Nhân chuyện sư Minh Tuệ đi Ấn Độ, nhiều người Việt liên hệ với Đường tăng-Tam Tạng và nói lung tung về "ba đại đệ tử", "81 kiếp nạn".
Đó là những chuyện trong tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân, vốn rất xa với sự thật lịch sử về sư Huyền Trang, là một cao tăng Trung Quốc, một trong những dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Danh hiệu Tam Tạng được giới tăng sĩ tôn xưng để tôn vinh ông là người tinh thông cả Tam tạng trong Kinh điển Phật giáo.
Ông cũng không phải đi "thỉnh kinh" và được vua Đường (và bà Quan âm) ủng hộ. Mà do tư chất thông minh đỉnh ngộ, ông cho rằng các dẫn giải về Phật giáo thời đó tại Trung Quốc có thể lệch lạc với tư tưởng Phật giáo chính tông, nên quyết qua Ấn Độ tìm hiểu dù vua Đường cấm đi.
Ông cũng chỉ đi hết một năm để đến Ấn Độ chớ không phải 14 năm, và không có ai là Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh.
Huyền Trang ở lại Ấn Độ nhiều năm để học tập với những vị thầy danh tiếng nhất, chiêm bái các thánh tích, tham gia vào các cuộc tranh luận với tất cả những đối thủ và trở nên nổi tiếng là một nhà tranh luận cứng rắn.
Sau một loạt tranh luận với hai đại diện của Trung quán tông (môn đệ kế thừa quan điểm Long Thụ), Sư viết một bài luận giải bằng tiếng Phạn với ba ngàn câu kệ nói về "Điểm không khác biệt giữa Trung quán và Duy thức" mà ngày nay không còn. Sau khi hứa với Giới Hiền, thầy dạy của Sư tại đại học Na-lan-đà (trung tâm tu học Phật pháp thời bấy giờ) là sẽ trình bày lý luận của Trần-na tại Trung Quốc, Sư trở về quê hương với hơn 600 bộ kinh luận viết bằng tiếng Phạn.
Sau khi về nước, ông được vua Đường trọng dụng và theo ý nhà vua, ông đã viết cuốn Đại Đường Tây Vực ký – tác phẩm hiện vẫn còn và là nguồn tài liệu vô song về địa lý, xã hội và tập quán của vùng Trung Á và Ấn Độ thế kỷ thứ VII.
Tư tưởng của ông cực kỳ sâu rộng và chặt chẽ, bám sát các tư tưởng Phật giáo thời Thích Ca. Có thể tóm lược như sau (tất nhiên chỉ ai nghiên cứu hoặc đọc nhiều về tư tưởng Phật giáo mới nắm bắt được):
- Tư tưởng Phật giáo cần lý luận chính xác, nhưng điều này chỉ có ích cho hành giả hướng tới việc rời bỏ lý luận để đạt tới thực tại Vô Ngã Vô Pháp ở giai đoạn tu hành sau cùng;
- Các nội dung siêu hình như Phật tính hay Như Lai tạng chỉ làm méo mó giáo pháp Đức Phật. Nhưng điều này không có nghĩa là Phật tính hay Như Lai tạng là không có thật, mà chỉ có ý nói rằng các nội dung siêu hình (Phật tính hay Như Lai tạng) đó là Bất Khả Tư Nghị (khó thể hiểu rõ);
- Cái được gọi là thực tại cuối cùng như Chân Như hay Vô vi pháp là không thật, chúng chỉ là sự sáng tạo của đầu óc, của văn tự. Nhưng điều đó không có nghĩa là thực tại cuối cùng là không tồn tại (hay nói cách khác nếu đã gọi là thực tại cuối cùng thì nó không những không phải là sự sáng tạo của đầu óc, của văn tự mà còn khó thể hiểu rõ - Bất Khả Tư Nghị);
- Chỉ những gì đang xảy ra và có hiệu ứng lên cảm thụ, cái đó là thật: cái "thật" là ngược lại với cái sai lầm và "danh sắc". Nhưng bản chất của các cảm thụ hay cái "thật" đó vẫn không nằm ngoài tính Không (Sắc tức thị Không) và bản chất của tính Không vẫn không nằm ngoài các cảm thụ hay cái "thật" đó (Không tức thị Sắc);
- Khả năng phát triển tâm linh của mỗi người được thành hình bởi sự phối hợp của những chủng tử có sẵn và những chủng tử sinh ra do kinh nghiệm;
- Không có sự mâu thuẫn giữa giáo pháp Trung quán và Duy thức.
NGUYỄN ĐÌNH BỔN 14.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.