Đăng ngày:
Không hẹn mà nên, tình hình Ukraina và đặc biệt trận đánh Donbass là trung tâm chú ý của nhiều báo Pháp hôm nay 02/05/2022. Libération chạy tựa trang nhất « Donbass ở trung tâm gọng kềm Nga ». Ảnh bìa của Le Figaro cho thấy thành phố hoang tàn với dòng tít lớn « Ở giữa Donbass đổ nát ». La Croix đăng hình một linh mục bên cạnh hai chiếc quan tài và những huyệt mộ mới đào, nhấn mạnh « Ukraina, điều tra không chậm trễ », Le Monde chú ý đến « Ukraina, cam kết quy mô của Mỹ ».
Putin tuyệt vọng tìm kiếm một chiến thắng
Bài xã luận của Libération bắt đầu bằng một câu theo kiểu lời rao « tìm bạn bốn phương »: « Lứa tuổi 60, tuyệt vọng tìm kiếm một hình ảnh chiến thắng cho ngày lễ 9 tháng Năm ». Từ hơn hai tuần qua, đội quân của Vladimir Putin cố gắng đặt Donbass vào thế gọng kềm, trên một chiến tuyến dài 400 kilomet.
Một phần vùng này đã bị quân ly khai kiểm soát và Kremlin muốn lá cờ Nga phấp phới trên phần đất còn lại, để có thể trình "chiến thắng" trước nhân dân. Đặc phái viên Libération nhận thấy sự ác liệt của những trận đánh và sự kiên cường của quân kháng chiến Ukraina, dù bị hết trận oanh kích này đến trận oanh kích khác, hết người này đến người kia ngã xuống. Một tình nguyện viên đi thu nhặt xác quân nhân Ukraina tử trận ở Barvinkova giải thích với nhà báo Pháp, khó khăn nhất không phải là trên trận địa, mà là khi mang tử sĩ về với gia đình. Thực tế giản đơn và đau buồn này nhắc nhở, chính người Ukraina mới có thể quyết định buông súng hay tiếp tục bảo vệ Donbass.
Quá nhiều chính khách phương Tây cho rằng tổng thống Volodymyr Zelensky nên nhường vùng Donbass để tránh Putin có những hành động khó lường. Nhưng ngược lại, áp lực từ tâm trạng sợ hãi có thể thúc đẩy Putin tiếp tục tác phẩm tử thần của ông ta. Điện đàm với đồng nhiệm Ukraina vào cuối tuần vừa qua, tổng thống Emmanuel Macron đã tái khẳng định sẽ « hành động tích cực trong nhiệm kỳ hai để tái lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ». Chữ « tích cực » khiến người dân Ukraina càng thêm trông đợi, khi họ đang thất vọng trước một sự cam kết quân sự quá dè dặt từ Pháp, và 9 tháng Năm có thể là giới hạn đối với nhiều người.
« Diệt chủng » người Nga ? Ngay trong chiến hào Ukraina cũng nghe tiếng Nga
Những chiếc xe tăng được rờ-moọc kéo, xe tải và xe chở học sinh chất đầy quân nhân, những khẩu pháo, xe bọc thép, xe bồn chở xăng…Đó là cảnh tượng được đặc phái viên Libération chứng kiến từ cuối tuần qua trên con đường nối phía bắc Donbass với phần còn lại, cho thấy quân Ukraina được tăng viện khá nhiều.
Đặc phái viên Le Monde tại Donbass ghi nhận, những người dân chạy loạn thường có cùng một câu hỏi : « Putin muốn giải phóng tôi khỏi điều gì ? Khỏi căn nhà, người thân, công việc, cuộc sống của tôi hay sao ? ». Dân Donbass đã ồ ạt dồn phiếu cho một tổng thống gốc Do Thái là Volodymyr Zelensky, trong khi dân Nga chỉ được mỗi một lần bầu cử tự do từ 20 năm qua. Cực hữu chỉ chiếm được 1% trong cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina, tiếng Nga được nghe trên đường phố, tại các cửa hàng, ngay cả trong các chiến hào Donbass : đa số dân đều nói được hai thứ tiếng.
Về cuộc di tản vất vả của những người sống sót ở Mariupol, phóng sự của Le Monde từ Narva (Estonia) ghi lại lời kể của nhiều nhân chứng cho biết họ đã bị quân Nga khám xét kỹ lưỡng. Có những người phải cởi quần áo để xem có dấu vết xăm mình hay không, sim điện thoại dù đã xóa dữ liệu cũng được phục hồi để truy tìm mối liên hệ với lực lượng dân phòng Ukraina. Một số bị đưa thẳng sang Nga và làm việc tại các nông trại như một kiểu cưỡng bức lao động.
Bước ngoặt cuộc chiến
Le Monde nhận định « Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã thay đổi tính chất ». Hơn hai tháng sau khi Vladimir Putin tung quân vào Ukraina, một đất nước có chủ quyền, bản thân cuộc chiến đã có những diễn biến không như ý đồ của ông ta. Bằng chứng là loan báo của tổng thống Mỹ hôm 28/04 viện trợ quân sự ồ ạt 20 tỉ đô la cho Ukraina, một sự leo thang ngoạn mục sau khi các trừng phạt ban đầu cho thấy những hạn chế.
Ngày 24/02, người ta sửng sốt và nghĩ rằng quân đội Ukraina sẽ nhanh chóng tan rã. Sau đó lại ngạc nhiên trước sự chiến đấu kiên cường và hiệu quả của Ukraina, những sai lầm của một kẻ thù vượt trội về quân số và vũ khí. Thất bại của cuộc tấn công thủ đô Kiev, cuộc rút lui thảm hại về Donbass tiếp theo đó đã tiết lộ tầm mức nạn giết người bừa bãi của một quân đội Nga đã bình thường hóa tội ác chiến tranh.
Hy vọng ngưng bắn thậm chí đình chiến trở thành ảo tưởng. Đối với Ukraina, cái giá khổng lồ mà các chiến binh và thường dân đã phải trả khiến giờ đây không phải là lúc nhượng bộ để tránh điều tệ hại nhất, mà là một chiến thắng vốn không thể nghĩ đến cách đó vài tuần, và vũ khí hạng nặng của phương Tây là cấp thiết. Với Nga, thất bại nhục nhã mà hình ảnh soái hạm Moskva chìm xuống đáy Hắc Hải là biểu tượng, khiến Vladimir Putin không thể hạ thấp mục tiêu. Không có chiến thắng nào đáng kể cho phép ông ta khoe khoang thắng lợi để kết thúc « chiến dịch đặc biệt ».
Phương Tây ngày càng hỗ trợ mạnh mẽ Ukraina
Những nước phương Tây ủng hộ Ukraina bị cuốn vào vòng xoáy này, mà trường hợp ngoạn mục nhất là Đức, kẻ nhút nhát số một. Cuối tháng Giêng, Berlin chỉ gởi cho...5.000 nón sắt. Đến 26/04, Berlin chấp nhận cung cấp chiến xa Gepard, và hai ngày sau Quốc hội Đức nhất trí bật đèn xanh cho việc viện trợ vũ khí nặng. Hoa Kỳ vốn từ hơn một thập niên cố gắng rút chân khỏi châu Âu để tập trung đối phó với Trung Quốc, nay đã thay đổi. Washington ủng hộ mạnh mẽ Kiev, tin rằng nay đi theo chiều hướng lịch sử, sau những thất bại ở Afghanistan và Irak.
Dù vậy, khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói thẳng mục đích « làm cho Nga yếu đi », các nước châu Âu vẫn thận trọng. Căng thẳng về khí đốt, rồi những vụ nổ đáng ngờ ở Transnistria, vùng đất ly khai thân Nga của Moldova gây lo ngại, và Nga lại còn pháo kích vào thủ đô Kiev trong lúc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang ghé thăm hôm 28/04.
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Derek Chollet, cố vấn bộ Ngoại giao Mỹ, dẫn lời thủ tướng Ukraina Denys Chmyhal khi thăm Washington : « Nếu Nga ngưng chiến đấu, sẽ là hồi kết của chiến tranh. Nếu Ukraina ngưng chiến đấu, sẽ là hồi kết của Ukraina ». Ông khẳng định sự hỗ trợ của Washington là lâu dài. Theo ông, Nga đã thất bại trên tất cả mục tiêu chiến lược : lật đổ chính quyền Kiev, kiểm soát toàn bộ Ukraina, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ với châu Âu, làm NATO yếu đi…
Nguyên tử : Putin đùa với lửa
Les Echos lo âu trước việc « Nga đùa với ngọn lửa nguyên tử »: Vladimir Putin sẽ còn đi xa đến đâu trong cuộc xâm lăng Ukraina ? Hơn 60 ngày sau khi khởi đầu cuộc chiến, ít ai dám đưa ra lời đáp cho câu hỏi trên. Nhưng có một điều chắc chắn là tổng thống Nga chừng như sẵn sàng làm mọi thứ. Sau khi khóa van khí đốt với Ba Lan và Bulgari, hai thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU) và NATO, nay Putin đe dọa các nước phương Tây chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Kiev là sẽ dùng đến hỏa tiễn thế hệ mới nhất, mà theo ông ta là « bất khả chiến bại ».
Nga là cường quốc nguyên tử đầu tiên phát triển vũ khí siêu thanh tự đổi hướng khi đang bay nên khó thể đánh chặn. Hỏa tiễn này có thể được sử dụng để bắn đi các đầu đạn quy ước với tốc độ siêu nhanh và cụ thể hơn, nhưng cả các đầu đạn nguyên tử. Matxcơva sở hữu nhiều loại hỏa tiễn thế hệ mới có sức tàn phá khủng khiếp. Trong số đó có Kinjal (Dao găm) đạt tốc độ Mach 10, tức 12.000 km/h, đánh được các mục tiêu cách xa 2.000 km, đã được trang bị cho Mig-31 và được dùng đến lần đầu tiên hôm 18/03 tại Ukraina. Hỏa tiễn Avangard đạt Mach 27 (33.000 km/h) và nhất là có thể đổi hướng và độ cao lúc đang bay rất nhanh. Loại Zircon có vận tốc nhanh gấp 8 lần âm thanh năm nay được trang bị cho chiến hạm và tàu ngầm Nga.
Gần đây nhất là hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa thế hệ thứ năm RS-28 Sarmat, được mệnh danh là « Satan 2 » có thể phá hủy một lãnh thổ rộng bằng Texas hay nước Pháp, mà theo Vladimir Putin hồi năm 2019 là tấn công được những mục tiêu « từ Bắc cực đến Nam cực ». Giám đốc CIA William Burns nhận định, Putin đang thất vọng trước những thất bại quân sự, không thể coi nhẹ mối đe dọa nguyên tử. Pavel Baev, giáo sư Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo từ 2019 đã cho rằng, ngoài Ukraina, « đầu tư ồ ạt và liên tục của Nga cho việc hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử đặt ra vấn đề về ổn định chiến lược », là « mối đe dọa lớn cho các láng giềng châu Âu ».
Tội ác chiến tranh : Tư pháp quốc tế chưa bao giờ nhanh chóng đến thế
Trước mắt, về các tội ác chiến tranh tại Ukraina, một tháng sau khi phát hiện những xác thường dân đầu tiên ở Bucha, khoảng vài trăm nhà điều tra đang nỗ lực thu thập các bằng chứng. Một tháng sau khi Bucha được giải phóng khỏi quân Nga, những túi đựng xác màu trắng ngày nào cũng được cảnh sát chuyển đến nhà vĩnh biệt của địa phương bằng xe lạnh.
Những nạn nhân này được phát hiện khi người dân Bucha chạy loạn trở về. Tại nhà hay trong vườn, họ tìm thấy những đầu đạn chưa nổ và đôi khi là những xác chết. Số khác được khai quật từ sân chung của các khu nhà ở hay công viên, do người dân còn ở lại trong thời kỳ chiếm đóng chôn tạm. Giám đốc cảnh sát Kiev và vùng phụ cận Andrii Nebyto cho biết chỉ riêng trong vùng đã có 1.150 thi thể. Cuộc điều tra tập trung vào ba khu vực Bucha, Vychgorod và Brovary, trong 50 đến 75% trường hợp, các nạn nhân bị bắn chết. Ukraina cần giúp đỡ từ nhân lực (điều tra viên, cảnh sát hình sự, cố vấn) cho đến kỹ thuật (lưu trữ an toàn các bằng chứng, bảo mật đường dây liên lạc).
La Croix nhận định tư pháp quốc tế chưa bao giờ huy động nhanh chóng đến thế, chỉ hai tháng sau khi cuộc chiến được khởi động, để một ngày nào đó trừng trị được những thủ phạm. Chính phủ Kiev, Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) và nhiều tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc. Tổng cộng mấy trăm điều tra viên làm việc tại Kiev và 8.000 trên cả nước. Mỗi thi thể được tìm thấy, họ tìm hiểu nguyên nhân cái chết, thủ phạm là ai, với sự giúp đỡ của pháp y và các chuyên gia đạn đạo, video giám sát và có khi là cả các nhân chứng. Riêng Paris đã điều đến Bucha 18 chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tội phạm của Hiến binh Pháp (IRCGN), với những thiết bị chuyên môn.
Người chết không thể sống lại, nhưng công lý phải được thực thi
Dù không một phiên tòa nào, ngay cả phiên xử Vladimir Putin có thể làm cho người chết sống lại, nhưng việc sát hại người dân vô tội không thể không bị trừng trị, đó là điều quan trọng cho người thân của các nạn nhân và cho đất nước họ.
Hồi năm 1942, có ai tin được nghị quyết về tội ác chiến tranh Đức, do tướng De Gaulle đưa ra, đã dẫn đến việc thành lập tòa án quân sự quốc tế Nuremberg ? Cũng không ai nghĩ rằng khi Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ được lập ra năm 1993, tổng thống Slobodan Milosevic, đang ở đỉnh cao quyền lực, sẽ bị xét xử ở La Haye và rốt cuộc chết trong tù. La Croix bày tỏ mong muốn nỗ lực của các nhà điều tra ở Ukraina sẽ khiến những tên tội phạm phải trả lời trước công lý, và công luận gây áp lực tại những nước vẫn còn chưa công nhận thẩm quyền của CPI.
Về phía EU đã hỗ trợ bằng các phương tiện của Eurojust, như chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã long trọng hứa tại Kiev hôm 08/04, sau khi tận mắt chứng kiến hiện trường thảm sát ở Bucha. Cơ quan hợp tác tư pháp đóng ở La Haye có vai trò điều phối và bảo quản các bằng chứng, phối hợp với 11 quốc gia thành viên EU đã khởi kiện và CPI. Eurojust có thể xử lý các hình ảnh, video, âm thanh và cả ảnh vệ tinh, chia sẻ những chứng cứ này với chính quyền các nước và tư pháp quốc tế.
Theo Bruxelles, việc tập trung bằng chứng vào Eurojust có nhiều lợi điểm : các nhà điều tra có thể tham khảo dữ liệu từ những nước khác và tránh trùng lặp, người tị nạn không phải kể đi kể lại những câu chuyện đau lòng. Cơ quan này cũng truy cập được nguồn bằng chứng, tang vật thông qua cổng điện tử « Russia war crime » do Viện Công tố Ukraina thành lập, với sự góp sức của dân chúng. Số dữ liệu phải xử lý là khổng lồ. Trên 8.000 ca được cho là tội ác chiến tranh do phía Nga tiến hành đã được nhận ra kể từ đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.