Đăng ngày 06-06-2015
Aygul, một thiếu nữ Duy Ngô Nhĩ 28 tuổi đã lén lút
kết hôn, vì không dám nói cho cha mẹ biết người chồng là gốc Hán. Sau
đó khi cô « thú nhận », cha mẹ cô hết sức phẫn nộ. Một năm sau đó gặp
lại ở một nhà ga Bắc Kinh, cha cô vẫn không tiếc lời mắng chửi. Cô thuật
lại rằng ông buộc cô phải chọn lựa giữa cha mẹ hoặc chồng.
Trong
bối cảnh bạo lực và thành kiến ở Tân Cương, các cuộc hôn nhân giữa
người Hán và người Duy Ngô Nhĩ hết sức hiếm hoi và đầy rủi ro.
Tân
Cương là quê hương của hơn một chục triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo
Hồi, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Họ bất mãn trước người Hán, do chế độ cộng
sản Trung Quốc làm mọi cách để hạn chế tự do tín ngưỡng, đàn áp văn hóa
và hạn chế sử dụng ngôn ngữ riêng, khiến một thiểu số người Duy Ngô Nhĩ
trở nên cực đoan và mơ đến một nền độc lập.
Bắc Kinh cố gắng biện
bạch bằng cách khẳng định đã mang đến những tiến bộ và phát triển, bạo
động vẫn bùng phát trở lại và đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái với trên
200 người chết, bị chính quyền quy là do những người Hồi giáo có liên hệ
với nước ngoài.
Báo chí nhà nước gần đây ra sức ca ngợi các cuộc
hôn nhân hiếm hoi giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, với những cặp cô
dâu chú rể cất cao lời ca tụng chế độ, biểu tượng của « đoàn kết dân tộc ». Những từ này xuất hiện cùng khắp trên những áp-phích tuyên truyền tại Tân Cương.
Nhưng những khái niệm này đã vấp phải bức tường của nhiều thế kỷ hoài nghi.
Aygul kể : «
Từ năm 12 tuổi, mẹ tôi luôn nhắc đi nhắc lại ‘Con phải lo tập trung học
tập, không nên chơi với bạn trai người Hán’. Thế nhưng tôi theo học một
trường Hoa ngữ, và đa số bạn bè là người Hán ».
Chồng cô,
Xiaohe, một phiên dịch 30 tuổi là một trong những người Hán hiếm hoi
biết nói tiếng Duy Ngô Nhĩ. Anh không ăn thịt heo để cố gây ấn tượng tốt
đối với cha mẹ vợ tương lai Hồi giáo, gởi đến họ một lá thư dài ba
trang bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, nhưng không kết quả.
Ming, một người
đàn ông Hán khác cưới Ahman, một người Duy Ngô Nhĩ ở Karamay, thành phố
dầu lửa của Tân Cương. Tương tự, lần đầu tiên nói chuyện cha mẹ cô gái
đã bác ngay. Người cha nói : « Nếu anh lấy con gái tôi, tôi sẽ từ mặt nó ».
Ahman kể : « Với việc kết hôn của tôi, cha mẹ tôi cho rằng đã bị mất mặt ». Hồi nhỏ, cô đã từng bị các bạn học Duy Ngô Nhĩ tấn công vì chơi với một bạn trai Hán.
Các
cuộc hôn nhân hợp chủng này có khả năng diễn ra đối với những người Duy
Ngô Nhĩ khá giả và có bằng cấp, thường theo học bằng tiếng Hoa ở trường
và sau đó đi khỏi Tân Cương để học lên đại học. Đôi khi cũng có một số
trường hợp ở cộng đồng nông dân Duy Ngô Nhĩ rất đoàn kết, chỉ có một số
người Hán ít ỏi hội nhập được và nói được tiếng địa phương.
Bà
Joanne Smith Finley, chuyên gia về văn hóa Duy Ngô Nhĩ ở trường đại học
Newcastle, Anh giải thích với AFP : « Lý do hàng đầu của việc cấm kỵ gặp
gỡ và kết hôn khác chủng tộc, là ngay chính bản thân xung đột chủng
tộc. Một người Hán lấy vợ Duy Ngô Nhĩ được coi như tượng trưng cho việc
xâm lăng ».
Bà nói thêm : « Trung Quốc chiếm hữu tất cả từ dầu
lửa, khí đốt, vàng, cẩm thạch, khiến cư dân địa phương phải sống vất
vả. Họ nghèo đi, không còn tiếng nói trong xã hội Tân Cương. Thế nên khi
một người đàn ông Trung Quốc cưới một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, người dân địa
phương coi đây là một sự diễn dịch cụ thể những gì Nhà nước Trung Quốc
đã làm trên quê hương người Duy Ngô Nhĩ ».
Trong số 56 sắc
tộc được chính thức công nhận tại Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ có tỉ lệ
hôn nhân dị chủng thấp nhất : chỉ có 1%, theo nhà nghiên cứu Li
Xiaoxia, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Tân Cương, sau khi phân tích kết
quả điều tra dân số năm 2000. Còn hôn nhân giữa người Duy Ngô Nhĩ và
người Hán, tỉ lệ này lại còn thấp hơn : 0,6%.
Bà Li cho rằng : «
Chủ yếu là do khác biệt lớn lao về văn hóa và ngôn ngữ. Những dữ liệu
gần đây nhất cũng không mấy khác. Người ta có khuynh hướng tạo quan hệ
với người cùng chủng tộc ».
Người Hồi, tức người Hoa theo đạo
Hồi và nói cùng ngôn ngữ với người Hán có tỉ lệ hôn nhân dị chủng cao
gấp 13 lần người Duy Ngô Nhĩ.
Phản ứng kỳ thị chủng tộc của cha mẹ
Ming điển hình cho cách nhìn của nhiều người Hán đối với người Duy Ngô
Nhĩ. Người đàn ông là cán bộ quản lý một công ty quốc doanh kể lại: «
Cha mẹ tôi nghĩ rằng tất cả những người Duy Ngô Nhĩ đều là dân móc túi,
hoặc những kẻ thường xuyên lừa đảo ». Còn cha mẹ Xiaohe gốc ở Hà Bắc
(Hebei) thì chừng mực hơn. « Ban đầu, hai ông bà cho là kỳ quặc ; nhưng
khi biết Aygul tốt nghiệp trường đại học Bắc Kinh, cha mẹ nói với tôi
‘Vợ con thông minh quá, tốt lắm !’ ».
Tại Hotan ở trung tâm Tân Cương, hố sâu ngăn cách hầu như không thể vượt qua. Một chủ nhà hàng Duy Ngô Nhĩ, Mehmet Omar nói :
« Tôi không bao giờ để cho con trai tôi cưới một người Hán, trừ phi cô
ta chịu cải đạo sang Hồi giáo và trở thành một người thật ngoan đạo ». Tương tự về phía người Hán, Xing Yongzhen, tài xế taxi cho biết : « Tôi sẽ chỉ cưới phụ nữ Hán, chứ nếu lấy mấy cô Duy Ngô Nhĩ, vợ chồng không bao giờ có thể ăn chung với nhau », vì thịt heo là món người Hoa rất ưa thích.
Ahman,
Ming, Aygul và Xiaohe tham gia một nhóm thảo luận trên internet giữa
các cặp vợ chồng dị chủng. Họ đòi hỏi phải được ẩn danh, vì sống ở Bắc
Kinh. Xiaohe khẳng định : « Chúng tôi không thể chung sống cùng nhau ở Tân Cương, vì áp lực xã hội quá mạnh ».
Châu ÁTrung QuốcTân CươngDuy Ngô NhĩHồi giáoHôn nhânXã hộiXung độtChủng tộc
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150606-trung-quoc-thu-thach-gian-nan-cua-cac-romeo-va-juliette-tan-cuong/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.