dimanche 9 septembre 2012

Thủy điện Sông Tranh 2: Động đất liên tục, người dân lo sợ muốn tản cư

Bài đăng : Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 09 Tháng Chín 2012 
Hôm nay, 09/09/2012, tại khu vực thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam lại liên tục xảy ra hai vụ rung chấn mạnh có kèm theo tiếng nổ. Như vậy từ tối 03/09 đến nay, đã có ít nhất 12 vụ động đất tại khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh 2. Người dân tại chỗ hết sức lo sợ, nhiều người mong muốn được tản cư.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, một người dân Bắc Trà My đã cho biết chi tiết như sau :

Một người dân Bắc Trà My - 09/09/2012
09/09/2012
Tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 ở Trà My, đến giờ phút này – chiều hôm nay – thì các ban ngành như ngành quân sự, tức là Bộ Tư lệnh Quân khu 5, rồi kể cả các nhà khoa học, cũng lên đây. Sáng nay thì cũng có động đất nhưng mà nhẹ chứ không nặng, không có lớn như mấy bữa 4,2 độ Richter vừa rồi, nói chung là có chấn động đấy. 

Bà con họ rất hoang mang. Nhà nào mà cấp 4 thì cũng bị rung rồi nứt, chứ còn chưa có ảnh hưởng gì tới cuộc sống hay là tính mạng, đe dọa này khác. Nhưng mà về mặt tư tưởng đối với dân thì họ sợ, hoang mang, kể cả cấp lãnh đạo của huyện cũng đang rất lo, lo lắm ! Họ cũng đang đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, tìm mọi biện pháp. 

Chứ còn như thế này thì đối với dân, thực sự mà nói, ví dụ như một hai lần họ còn chịu được, nhưng mà đây đã quá nhiều lần ! Tức là từ bữa đó đến nay đã có 42, 43 rung chuyển rồi. Như thế thì không biết về lâu dài sẽ như thế nào. 

Các nhà khoa học trả lời vẫn bảo đảm an toàn. Nhưng mà theo tôi, cái đập chính sẽ không thể vỡ, nhưng mà ngược lại, bên phải và bên trái, giữa kết cấu bê-tông với đất, thì chuyện đó sẽ xảy ra. Tức là hai cánh sẽ bị phá vỡ, cánh đi lên dòng sông thì bên phải, nhưng mà bên trái sẽ sụp xuống, kéo lại bên phải, bởi vì kết cấu vô mà - để gãy bê-tông là rất khó, lẽ dĩ nhiên là nó có nứt nẻ nhưng sẽ xảy ra như thế.

RFI : Các vụ động đất diễn ra như thế nào ?

Tức là nó rung chuyển, cả vùng đều bị rung chuyển, nhà cửa thì có thể mình để ly nước hay vật gì khác trên bàn rung hết, bị đổ ngã.

RFI : Mỗi lần như vậy người dân có chạy ra khỏi nhà không ?

Chạy chớ sao không chạy ! Bà con cứ chực chạy chứ đâu có dám ở đó, nghe rung cái là chạy ra khỏi nhà liền chớ. Nói chung đa số người dân hiện nay là tư tưởng hoang mang. Bà con rất, rất hoang mang về việc này. Nếu thủy điện tích nước nó sẽ xảy ra nữa. 

Bởi vì sao ? Nếu động đất, nó sẽ phá vỡ cái « cánh gà » của đập, tức là hai bên. Vì hai bên đập vô trong núi, việc sạt lở sẽ xảy ra. Nhất là bên tây, hiện nay gọi là đường DT616, nếu mà có động đất hay là lũ chặn dòng lớn ; có lũ, có mưa hai ngày đến ba ngày thì nước sẽ bung theo đường đó. Nước sẽ không phá vỡ đập, nhưng phá vỡ cái vai của đập.

Đường DT616 là đường đi lên trên ngọn sông, đất bên trái là đất rất yếu. Nó đã nứt rồi, vì là đất đã có nước sình ra từ hồi xưa tới giờ rồi, nhưng mà mỗi lần thì lại bị trục đất, vì đất rất yếu. Nói chung là không bảo đảm được nếu sự cố xảy ra - tức là động đất. Đập thì không vỡ, nhưng giữa vai đập vô trong đất liền sẽ vỡ. Điều đó là chắc chắn.

RFI : Nếu vai đập vỡ như ông nói thì sẽ có ảnh hưởng gì ?

Nếu mà đập vỡ thực sự, nói chung là sinh mạng con người thì ít nhất cũng thiệt hại, ảnh hưởng cỡ sáu, bảy trăm nghìn người. Nhất là toàn bộ hạ lưu sẽ bị hết, nó cuốn chiếu mấy huyện luôn. Dân số ở dọc sông hiện nay sẽ bị cuốn trôi hết. Đó là tính mạng, chứ chưa nói tài sản, của cải.

Bởi vì cao trình của nó tới 195 m, mức lũ bình thường lúc chưa làm thủy điện. Chỉ cần lũ một ngày thôi là ở dưới đã thiệt hại biết bao nhiêu rồi, huống chi cái này nếu bị vỡ đi nó sẽ phá kể cả đập thủy điện Sông Tranh 3 nữa.

RFI : Như vậy đồng bào sống xung quanh có nghĩ tới chuyện di cư đi nơi khác không thưa ông?

Thì cũng đang tính. Hiện nay di cư là di cư tự do. Sáng nay bên quân đội họ đã tới tính toán để di cư dân. Bên quân đội đã khảo sát, xem xét địa hình để di tản dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng mà quyết định ngày nào thì chưa. Quyết định của ai thì chưa, chủ trương di cư thì chưa, nhưng hiện nay thì như thế. Còn riêng địa phương, đối với huyện thì họ muốn để di cư dân.

RFI : Trước tình hình bất an như vậy thì người dân cũng như chính quyền địa phương có ý định kiến nghị cho ngưng kế hoạch đập thủy điện Sông Tranh 2 không ?

Hiện nay chính quyền địa phương họ vẫn đề nghị là thứ nhất, phải bảo đảm an toàn đối với sinh mạng nhân dân địa phương, thứ hai là phải ổn định cuộc sống cho dân. Chứ còn để cho dân hoang mang này khác, nó sẽ ảnh hưởng cả về mặt chính trị rồi kinh tế của dân, nhứt là về mặt kinh tế. Dân bây giờ không có tư tưởng làm ăn gì thì làm sao.

Đó là cái điều hiện nay đang trăn trở về khó khăn của địa phương. Mà địa phương thì với tầm tay không được, đang đề nghị cấp trên thôi. Kể cả EVN, tập đoàn nước ngoài họ cũng khẳng định là bảo đảm được, không có gì. Nhưng mà về mặt tư tưởng, họ nói vậy nhưng dân thì đang hoang mang lắm, kể cả cấp lãnh đạo huyện thì họ rất hoang mang về chuyện này.

RFI : Xin rất cảm ơn ông.

tags: Thủy điện - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120909-thuy-dien-song-tranh-2-dong-dat-lien-tuc-nguoi-dan-lo-so-muon-tan-cu 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.