos và Le Figaro đều cho rằng phát hiện này sẽ giúp ích được khá nhiều
cho cuộc điều tra.
Theo Les Echos, mảnh vỡ dài 2 mét vừa tìm thấy
rất có thể là của chiếc MH370, biến mất khỏi màn hình radar từ ngày
08/03/2014 ngoài khơi nước Úc. Mảnh vỡ là một chi tiết lắp đặt ở phía
sau cánh máy bay, giúp kiểm soát các chuyển động của phi cơ, mang số
hiệu 675-BB, phù hợp với cẩm nang bảo trì của Boeing 777.
Khả năng
một mảnh vỡ trôi dạt đến từ khoảng cách 6.000 km, tuy thấp nhưng không
phải là không thể. Chi tiết này là một khối kim loại rỗng nên có thể
trôi trên biển, được bao phủ bởi các vỏ sò hến cho thấy đã trôi dạt khá
lâu. Hướng các luồng hải lưu và hướng gió ở Nam Ấn Độ Dương thổi từ đông
sang tây phù hợp với kịch bản này. Hơn nữa, từ Úc đến đảo Réunion,
không có dải đất nào cản trở.
Nếu giả thiết này được khẳng định,
tuy không giải thích được màn bí mật đang bao trùm lên chuyến bay MH370,
nhưng có thể giúp các nhà điều tra khoanh vùng tìm kiếm, tái thúc đẩy
hoạt động đã bị ngưng lâu nay. Đây là tiến triển quan trọng nhất kể từ
đầu cuộc điều tra đến nay.
Facebook, Syria…Tựa chính báo Pháp
Tựa trang nhất của nhật báo Le Monde hôm nay đề cập đến một mạng xã hội quen thuộc: « Facebook thống trị như một cơ quan truyền thông của thế kỷ 21, đối đầu với Google ».
Với thế mạnh 1,5 tỉ người sử dụng, tập đoàn do Mark Zuckerberg sáng lập
muốn chống lại Google, trở thành nhà vô địch trong lãnh vực video.
Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Ngọn gió hồi phục làm tăng giá cổ phiếu của các công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán », còn tờ báo công giáo La Croix đặt vấn đề giá nhà thuê đắt đỏ ở các thủ đô nổi tiếng châu Âu : « Paris, Luân Đôn, Berlin, làm thế nào để kìm giá thuê nhà ? »
Về tình hình nước Pháp, Le Figaro quan tâm đến việc « Đảng Xã hội đòi hỏi Tổng thống Hollande một ngân sách thiên tả ». Ban lãnh đạo đảng này hôm thứ Hai đã định hướng lại hiệp ước trách nhiệm, dành ưu đãi cho các hộ gia đình và các địa phương.
Libération nhìn sang Trung Đông, chạy tựa : « Syria, một cuộc thánh chiến có thể che giấu một điều khác ». Theo
tờ báo, quân salafiste vừa chiến đấu chống quân chính phủ Assad vừa
chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, cố trình ra một bộ mặt « ôn hòa » để đạt được sự hỗ trợ của phương Tây.
Điểm báoQuốc tếChâu ÁTrung QuốcHoa KỳQuân sựChiến tranhTin tặcdự báoThế chiến
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150731-chuyen-gia-my-the-chien-lan-3-se-nham-chong-trung-quoc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.